Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghệ thuật múa rối muôn màu, muôn vẻ

Băng Huyền/Viễn Đông Friday, 11/01/2013 - 09:00:47

Ông cũng từng theo học kịch câm dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Pháp Marcel Marceau, cha đẻ của nền kịch câm hiện đại thế giới, vào năm 2003.

Băng Huyền/Viễn Đông


Con rối dây đã hoàn thành với người mẫu Keith Anthony - ảnh: David Trần


Người nghệ sĩ dùng bàn tay đỡ con rối, đồng thời điều khiển độ chuyển động của mí mắt, nhãn cầu, lông mày và miệng con rối; còn tay kia điều khiển đôi tay của con rối cử động linh hoạt, khiến con rối trở nên vô cùng sinh động, khéo léo đến từng chi tiết trong từng hành động, biến câu chuyện mà con rối kể lại trở nên lung linh, huyền ảo, ly kỳ hấp dẫn, cuốn hút không chỉ với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, mà với cả người trưởng thành.
Múa rối là một nghệ thuật độc đáo. Bao gồm nghệ thuật xếp trò, nghệ thuật tạo hình con rối, vốn được chế tác công phu, và kỹ thuật điêu luyện của người nghệ sĩ điều khiển con rối trong khoảng không gian trình diễn, ánh sáng sân khấu, cùng âm nhạc phù trợ, chắp cánh cho con rối biểu cảm nội tâm, tình huống sân khấu thật lôi cuốn.


Đang tạo hình con rối dây ở trường Puppets in Prague - ảnh tài liệu lưu trữ của trường

Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên và ước mơ về Rối
Mong muốn phổ biến nét độc đáo của nghệ thuật múa rối và truyền tình yêu của mình qua nghệ thuật này đến với nhiều người, vào tháng 2 năm 2011, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên được sự bảo trợ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ – VAALA và Kenneth Picerne Foundation, đã mở lớp dạy múa rối miễn phí dành cho các học viên thiếu nhi lẫn người lớn, ngay tại văn phòng của hội VAALA.
Khi còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên từng theo học một thời gian bộ môn Hát Bội tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, và đã tốt nghiệp đạo diễn sân khấu tại trường này khi ông theo học ngành đạo diễn sân khấu và diễn xuất bên thoại kịch. Riêng về múa rối, ông có học như một bộ môn, là phương tiện để giúp giáo viên dạy các em nhỏ tiểu học, ngay trong thời gian ông học trường Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975. Khi sang định cư tại Hoa Kỳ, ông đã theo học nhiều khóa huấn luyện về bộ môn múa rối, đặc biệt là múa rối sử dụng dây qua chương trình “Puppets in Prague” (“Múa Rối ở Tiệp Khắc”) được thực hiện tại Washington D.C.
Ông cũng từng theo học kịch câm dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Pháp Marcel Marceau, cha đẻ của nền kịch câm hiện đại thế giới, vào năm 2003.
Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên có tham gia trình diễn một số tiết mục múa rối cho trung tâm Vân Sơn, do chính ông biểu diễn và sáng tạo, mang tên “I who have nothing”, “Uyên ương hồ điệp mộng”, “Khúc hát đào nương”. Qua những tiết mục rối này, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên đã lột tả được cái “thần” của nhân vật, thổi vào con rối hồn khí của người diễn, điều khiển con rối qua các động tác dứt khoát, linh hoạt và đạt sự tinh tế của nghệ thuật rối.
Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trần Tường Nguyên, các học viên lớp Múa Rối tại hội VAALA đã được học những kỹ thuật căn bản của nghệ thuật múa rối, cách làm con rối, luyện giọng, tự viết kịch bản và dàn dựng biểu diễn một vài tiểu phẩm. Khóa học kéo dài một năm, một tuần 2 buổi học, đã kết thúc vào tháng 2 năm 2012, với 3 buổi diễn trước các khán giả do các học viên của lớp tự dàn dựng và trình diễn các tiết mục từ 5 đến 10 phút.


Chân dung của Trần Tường Nguyên - ảnh: Jonathan Narvaez


Nói về mục đích của lớp học này, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên tâm sự: “Tôi nhận thấy trong bao năm qua, ngay trong cộng đồng của chúng ta tại Hoa Kỳ, không có buổi diễn múa rối nào, nên tôi muốn có thêm một hoạt động nghệ thuật để đóng góp cho các bộ môn nghệ thuật trong cộng đồng được phong phú thêm. Ngoài ra mục đích lớn nhất khi mở lớp học đó, tôi muốn đào tạo những người nghệ sĩ không chuyên, có khả năng làm rối, tự sáng tạo câu chuyện theo suy nghĩ của họ, giúp họ tự khai thác khả năng sáng tạo của mình một cách độc lập. Vì làm nghệ thuật mà không độc lập, thì sẽ không bộc lộ được hết những suy nghĩ của mình. Tôi giúp học viên mạnh dạn làm những gì mình muốn làm, chứ không phải sợ cái này, sợ cái kia, sợ người ta không hiểu. Nghệ thuật thì không có đúng, sai, mà rất cần sự sáng tạo được khai phóng, người thực hiện làm theo cảm nhận của mình, phát triển suy nghĩ độc lập của mình, chứ không theo bài bản nào. Để rồi sau khi kết thúc khóa học, tôi rất mong các học viên sẽ tiếp tục sáng tạo thêm từ căn bản nghệ thuật rối đã học được, để tham gia các tiết mục múa rối của mình trong những lễ hội ở trường học, những buổi họp mặt, hội hè trong cộng đồng”.
Định nghĩa về con rối, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên cho rằng với những vật vô tri dưới mọi hình thù, cục gỗ, khuc cây, tờ báo… thông qua sự điều khiển, người nghệ sĩ làm sao cho những vật ấy cử động, nhúc nhích được, biểu đạt điều gì đó, thì nó trở thành con rối. Theo nghệ sĩ Trần Tường Nguyên, nếu mình tự làm được con rối, thì mình sẽ diễn được. Người nghệ sĩ múa rối cần phải tự làm con rối của mình, khi diễn con rối sẽ có hồn hơn.

Vẻ đẹp muôn màu của Rối
Múa rối giống như xiếc, âm nhạc, nó có đặc tính dân tộc và quốc tế, tồn tại dưới nhiều hình thức trình diễn, là loại hình nghệ thuật sân khấu có nhiều thể loại con Rối khác nhau, xuất hiện ở hầu hết các quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời.
Được biết trên thế giới, các loại múa rối được phân loại dựa theo vị trí của người điều khiển. Nếu người nghệ sĩ điều khiển khuất ở phía dưới, đưa rối hiện hình lên bên trên, thì đó là loại rối tay, rối que. Rối tay gồm một cái đầu bằng gỗ gọt và một túi vải rộng lam thân mình, con rối hoạt động được là nhờ các ngón tay và bàn tay của người điều khiển. Rối que gồm một que điều khiển đầu và mình con rối và các que phụ điều khiển hai tay con rối.
Diễn viên điều khiển rối từ trên nhìn xuống, mà tung tăng uốn lượn cho sự chuyển động của rối, uyển chuyển và sinh động là loại rối dây. Rối dây là loại con rối có đầy đủ các bộ phận chính yếu như đầu, cổ, mình, chân tay... ghép vào nhau bởi các khớp có thể cử động được. Bộ máy điều khiển gồm một bàn máy có các dây dài nối xuống các bộ phận cần phải cử động của con rối.
Điều khiển rối từ sau ra trước hay điều khiển ngang là loại rối Nhật Bản. Rối Nhật Bản có kích thước rất lớn (0,8 mét đến 1,3 mét) gồm đầy đủ các bộ phận của cơ thể người. Có ba người điều khiển đứng đằng sau con rối. Người điều khiển chính làm cử động đầu và tay phải con rối. Người điều khiển thứ hai lam cử động tay trái con rối và người thứ ba điều khiển các chân con rối.


Đây là ảnh tiết mục múa rối "Khúc Hát Đào Nương" với Lương Nhật Tiến - ảnh: Đỗ Quang

Rối đen là rối đòi hỏi kỹ xảo và kỹ thuật biểu diễn khá cao. Khi trình diễn, trên sân khấu mắc phông màu đen để che giấu diễn viên, sử dụng một loại đèn đặc biệt có ánh sáng cực tím và các diễn viên phải mặc trang phục màu đen để khi trình diễn khán giả không thể nhìn thấy các diễn viên đang hiện diện trên sân khấu. Rối đen cho phép tạo sự thay hình, đổi dạng bất ngờ của con rối, gây cảm giác huyền ảo, ma quái, thần bí cho nhân vật và câu chuyện. Khác với những loại rối thông thường, những con rối trong nghệ thuật rối đen được tạo hình từ những mảnh vải sặc sỡ hay các vật liệu phản quang, có thể bay bổng, nhảy múa trên không trung theo ý của người điều khiển…
Rối bóng, là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển, kết hợp những yếu tố của âm nhạc, múa, sự ứng khẩu nhanh trí, những tấn hề vui nhộn, và thay vì trực tiếp nhìn thấy những con rối, khán giả chỉ nhìn thấy cái bóng của chúng.

Nét đẹp của Múa Rối Việt Nam
Nhận xét về nghệ thuật múa rối của Việt Nam, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên nói rằng, khi nói đến múa rối, người ta chỉ hình dung đó là con rối diễn trên sân khấu, nhưng nói đến múa rối ở Việt Nam, mọi người sẽ hình dung ra có hai loại hình: rối cạn, diễn trên sân khấu như của thế giới, và độc đáo vô cùng là rối nước. Khái niệm rối nước, chỉ có ở Việt Nam, và của riêng đồng bằng miền Bắc thôi, chứ miền Nam cũng không có nghệ thuật này.
Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên cho rằng múa rối nước của Việt Nam không chỉ độc nhất vô nhị so với thế giới, mà còn là nghệ thuật tuyệt diệu tựa thế giới thần tiên, kỳ ảo, đã thu phục tình cảm của ông thật trọn vẹn khi ông có cơ hội thưởng thức những tác phẩm rối nước khi còn ở Việt Nam.
Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên không phải là khán giả duy nhất mến yêu nghệ thuật rối nước Việt Nam. Nghệ thuật này không chỉ thu phục được các khán giả trong nước, mà với khán giả ngoại quốc, rối nước Việt Nam cũng được yêu thích. Rối nước của Việt Nam, không thuộc về các loại rối tay, rối dây, hay rối que… như của thế giới, mà lại là rối sào phối hợp với rối dây. Dụng cụ là mỗi cây sào dài độ 2 thước rưỡi - 3 thước, có khi dài hơn. Người diễn viên điều khiển được dễ dàng là nhờ sào ở dưới nước. Nước che cả sào, dây và các máy móc đặt trước để thể hiện những trò diễn như bắt cờ, đánh đu... người nghệ sĩ điều khiển rối nước không phải là từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ sau ra trước, hay người điều khiển phải ẩn mình vào con rối như ở Nhật… Mà người điều khiển phải cách khoảng thật xa, nhờ hệ thống dây đặt trước với một số cọc, và con rối dính với dây và cây cọc đó. Người điều khiển ở sau mành tre, hai tay luồn sau qua tấm mành và điều khiển sào hoặc dây làm cho rối cử động. Xin được nói chi tiết hơn về những độc đáo của nghệ thuật rối nước trong một bài viết khác.
Nghệ thuật múa rối không chỉ hấp dẫn người xem về hình thức trình diễn đa sắc màu, mà còn có nội dung đa dạng. Múa rối có khả năng biểu đạt mọi nội dung trong đời sống con người và xã hội. Tác phẩm đó có thể được thể hiện qua những trò diễn, những tiết mục ít sử dụng lời nói, với nội dung phản ảnh bản sắc văn hóa riêng biệt, thông qua các phong tục, tập quán và tôn giáo của mỗi vùng miền, mỗi lãnh thổ quốc gia khác nhau. Hay tác phẩm đó sẽ đề cập đến các sắc thái tình cảm trong tình yêu, sang hèn, vui, buồn, về cái thiện, cái ác, về anh hùng, tiểu nhân, và mọi cung bậc tâm lý, đạo đức của đời sống con người, thông qua các truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết và sử thi. Hoặc tác phẩm đó tập trung phản ảnh những vấn đề của xã hội, như vấn đề ô nhiễm môi trường thiên nhiên, ô nhiễm trong môi trường xã hội và trong các mối quan hệ giữa ngươi với người…
Qua nhiều tài liệu mà người viết tìm hiểu, được biết riêng về nghệ thuật rối cạn Việt Nam, xuất hiện ở hầu hết các dân tộc thiểu số, thì con rối là vật hiển linh trừ tà ma treo trước cửa nhà, mộ người mới chết, trong các lễ hội…
Nghệ thuật rối dây, rối que dùng để diễn các tích truyện Trung Quốc cổ xưa như Quan Công, Trương Phi, Sơn Hậu… thường được những sắc tộc phía Bắc Việt Nam như Tày, Nùng, Thái… biểu diễn. Các sắc tộc phương Nam, miền Trung và Tây Nguyên, người Chăm thì có rối tay, rối bóng, thường diễn các tích thần thoại Ấn Độ. Còn người Tây Nguyên, Khmer miền Nam có các trò rối que, rối dây, mang dấu tích văn hóa vùng Đông Nam Á.
Nghệ thuật múa rối thông qua con rối, cùng với ngôn ngữ của rối, khi thì có lời thoại, khi thì là ngôn ngữ kịch câm, với hình ảnh và âm nhạc được hòa quyện chặt chẽ với nhau trong một trò chơi đầy cảm hứng, kích thích trí tưởng tượng của người xem. Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, nghệ thuật múa rối vẫn được các nghệ sĩ như nghệ sĩ Trần Tường Nguyên tiếp tục gìn giữ, và phổ biến, để thêm thi vị cho đời sống tinh thần của mọi người. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT