Phóng Sự

Nghề dạy trẻ mầm non và dạy kèm sau giờ học (kỳ 3)

Sunday, 23/11/2014 - 10:26:33

gày nay, phương pháp của bà vẫn tiếp tục được áp dụng khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều ý tưởng của bà là cơ sở cho cách các nhà giáo dục nghĩ về giáo dục trẻ em ngày nay.

Bài BĂNG HUYỀN

Trường mầm non theo phương pháp Montessori

Trường mầm non dùng phương pháp Montessori là một mô hình giáo dục đầu đời đã nổi tiếng trên thế giới một trăm năm nay, được hình thành từ năm 1907 bởi bác sĩ - nhà giáo dục người Ý, Tiến sĩ Maria Montessori (1879 – 1952). Bà đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Năm 1907, khi Maria Montessori 28 tuổi, bà mở trường mầm non đầu tiên ở Rome và đạt được thành công rực rỡ tới mức, chỉ 5 năm sau, ở nước Mỹ phía bên kia đại dương, đã có hàng trăm trường áp dụng phương pháp này của bà, và đã nhanh chóng được phổ biến và thu được thành công vang dội trên khắp thế giới. Ngày nay, phương pháp của bà vẫn tiếp tục được áp dụng khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều ý tưởng của bà là cơ sở cho cách các nhà giáo dục nghĩ về giáo dục trẻ em ngày nay.


Quang cảnh lớp preschool của trường Mission Montessori School (3965 Mission Ave Suites 4&5, Oceanside, CA 92058) do chị Denise Nguyễn làm chủ với những giáo cụ và trang trí theo tiêu chuẩn Montessori. (Hình: Denise Nguyễn)


Mục tiêu giáo dục của Montessori là tạo điều kiện tối đa để trẻ trau dồi niềm đam mê học hỏi, thông qua thực hành thường xuyên để hình thành các kỹ năng và phát triển năng khiếu toàn diện cho từng bé.
Nền tảng của phương pháp Montessori là tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua trực quan sinh động, trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò là “người hướng dẫn,” hỗ trợ và định hướng cho trẻ thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được giao. Sự hướng dẫn này liên quan chặt chẽ đến các phụ huynh trong việc giáo dục con em mình, do đó, mối liên kết giữa giáo viên – các bé – gia đình cần được chú trọng.
Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các mảnh ghép chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng).
Giáo viên dạy chương trình của Montessori được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình – mỗi trò nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.
Ngay tại Hoa Kỳ, những trường Montessori cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Cộng Đồng Montessori Mỹ (AMS) hay Liên Hiệp Montessori Quốc tế (AMI). Đòi hỏi yêu cầu về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục của trường rất cao, chưa kể đội ngũ giáo viên ngoài bằng cấp chuyên môn (đại học) còn phải trải qua chương trình đào tạo và đạt chứng chỉ Montessori của hai tổ chức kể trên.
Yêu cầu về giáo viên của chương trình Montessori rất ngặt nghèo. Ở Hoa Kỳ, ngoài việc phải có bằng đại học (bắt buộc), những người muốn thành giáo viên để làm việc trong các trường Montessori phải tham dự khóa đào tạo một năm bao gồm 10 tuần học lý thuyết, và một năm thực hành dưới sự hướng dẫn của các giáo viên đã có chứng chỉ Montessori. Chi phí cho các khóa học vào khoảng từ $3,000 tới $10,000 Mỹ kim, phụ thuộc vào từng trung tâm đào tạo và chất lượng đào tạo. Hai tổ chức lớn nhất và được công nhận trên phạm vi toàn thế giới là Cộng Đồng Montessori Mỹ (AMS) và Liên Hiệp Montessori Quốc tế (AMI).


Quang cảnh lớp preschool của trường Mission Montessori School (3965 Mission Ave Suites 4&5, Oceanside, CA 92058) do chị Denise Nguyễn làm chủ với những giáo cụ và trang trí theo tiêu chuẩn Montessori. (Hình: Denise Nguyễn)

Chủ nhân gốc Việt của trường mầm non theo phương pháp Montessori

Là một người Việt Nam, chị Denise Nguyễn đến định cư Hoa Kỳ từ năm 1995, khi tuổi đời gần 30, không biết tiếng Anh, phải theo học những lớp ESL trong trường đại học cộng đồng, lại bận bịu với thiên chức làm mẹ với con nhỏ vừa mới sinh, nhưng chính nhờ nghị lực và chịu khó học hỏi, đã giúp chị hội nhập vào đời sống trên quê hương mới và trở thành chủ nhân của trường mầm non Mission Montessori School; 3965 Mission Ave Suites 4&5, Oceanside, CA 92058, đúng với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của phương pháp Montessori, phục vụ cho các học trò người Mỹ.
Tâm sự về việc “sống còn” trước sự cạnh tranh của những trường mầm non khác, chị Denise Nguyễn cho biết: “Vì trường tôi mở ra là một trường nhỏ và do cá nhân mình tự đứng ra làm chủ. Còn những trường khác ở xung quanh đây cũng có trường như của tôi, hoặc những trường với hình thức franchise dây chuyền quy mô hơn mình nhiều. Trong trường hợp của tôi khi mở trường ngay thời điểm kinh tế rất khó khăn, nhiều người thất nghiệp (năm 2009) nên nhu cầu gửi trẻ cũng giảm sút, nhưng tôi đã đứng vững được tới hôm nay là tôi vui rồi.”
Nói về bí quyết để tồn tại, theo chị Denise Nguyễn trường phải cung cấp cho các em nhỏ những dịch vụ chăm sóc, giảng dạy tốt nhất thì tiếng tốt sẽ lan truyền. Nhiều phụ huynh đến với trường vì tìm trên internet và đọc được những bình luận tốt đẹp về trường do các phụ huynh trước đó đã gửi con tại trường khen tặng hoặc được giới thiệu từ đồng nghiệp, bè bạn. Trường của chị hiện tại các em tuổi preschool đã gần đầy (khoảng 42 em, chiếm hơn 70 phần trăm so với giấy phép cấp cho trường), còn các em tuổi Infant/toddler (trường nhận các em từ 2 tuần tuổi) đã đầy (12 em, so với giấy phép được cấp) và nhiều phụ huynh ghi danh để chờ gửi con vào và gọi điện đến trường mỗi ngày. Tôi luôn cố gắng giữ cho ngôi trường mình luôn có những dịch vụ tốt nhất như từ trước đến nay.
Kể về cơ duyên đến với với nghề dạy trẻ, chị Denise Nguyễn tâm sự: “Trước khi đến Hoa Kỳ, tôi đã là giáo viên dạy Toán tại trường trung học Trịnh Hoài Đức 8 năm tại Việt Nam. Vì từng là cô giáo, nên khi nói tiếng Anh tôi luôn sợ nói sai người ta cười, nên rất nhát nói, khi muốn nói câu gì, cứ phải suy nghĩ thật lâu mới nói ra, vì vậy thấy sao mình học hoài mà vẫn cảm giác mình không giỏi được. Khi con tôi được 2 tuổi rưỡi, cần gửi bé đi học, bèn ghi danh cho con học trường Lake Forest Montessori School (Lake Forest) là ngôi trường gần ngay nhà. Do trường cần phụ huynh làm thiện nguyện viên phụ cô giáo trong lớp học, tôi ghi danh làm, với mong muốn vừa được gần con (vì khi ấy vẫn chưa đi làm) và lại có cơ hội thực hành tiếng Anh với các em nhỏ tại trường. Tôi nghĩ, khi nói với các em nhỏ, mình sẽ không mắc cỡ nếu lỡ có nói sai. Hơn nữa làm thiện nguyện giúp cô giáo trong lớp, còn được giảm 30 phần trăm học phí cho con.”
Chính thời gian này đã mở ra cho chị một bước ngoặc, thấy chị làm được việc, trường có nhu cầu tuyển phụ tá giáo viên (Assistant teacher), nên đã nhận chị vào làm. Vì từng là cô giáo khi còn ở Việt Nam, nên chị quyết định đi học để trở trở thành cô giáo dạy mầm non, chứ không bằng lòng với việc làm phụ tá giáo viên. Khi đó chị mới tìm hiểu và biết được rằng những trường mầm non dạy các em như những trường Day care khác, thì đòi hỏi bằng cấp của giáo viên đứng lớp dễ hơn những trường thuộc hệ thống Montessori.



Quang cảnh lớp preschool của trường Mission Montessori School (3965 Mission Ave Suites 4&5, Oceanside, CA 92058) do chị Denise Nguyễn làm chủ với những giáo cụ và trang trí theo tiêu chuẩn Montessori. (Hình: Denise Nguyễn)


Dạy tại các trường Day Care thường chỉ cần 12 unit có thể làm giáo viên rồi, chứ không cần phải làm Assistant teacher. Ban ngày chị đi làm. Tối đến chị đi học và đã lấy được chứng chỉ dạy mầm non ECE( Early Childhood Education) trong khoảng 3 quarter. Chị xin vào làm tại trường mầm non Woodcrest Preschool và được giao dạy các em 3 tuổi, điều mà chị lo lắng nhất và thiếu tự tin nhất vẫn là khả năng truyền đạt cho các em bằng Anh ngữ của mình, vì chị biết phát âm Anh ngữ của chị không thể chuẩn như những cô giáo sinh đẻ tại Mỹ hoặc được những cô giáo cũng là người di dân nhưng được học tiếng Anh ngay từ nhỏ.
Trong thời gian đi làm, buổi tối chị vẫn tiếp tục hoàn thiện bằng cấp của mình vì yêu thích việc học và cũng vì muốn có xin vào dạy tại những trường preschool của học khu hoặc của các trường college thì sẽ có lương cao hơn. Nên chị đã lấy thêm được nhiều chứng chỉ ECE trong khoản thời gian từnăm 1998 đến năm 2004. Chị có được ECE certificatevới hơn 40 ECE unitsva những lớp thực hành giảng dạytất cả các hoạt động của lớp mầm non như vẽ, kể chuyện, âm nhạc… và dạy ởmột trường điểm (Accredited Preschool) và đổi việc làm nhiều trường khác nhau như Step by Step ChildDevelopment Center( LF); Circle of Children(LF). Đến khoảng năm 2004 chị đã có đủ các chứng chỉ (khoảng 70ECE units)để có thể nộp đơn xin việc làm hiệu trưởng của trường mầm non (preschool director).
Thời điểm này chị sinh bé gái thứ hai, khi đưa con vào học tại trường mà chị đang làm, lúc đó bé mới 4 tháng tuổi, môi trường của lớp học tại đây không vệ sinh như tại nhà, nên bé bệnh hoài, xót con, chị xin nghỉ và tìm về lại trường đầu tiên mà chị từng làm phụ tá giáo viên trường LakeForest Montessori School, nhưng nay đã có chủ mới. Bà ấy mướn chị vào làm với mức lương chị muốn vàhướng dẫn chị lấy chứng chỉ của Montessori (Montessori Certified) để làm giáo viên chính của trường, học vào buổi chiều tối.Vì làm việc giỏi, chị được trả lương cao, khoảng $21 một giờ. Nhưng vào năm 2008 kinh tế suy thoái, học trò vào học không còn đông nữa, vì trường có học phí cao, nên chị cũng bị chủ cắt lương, chỉ còn $15/ 1 giờ. Buồn quá, chị quyết định trong thời gian vừa đi làm, nhưng vẫn tìm nơi để mở trường tự mình làm chủ, không đi làm công nữa.

Gian nan buổi đầu mở trường

Chị Denise Nguyễn cho biết để có được giấy phép mở trường, bản thân chị là hiệu trưởng, cần phải hội đủ các điều kiện như phải có bằng BA, phải có từ 2- 5 năm kinh nghiệm làm việc tại trường preschool và tất cả những chứng chỉ khác như First Aid CPR, Healthand safety… Nhưng cái khó nhất còn là phải kiếm được nơi mở trường, vì những trường đã có, thì cứ tồn tại, chỉ trừ khi người chủ trường vì lý do gì đó bán trường, thì mình mới mua được, khi tìm người môi giới địa ốc chuyên về bán trường cho biết danh sách chờ mua trường đã có 13 người, chị là người thứ 14.
Được một giảng viên từng hướng dẫn cho chị khi chị theo học để lấy chứng chỉ của hệ thống Montessori, nay chị đã thuê bà là phụ tá cho chị tại trường chị làm hiệu trưởng. Bà chỉ cách cho chị không tìm được trường có sẵn để mua, thì nên tìm những địa điểm cho phép mở trường, rồi sửa sang nơi đó lại thành trường. Chị tìm và được một nơi được thành phố cho phép xây trường, nhưng chi phí sửa chữa tốn kém quá, chị đành phải đi tìm nơi mở trường xa hơn khu vực mà chị đang sống.
Cuối cùng vào năm 2009 chị thuê được địa điểm cách nhà chị ở 45 phút lái xe, để mở trường Mission Montessori School; nơi đây trước kia cũng là một trường mầm non, nhưng nhỏ và không thuộc hệ thống Montessori. Cần được sửa sang và trang trí theo đúng tiêu chuẩn của trường Montessori. Với yêu cầu môi trường học tập đẹp, tạo sự thoải mái cho học sinh, mọi đồ nội thất được thiết kế riêng theo kích thước trẻ em, và theo chuẩn của Montessori, chi phí sẽ không hề rẻ. Giáo cụ dành cho phương pháp này, với giá trên $2,500, và chỉ dùng được cho một lớp học duy nhất – không thể chia ra cho nhiều lớp hoặc dùng chung.
Chị kể: “Ngày 10 tháng Một, 2010, tôi khai trương Trường, vào ngày openhouse, trường đẹp như mơ mà không có học trò. Người ta cũng đến xem trường, cũng hứa sẽ quay lại ghi danh, nhưng chẳng có ai đến ghi danh. Ngày nào tôi cũng đến mở cửa trường ngồi chờ. Mãi đến 2 tháng Hai, 2 năm 2010 tôi mới có được 3 em học tuổi preschool, tôi đứng ra dạy, và mướn thêm một giáo viên phụ trách lớp infant Toddler (trẻ 2 tuần tuổi đến 2 tuổi) khi đó tôi có được 4 em nhỏ.”
Nhưng dần dần phụ huynh tìm đến nhiều hơn, vài năm nay chị không dạy nữa mà chỉ giữ vai trò điều hành. Trường của chị có các giáo viên phần lớn là người Tích Lan, người Phi Luật Tân và người Mỹ, người Ý chứ chưa thấy có giáo viên Việt Nam nào đến xin việc tại trường.
Theo chị Denise Nguyễn, việc mở trường cũng phụ thuộc vào kinh tế của cư dân địa phương nơi trường mở. Nếu sống tại khu vực có mức sống cao, cư dân khá giả, lợi tức ổn định, thì khi họ đã gửi con vào trường, phụ huynh ít có đổi đi nơi khác, vì vậy thu nhập của trường cũng sẽ ổn định với số học trò ghi danh vào. “Còn trường tôi đang làm hiệu trưởng, phần lớn cư dân tại đây là lính, thường di chuyển nhiều nơi. Ở khoảng 6 tháng, lại di chuyển sang nơi khác, nên cũng đem con theo. Có khi học trò ghi danh vào rất đông, khi thì lại rất vắng.”
“Còn về sự kỳ thị thì chắc có, vì trường của tôi mở ra tại khu vực không có nhiều người Việt sống, nên hầu hết học trò đều là người Mỹ, người gốc Philippine… mà tiếng Anh của tôi thì không lưu loát như người sanh đẻ tại đây, giọng của tôi vẫn còn nặng accent, đôi khi tiếp xúc với những phụ huynh có tính kỳ thị, họ tỏ ngay thái độ khiến mình rất dễ tự ái. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những phụ huynh rất dễ thương, nhất là sau thời gian học tại trường, nhờ nền tảng học vấn tốt do được học trong trường, nên khi bước vào lớp mẫu giáo ở trường công, các em đều phát triển toàn diện 5 mặt: Nhận thức, Thể chất, Ngôn ngữ, Tình cảm – Xã hội và Thẩm mỹ. Phụ huynh quay lại trường khoe với tôi thành tích học tập mà con họ đã đạt được khi các bé vào học trường công với lòng tri ân quý mến, đây chính là những phần thưởng ý nghĩa cho tôi suốt bao năm qua.”
Chị Denise Nguyễn tâm sự thêm: “Để mở được trường là phải có ý chí, quyết tâm, ước mơ, phải có mục tiêu để phấn đấu. Và khi đạt được rồi, cần phải giữ phẩm chất cao để trường tồn tại. là di dân nên tôi phải làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần hơn so với người dân bản xứ. Hồi đầu mới qua Mỹ, tiếng Anh còn chưa rành, tôi đâu có nghĩ một ngày nào đó mình làm chủ một trường mầm non, mà học sinh toàn là người sắc dân khác. Tôi cũng ước mong có cơ hội mở trường trong cộng đồng Việt Nam, dạy cho các em văn hóa Mỹ nhưng bên cạnh đó vẫn kèm theo dạy các em những nét hay của ngôn ngữ và văn hóa Việt để các em vẫn giữ được cội nguồn. Nhưng nay vẫn chưa có cơ hội đó, thì tôi vẫn ráng giữ vững những giá trị mà trường đang có từ các phụ huynh những sắc dân khác mà trường đang có bấy lâu nay.” (bh)
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT