Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 12)

Sunday, 17/07/2016 - 10:59:00

“Khách có hẹn chiều tối mà tiệm đóng cửa rồi, tôi vẫn có thể mở cửa tiệm để làm cho khách, thật ra thì khách nào thân tình, ở xa quá chỉ dành thời gian làm tóc vào tối sau khi tiệm đã đóng cửa thì tôi mới nhận làm, chứ thường thì chỉ muốn về với gia đình vào chiều tối.

Bài BĂNG HUYỀN

Những điều kiện để trở thành chủ tiệm beauty salon, barber

Ở Hoa Kỳ, làm một người tạo mẫu tóc Hair Stylist (hay người thợ cắt tóc nam Barber) và làm chủ của tiệm salon tóc (hay chủ tiệm barber) là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Người chủ tiệm sẽ cần phải tổ chức cơ sở doanh nghiệp của mình, thuê nhân viên, thu hút khách hàng và bảo đảm rằng khách hàng luôn hài lòng.

Nếu ở Việt Nam, ai thích mở salon tóc thì mở, từ việc hớt tóc dạo trên đường phố (dành cho hớt tóc nam) hay mở tiệm ngay tại nhà mình đang sống hoặc mở khuyếch trương thành những tiệm tóc lớn, sang trọng, thì việc mở Salon tại Mỹ rất tốn kém và nhiều thủ tục. Đòi hỏi người chủ phải có giấy phép và có những khu vực hay trung tâm thương mại không cho phép mở thêm Salon.

Thợ vào làm trong tiệm bắt buột phải có bằng hành nghề State Board để bảo đảm những đòi hỏi căn bản về sức khỏe cho khách hàng. Để bắt đầu kinh doanh một cách hợp pháp, người chủ sẽ phải xin giấy phép, phải điền các giấy tờ cần thiết và nộp cùng với lệ phí để có được giấy phép kinh doanh.


(Hình Băng Huyền/ Viễn Đông)



Quang cảnh tiệm tóc Bellagio the Salon trên đường Bolsa do anh Philip Phương làm chủ, được anh thiết kế, bày biện rất sang trọng, bắt mắt. (Hình Băng Huyền/ Viễn Đông)



Người chủ cũng phải xin cấp mã số thuế Liên bang (hay Mã số Thuế Doanh nghiệp). Đây là bước bắt buộc khi bắt đầu kinh doanh. Mã số Thuế Liên bang (hay Mã số Thuế Doanh nghiệp) của tiệm sẽ là mã số người chủ sử dụng để nộp thuế kinh doanh.

Ngoài ra người chủ cũng cần phải lập một kế hoạch kinh doanh. Đây là bản kế hoạch chi tiết hóa tất cả các vấn đề liên quan tới chiến lược kinh doanh của tiệm, chi phí gồm những gì, và sự cạnh tranh sẽ như thế nào. Điều này sẽ cần đến khi người chủ muốn xin vay vốn hoặc xin giấy phép.

Tìm nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh, bằng cách vay vốn hoặc từ tiền có sẵn. Cần tiến hành nghiên cứu để tính toán số tiền cần có để bắt đầu kinh doanh, và duy trì hoạt động, các yếu tố như tiền thuê mặt bằng, lương, chi phí thiết bị và sản phẩm…

Theo chị Thi Nguyễn (Hằng Nguyễn) cùng chồng là chủ tiệm chuyên về hớt tóc nam Franks Barber Shop ngay tại Sacramento từ năm 2008 đến nay, cho biết cả hai vợ chồng chị trước khi làm chủ tiệm barber, từng đi làm ăn chia với chủ tại nhiều tiệm tóc khác nhau.

Cũng như bao người trong nghề tóc từ thợ chuyển sang làm chủ khác, vợ chồng chị phải xem xét kỹ những quyết định nên khởi sự kinh doanh từ con số không hay điều hành công việc đã có sẵn. Chị cho rằng mở một tiệm tóc hoàn toàn mới là một lựa chọn lý tưởng nếu người chủ muốn được thử thách, nhưng nếu muốn giảm bớt rủi ro, vợ chồng chị mua lại một chỗ đã có sẵn.

Chị nói ở Mỹ, để trở thành một chủ tiệm tóc, có rất nhiều lựa chọn. Nếu muốn làm chủ của một tiệm tóc mới hoàn toàn, thì cần tìm địa điểm, địa điểm đó nên là một địa điểm thuận tiện, náo nhiệt để thu hút đối tượng khách hàng, phải có nơi đỗ xe tiện lợi và mặt tiền đẹp mắt. Khi tìm được địa điểm, cần đặt tên cho thương hiệu, thu hút khách hàng, và phải điều hành kinh doanh của tiệm khi chưa có nguồn khách hàng và thương hiệu ổn định.

Hình thức thứ hai là mở một tiệm tóc nhượng quyền, người chủ sẽ chọn một chuỗi salon đã có thương hiệu và mở một địa điểm mới. Muốn vậy, người chủ sẽ phải tuân thủ các chính sách của công ty nhượng quyền, và sẽ có ít quyền tự chủ trong các quyết định kinh doanh hơn, nhưng sẽ được lợi từ việc sử dụng danh tiếng mà khách hàng đã biết đến.

Hình thức thứ ba là mua lại một tiệm tóc đã có sẵn. Đây là cách mà vợ chồng chị chọn. Khi biết tiệm Franks Barber Shop do ông chủ làm nhiều chục năm muốn nghỉ hưu, rao bán, vợ chồng chị quyết định mua lại và tiếp quản kinh doanh. Chị nói vợ chồng chị may mắn được ông chủ chỉ dẫn tận tình cách điều hành của tiệm, và khi mua lại tiệm, vợ chồng chị cũng có được một số khách cũ của tiệm tiếp tục đến tiệm để cắt tóc. Nhờ mua lại tiệm đã có sẵn nên không phải tìm mua trang thiết bị nữa. Tuy nhiên, theo chị điều quan trọng với những người muốn tìm mua tiệm có sẵn là nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao người chủ lại muốn bán để bảo đảm đây là một thỏa thuận có lợi cho mình.

Hình thức cuối cùng là mình tự làm chủ cho mình bằng cách thuê station trong một tiệm tóc cho thuê ghế. Đây là hình thức rất phổ biến gần đây là người chủ mở một salon và cho các tạo mẫu tóc Hair Stylist (hay người thợ cắt tóc nam Barber) thuê lại những góc khác nhau trong tiệm, và họ có trách nhiệm tự mua sắm trang thiết bị và tìm kiếm khách hàng.

Nghề tóc và nạn phá giá
Anh Philip Phương, chủ nhân của tiệm Bellagio the Salon trên đường Bolsa, đây là tiệm mới hoàn toàn đã được anh điều hành từ năm 2007 đến nay.

Anh cho biết, “Tiệm của tôi có tất cả là sáu ghế. Hiện nay có hai người làm ăn chia, hai người thuê station và tôi nữa là năm người. Thời buổi này, làm chủ may mắn lắm là huề vốn, hiếm lắm mới khá giả. Vì tiền thuê quá cao, điện thì mình phải trả riêng, còn tiền nước thì được bao trong tiền thuê tiệm.
“Do kinh tế đi xuống, người khách giảm bớt nhu cầu cắt tóc nhiều lần, thay vì khách nam mỗi tháng cắt, thì họ đợi gần hai tháng…. Hơn nữa do tiệm tóc xung quanh đây mở ra nhiều quá, nhiều tiệm cạnh tranh bằng cách hạ giá. Tôi vẫn không hạ giá thấp quá, mà vẫn giữ giá của mình, dĩ nhiên không thể cao quá, vì cao quá thì cũng sẽ mất hết khách, nhưng hạ quá thì sao mình sống được. Hồi trước, có lúc trong tiệm chỉ có mình tôi, năm ghế còn lại chẳng có thợ nào thuê hay ăn chia cùng. Lúc đó cuộc sống hơi chật vật, may nhờ có lượng khách quen giúp tôi tiếp tục duy trì tiệm qua giai đoạn khó khăn.”

Anh Richard Giàu là thợ tóc có kinh nghiệm 28 năm, anh có sáu năm làm ăn chia với chủ và 22 năm nay anh thuê ghế, hiện anh thuê station tại một tiệm trên đường Westminster,

Anh cho biết thường những người thợ lâu năm như anh, có lượng khách quen ổn định, sẽ chọn cách thuê station có lợi hơn là ăn chia với chủ. Vì thuê Station thì tự mình làm chủ của mình, khách quen lấy hẹn với mình, tiền thu được mình giữ hết, chứ không cần chia 6: 4 (bên Hair Stylist, thợ 6, chủ 4) hay chia 7:3 (bên cắt tóc nam Barber, thợ 7, chủ 3).

Anh cho biết, “Thường khi thuê station, giá thuê phổ biến nhất hiện nay là $500, có nơi cao cấp hơn một chút thì giá $650. Chủ tiệm salon sẽ bao nước, điện, khăn, xà bông gội đầu, ghế ngồi cho khách, ghế gội đầu, máy hấp dầu, máy uốn tóc bằng điện.

“Còn đồ nghề cắt tóc, thuốc duỗi, thuốc uốn tóc, thuốn nhuộm… là thợ phải tự trang bị. Chủ tiệm nơi tôi đang thuê ghế hiện nay rất tốt với thợ, vì cô chủ này cũng từng làm thợ mướn ghế, nên rất hiểu những khó khăn của thợ đi mướn ghế. Tôi từng thuê nhiều nơi, nhưng chủ này dễ thương nhất. Cô giao chìa khóa cho từng thợ, ai có khách thì ra mở cửa làm.

“Khách có hẹn chiều tối mà tiệm đóng cửa rồi, tôi vẫn có thể mở cửa tiệm để làm cho khách, thật ra thì khách nào thân tình, ở xa quá chỉ dành thời gian làm tóc vào tối sau khi tiệm đã đóng cửa thì tôi mới nhận làm, chứ thường thì chỉ muốn về với gia đình vào chiều tối.

“Tiệm này có ba người mướn ghế, một thợ facial, hai người thợ ăn chia với chủ. Thường những khách walk in thì những thợ ăn chia với chủ được làm. Thợ mướn ghế thì không làm, khách có kêu cũng không làm để công bằng cho người thợ ăn chia với chủ. Trừ khi thợ ăn chia bận khách, chủ đề nghị thì mình mới làm.”

Anh Richard Giàu nói nghề tóc hiện nay có một tình trạng chung giống nghề nail là nạn phá giá để thu hút số đông khách hàng. Anh cho biết tại khu vực Little Saigon, chỉ riêng khu tứ giác đường Magnolia, Brookhurts, đường Bolsa, đường Westminster (chưa đến đường Garden Grove) đã có gần 70 tiệm tóc người Việt làm chủ.

“Mỗi tiệm có khoảng bảy, tám thợ. Cứ nhân lên. Vậy mà họ vẫn sống được,” anh nói. “Vì để sống được, nên nhiều tiệm hạ giá thấp để thu hút số đông khách hàng. Có tiệm thợ cắt tóc chỉ $7 đồng, thậm chí có tiệm cắt tóc chỉ $5 đồng. Nhưng theo anh Giàu thì tiền nào của đó thôi, khách muốn cắt đầu chỉ giá $5 đồng thì mái tóc ấy sẽ ra $5 đồng, $7 đồng thì ra $7 đồng, cá nhân tôi và nhiều người thợ khác đều không bằng lòng với kiểu phá giá này chút nào.

“Điều đáng buồn là tại sao các thợ và các tiệm không chọn cách chiêu dụ khách hàng bằng tài nghệ của tay nghề, phẩm chất sản phẩm, mà lại chọn cách hạ giá. Cách hạ giá như thế chính các tiệm tóc này đang ngày qua ngày tự giết chính mình. Dĩ nhiên khách hàng là người hưởng lợi, chỉ có chủ và người làm công cùng nhau đến bờ vực phá sản mà thôi.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT