Phóng Sự

Nghề dạy trẻ mầm non và dạy kèm sau giờ học (kỳ 2)

Monday, 17/11/2014 - 08:24:10

Phương pháp dạy dựa trên thuyết Trí Thông Minh Đa Dạng của Tiến sĩ Howard Gardner (sinh ngày 11- 7- 1943 ở Scranton, Pennylvania)

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo dục ở Hoa Kỳ được xem là một trong những nền giáo dục hiện đại nhất thế giới. Những điểm nổi bật trong chương trình giáo dục mầm non (preschool, Pre-K) tại Hoa Kỳ là hướng đến những tác động lâu dài, tạo bệ phóng thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt và thành công của trẻ sau này và cho cả tương lai trong học đường của trẻ khi trưởng thành. Nhằm mục tiêu phát triển tối đa khả năng tư duy độc lập, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo cũng như khả năng hợp tác và trình bày ý tưởng của trẻ. Đây là những tố chất cần thiết cho sự thành công của trẻ trong tương lai nói chung và phát triển các tố chất lãnh đạo nói riêng. Đây cũng chính là những điểm làm nên sự khác biệt của chương trình Mầm non phẩm chất cao tại Hoa Kỳ.

Lớp dành cho các em tuổi Preschool của trường Mission Montessori School ở Oceanside. (Hình: Denise Nguyễn)




Để cung cấp một chương trình giáo dục mầm non phẩm chất cao, điều cốt yếu là thực hiện mô hình chương trình dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học. Trong quá trình thực hiện loạt bài này, người viết đã được các giáo viên gốc Việt dạy các em tuổi mầm non, mẫu giáo chia sẻ những hiểu biết của họ về các mô hình chương trình dạy cho lứa tuổi này trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng, đã được đánh giá cao bởi những chương trình nghiên cứu khoa học, để phần nào giúp giải đáp những băn khoăn thắc mắc về môi trường học tập và phát triển tốt nhất cho bé yêu của các quý vị phụ huynh.

Những phương pháp thường áp dụng trong chương trình dạy trẻ mầm non

Nếu tại Việt Nam, các trường mầm non thường sẽ phải theo chương trình Giáo Dục Mầm Non của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam. Còn tại Hoa Kỳ, những trường mầm non được mở ra có giấy phép, sẽ theo những chương trình dạy đã được biên soạn theo một số phương pháp, như dựa trên học thuyết “Trí Thông Minh Đa Dạng” của Tiến sĩ Howard Gardner, hoặc tiếp cận dự án (Project Approach) của Lilian Katz, cách lên kế hoạch - Làm - Đánh giá của chương trình High Scope, cách tiếp cận Reggio Emilia, và chương trình Montessori.
Trong đó, Montessori được xem là một mô hình giáo dục mầm non nổi tiếng trên thế giới khoảng một trăm năm nay, rất được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê năm 2006 của trang mạng www.theguardian.com/uk, trên thế giới có khoảng 22,000 trường Montessori trong đó Hoa Kỳ có hơn 5,000 trường Montessori,Vương quốc Anh có hơn 750 trường Montessori, và có rất nhiều trường quốc tế Montessori tại các nước Châu Âu
Phương pháp dạy dựa trên thuyết Trí Thông Minh Đa Dạng của Tiến sĩ Howard Gardner (sinh ngày 11- 7- 1943 ở Scranton, Pennylvania)
Ông đã hoàn thành giáo dục sau trung học của mình tại đại học Harvard, lấy bằng đại học năm 1965 và bằng tiến sĩ năm 1971). Ông đề cao giáo dục hướng tới cá nhân để có thể phát triển những khả năng tiềm ẩn luôn tồn tại trong mỗi trẻ. Phương pháp này tạo cơ hội cho mọi loại hình trí thông minh của trẻ bộc lộ và phát triển thông qua các loại hình hoạt động nâng cao đa dạng.
Sau khi dành thời gian làm việc với hai nhóm khác nhau: Trẻ em bình thường và có năng khiếu, người lớn nhưng có vấn đề về trí não, Gardner đã bắt đầu phát triển một lý thuyết để tổng hợp lý thuyết và khảo sát của mình. Năm 1983, ông nêu ra lý thuyết về Trí Thông Minh Đa Dạng.
Theo lý thuyết này, người ta có rất nhiều cách khác nhau để học tập. Không giống như cách truyền thống, trí thông minh là duy nhất và chỉ tập trung vào một, Gardner tin rằng mọi người có nhiều cách khác nhau để suy nghĩ và học tập.
Theo tiến sĩ Howard Gardner trẻ bẩm sinh đã có 8 loại trí thông minh bao gồm:
Thông minh ngôn ngữ
Thông minh logic - toán học
Thông minh thể chất
Thông minh về không gian
Thông minh về giao tiếp xã hội
Thông minh nội tâm
Thông minh âm nhạc
Thông minh về tự nhiên
Ông giúp thay đổi cách truyền thống nhìn nhận về việc dạy học và đánh giá năng lực, tiềm năng của trẻ. Không chỉ những bé giỏi toán mới là bé thông minh. Vì trí thông minh đa dạng nên năng lực của trẻ không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ, mà cần đánh giá trí thông minh của trẻ qua nhiều biểu hiện đa dạng khác nhau. Vì trí thông minh đa dạng nên mỗi trẻ xử lý một vấn đề, học hỏi một chủ đề theo cách riêng của mình, tùy thuộc vào loại hình trí thông minh nổi trội của trẻ. Một số trường mầm non chọn ứng dụng thuyết trí thông minh đa dạng của tiến sĩ Howard Gardner, sẽ đưa vào trong thiết kế giáo án và tổ chức giảng dạy nhằm giúp từng cá nhân trẻ phát triển phù hợp theo cách của mình và ngày càng thông minh hơn khi các tố chất tiềm năng của trẻ được kích hoạt và bồi dưỡng trước 3 tuổi, giúp từng cá nhân trẻ tỏa sáng theo cách của mình.

Phương pháp dự án(Project approach) của Lilian Katz (Mỹ)

Tạo cơ hội cho trẻ được trở thành những nhà khoa học ham tìm tòi và khám phá. Sử dụng dạy học theo dự án, trẻ có điều kiện tự đặt ra câu hỏi của mình, tự tiến hành các nghiên cứu, ra quyết định cho các hoạt động hàng ngày của trẻ. Những trải nghiệm học tập như vậy phát triển ở trẻ khả năng tư duy độc lập và kỹ năng học suốt đời, nuôi dưỡng lòng say mê học hỏi của trẻ.
Phương pháp Lên kế hoạch -Làm - Đánh giá (Plan - Do - Review) của chương trình mô hình High Scope (Hoa Kỳ) được xem là một trong những mô hình giáo dục mầm non tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Mô hình này cho phép trẻ được tự khởi xướng kế hoạch khám phá, thực thi và đánh giá việc thực thi kế hoạch dưới dẫn dắt của giáo viên. Phương pháp giáo dục Highscope được phát triển dựa trên niềm tin rằng trẻ xây dựng và “kiến tạo” nên những hiểu biết của chính mình về thế giới. Điều đó có nghĩa việc học không chỉ đơn thuần là quá trình thầy cô cung cấp thông tin cho trẻ. Thay vào đó, trẻ là người học chủ động – khám quá sự vật thông qua những va chạm thực tiễn, trực tiếp với con người, vật thể, sự kiện, ý tưởng. Trẻ học tốt nhất thông qua việc được theo đuổi sở thích riêng của mình đồng thời nhận được sự ủng hộ chủ động và thử thách từ người lớn. Trong lớp học, giáo viên Highscope cũng chủ động và tham gia các hoạt động như học trò. Giáo viên phải luôn để tâm và chú ý đến những vật liệu, dụng cụ cung cấp cho trẻ, những hoạt động đưa ra hay cách nói chuyện với trẻ để vừa có thể khuyến khích và thử thách trẻ. HighScope gọi phương pháp này là phương pháp học tập tham gia chủ động - trong đó giáo viên và trẻ là cộng sự của nhau trong quá trình học tập. Thống kê cho thấy 70% trẻ theo chương trình HighScope, tới năm 5 tuổi sẽ đạt được chỉ số IQ 90+.

Phương pháp Reggio Emilia

Do Loris Malaguzzi (1920-1994) là người sáng lập ra phương pháp này. Phương pháp được phát triển dành cho các chương trình giáo dục và chăm sóc trẻ ở thành thị với các đối tượng dưới 6 tuổi. Cách đòi hỏi giáo viên phải coi trẻ như những người học thuần thục, biết tận dụng tài nguyên, luôn tò mò, giàu trí tưởng tượng và có tiềm năng sáng chế; đồng thời trẻ có một niềm khao khát được tương tác và giao tiếp với người khác.
Giáo viên tùy theo hứng của đứa trẻ và không đưa ra những chỉ dẫn tập trung vào đọc và viết. Phương pháp tiếp cận Reggio có một niềm tin mạnh mẽ rằng trẻ học hỏi thông qua tương tác với những người khác như phụ huynh, giáo viên, và bè bạn trong một môi trường học tập thân thiện.
Phương pháp Reggio cũng coi Thiên nhiên như là người giáo viên thứ 3, giáo viên thứ nhất và thứ hai chính là cha mẹ và thầy cô. Ví dụ khu khoảng không bao quanh trường học có thể khuấy động trí tò mò và sự ham thích của trẻ. Lớp học có sàn lót bằng gỗ và phòng mỹ thuật được trang hoàng bởi những vật liệu thiên nhiên thu thập từ vườn, ví dụ như những cành con, lá khô và nhánh cây. Tường được trang trí bởi những đồ thủ công làm bằng những vật liệu tự nhiên này. Khi trẻ tham gia tiết học về các loại rau và củ, một vài loại đã được hái tươi nguyên từ chính khu vườn sinh vật của trường. Và bởi vì trẻ thắc mắc không hiểu củ khoai tây có nhô lên khỏi mặt đất hay không, tiết học được di chuyển từ trong phòng ra luôn vườn trường

Phương pháp giáo dục Montessori

Đây là phương pháp tôn trọng sự phát triển tự nhiên của cá nhân bé và giáo dục phát triển toàn diện. Trường theo phương pháp này, phải áp dụng những ý tưởng và giáo cụ mà Montessori sáng tạo ra hay đã đạt những tiêu chuẩn thực sự của một chương trình giáo dục Montessori. Phương pháp này do Tiến sĩ Maria Montessori (1879 - 1952) là một nhà giáo dục người Ý đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky.
Khác với giáo dục truyền thống với việc Giáo Viên là trung tâm của phương pháp giáo dục, trẻ đóng vai trò quan trọng nhất của phương pháp giáo dục Montessori.
Trẻ học tập hàng ngày thông qua sinh hoạt, trò chơi, các trải nghiệm được thiết kế và tổ chức có chủ định.
Các bé được đào tạo tính tự lập, tự giác đồng thời xây dựng sự tự tin, lạc quan về cuộc sống hiện tại và tương lai.
Các bé tự rèn luyện để trở thành người sống có trách nhiệm và đồng cảm với bạn bè và con người.
Trẻ có hứng thú giúp đỡ và có các kỹ năng sống.
Trẻ học được tính kiên nhẫn và kiên cường với khó khăn, thử thách.
Bé biết tôn trọng, có danh dự và có kỹ năng thể hiện đúng mực các mong muốn của mình.
Bé luôn được tôn trọng trái ngược với sự giáo dục áp đặt miễn cưỡng trái với tự nhiên làm bé mất đi sự tự tin và chủ động.
Bé có nhận thức thực tế về cuộc sống và được chuẩn bị tốt nhất các kỹ năng cần thiết để bước vào cuộc sống cũng như biết cách vận dụng các kỹ năng này để phát triển năng lực của bản thân.Có đầy đủ các vật dụng, đồ chơi, giáo cụ để bé tự khám phá thế giới và hình thành những hiểu biết cần thiết.
Các bé phân theo nhóm hỗn hợp về lứa tuổi để bé phát triển các kỹ năng sống cơ bản và học hỏi lẫn nhau theo năng lực của từng bé. (bh)
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT