Thế Giới

Nghề an ủi người hấp hối tại Hoa Kỳ

Saturday, 14/07/2018 - 11:20:07

Công việc “death doula” xuất hiện khi thế hệ “baby boomers” (sinh từ năm 1946 đến 1964) bước vào tuổi nghỉ hưu. Trước lượng khách hàng khổng lồ, các bác sĩ và nhân viên viện dưỡng lão nhận ra chỉ chăm sóc thân thể là không đủ. Những người sắp ra đi cũng cần được an ủi tinh thần.


(Amy Wright Glenn /For Phillyvoice)

Được gọi là "sứ giả thân thiện của Thần Chết,” các “death doula” làm dịu nỗi đau về tinh thần, giúp con người ra đi trong yên bình.

Trước khi bước vào một căn phòng, ông Craig Phillips, một “death doula” dừng lại, thở một hơi sâu. "Để bình tĩnh,” người đàn ông 61 tuổi giải thích. "Và để nhớ rằng tôi ở đây vì họ.” Ông Phillips không hề biết ông sẽ gặp ai cho đến lúc mở cửa. Ngày hôm đó, khách hàng của ông là một phụ nữ già nua mặc bộ đồ bệnh nhân màu xanh. Bà nhắm mắt, mở miệng, thở to và khó nhọc. Trên bảng tên người phụ nữ, y tá khoanh một vòng tròn xanh lá cây, ký hiệu cho thấy bệnh nhân đã cận kề cái chết.

Tiến lại bên giường, ông Phillips kéo ghế, ngồi xuống và tự giới thiệu bản thân. Thông qua y tá, ông biết rằng người phụ nữ hấp hối kia chẳng còn ai bên cạnh. "Tôi không trêu chọc bà đâu,” giọng ông Phillips nhẹ nhàng. "Tôi đến vì muốn ở bên cạnh bà.”

Ông Phillips là một “death doula.” Từ "doula" xuất phát từ danh từ chỉ những bà đỡ, nhưng thay vì đón sinh linh mới ra đời, “death doula” tiễn đưa linh hồn về nơi chín suối. Bằng sự hiện diện của mình, họ xoa dịu nỗi đau tinh thần, giúp chuyến đi sang thế giới bên kia trở nên dễ dàng, bình yên hơn, đồng thời hỗ trợ các gia đình vượt qua mất mát. Vì vậy, đôi khi “death doula” được gọi là sứ giả thân thiện của Thần Chết. Ngoài ông Phillips, còn rất nhiều “death doula” khác làm việc trên khắp Hoa Kỳ.

Công việc “death doula” xuất hiện khi thế hệ “baby boomers” (sinh từ năm 1946 đến 1964) bước vào tuổi nghỉ hưu. Trước lượng khách hàng khổng lồ, các bác sĩ và nhân viên viện dưỡng lão nhận ra chỉ chăm sóc thân thể là không đủ. Những người sắp ra đi cũng cần được an ủi tinh thần.

Để làm việc, các “death doula” cần học một khóa học do những tổ chức như Hiệp hội Hỗ Trợ Cuối Đời Quốc Tế (INELDA) cung cấp, với mức phí khoảng $600 Mỹ kim. Tại đây, họ học từ cách giao tiếp với người hấp hối, thời điểm sử dụng phương pháp tinh dầu, đến cách đối phó với phút lâm chung.

Ông Henry Fersko-Weiss, chủ tịch INELDA, cho biết “death doula” phải đáp ứng nhiều vai trò, từ chăm sóc thể chất bệnh nhân đến chạy việc vặt cho gia đình họ. Trong mọi trường hợp, “death doula” phải lắng nghe, tôn trọng, không phán xét, đồng thời tạo điều kiện giúp thổ lộ tâm tư giữa bệnh nhân và người thân. "Điều quan trọng là khuyến khích họ nói ra tất cả những điều cần nói,” ông Fersko-Weiss giải thích. "Như vậy, họ sẽ không hối hận mỗi khi nhìn lại.”

Mỗi “death doula” đều có một lý do riêng để trở thành sứ giả thân thiện của Thần Chết. Trường hợp của ông Phillips, ông chọn công việc này nhờ nhận thức mạnh về cái chết liên quan đến người anh rể bị chứng teo cơ ALS. "Tôi mang hoa, kể chuyện và massage chân anh ấy, tôi cảm thấy việc đó rất tốt,” ông Phillips nói.

Giờ đây, ông Phillips dành phần lớn thời gian làm “death doula.” Với bệnh nhân tỉnh táo, ông mang theo trò chơi điện tử hoặc băng đĩa. Với bệnh nhân hôn mê (chiếm đa số), ông ngồi thiền, gởi lời chúc phúc và trấn an rằng họ không hề cô đơn. Có lần, một cụ già mất khả năng nói đã mấp máy hai chữ "cảm ơn" và nắm tay ông Phillips, sau khi ông cùng bà suốt 3 tiếng.

Dù vậy, công việc “death doula” cũng đưa đến tác dụng phụ. Nó khiến ông Phillips nhận thức rõ hơn về cái chết phía trước. Nhưng điều đó, sau cùng, lại là điều tốt. "Nhờ vậy, tôi mới biết quý trọng cuộc sống từng ngày, từng phút,” ông Phillips nói.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT