Phóng Sự

Nghề dạy trẻ mầm non và dạy kèm sau giờ học (kỳ cuối)

Sunday, 25/01/2015 - 10:32:23

Nếu phụ huynh khó chịu các cô lại phải chịu trận vì những lời trách cứ. Bố mẹ trông một đứa con còn khó kiểm soát nổi, huống hồ một giáo viên phải trông mười hai em (theo quy định một lớp các em từ 2 tuổi đến 5 tuổi, 1 cô giáo chỉ được giữ 12 em, không được hơn). Đó là chưa kể cháu khó ăn phải dỗ dành từng chút một nhưng cháu cũng ói khiến cô phải dọn ..phải vệ sinh cho bé.

Bài BĂNG HUYỀN

Nghề dạy trẻ mầm non có quá nhiều áp lực

Nghề giáo là một nghề nghiệp đòi hỏi những yêu cầu rất cao đối với những người tham gia. Riêng với giáo dục mầm non, vì là giai đoạn đặt nền tảng cho cả quá trình phát triển của trẻ sau này, trẻ ở trường cả ngày, khả năng tự phục vụ, ứng phó với các tình huống chưa cao, nên yêu cầu đối với người giáo viên càng cao. Giáo viên mầm non không phải dạy theo tiết học mà ở cả ngày với trẻ, vừa làm công tác giáo dục, vừa làm công tác chăm sóc. Phải chịu trách nhiệm thay mặt phụ huynh chăm sóc lo cho trẻ từng giấc ngủ, miếng ăn, dạy trẻ những điều hay, lẽ phải.

Một buổi học của các em Pre- K trường Sunflower Preschool & After School Center 2, Garden Grove. (Hình do cô Katelyn cung cấp)


Ngoài ra, giáo viên còn giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những kĩ năng chuẩn bị cho trẻ vào học tiểu học. Với một khối lượng công việc như vậy, giáo viên mầm non thường rất vất vả, họ không chỉ chịu áp lực về phẩm chất giáo dục cho trẻ mà còn phải bảo đảm cả về sức khỏe, tinh thần và an toàn cho trẻ. Vì trẻ còn nhỏ nên phụ huynh thường đặt vấn đề an toàn cho trẻ lên hàng đầu đối với các giáo viên.
Trẻ con hiếu động nhưng chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân, chúng thường chơi đùa và gây tai nạn cho nhau, có khi là tự ngã, có lúc đánh nhau, ngắt nhéo nhau, giáo viên phải phân xử rồi báo lại cho phụ huynh và xin lỗi phụ huynh. Nếu may mắn được người phụ huynh hiểu chuyện thông cảm thì các cô được" tha".
Nếu phụ huynh khó chịu các cô lại phải chịu trận vì những lời trách cứ. Bố mẹ trông một đứa con còn khó kiểm soát nổi, huống hồ một giáo viên phải trông mười hai em (theo quy định một lớp các em từ 2 tuổi đến 5 tuổi, 1 cô giáo chỉ được giữ 12 em, không được hơn). Đó là chưa kể cháu khó ăn phải dỗ dành từng chút một nhưng cháu cũng ói khiến cô phải dọn ..phải vệ sinh cho bé.
Còn về lựa chọn phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học cho lứa tuổi này không phải là đơn giản. Giáo viên dù dạy cho nhóm lớp nào cũng đều chịu những vất vả, áp lực. Với lớp lớn, khi trẻ đã có những kỹ năng tự phục vụ thì giáo viên có phần nhẹ nhàng hơn trong công việc chăm sóc nhưng lại nặng về chương trình học, ngược lại giáo viên của lớp nhỏ thì lại phải chú ý nhiều đến chăm sóc trẻ, song song đó vẫn phải làm công việc giáo dục trẻ.
Không chỉ dạy trẻ trên lớp, giáo viên mầm non còn phải soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học.
Trong khi đó đặc điểm của trẻ mầm non là tư duy hình thức cho nên bất cứ tiết dạy nào giáo viên mầm non cũng phải chuẩn bị những đồ dùng dạy học gần như là điều bắt buộc, công việc này yêu cầu họ phải bỏ ra không ít thời gian, công sức và cả tinh thần vào đó nữa. Với khối lượng công việc cùng những áp lức dè nặng lên vai như vậy nhưng thực sự thu nhập của người giáo viên mầm non không cao.

Nhưng lương và quyền lợi không cao

Một giáo viên mầm non đang dạy tại một trường Day care xin không tiết lộ tên cho biết lương của giáo viên mầm non tại các trường Day care cũng giống như lương của những công việc căn bản khác, mức lương tối thiểu khoảng 9 mỹ kim/ 1 giờ, tuy nhiên giáo viên mầm non còn được trả lương tùy theo kinh nghiệm và bằng cấp. Chỉ có 1 tuần nghỉ phép (5 ngày), có nơi giáo viên sẽ có thêm ngày nghỉ bệnh, có nơi không, nhưng có một quyền lợi dành cho các giáo viên mầm non mà giáo viên dạy ở trường nào cũng giống nhau đó là khi có con nhỏ, giáo viên gửi con học tại trường do mình dạy, sẽ được giảm học phí từ 30 phần trăm đến 50 phần trăm (tùy mỗi trường).
Theo giáo viên này, dù không làm cho chủ người Việt, mà có làm cho chủ nhân Mỹ trắng, trường có phẩm chất cao trong cộng đồng cư dân giàu có, thì mức lương của giáo viên mầm non cũng không hơn 40 ngàn mỹ kim/ 1 năm, chỉ khoảng 30 mấy ngàn mà thôi. Có chăng thì quyền lợi của giáo viên làm tại những trường lấy học phí cao thì sẽ khá hơn, ví dụ như được mua bảo hiểm sức khỏe cho mình và gia đình, ngày nghỉ phép nhiều hơn, nghỉ bệnh, nghỉ thai sản nhiều hơn.
Còn nếu dạy cho trường mầm non của chính phủ thì mức lương và quyền lợi chắc chắn sẽ cao hơn làm tại những trường tư, nhưng muốn vào các trường của chính phủ thì đòi hỏi giáo viên đó phải có nhiều chứng chỉ về ECE( Early Childhood Education) chứ không chỉ dừng lại là 12 unit như các trường Day care thông thường thuê giáo viên vào dạy.
Tuy nhiên muốn xin vào làm các trường mầm non thuộc chính phủ thì không dễ, vì phải đợi có chổ trống do giáo viên của trường nghỉ hưu hoặc nghỉ việc thì mới hy vọng đến phiên mình, chưa kể danh sách nộp đơn vào xin việc tại các trường này cũng sẽ rất đông so với việc xin vào dạy tại trường mầm non của tư nhân mở ra.
Theo giáo viên này cho biết, còn với giáo viên của trường mầm non theo phương pháp Montessori, đồng lương cũng sẽ khá hơn là những trường Day care thông thường, nhưng muốn xin vào dạy tại các trường này, giáo viên cần phải có chứng chỉ của Montessori training (học nhiều tiền hơn, học dài ngày hơn, thi lấy chứng chỉ cũng khó hơn).
Còn với những chủ nhân của trường Day care, thì cũng chịu không ít áp lực khi mở trường, từ việc đảm bảo phẩm chất của trường để có học trò ghi danh vào học, nhưng giá cả cũng vừa phải, nhất là khi mở trường trong khu dân cư có mức sống trung bình. Khi xin giấy phép mở trường, phải tuân thủ đúng những luật lệ của licensing la Department of Social Services Community Care Licensing đề ra. Phải luôn đảm bảo trường học là nơi an toàn cho các em về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giáo viên bạo hành các em.
Nhân viên thanh tra của licensing la Department of Social Services Community Care Licensing luôn đến kiểm tra trường bất ngờ, trường sẽ bị phạt nếu lỡ vi phạm một sơ suất nào, ngay cả Health Department cũng sẽ đến kiểm tra thường xuyên, nếu trường có phục vụ bữa ăn cho các em. Chưa kể việc thưa kiện do các phụ huynh nếu họ không hài lòng điều gì đó từ giáo viên, từ trường…
Chị Donna Nguyễn từng là giáo viên dạy mầm non tại Sài Gòn, trước khi lập gia đình và định cư tại Mỹ, nhận xét, “Có thể thấy những người làm công việc giáo dục mầm non luôn túc trực tâm lý lo lắng những điều bất ngờ có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát hoặc bất khả kháng ở trường. Vì vậy với giáo viên mầm non và người hiệu trưởng mở trường mầm non cần phải luôn tâm huyết với công việc cao quý này, thì mới mong trụ lâu với nghề. Đây không chỉ là công việc để mưu sinh hay kinh doanh, mà họ phải là những người có sự đam mê, yêu nghề, yêu trẻ và có lý tưởng cao trong giáo dục, với ước mong sẽ góp phần đào tạo nhân tài cho xã hội mai sau từ những búp măng non.”
Chị Donna Nguyễn cho biết khi sang đây, may mắn ông xã chị có công việc ổn định, nên chị không đi làm mà chọn ở nhà nội trợ, chăm sóc 2 con. Chị tâm sự, “Thay vì tôi đi làm, có 2 đầu lương, việc tiêu xài trong gia đình cũng sẽ thoải mái hơn, nhưng chúng tôi quyết định sống tiết kiệm, tôi dành thời gian để chăm sóc 2 con nhỏ của mình, việc có thêm thời gian dành cho con cái còn đáng giá hơn mọi cơ hội nghề nghiệp hay có thêm tiền bạc.
“Theo tôi có một điều mà nhiều phụ huynh thường mắc phải là vì yêu con nên ép con học nhiều (để giỏi giang, thành đạt sau này), ép con ăn nhiều (để lớn nhanh, khỏe mạnh). Vì muốn con có đời sống vật chất đầy đủ, nên dành trọn vẹn thời gian để đi kiếm tiền (thay vì bên con), hoặc quá bao bọc khiến con dù bao nhiêu tuổi vẫn là một em bé không thể trưởng thành.
“Khi con còn nhỏ, bé cần tình yêu thương và sự chăm chút của mẹ, cha như một thứ “dinh dưỡng” quan trọng nhất. Quãng thời gian đó sẽ trôi qua rất nhanh, chúng ta sẽ không có phép màu quay lại để bù đắp và cứu vãn sai lầm đã bỏ rơi con mình.”
Theo chị Donna Nguyễn, chị rất đồng tình với ý kiến cho rằng phụ huynh đừng nên quá quan trọng điểm số, thứ bậc, các kỳ thi, đây là những thước đo nặng tính hình thức, không đảm bảo chính xác để đánh giá các tiềm năng của con mình. Điểm số không quyết định hạnh phúc hay cơ hội thành công của trẻ khi con trưởng thành. Theo quan điểm giáo dục mới, xem trọng phát triển các năng lực như tư duy logic, giải quyết vấn đề, khả năng làm việc với nhóm, năng lực sáng tạo.
“Nếu phụ huynh xem kết quả học tập của con như chỉ số thành công của mình trong vai trò bố mẹ thì chính chúng ta đang tạo áp lực khiến trẻ con phải học quá nhiều, vì kiến thức nhân loại vô cùng rộng lớn, nên việc học bao nhiêu cũng không đủ, trẻ em cũng không phải là ngoại lệ. Việc hình thành nền tảng tri thức để các con vững bước trên con đường học tập là điều cần thiết. Song, thay vì bó buộc các em học nhiều, thì mỗi phụ huynh có thể mua sách, hướng dẫn con em tự tìm hiểu về các tri thức mới, vận dụng hiểu biết của mình để chỉ bảo những hiểu biết về thế giới xung quanh.”
Chị kể khi hai con đến tuổi học mầm non, do có kinh nghiệm từng là giáo viên mầm non, nên chị dạy cho hai con của mình, chứ không gửi học ở trường Day care. Chị nói, chị dạy con ở nhà thường tự tham khảo và nghiên cứu chương trình riêng cho phù hợp với con mình ở từng độ tuổi. Việc dạy trẻ ở nhà đòi hỏi sự gần gũi quan tâm nhiều hơn ở phụ huynh với con cái, do đó quá trình học cũng phải vui vẻ, giống với trò chơi nhiều hơn.
Nay con trai lớn của chị đang học lớp 3, con gái nhỏ đang học lớp một, chị không gửi con đi học kèm, vì chị vẫn có thể giúp con làm bài tập ở nhà và học thêm những bài học mới để củng cố kiến thức cho con. Ngoài ra, thời gian chính sau giờ học của con, chị thường đưa con đi thư viện, đi bơi, đi học đàn, cuối tuần cho con đi sinh hoạt tại gia đình Phật tử tại chùa Dược Sư và cả gia đình cùng đi chơi với nhau.
Chị nói, “Tôi từng đọc được một câu rất ý nghĩa và xin được chia sẻ với các phụ huynh khác để học được ít nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con của mình. “Muốn con ngoan thì phải học cách dạy con. Muốn con khỏe thì phải học cách nuôi con. Muốn con thành công thì phải học cách hướng dẫn và đồng hành cùng con. Muốn con gần gũi gắn bó với mình, thì phải học cách lắng nghe và chia sẽ cùng con. Đừng buộc con phải lớn lên như kiểu cây Bonsai nhưng cũng đừng để con phải lớn lên như cây dại."

Thay lời kết

Để kết thúc loạt bài nhiều kỳ này, người viết xin mượn đoạn trích trong bài giảng “Kỷ luật không nước mắt- cách dạy con không dùng bạo lực” của thạc sĩ Trần Thị Ái Liên được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, để thay cho lời kết: “Có lẽ ai trong chúng ta đều nhận thấy rằng, một số không nhỏ các trẻ em, thậm chí là thiếu niên, thanh niên và cả người lớn, đã không có khả năng tự chủ trong cuộc sống, thường chỉ có thể làm tốt nếu được cầm tay chỉ việc thậm chí là chỉ rồi mà vẫn làm sai vì không có sự tự tin – và phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc của mình.
“Điều này thường do thiếu một chữ Tự trong quá trình thành nhân. Ngay từ bé, nếu các em không được tập cho tính tự giác, thì thiếu khả năng tự giác sẽ đưa đến sự thiếu tự tin, khi đã không tin vào mình thì không thể có Khả năng tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có Tinh thần tự lập cho cuộc đời của mình!
“Trong cuộc đời con người, có ba điều quan trọng là lập ngôn, lập chí và lập nghiệp – mà muốn có được các điều này thì không thể chỉ biết dựa vào sự chăm sóc hỗ trợ của cha mẹ, và của những người xung quanh mà phải bằng sự tự lập. Chính vì thế, ý thức tự giác mà chúng ta giúp cho con hình thành trong mùa xuân của cuộc đời, chính là bước đầu cho quá trình thành người. Một con người có thể bước đi trong cuộc đời bằng bàn chân và khối óc của mình cũng như tự tin vào chính mình. Điều đó, chúng ta gọi là Hạnh Phúc!” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT