Văn Nghệ

Nghệ sĩ Bảo Quốc và con đường nghiệp dĩ với sân khấu cải lương, kịch nói

Friday, 02/03/2018 - 08:19:03

Ông bảo, “Không lo sao được, vì Hội Đồng Thăng là vai diễn để đời của anh Diệp Lang, trong khi tôi từ trước tới giờ ít được giao vô vai ác. Vậy mà trong đêm diễn, khán giả được nhìn thấy một Hội Đồng Thăng rất mới lạ. Bởi tôi đã tìm được chiếc chìa khóa cho vai diễn này.”

Bài BĂNG HUYỀN

Bước đường nghệ thuật

Khi nhắc đến nghệ sĩ Bảo Quốc, những khán giả của sân khấu kịch sẽ cho rằng ông là một trong những diễn viên gạo cội của hài kịch Việt Nam. Ông chính là một trong những người đầu tiên đã khởi xướng và phát động phong trào tấu hài trong chương trình "Tiếng Cười Sân Khấu" vào thập niên 1980. Ông cũng là lớp diễn viên đầu tiên của chương trình "Trong Nhà Ngoài Phố" trên đài truyền hình Sài Gòn những năm thập niên 1990. Chính từ sân khấu này, mọi người đã biết đến sự điêu luyện của nghệ sĩ hài Bảo Quốc.


Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc lúc còn trẻ (Facebook)

Thật ra khi nghệ sĩ Bảo Quốc khởi đầu sự nghiệp lại là một nghệ sĩ cải lương ngay từ lúc 9 tuổi. Với tố chất nghệ thuật bẩm sinh và khả năng diễn xuất đa dạng, ngoài việc tham gia nhiều loại hình sân khấu khác nhau như cải lương, hài kịch, chính kịch, nghệ sĩ Bảo Quốc còn có thể hoá thân vào nhiều loại vai từ chính diện đến vai phản diện, vai hài lẳng.

Ông có tên thật là Lư Bảo Quốc, là con thứ sáu trong một gia đình có mười người con, có cha là Lư Hòa Nghĩa, tức nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa, nổi danh khắp miền Nam thời bấy giờ, mẹ là Nguyễn Thị Thơ thường được biết đến là bà bầu Thơ, chủ đoàn cải lương Thanh Minh (một trong năm đoàn cải lương có tiếng nhất lục tỉnh Nam kỳ trước đây), và chị ba (cùng mẹ khác cha) của nghệ sĩ Bảo Quốc là nghệ sĩ cải lương “vang bóng một thời,” “nữ hoàng sân khấu” quá cố Thanh Nga.


Nghệ sĩ Bảo Quốc và vợ Thu Thủy đã gắn bó bên nhau suốt 50 năm qua. (Facebook)

Trong câu chuyện tâm tình kể lại hành trang nghệ thuật suốt hơn 50 qua của mình, nghệ sĩ Bảo Quốc bồi hồi, tâm sự với người viết, “Đối với Bảo Quốc, cải lương đã trở thành máu thịt, chưa bao giờ Bảo Quốc quay lưng lại với sân khấu cải lương. Ngày nay, nhìn thấy cải lương đang ngắc ngoải, Bảo Quốc rất đau lòng. Khi cải lương gặp khó khăn, vì muốn tiếp tục gắn bó với sân khấu, với nghiệp tổ, Bảo Quốc đã chuyển sang đóng kịch, may mắn là thành công, và được khán giả yêu mến. Nhưng mỗi khi có dịp quay lại với sân khấu cải lương, để tham gia dù là vai nhỏ, Bảo Quốc đều luôn trân trọng nghệ thuật này.


Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc cùng vợ chồng con gái Hồng Loan- Bảo Lộc và cháu ngoại. (Facebook)

“Vì vậy khi con gái là nghệ sĩ Hồng Loan đứng ra thực hiện chương trình live show kỷ niệm 50 năm Bảo Quốc đứng trên sân khấu, 50 năm vui cười cùng sân khấu vào dịp lễ Father Day năm 2009, ngay tại sân khấu Sài Gòn Performing Arts Center ở Quận Cam và live show 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười ngay tại Nhà Hát Hòa Bình, vào năm 2011 tại Sài Gòn, đều có những trích đoạn cải lương đặc sắc, với sự tham gia cùng những nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương.”

Từ vai đóng thế đến nghệ sĩ Bảo Quốc tài danh

Nghệ sĩ Bảo Quốc cho biết ba ông rất thương ông, vì ông nhìn giống cha như tạc. Để từng bước vun đắp trong Bảo Quốc một tình yêu nghệ thuật, từ năm 6, 7 tuổi, Bảo Quốc đã được cho theo học với nhạc sĩ Út Trong, hàng ngày nghệ sĩ Năm Nghĩa còn dành chút thời gian dạy đờn ca cho con, nhưng hễ “lơ là" một chút là cậu bé Bảo Quốc bản tính hiếu động lại trốn đi chơi, chính vì thế mà không ít lần Bảo Quốc đã bị cha đánh đòn vì tội lười học, không chịu chú ý để nối nghiệp gia đình.


Nghệ sĩ Bảo Quốc và nghệ sĩ Ngọc Đáng trong trích đoạn cải lương Nửa Đời Hương Phấn của soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng tại rạp Saigon Performing Arts Center. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Mỉm cười hiền lành, nghệ sĩ Bảo Quốc kể, “Hồi nhỏ, tôi không quá mê nghề, mà chỉ lo đi phá làng phá xóm. Khi ba đưa tôi đến gánh hát, trước giờ diễn, sau khi người ta hòa âm, lên dây đờn hết rồi, các nhạc công đi ra uống cà phê. Tôi bèn xuống hết các dây đờn. Tôi còn vào trong cánh gà, cột dây trong góc, khi có cảnh quân sĩ đánh nhau, tôi giựt dây, để nghệ sĩ chạy ra sân khấu bị vấp té, bên dưới khán giả cười òa. Tuy nhiên, dù rất nghịch phá, nhưng ngồi nghe hát, tôi thuộc tuồng rất mau.”

Và rồi cơ duyên để Bảo Quốc chính thức bước lên sân khấu khi mới 9 tuổi trong một vai đóng thế. Nhớ lại, nghệ sĩ Bảo Quốc nói, “Lúc bấy giờ, đêm nào tôi cũng ngồi trong cánh gà xem vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới (soạn giả Kiên Giang) do chị Thanh Nga đóng vai Phà Ca. Khi đó có vai Mộng Hùng, do một cậu cùng trang lứa với tôi lúc đó, tên là Hữu Nghĩa, con của nghệ sĩ Vinh San, là nghệ sĩ của đoàn đóng. Vài ngày sau, cậu ấy ngã bệnh, vé đã bán hết rồi, mà vai nhỏ thì rất khó tìm người thế, vì nếu vai lớn, thì còn có nghệ sĩ lớn vào thay được. Còn vai con nít thì rất khó tìm. Ba của tôi khi đó hỏi tôi có thể diễn vai đó được không? Vì Hữu Nghĩa diễn rất hay, còn con là con của ba, vậy con có thể diễn được không? Bấy giờ, tuổi còn nhỏ, háo thắng, tôi trả lời là, dư sức con diễn hay hơn. Đêm đó, tôi ra diễn, rất thành công. Không sai gì hết.”
Giọng nghệ sĩ Bảo Quốc chợt chùng xuống vì xúc động, ông nói tiếp, “Căn bệnh lao phổi thời kỳ cuối đã cướp đi sinh mạng ba tôi sau một tuần ba thấy tôi diễn vai Mộng Hùng. Ba luôn kỳ vọng tôi sẽ là một kép chính, được thành danh như chị ba Thanh Nga. Ông mất đi để lại cho tôi nỗi trống trải lạ kỳ. Tôi càng thấm thía những lời ông khuyên nhủ khi còn sống, và quyết tâm học nghề, để không phụ lòng mong mỏi của ông.”
Nghệ sĩ Bảo Quốc nói rằng, ông rất may mắn, khi bước chân vào nghề, lại được diễn cho đoàn của gia đình. Ông không phải đóng vai quần chúng. Dù là vai phụ, nhưng có diễn xuất và có ca, chứ không phải là vai mờ nhạt. Rồi ông chịu khó tự học hỏi thêm từ các nghệ sĩ đi trước ở trong đoàn. Một lần được giao cho làm kép mùi với vai hiệp sĩ mù trong vở cải lương Hiệp Sĩ Mù, nghệ sĩ Bảo Quốc đã đạt ngay huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng vào năm 1967, khi ông được 18 tuổi.

Nghệ sĩ Bảo Quốc cho biết, “Điều thú vị là giải Thanh Tâm chỉ diễn ra 10 năm thì chị Thanh Nga là người mở đầu đoạt giải vào năm 1958, còn Bảo Quốc lại được trao giải vào năm cuối cùng.”

Con đường chuyển sang nghiệp hài

Nghệ sĩ Bảo Quốc kể, “Khi tôi đạt giải Thanh Tâm, ai cũng nghĩ là tôi sẽ trở thành kép chánh, kép mùi. Khi đi vào nghề, ai cũng mong điều đó, nhưng tôi cảm thấy mình ca không hay lắm, không có điều kiện vượt trội. Bấy giờ tôi rất mê cách ca chân phương của nghệ sĩ Út Trà Ôn, anh Thành Được, và ấm áp của anh Thanh Sang, tôi gắng học nét hay của ba giọng ca đó thành cái riêng của mình, dù tôi thấy bản thân mình ca dở thì không dở, nhưng hay, thì không hay lắm. Biết phận mình không thể làm kép chánh, không giỏi như những nghệ sĩ kép chánh bấy giờ như Hữu Phước, Út Trà Ôn, Thành Được, Hùng Cường, nên may mắn Trời Phật tổ nghiệp thương, cho tôi chuyển sang hài.”


Nghệ sĩ Bảo Quốc thắp nhang tưởng nhớ chị ba của mình- cố nghệ sĩ Thanh Nga trong chương trình tưởng nhớ 36 năm ngày mất của cố nghệ sĩ Thanh Nga, vào ngày 7-12-2014 tại rạp Saigon Performing Arts Center, do Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam, Hội Từ Thiện Hand To Hand và Gia đình Nghệ sĩ Bảo Quốc đồng tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ông kể, “Định mệnh đã khiến tôi bước hẳn sang diễn hài một cách tình cờ. Vào năm 1972, đoàn Thanh Minh tạm ngưng một thời gian, chị ba Thanh Nga và tôi sang diễn cho đoàn Dạ Lý Hương. Hôm diễn tuồng Con Ma Nhà Họ Hứa nghệ sĩ hề nổi tiếng thời bấy giờ là nghệ sĩ Thanh Việt bị bệnh, chị Thanh Nga bảo tôi, Em cũng có khiếu hài, em đóng thử coi! Thế là tôi vào thế vai người em cùng bà chị (nghệ sĩ Hồng Nga) đi tìm nhà để thuê, chẳng may gặp phải căn nhà ma. Hôm đó, vai thế của tôi rất thành công. Từ đó, các soạn giả đo ni đóng giày cho tôi hàng loạt tuồng như Người Chồng Triệu Phú, Bóng Chim Tăm Cá... toàn vai lẳng hài duyên dáng.” 



Nghệ sĩ Bảo Quốc (thứ hai từ bên phải) cùng các nghệ sĩ chụp lưu niệm trong hậu trường rạp Saigon Performing Arts Center. (Facebook)

Sau 1975, nghệ sĩ Bảo Quốc lại có những vai diễn để đời như vai Chương Hầu (Tiếng Trống Mê Linh), Y Xì Ke (Bóng Tối và Ánh Sáng), chưa kể các vai hài khác như trong Hoa Mộc Lan, Bên Cầu Dệt Lụa, Tấm Lòng của Biển.

Tài năng là sự khổ luyện

Rõ ràng những gì ông gặt hái được hoàn toàn là do nỗ lực không biết mệt mỏi qua những bài học hàng đêm sau cánh gà. Giữa những ngôi sao rực rỡ nhất của làng sân khấu Việt Nam: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, tưởng rằng nghệ sĩ Bảo Quốc khó có thể bật sáng, nhưng ông vẫn tìm được cho mình một chỗ đứng riêng.

Nghệ sĩ Bảo Quốc không bon chen trên con đường nghệ thuật. Lúc nào ông cũng nở nụ cười. Luôn cố gắng làm tròn vai trò của mình, và hỗ trợ những đồng nghiệp khác. Ông luôn được khán giả và đồng nghiệp thương mến.

Nghệ sĩ Bảo Quốc tâm sự, “Khi dấn thân vào nghiệp diễn trên sân khấu, tôi luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt vai diễn của mình. Chứ chưa bao giờ muốn lấn lướt, hay tranh giành với ai. Khi đã thành danh tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi, làm bầu sô phải mệt mỏi hay đồng nghiệp phiền lòng. Tôi luôn thấy mình rất may mắn khi vào nghề, nhận được nhiều vai diễn hay trong sự nghiệp dù chỉ là vai phụ như Chương Hầu (Tiếng Trống Mê Linh) hay Y Xì Ke (Bóng Tối và Ánh Sáng).”

Sáng tạo qua từng vai diễn để đời

Tuy nhiên, nếu ông không có sự nỗ lực tìm tòi, đào sâu vai diễn thì sẽ không có thành công. Như vai Y Xì Ke, nghệ sĩ Bảo Quốc cho biết khi nhận kịch bản, chỉ có một trang giấy thôi, ông đã phải nghiền ngẫm kỹ để tìm điểm nhấn cho nhân vật. Phải quan sát từ thực tế để thể hiện con nghiện dáng vẻ thật giống, lên cơn thế nào. Ông viết thêm cho nhân vật Y Xì Ke câu nói: “Ba yên tâm đi, ba có thằng con hết xảy, thằng nào đụng tới ba là xảy hết” và “Tay có xăm hai dòng chữ một đi không trở lại, chịu chơi chơi tới cùng.”
Khi đài truyền hình thu vở này, phát tối hôm trước, hôm sau, cả Sài Gòn đều thuộc câu nói đó, rồi lan truyền câu đó trong cả nước mỗi khi nhắc đến Y Xì Ke. Sự sáng tạo trong diễn xuất của ông đã giúp nhân vật Y Xì Ke bật sáng dù chỉ là một vai phụ lướt ra trong khoảng 15 phút và cũng đem về cho ông giải Diễn Viên Phụ Xuất Sắc Nhất tại hội diễn sân khấu tại Việt Nam năm 1989.

Nghệ sĩ Bảo Quốc và con gái Hồng Loan trong trích đoạn vở cải lương Nửa Đời Hương Phấn của soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng tại rạp Saigon Performing Arts Center. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Còn với vai Chương Hầu trước đó, đây chỉ là một vai "hề" nhỏ, nhưng nghệ sĩ Bảo Quốc đã đắp thêm da thịt cho nhân vật, để xây dựng nên hình ảnh một kẻ phản bội vừa đáng ghét vừa đáng thương. Bên cạnh Tô Định (nghệ sĩ Văn Ngà), Mã Tắc (nghệ sĩ Hùng Minh), Tào Quyên (nghệ sĩ Hoàng Giang) đối mặt cùng Trưng Trắc (Thanh Nga), khi gặp người hơn mình thì Chương Hầu (Bảo Quốc) co đầu rút cổ, khúm núm sợ hãi, nhưng khi gặp kẻ yếu hơn thì lại nghênh ngang, hống hách.

Ông đã tạo nên một Chương Hầu không làm người ta ghét quá độ, mà tội nghiệp nhiều hơn. Hắn chỉ là một tên hèn nhát, tính chuyện cộng tác với giặc để yên thân. Không ngờ, khi đã lọt vào hang ổ đó thì những con mãnh thú kia đâu có để hắn yên, trò chơi đâu kết thúc dễ dàng như mong muốn. Một Chương Hầu đáng thương, như một lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng hơn là lời kết án gay gắt.

Sau này, ông còn vào vai Nhan Tấn, trong vở kịch “Nỏ Thần” diễn trên sân khấu kịch Phú Nhuận. Là vai độc, không đúng với sở trường của ông, nhưng tài hóa thân vào vai diễn của Bảo Quốc đã đem về cho ông Huy chương vàng trong hội diễn sân khấu toàn quốc 2009.

Trong chương trình tôn vinh đạo diễn Huỳnh Nga “Phong Trần Theo Nghiệp Tổ” tháng 4, 2013 tại Sài Gòn, nghệ sĩ Bảo Quốc đã thành công khi vào vai Hội Đồng Thăng trong vở cải lương “Đời Cô Lựu.” Không phải là vai của mình, đây lại là vai rất thành công của nghệ sĩ Diệp Lang, nhưng nghệ sĩ Diệp Lang đã sang Mỹ định cư, nên ông được giao cho vai này, ông lo lắm. Nhưng vì tình cảm với đạo diễn Huỳnh Nga quá thân thiết nên Bảo Quốc nhận lời ngay.

Ông bảo, “Không lo sao được, vì Hội Đồng Thăng là vai diễn để đời của anh Diệp Lang, trong khi tôi từ trước tới giờ ít được giao vô vai ác. Vậy mà trong đêm diễn, khán giả được nhìn thấy một Hội Đồng Thăng rất mới lạ. Bởi tôi đã tìm được chiếc chìa khóa cho vai diễn này.”


Nghệ sĩ Bảo Quốc (thứ nhì từ trái qua) trong vai Ngọc Hoàng (là vai diễn gắn bó với ông suốt 20 năm vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm trên đài truyền hình HTV) cùng các nghệ sĩ tại Việt Nam trong vở kịch Táo Quân. (Facebook)

Nghệ sĩ Bảo Quốc kể, "Ông Hội Đồng Thăng của Bảo Quốc vẫn tính toán chi li từng đồng, từng cắc với vợ, nhưng không phải là khắc nghiệt, tàn nhẫn mà lại có gì đó hơi trẻ con, giận dỗi. Rõ ràng, ông rất yêu cô Lựu, bởi ở địa vị một ông Hội Đồng, đâu chỉ có mỗi một bà mà có thể có cả chục bà khác bên ngoài. Vậy mà ông lại có thể chung thủy với một người vợ Tối thì quay lưng vô vách, sáng thì im lặng tới lạnh lùng. Và cũng vì lẽ đó, ông hội đồng giải tỏa nỗi bực dọc, thất vọng vào những lời mắng nhiếc, hoạnh họe và những buổi nhậu thâu đêm suốt sáng. Bởi ông sợ, sợ bước chân về nhà, sợ đối diện với cô Lựu và cũng là đối diện với thất bại của đời mình. Hội Đồng Thăng tưởng rằng đã chiến thắng nhưng chính ông mới là người bại trận trong tình trường, và ông đã hét lên, Mười chín hai mươi năm rồi còn chờ cái gì nữa? Xương cha còn mục nói gì xương con! Tiếng hét chua xót của một người đàn ông không bao giờ với tay được tới tình yêu.”

Ông giải thích, “Một con người dù ác độc tới đâu thì vẫn có tình yêu, đó chính là nhân tính. Cũng nhờ vậy mà khán giả được xem một Hội Đồng Thăng vừa đáng trách nhưng cũng đáng thương. Là chìa khóa mà tôi thể hiện vai diễn này, để tạo một nét riêng của Bảo Quốc.”

Nghệ sĩ Bảo Quốc tiết lộ, ngoài tài diễn, ông còn tự viết kịch bản khi đi tấu hài, “dù không chuyên nhưng xài được,” ông đùa. Năm 2013, nhân ngày Hiền Mẫu, ông cũng đã viết một kịch dài khoảng 45 phút, để nói về tình mẫu tử, do chính ông tham gia, cùng các nghệ sĩ, trong đêm nhạc hội “Mẹ” do Trung Tâm Thúy Nga tổ chức tại rạp Saigon Performing Arts Center.


Nghệ sĩ Bảo Quốc (giữa) trong vở cải lương Bên Cầu Dệt Lụa do Đoàn Cải Lương Tân Dạ Lý của nghệ sĩ Tuấn Châu (phải) thực hiện. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cuộc sống đời thường của nghệ sĩ Bảo Quốc khá bình lặng, dù là nghệ sĩ, nhưng ông không bay bướm trên tình trường, mà lại là một người chồng rất thủy chung bên người vợ hiền, vốn từng là nữ sinh Gia Long xinh đẹp, bà Thu Thủy. Vợ chồng ông có bốn người con, chỉ duy nhất cô con gái út là Hồng Loan nối nghiệp gia đình.

Ông nói, “Tôi không ép buộc con theo nghề, theo tôi nghĩ, nghề này nếu ép mà con không thích, lại không có tài năng thật sự, thì không hay. Khi ép mà con không thích, con sẽ không chịu khó nghiên cứu, thì sẽ không bao giờ thành công. Tôi có bốn đứa con, nhưng may mắn Hồng Loan mê nghề, đeo theo nghề và cũng thành công phần nào. Tôi luôn dạy dỗ cháu luôn phải tôn trọng khán giả, phải yêu nghề thật sự, chứ không phải mê nghề theo kiểu để được nổi tiếng, mê hào quang của nghề. Mà phải yêu nghề, trân trọng nó, gìn giữ nghệ thuật của gia đình, thì mới thành công.”

Ông ước mong, “Nghệ thuật cải lương là truyền thống Việt Nam. Mong nghệ thuật này vẫn còn tồn tại mãi. Tôi nghĩ với những bạn trẻ, nếu chưa bao giờ biết về cải lương, mà cải lương cũng không hoạt động nữa thì uổng lắm. Nhất là tại hải ngoại, rất cần duy trì nghệ thuật này để những bạn trẻ được nghe, biết đâu các em sẽ yêu thích, sẽ lan truyền ra nhiều bạn bè thân thích biết đến cải lương và yêu thích. Mong là cải lương sẽ sống lại. Mong là điều này sẽ sớm thành hiện thực chứ không chỉ là một ước mong.”

Trước khi tạm biệt, nghệ sĩ Bảo Quốc nhờ chuyển đến khán giả yêu cải lương, “Nay tuổi tôi cao rồi, khó diễn những vai hài trẻ trung nhảy nhót, mà phải tìm cách thể hiện những vai phù hợp với tuổi đời hiện nay, để tiếp tục sống với từng vai diễn, cống hiến cho khán giả đến khi nào không còn sức để diễn, để ca nữa mới thôi. Xin khán giả hãy tiếp tục yêu thương cải lương, hãy tiếp tục dưỡng nuôi cải lương, đừng để nó mai một, nhất là khi ở hải ngoại, cải lương vẫn còn, thì quý vô cùng.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT