Phóng Sự

Nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Tuấn Minh và ước mơ trong nghệ thuật

Friday, 30/10/2015 - 11:35:37

Với nghệ sĩ Tuấn Minh, dù anh là con trai út của nghệ sĩ Minh Tơ, nhưng cha của anh rất nghiêm khắc trong việc truyền nghề lại cho các con trên sân khấu cải lương tuồng cổ, tồn tại với nhiều nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ thì mới có thể đứng vững trên sân khấu.

Bài BĂNG HUYỀN

Ngày nay, cải lương nói chung và cải lương tuồng cổ nói riêng, đã qua thời vàng son rực rỡ. Ngay trong nước là nơi có nhiều điều kiện để phát triển, các nghệ sĩ cải lương cũng gặp không ít khó khăn. Sân khấu cải lương ở hải ngoại còn khó khăn gấp bội. Nhưng người nghệ sĩ, vốn sinh ra là “kiếp tằm”, thì dẫu “đến thác sẽ vẫn còn vương tơ”, vẫn luôn cố gắng “giữ ngọc cho nghề”, với ước mong những người Việt trẻ xa xứ sẽ biết đến một nền nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê cha đất tổ. Đây chính là tâm niệm của nghệ sĩ cải lương Tuấn Minh, anh đã từng đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật và đạo diễn cho đoàn nghệ thuật ca cổ Hương Sen (thuộc Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam tại Nam California do nghệ sĩ Tuyết Nga là người sáng lập hội), và anh là giảng viên dạy nghệ thuật diễn xuất cải lương, vũ đạo cải lương tuồng cổ cho các học viên yêu cải lương, học tại tổ đình sân khấu do Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam tổ chức trước đây ngay tại quận Cam.

Chân dung của người nghệ sĩ
Nghệ sĩ Tuấn Minh là con trai út thứ 13 của cố nghệ sĩ Minh Tơ, là thành viên gia đình của gia tộc bầu Thắng (là ông nội của nghệ sĩ Tuấn Minh) - Minh Tơ. Gia tộc bầu Thắng- Minh Tơ là gia tộc đã khai sinh ra nghệ thuật cải lương tuồng cổ tại Sài Gòn, có 5 đời theo nghề hát và thế hệ thứ 6 của gia tộc cũng đang là những mầm non đầy hứa hẹn cho loại hình nghệ thuật này.

Với nghệ sĩ Tuấn Minh, dù anh là con trai út của nghệ sĩ Minh Tơ, nhưng cha của anh rất nghiêm khắc trong việc truyền nghề lại cho các con trên sân khấu cải lương tuồng cổ, tồn tại với nhiều nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ thì mới có thể đứng vững trên sân khấu.

Nghệ sĩ Tuấn Minh trong vai Ngũ Tử Tư vở cải lương Tây Thi gái nước Việt



Bản thân nghệ sĩ Tuấn Minh từ khi mới vào nghề, phải thủ vai quân chạy hiệu, quân hầu, quân báo, quân chạy cờ, từ từ mới lên vai phụ, kép mặt vằn, kép mặt trắng, vai nông dân, vai lão, vai con trai giả gái, con gái giả trai, con nít, vân vân..., và luyện cách nói lối, luyện giọng ca để biết ca đủ bài bản cải lương.
Những ngày vất vả tập luyện, biểu diễn tại các tỉnh thành xa lạ, cùng sự tiếp nhận như một con ong thợ chăm chút từng giọt mật ngọt của nghệ thuật từ những bậc cha, chú, đàn anh trong nghề, khi về lại đoàn Minh Tơ, nghệ sĩ Tuấn Minh đã có nhiều vai diễn thành công.

Một trong những vai diễn đó phải kể đến vai quan văn Trần Trung Tá oai phong, đĩnh đạc của một bậc trung thần vì dân vì nước trong “Tô Hiến Thành xử án”.

Nhân vật Nguyễn Địa Lô- một lão võ tướng, theo hầu danh tướng Trần Hưng Đạo, trong vở cải lương “Bức ngôn đồ Đại Việt”. Vai thái sư Bàng Hồng hoang dâm độc ác trong “Xử án Bàng Quý Phi”. Từ cách hóa trang, điệu bộ, biểu cảm trên nét mặt, cách đi đứng, đảo tròng mắt, kiểu cười nghe thật đáng sợ, hay chỉ có vài câu thoại nhấn nhá trọng âm, nhưng tạo được cảm giác cho người xem căng ra như sợi dây đàn khi Bàng Hồng xuất hiện.

Anh cũng đã tái hiện lại vai diễn này trong trích đoạn cải lương “Cửu Nhỉ Phi Long Báo Phu Cừu” (của cố soạn giả Minh Tơ và nghệ sĩ Thanh Tòng) trong suất hát gây quỹ Cây Mùa Xuân Nghệ Sĩ, giúp nghệ sĩ nghèo neo đơn ở hải ngoại và Việt Nam do đoàn nghệ thuật ca cổ Hương Sen thuộc Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam vào tối Chủ Nhật, 1-1-2012 tại hội trường VNCR (thành phố Westminster). Vai thái sư Bàng Hồng của Tuấn Minh khi diễn cùng với nghệ sĩ Ái Linh trong vai Công Chúa Phi Long. Đây là vở tuồng do chính ba anh và anh trai thứ năm của anh viết, nghệ sĩ Tuấn Minh đã thật xuất sắc khi diễn lại vai diễn cũ, từ cách hóa trang, điệu bộ, biểu cảm trên nét mặt, cách đi đứng.

 Nghệ sĩ Tuấn Minh vai Võ Đại Lang, nghệ sĩ Thanh Huyền vai Phan Kim Liên vở cải lương Võ Tòng



Trích đoạn này nghệ sĩ Tuấn Minh không hát nhiều, anh chỉ để Thái Sư Bàng Hồng nói, hoặc lách mặt sang bên khiến người xem phải hồi hộp dõi theo hướng nhìn ấy. Đó là thủ thuật gây chú ý của anh. Ngay cả dáng đi như một con báo, rất nhẹ nhưng giấu sức mạnh bên trong, sẵn sàng vồ mồi bất cứ lúc nào đã giúp Bàng Hồng của Tuấn Minh thật sống động. Anh cũng là người đã hướng dẫn cho nghệ sĩ trẻ Ái Linh (vốn là một bác sĩ Đông Y có phòng mạch tại Quận Cam) những vũ đạo của cải lương Hồ Quảng, để cô tạo được sự nhịp nhàng trong ca, diễn cho vai diễn Công Chúa Phi Long.

Ngoài ra còn vở cải lương “Câu thơ yên ngựa” do nghệ sĩ Phượng Liên thực hiện, trình diễn tại quận Cam vào ngày 23-10-2011 tại rạp Saigon Performing Arts Center (thành phố Fountain Valley) trước đây, là vở diễn đã đem lại nhiều xúc động cho khán giả ngay thời điểm bấy giờ (năm 2011) trước tình hình Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc hăm he xâm chiếm, bởi thông điệp cao cả của vở diễn về lòng yêu nước, đồng lòng từ triều đình cho đến muôn dân, muốn chống giặc ngoại xâm và các thế lực thù địch, trước hết phải đoàn kết từ nội bộ bên trong qua câu chuyện lịch sử chống quân Tống xâm lược của quân và dân Đại Việt, với tài thao lược của Thái Úy Thường Kiệt oai dũng, đa mưu túc trí. Trong vở diễn này, nghệ sĩ Tuấn Minh vào vai thái tử Chiêu Văn. Anh cũng là người đảm nhận hướng dẫn vũ đạo trong vở diễn này.

Nghệ sĩ Tuấn Minh nói rằng ngày xưa, khi khán giả xem vở diễn của sân khấu đoàn Minh Tơ, khán giả khen từ dàn cảnh, âm thanh ánh sáng, cho đến từ người quân, tỳ nữ cho đến các vai diễn chính, phụ khác. Đoàn Minh Tơ luôn được khán giả đánh giá là đoàn cải lương rất nghiêm túc, tôn trọng khán giả.
Nghệ sĩ Tuấn Minh tâm sự: “Cha tôi rất nghiêm khắc trong việc truyền nghề lại cho các con trên sân khấu cải lương tuồng cổ. Không phải là con nhà nòi mà anh em chúng tôi như cá nhân tôi, như chị Xuân Yến, anh Thanh Tòng... sẽ được ưu đãi trên sân khấu, ưu đãi về tuồng tích, vai chính trên sân khấu so với những nghệ sĩ khác tham gia trong đoàn. Mà khi học nghề, con trai, con gái trong gia đình của Minh Tơ đều phải học từ những vai nhỏ cho đến vai lớn. Trai thì làm quân, gái thì làm tì nữ. Quân thì cũng có phân cấp, từ quân đứng hầu, rồi mới lên quân báo.”

Nghệ sĩ Tuấn Minh chia sẻ: “Nhìn tấm gương của cha là nghệ sĩ Minh Tơ, anh trai Thanh Tòng, chị Xuân Yến... tôi biết rằng, để được khán giả yêu mến như vậy, cha, anh, chị của tôi phải đổ mồ hôi, công sức rèn luyện, và cả máu khi tập luyện những động tác vũ đạo khó. Tôi không chỉ học nghề, học đạo đức, tác phong người đi trước, học cả cái tâm của người nghệ sĩ đối với người nghệ sĩ, và sự tôn trọng khán giả khi đứng trên sân khấu, hóa thân vào nhân vật.”

Nghệ sĩ Tuấn Minh kể cha của anh, nghệ sĩ Minh Tơ, luôn khuyến khích các con và nghệ sĩ trong đoàn Minh Tơ sáng tạo trong vai diễn. Có những vai được phân cho 3, 4 người diễn các lớp diễn của vở tuồng, để mỗi người hát hay một cách khác nhau. Nghệ sĩ trong đoàn, ai cũng phải xem các nghệ sĩ diễn, để lỡ người nghệ sĩ đó bị bệnh đột xuất, thì có thể thay thế để đêm diễn vẫn mở màn.

Nghệ thuật ca diễn trên nền căn bản, phải biết sáng tạo thêm
Nghệ sĩ Tuấn Minh nói bản thân anh phải trải nghiệm rất nhiều vai, nhờ gia đình nghiêm khắc trong nghệ thuật, nên anh em của anh mới có tay nghề vững vàng trên sân khấu.

Anh kể, như vai Nguyễn Địa Lô, là nhân vật lão nông, thân thể mạnh khỏe, theo phò tá tướng Trần Hưng Đạo trong vở “Bức ngôn đồ Đại Việt”.

Ông là nhân vật chất phác, chân thật. Mỗi nghệ sĩ vào vai này, sẽ hát khác nhau. Như nghệ sĩ Thanh Tòng, anh trai thứ năm của anh, do bị thấp khớp, chân yếu, nên không thực hiện động tác vũ đạo nhiều như Tuấn Minh. Chủ yếu diễn chiều sâu tâm lý của nhân vật, Tuấn Minh bị thất thế về tướng, thấp hơn Thanh Tòng, nhưng chú trọng phát âm, cách nói của nhân vật nhà quê hơn vì đây là một lão nông.
Hay có vai, anh không ca, nói, mà chỉ diễn thôi, vẫn tạo được sự yêu mến của khán giả, như vai công tử A Dìn khờ khạo, không biết phân biệt chánh tà, trong vở “Xuân về trên đỉnh Mã Phi”, xuất hiện chỉ trong 2- 3 cảnh thôi, nhưng vẫn nhận được rất nhiều tràng vỗ tay khen ngợi.

Hoặc có lúc, trong một vở, anh biến hóa với nhiều nhân vật, như trong tuồng “Mã Siêu báo phu cừu”, màn đầu anh đóng vai Tào Tháo, màn sau vai Tiết Bình về báo tin Tào Tháo giết phụ vương...

Chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Bằng nét độc đáo của nghệ thuật mang âm hưởng hùng tráng, với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc. Đỉnh cao của sân khấu cải lương tuồng cổ có các vở: Câu thơ yên ngựa, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng Trống Mê Linh, Bão táp Nguyên Phong, Bức ngôn đồ Đại Việt, Anh hùng bán than, Tô Hiến Thành xử án... vân vân...

 Nghệ sĩ Tuấn Minh vai Từ Hải cùng nghệ sĩ Bình Trang vai Thúy Kiều



Những vở này được đầu tư công phu, dùng vũ đạo, bài bản mới để thể hiện nét oai hùng của dân tộc, dựa vào đề tài lịch sử Việt Nam. Đã thể hiện nét mới, Việt hóa từ âm nhạc, cảnh trí, vũ đạo đến diễn xuất. Vũ đạo của cải lương tuồng cổ cũng từ gốc hát bội, kịch hát hồ quảng do thầy Tàu sang dạy và cả vũ đạo do các nghệ sĩ sáng tạo thêm, nhưng rất Việt Nam, không lẫn với ca kịch Trung Hoa. Đó là cái tài của người nghệ sĩ, mà đó cũng là cái đặc thù của văn hóa Việt Nam, đón nhận cái của người, nhưng biến hóa nó, thăng tiến nó để nó hay hơn, đẹp hơn mà lại có nét riêng của Việt Nam.

Lao động nghệ thuật của nghệ sĩ cải lương tuồng cổ rất nặng, rất gần với nghệ thuật hát bội. Bởi nghệ thuật cải lương tuồng cổ đòi hỏi người nghệ sỹ vừa phải nhớ lời tuồng, hát theo nhạc, phối hợp động tác vũ đạo theo nhạc, theo lời và vừa diễn tả tâm lý nhân vật. Nghệ thuật cải lương tuồng cổ là dùng ngôn ngữ hình thể đã được cách điệu hóa, nâng lên thành múa vũ đạo, từ việc vuốt râu, cầm quạt, chạy gối, đứng một chân, phi ngựa... kết hợp nhuần nhuyễn với cách ca ngâm và hát, thay cho những lời đối thoại bình thường.

Nghệ sĩ Tuấn Minh ước mong: “Là nghệ sĩ, đã trót ăn cơm tổ, chúng tôi luôn mong ước duy trì và gìn giữ bộ môn cải lương tại hải ngoại này. Bản thân tôi phải làm một công việc khác để mưu sinh, không còn đi hát chuyên nghiệp như khi còn ở Việt Nam trước đây. Nhưng nếu có điều kiện, nghệ sĩ trẻ nào muốn học thêm về vũ đạo hoặc cách ca, diễn, tôi sẽ luôn dốc hết tâm sức ra dạy. Chỉ với mong mỏi nghệ thuật cải lương tại hải ngoại sẽ được tiếp sức bởi những nghệ sĩ trẻ, có lòng yêu nghề và chịu khó học hỏi, để giữ gìn nghệ thuật độc đáo này cho đồng hương Việt Nam”.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT