Kinh Doanh

Nghe Mỹ-Tàu đình chiến, các công ty Trung Quốc ngưng kế hoạch dời sang VN

Wednesday, 05/12/2018 - 08:04:54

Xie Jun nói với hãng thông South China Morning Post, “Vì vậy, thỏa thuận đình chiến thực sự là làm cho chúng tôi đỡ lo. Và chúng tôi hy vọng chính phủ thực sự có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại trong năm tới.”


Công nhân sản xuất banh tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Tỉnh này là nơi có nhiều hãng xưởng nhỏ muốn di chuyển sang Thái Lan hoặc Việt Nam, nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế hàng Trung Quốc. (VCG)

Các công ty sản xuất hàng bán ra nước ngoài của Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội đình chiến thương mại được đồng ý vào cuối tuần qua, giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, để xét lại việc di chuyển các hoạt động sang Việt Nam, nơi mà chi phí cho việc dời chỗ đang ở giá cao và còn tăng lên.


Tuy Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý ngưng chiến trong 90 ngày trước khi Mỹ tăng thuế đánh vào hàng xuất cảng của Trung Quốc trị giá $200 tỷ Mỹ kim, thời gian này đã đủ để trấn an các công ty hãy hoãn lại kế hoạch dời địa điểm sản xuất.

Mức thuế 10 phần trăm được coi là khó khăn nhưng vẫn có thể xoay xở được đối với hầu hết các cơ sở kinh doanh. Tuy vậy mức thuế 25 phần trăm sẽ là hồi chuông báo tử cho nhiều công ty, và là một động lực thúc đẩy cho các nhà sản xuất Trung Quốcphải tìm một quốc gia khác để hoạt động.

Nhiều cơ sở kinh doanh dường như đang hai chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể giải quyết những mối bất đồng và kết thúc cuộc chiến thương mại trong năm tới, để cho vấn đề đánh thuế không còn đè nặng trên hoạt động kinh doanh của họ thêm nữa.

Tuy nhiên các quan sát viên nói rằng thời hạn ân huệ 90 ngày là quá ngắn để thương lượng một cách thành công, nhằm đạt được giải pháp cho những điểm bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về những vấn đề hóc búa, như cải cách các cơ sở quốc doanh và kế hoạch kỹ nghiệp “Made in China 2025.”

Vào ngày thứ Ba, một lần nữa Tổng Thống Donald Trump đe dọa xúc tiến với việc tăng thuế lên 25 phần trăm từ mức 10 phần trăm, vào cuối thời hạn 90 ngày, nếu Trung Quốc không nhượng bộ đủ mức.
Các quan sát viên nói rằng mối đe dọa của thuế cao hơn sẽ vẫn còn đó, có lẽ trong nhiều năm, ngay cả khi giai đoạn hưu chiến được gia hạn thêm. Thế nhưng nhiều hãng cung cấp hàng xuất cảng, đặc biệt là những công ty tầm vừa và tầm nhỏ (SMEs) tại các trung tâm sản xuất của vùng châu thổ sông Châu Giang và sông Dương Tử, đã chụp lấy cơ hội ấy để trì hoãn kế hoạch dời đi nơi khác.

Ông Xie Jun, một nhà xuất cảng đồ nội thất tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Hoa, cho biết rằng mức phí tổn để xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam đã tăng vọt trong mấy tháng qua, và trở nên quá cao với khả năng tài chánh của nhiều công ty.

Xie Jun nói với hãng thông South China Morning Post, “Vì vậy, thỏa thuận đình chiến thực sự là làm cho chúng tôi đỡ lo. Và chúng tôi hy vọng chính phủ thực sự có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại trong năm tới.”

Ông Xie Jun kể về một trường hợp, “Trước đó trong năm nay, một chủ nhân của nhà máy sản xuất bọt xốp và bọt biển ở Chiết Giang đã đến Việt Nam lập một nhà máy ở tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng gây tốn gần $1.4 triệu Mỹ kim, chỉ trong giai đoạn đầu của việc dời chỗ, chẳng hạn như trả tiền xây và chuyển đổi các nhà máy kỹ nghệ, chuyển các dây chuyền sản xuất tự động từ Chiết Giang sang đó, cũng như trả tiền phụ cấp để gửi công nhân Trung Hoa lành nghề sang đó.

“Chi phí này thậm chí còn cao hơn việc xây dựng một nhà máy có cùng kích thước ở đây trong tỉnh Chiết Giang. Nhưng ông không có cách lựa chọn nào khác, vì những thân chủ Mỹ của ông càng lúc càng có nhiều người đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam, thay vì nhà máy của ông ở Chiết Giang.”

Ông Xie cho biết, việc dự kiến một mức tăng thuế vào ngày 1 tháng Giêng lên 25 phần trăm đã khiến cho nhiều hãng nhập cảng Mỹ giảm đặt hàng tại Trung Quốc.

Nhiều nhà máy Trung Quốc gặp phải khó khăn từ mùa hè với vấn đề dời chỗ, sau khi nhận thấy chi phí sản xuất không còn rẻ nữa ở nhiều nơi tại Việt Nam, như Sài Gòn, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Những nơi này đều có hạ tầng kiến trúc tốt, nối kết các nhà máy với những hải cảng nước sâu và phi trường.
Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng năm nay có khoảng từ 5,000 tới 6,000 nhà máy ở Trung Hoa lục địa - mà chủ là các nhà đầu tư Hồng Kông hay Đài Loan, hoặc các nhà đầu tư tư nhân ở Hoa Lục - đã cử người xem xét việc di chuyển sản xuất sang Việt Nam, để tránh việc tăng thuế đánh vào hàng xuất cảng từ Trung Quốc, theo các phân tích gia cho biết.

Trước cơ hội di chuyển hãng xưởng này, chi phí về đất đai, lao động và vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã tăng lên. Tại khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 70 cây số, giá thuê đất kỹ nghệ dài hạn lên tới 50 năm đã đạt mức $90 Mỹ kim/m2 (10.76 feet vuông) tính cho tới tháng vừa qua, tăng từ $60 Mỹ kim trong năm ngoái.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT