Phóng Sự

Nghề dạy trẻ mầm non và dạy kèm sau giờ học (kỳ 4)

Sunday, 30/11/2014 - 10:12:02

Đến lúc trẻ bình tĩnh trở lại, giáo viên mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận. Ngay từ nhỏ, trẻ được dạy nổi nóng ở những nơi công cộng là điều dường như không ai có thể chấp nhận được.

Bài BĂNG HUYỀN

Dù là sống ở đâu, điều mà một đứa trẻ cần thì đều giống nhau. Trẻ cần ở trong một môi trường an toàn, vui vẻ và mạnh khỏe, cần được chăm sóc khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, cần được yêu thương, cần được khám phá thế giới, cần môi trường giao tiếp xã hội để phát triển các kỹ năng xã hội. Đây cũng là những phẩm chất căn bản để các phụ huynh lựa chọn nơi giữ trẻ để yên tâm gửi con trong thời gian mình phải đi làm, không thể tự mình chăm sóc cho bé.

Quang cảnh lớp học của các em preschool của trường Sunflower Preschool& After School Center. (Hình: Katelyn Lê)


Những phẩm chất tốt của một nơi giữ trẻ

Theo ông Doãn Định có cậu con trai 6 tuổi đang học lớp Một chương trình Gate ở trường tiểu học Peters Elementary School cho biết ông đã từng gửi con trai đi học lớp mầm non ngay từ lúc bé được 2 tuổi rưỡi tại trường Sunflower Preschool& After School Center, thành phố Garden Grove. Từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục gửi con học kèm sau giờ học tại trường Sunflower Preschool& After School Center.
Ông cho biết “khi gửi con đi học mầm non trước khi vào lớp mẫu giáo, điều tôi quan niệm là con mình không chỉ được bảo vệ an toàn tại trường mầm non, mà cháu còn có nhiều cơ hội để học tập và phát triển những cơ sở vững chắc về tập đọc, kỹ năng giao tiếp và sẵn sàng đến trường. Vì những kinh nghiệm đầu tiên của trẻ bao gồm phát triển ngôn ngữ, kể chuyện, đọc sách, sinh hoạt giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa, nhạy cảm với truyền thống của nền văn hóa và gia đình cùng những kinh nghiệm học tập sớm về tập đọc tập viết, biết đếm số... Đây cũng là những yếu tố chính của một nơi giữ trẻ tốt.”
Còn chị Phương Bình là phụ huynh có con trai 8 tuổi từng được chị gửi đi học nhiều trường mầm non khác nhau trước khi bé vào mẫu giáo, chị cho rằng việc tìm được nơi giữ trẻ tốt gửi con, để yên tâm đi làm là điều mà các phụ huynh đều quan tâm. Từ kinh nghiệm của mình, chị chia sẻ: “Khi đến thăm một nơi giữ trẻ, điều cần thiết là mình nên tìm hiểu số lượng trẻ em được giữ và bao nhiêu em do một giáo viên trông nom. Nên tìm hiểu xem cơ sở giữ trẻ có giấy phép không, và nếu có giấy phép, họ đã đạt tiêu chuẩn nào. Kiểm tra bảo chứng và quá trình khiếu nại về nơi giữ trẻ.
Chị Phương Bình nói rằng khoảng thời gian trẻ ở trường tuy dài (khoảng 8 tiếng) nhưng vì là lớp mầm non, nên phần lớn thời gian được dành cho các nhu cầu ăn, ngủ, vệ sinh, vận động thể chất và nhiều hoạt động khác. Còn thời gian để trẻ học không đáng là bao. Nên chị quan niệm trẻ được học chương trình nào cũng tốt, không nhất thiết phải là Montessori, High Scope... vì nội dung chương trình không quan trọng bằng cách thức giáo viên thực hiện nó. Bởi giáo viên là những người tiếp xúc với bé nhiều nhất trong ngày sau gia đình bé.
Chị Phương Bình nói thêm: “Thông thường hành động giao tiếp qua lại giữa một người lớn và một đứa trẻ sẽ giúp trẻ mau lớn và phát triển ngôn ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp cần thiết cho sự thành công trong học đường và đời sống. Vì vậy giáo viên sẽ là hình mẫu cho trẻ học theo cách nói chuyện, cách ứng xử hay nói chung là văn hóa. Giáo viên cũng là người thay phụ huynh rèn các nề nếp sinh hoạt cho trẻ. Nếu ở nhà vì thương con, cha mẹ hay làm hết mọi thứ cho trẻ, nhưng khi đi học, người giáo viên sẽ là người tạo môi trường để trẻ học các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, vệ sinh cá nhân, tự phục vụ (dọn bàn, đi giày dép, gấp chăn chiếu, v.v).
Một người giáo viên tốt sẽ khiến trẻ tin tưởng vào con người nói chung, tự tin vào bản thân, biết cách tự giải quyết vấn đề và nhiều lợi ích khác nữa... Để làm được việc này, người giáo viên phải rất linh hoạt và tinh tế.”


Quang cảnh lớp học của các em preschool của trường Sunflower Preschool& After School Center. (Hình: Katelyn Lê)

Dạy trẻ những bài học đầu đời

Ở Hoa Kỳ, trước khi các em vào học lớp Một, giáo dục bắt buộc các em cần trải qua là lớp mẫu giáo, mà nền tảng quan trọng của giáo dục trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo chính là quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Các nhà nghiên cứu, sau nhiều năm nghiên cứu và quan sát đã chỉ ra rằng: Trẻ từ 18-24 tháng có thể tự dùng cốc uống nước, có thể tự nhặt lấy đồ chơi; từ 2-3 tuổi có thể học cách tự mình đi đại tiểu tiện, ăn cơm, mở dây kéo áo quần và mặc quần áo; từ 3-4 tuổi, tính độc lập của trẻ đều phát triển mạnh, những kỹ năng đã học được ở trên đều trở nên thành thực hơn, gần như trẻ có thể làm mà không cần sự giúp đỡ của người lớn; từ 5-6 tuổi, trẻ có thể học cách tự rửa bát, sắp xếp đồ đạc của mình ngay ngắn...
Chính vì vậy, khi vào học mẫu giáo, các giáo viên khi rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập thường dùng phương pháp song song với việc đề ra nhiệm vụ, họ cũng đưa ra những điều kiện để trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn. Nếu trẻ đã được gia đình cho đi học lớp mầm non trước khi vào mẫu giáo, các bé đã được hướng dẫn thuần thục những kỹ năng căn bản này, thì các em sẽ học tập dễ dàng hơn so với những em khác chưa được đi học lúc tuổi mầm non.
Nhất là khi các em được cho đi học sớm, ở những nơi dạy có phẩm chất tốt, ngoài việc khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ, các giáo viên còn coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Yêu cầu đối với mỗi trẻ là phải nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng với những học sinh khác. Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời, các giáo viên sẽ dùng phương pháp “phạt ở một mình” trong góc lớp. Đơn giản vì trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất là việc phải ở một mình. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó.
Đến lúc trẻ bình tĩnh trở lại, giáo viên mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận. Ngay từ nhỏ, trẻ được dạy nổi nóng ở những nơi công cộng là điều dường như không ai có thể chấp nhận được.
Chính trong việc giáo dục những lễ nghi ứng xử cho trẻ ở giai đoạn mầm non, mẫu giáo, một trong những yếu tố rất được đề cao là vai trò của người giáo viên. Ở độ tuổi này, những điều trẻ học được không phải là những lý giải mà là những mô phỏng. Vì thế, nếu như những thầy cô giáo ở trường có thái độ không tốt đối với trẻ, chúng sẽ học theo các thầy cô, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh. Nói cách khác, hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ.


Quang cảnh lớp học của các em preschool của trường Sunflower Preschool& After School Center. (Hình: Katelyn Lê)


Cũng như chị Phương Bình, chị Quỳnh Phạm rất quan tâm đến phẩm chất của một giáo viên dạy trẻ mầm non khi chọn nơi gửi con, chị nói: “Tùy điều kiện của mỗi gia đình khi gửi con tại các nơi giữ trẻ, có thể chọn trường Day Care hoặc nơi giữ trẻ tại nhà, nhưng quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ nơi đó có an toàn và yêu thương, chăm sóc tốt con mình hay không, và đương nhiên cũng nên tìm những nơi giữ trẻ có giấy phép, thì vẫn an tâm hơn là những nơi làm chui. Nhưng điều tôi quan tâm hơn hết là quan sát giáo viên. Theo tôi phụ huynh nên quan sát kỹ khi đưa con tới thăm lớp hoặc tham khảo các phụ huynh đã từng gửi con trước mình. Giáo viên đó thân thiện, yêu thương trẻ không. Giáo viên đó có chủ động hỏi han, nói chuyện và lắng nghe trẻ không, có nói chuyện ngang tầm mắt với trẻ không.
Giáo viên đó có kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ thực hiện các kỹ năng mới không, có kiên nhẫn khi trẻ la hét, khóc mếu, không tập trung, hoặc tỏ ra mất bình tĩnh không hay là họ cũng la hét lại trẻ và thậm chí đánh trẻ, dùng những lời không hay với trẻ. Giáo viên có công bằng khi đối xử với các trẻ không. Để biết rõ điều này, phụ huynh cần quan sát kỹ, và đôi khi đột xuất rời nơi làm, đến thăm con vào giờ bé học để quan sát từ bên ngoài lớp.
“Ngoài ra phụ huynh cũng nên tìm hiểu người hiệu trưởng, quản lý của trường nơi gửi co. Vì yêu cầu tính trách nhiệm ở những người liên quan rất cao, một sơ suất nhỏ của giáo viên, của người quản lý có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho con của mình. Một người quản lý tốt không những phải đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu mà còn phải coi trọng và bảo vệ lợi ích cho giáo viên của chính họ nữa.”
Chị Quỳnh Phạm nói thêm: “Theo tôi, ngoài những phẩm chất về giáo viên và người quản lý, nơi giữ trẻ tốt phải là một nơi vui vẻ, với nhiều trải nghiệm thú vị, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích của các bé. Phải an toàn và sạch sẽ. Phải là môi trường để xây dựng những mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng. Là nơi mà Trẻ luôn mong muốn được đi học. Phụ huynh cảm thấy yên tâm khi gửi trẻ, học sinh vui vẻ, không khóc lóc hoặc bị đau ốm thường xuyên. Và nếu nơi đó còn cung cấp những nguồn thông tin chuyên môn nhằm trợ giúp phụ huynh nuôi dạy con cái tốt hơn thì thật là tuyệt vời.” (bh)
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT