Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 5)

Sunday, 29/05/2016 - 09:56:55

Vì vậy, từ khi State Board cho phép mang đầu tóc giả, hay bàn tay giả đi thi, anh cảm thấy là tiện lợi nhất. Tuy nhiên, phần thi thực hành trên đồ giả thì dù có làm mạnh tay cũng không sao. Nhưng khi cắt trên tóc giả khi cắt dễ bị sole, không chỉnh được dễ dàng như tóc thiệt.

Bài BĂNG HUYỀN

Thi lấy bằng hành nghề

Đối với các học viên của ngành Cosmetologist (ngành thẩm mỹ toàn phần bao gồm tóc, chăm sóc da, chăm sóc tay chân) nói riêng, và những ngành học thẩm mỹ khác như Barber (ngành học về tóc và cạo râu mặt, râu mép), ngành nail, facial… sau khi học đủ số giờ quy định, bước vào giai đoạn đi thi để lấy bằng hành nghề State Board thì hầu như học viên nào cũng đều có nỗi lo lắng trước khi đi thi. Sở dĩ các học viên xem trọng kỳ thi này, vì nếu không may thi rớt, vừa tốn tiền để đi thi lại, tiếp tục mất thêm thời gian chờ đợi ngày thi lại, cộng thêm tâm lý mỗi lần đi thi là một cực hình. Nên lúc thi, ai cũng muốn thi đậu, để mau kiếm ra tiền trang trải đời sống và giúp gia đình mình.

Anh Đạt đang hướng dẫn học viên chuẩn bị thi tóc phần thực hành. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Theo chị Ngân Lê, là một giảng viên ngành thẩm mỹ, chuyên dạy lý thuyết thẩm mỹ toàn phần (Cosmetology), môn nail, facial, và luyện thi State Board tại trường Evons Beauty College (thành phố Gadern Grove) cho rẳng thi để lấy bằng nail, tóc hay facial… hoàn toàn không khó, chỉ cần học đủ giờ, cô giáo dạy sao thì học kỹ, chắc chắn đi thi sẽ đậu. Miễn học viên đừng trốn học, đừng bận bịu quá nhiều mà không chịu học bài. Nếu chịu khó có học thì sẽ có phần thưởng xứng đáng là có bằng hành nghề thôi.
Những người thi rớt chủ yếu do không học bài, không chịu thực hành, không làm đúng vệ sinh quy định, thì sẽ rớt thôi. Nói chung tất cả những gì thầy cô dạy trong trường đều có hướng dẫn cụ thể để học viên đi thi, chứ không có sai lệch. Nhất là khi học viên trong thời gian chờ được State board gửi giấy đi thi, học viên được học phần luyện thi trong trường, đây là phần học mà các trường dạy ngành thẩm mỹ đều có, học viên không cần phải đóng thêm tiền.

Tuy nhiên việc luyện thi state board thường giảng viên dạy cho tất cả các học viên chuẩn bị đi thi, chứ không có dạy kèm riêng cho từng học viên. Vì vậy có vài học viên muốn “chắc ăn” đậu, thường ghi danh học thêm phần luyện thi bên ngoài với những người chuyên cho mướn kits, đưa đi thi, kèm theo dạy luyện thi thêm. Theo tôi, những người đảm nhận thêm việc dạy kèm, cần phải có học và có bằng instructor, nếu họ không có, mà vẫn dạy kèm cho học viên là sai.”

Dịch vụ đưa đi thi, cho mướn kits và luyện thi

Ngoài việc phải chăm học bài và thực hành trong suốt thời gian theo học tại trường beauty college, thì một trong những điều các thí sinh đi thi thường quan tâm chính là việc di chuyển đến nơi thi, bộ đồ nghề để dự thi, mà trong nghề này thường gọi là “kits”, cùng những kinh nghiệm về luật lệ phòng thi và cách thức thi cử để đậu. Đây là những điều nằm ngoài bài vở lý thuyết mà học viên đã học cũng như thực hành ở các trường thẩm mỹ. Đó chính là một nhu cầu và dẫn đến việc “ra đời” dịch vụ cho thuê nail kit kiêm chở đi thi và dạy kèm thêm trước khi đi thi cho các học viên, do người Việt phục vụ cho học viên Việt Nam.

Anh Đạt là chủ nhân của Dats Cosmetology Kits tại Westminster, là một trong những người làm công việc cho mướn kits, chở đi thi, dạy kèm trước khi đi thi, có kinh nghiệm khoảng hơn 10 năm nay. Khi vượt biên đến Mỹ vào thập niên 1980, anh đã đi học để trở thành kỹ sư điện tử, nhưng đến khoảng năm 2000, kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái, anh bị thất nghiệp. Do vốn khéo tay, và từng học cắt tóc khi còn ở trong trại tị nạn trước khi sang Mỹ, một phần thời điểm bấy giờ ngành nail và tóc tại Mỹ đang phát triển mạnh, nên anh chuyển sang học ngành thẩm mỹ toàn phần. Sau khi hoàn tất khóa học và thi đậu lấy bằng, anh tiếp tục học thêm khóa học teacher training để lấy bằng instructor, dạy Cosmetologist, rồi mở dịch vụ cho mướn kits.

Anh Đạt kể rằng chính từ khó khăn của bản thân mình khi đi mướn kits lúc thi, nên anh quyết định chuyển hẳn sang dịch vụ này. Anh, “Trước đây tôi biết có những công ty của người Mexico, người Trung Đông cung cấp kits cho thí sinh, có văn phòng gần trên địa điểm thi. Thí sinh lên thi, thường ghé tới đây để mướn. Như cá nhân tôi cũng vậy, khi đó, theo tôi biết trong cộng đồng Việt Nam không có phổ biến dịch vụ cho mướn kits, thành ra tôi cũng phải tìm đến những công ty trên để mướn. Cộng đồng chúng ta chỉ có dịch vụ này khoảng mười mấy năm nay thôi.”

Cũng theo lời anh Đạt, State Board không hề bắt buộc thí sinh hoặc chỉ định phải thuê mướn kits một chỗ quy định nào, miễn là kits của thí sinh mướn đầy đủ, đủ tiêu chuẩn cho kỳ thi. Nếu thí sinh mướn tại nơi bên cạnh địa điểm thi thường chỉ được mướn trước 3 giờ đồng hồ. Có một số địa điểm cũng như tại vài trường thẩm mỹ cũng cho thuê mướn trước một tuần lễ. Theo anh Đạt, thí sinh nên mướn kits trước vài ngày, để tập làm quen vị trí xếp đặt dụng cụ thi, ôn thực hành qua sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm, và kiểm soát tất cả dụng cụ còn đầy đủ, tình trạng sử dụng tốt. Chỉ cần thiếu một vài chi tiết nhỏ thí sinh cũng sẽ bị rớt một cách oan uổng, vì để thiếu dụng cụ thì đó là trách nhiệm của thí sinh chứ không phải trách nhiệm người cho thuê kits.

Anh Đạt cho rằng tâm lý chung của thí sinh khi đi thi lần đầu, vì chưa có kinh nghiệm thi cử, nên rất dễ bối rối và lo âu trước khi đi thi, nên nhờ dịch vụ cho mướn kits của người Việt Nam, học viên biết trước những điều sẽ gặp khi đi thi qua kinh nghiệm của người cho mướn kits chỉ lại.

Anh, “Khi tôi nộp đơn đi thi, tôi phải đến nơi thi trước để biết nơi thi, rồi đi mướn kits, phải tự sắp xếp, người cho mướn kits không chỉ cách sắp xếp kits cho tôi, tôi cũng không được mang kits về nhà, để mình sử dụng cho quen trước khi đi thi. Họ cung cấp dụng cụ, không hề chuẩn bị dư ra 3, 4 cái cho mình, để giúp phòng hờ lúc thi, mình run tay, làm rớt dụng cụ đó, phải có cái khác thay thế để tiếp tục phần thi.” Vì vậy, dù đã mướn kits, nhưng anh vẫn không an tâm khi bước vào phòng thi, vì anh không biết đồ nghề của mình có thiếu gì không, do không có người hướng dẫn tận tình.

Từ khó khăn của bản thân, khi mở ra dịch vụ mướn kits, anh có đông học viên tìm đến, cũng vì anh rất trách nhiệm với công việc, giúp các thí sinh từng chi tiết cụ thể trước ngày thi, bởi anh biết họ cũng rất bối rối, lo âu như anh trước đây, nên đã chỉ dẫn cho họ kỹ càng, chu đáo, vì anh biết họ cần giúp gì.
Anh Đạt nói, “Học viên tìm đến mướn kits của tôi phần lớn là người Việt, có cả người Mỹ, người Nhật, Đại Hàn. Không chỉ cung cấp kits cho học viên sống tại Quận Cam, tôi còn cung cấp kits cho thí sinh sống tại đây đi thi ở những tiểu bang khác để làm ở những tiểu bang xa.”

Anh nói, “Khi cho mướn kits, tôi còn cho phép học viên đem đồ nghề trước về nhà khoảng hai ngày, để học viên đó làm quen với đồ nghề và cách thức mà tôi đã chỉ cho họ sắp các dụng cụ trong thùng đồ nghề. Trong lúc chở thí sinh trên xe, tôi sẽ giúp học sinh ôn lại phần đã học để thi, vì tôi từng trải qua rồi và từng đi dạy, nên biết học viên cần biết những gì. Nên nếu không may họ gặp phải giám khảo quá khó tính, khiến thí sinh phải rớt, họ cũng không trách tôi, vì tôi đã giúp họ hết lòng rồi.”

Yêu cầu của bộ kits đúng tiêu chuẩn khi đi thi

Anh Đạt nói rằng những bộ kits cho mướn phải đúng theo tiêu chuẩn của State Board, được xếp gọn gàng nhất, thuận lợi nhất từng phần đồ nghề, giúp học viên bước vào phòng thi, dễ dàng thi phần thực hành. Vì khi họ mở thùng đồ nghề ra, đã biết mình cần phải làm gì rồi. Như tại tiệm của anh còn có một phòng thực tập cho tóc, nail, facial tương tự như của State Board, giúp các học viên khỏi bỡ ngỡ khi vào phòng thi. Anh Đạt nói khi đi thi, sắp đồ nghề rất quan trọng, giúp học viên thi đậu. Vì khi vào phòng thi, giám khảo bắt học viên bày đồ nghề ra, rồi mới bắt đầu làm. Khi đồ nghề đã được xếp gọn gàng trước đó, học viên chỉ cần theo trình tự mà thực hành các bước tiếp theo của phần thực hành theo từng món đồ nghề, tránh bị bỏ sót một bước nào đó.

Anh Đạt khẳng định, nghề cho mướn kits không phải chỉ cần có tiền, bỏ ra sắm mấy bộ đồ nghề, và một chiếc xe, rồi chở thí sinh đi thi, thu tiền. Theo anh Đạt người cho mướn kits đi thi, rất cần phải có kinh nghiệm để chỉ lại cho thí sinh, chứ không phải chỉ cần có tiền, sắm những bộ đồ nghề, rồi cho mướn. Thí sinh tự sắm kits đi thi cũng được, nhưng bất tiện, vì không có kinh nghiệm, sẽ không biết kits cần có những dụng cụ nào, có thiếu gì không.… Dù nhìn vào tài liệu của State Board gửi về cho thí sinh, họ cũng khó mà sắm đầy đủ được nếu không có kinh nghiệm thi rồi.

Hơn nữa, kits để đi thi, phần lớn là hàng rẻ tiền, còn đồ nghề để làm nghề, thường tốn nhiều tiền hơn. Nếu chỉ đi thi, phải tốn tiền mua bộ đồ nghề dành cho đi thi thì uổng quá, nên dịch vụ cho mướn kits đã nở rộ.

Anh Minh Tống từng mướn kits của anh Đạt để đi thi lấy bằng thẩm mỹ, đây là một nghề mà anh Minh Tống xác định học để “phòng thân” trong thời gian đeo đuổi lâu dài việc học tại đại học cộng đồng. Anh cho biết, ngoài việc thí sinh đã học kỹ lý thuyết và luyện tập thực hành nhuần nhuyễn, nếu có thêm việc mướn kits từ một người có kinh nghiệm thi cử để truyền lại cho mình, vừa có trách nhiệm với học viên, sẽ giúp học viên trong việc thi đậu dễ dàng. Anh kể, từ quãng đường đi khoảng 1 tiếng lái xe đưa anh đến điểm thi, anh Đạt đã giúp anh ôn lại bài thi trên đường, nhờ vậy lo lắng của anh cũng vơi bớt. Sau khi thi xong phần lý thuyết, trong lúc anh ngồi chờ đến chiều để vào thi phần thực hành, người hướng dẫn còn giúp anh kiểm tra lại bộ kits xem có thiếu dụng cụ nào không, sắp xếp có ngăn nắp, theo đúng trình tự để thực hiện phần thực hành không. Do vậy, anh rất tự tin khi bước vào phòng thi.

Những quy định khi thi lấy bằng State Board

Được biết, ngoài 10 địa điểm thi viết trên tiểu bang California (dành cho các thí sinh lựa chọn trước ngày thi nếu các học viên đã từng thi rớt về môn viết lý thuyết) còn phần đông lần đầu thi viết và thực hành cùng chung một ngày tại 710 S. Central Ave, Glendale, cho vùng Nam California, San Diego cũng như Orange, State Board thông báo ngày giờ thi và gửi kèm theo quyển cẩm nang (handbook), thư báo cho thí sinh trước khoảng 3 tuần của ngày thi.

Anh Đạt cho biết những thí sinh thi Cosmetologist thì thời gian thi lý thuyết là 120 phút cho 115 câu hỏi. Người dự thi chỉ cần chọn đúng 75 câu là đủ điểm đậu cho phần lý thuyết rồi. Thí sinh nào làm thực hành giỏi, đạt từ 230 điểm trở lên sẽ chỉ cần có 70 điểm lý thuyết mà thôi. Nhưng nếu dưới 70 điểm lý thuyết thì phải thi lại phần lý thuyết. Cho dù đã có hơn số điểm tổng cộng để đậu là 300. Còn phần thi thực hành của thí sinh lấy License Cosmetology. Phải đủ các môn làm đẹp căn bản như Nail. Cắt, uốn, nhuộm, duỗi tóc. Trang điểm và săn sóc da mặt khoảng thời gian thi từ 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng.

Những thay đổi khi thi lấy bằng State Board

Theo anh Đạt, hồi trước, thi thực hành khó hơn, còn bây giờ các bước thi thực hành dễ hơn, nhưng giám khảo chấm khó hơn. Hồi trước thí sinh chỉ cần nhìn vô đề thi rồi làm từng bước, còn mấy năm nay khi thi, giám khảo sẽ yêu cầu thí sinh làm từng bước theo yêu cầu của giám khảo, nên thí sinh phải nghe tiếng Anh được. Nếu nghe không được, làm không đúng theo yêu cầu cũng sẽ bị rớt. Giám khảo dù nói khá nhanh (đối với những người Việt mới sang chưa rành Anh ngữ sẽ gặp chút khó khăn), nhưng rõ ràng, học viên chỉ cần chú ý là nghe được. Thí sinh cũng phải thực hiện đúng vệ sinh để bảo vệ an toàn cho mình và cho khách. Trước đây sau mỗi thao tác phải rửa tay bằng nước và xà bông, mấy năm nay thay đổi, thí sinh chỉ rửa tay bằng chất rửa khô. Loại gel khử trùng không cần rửa nước, cứ sau mỗi công đoạn, phải rửa tay bằng gel này.

Nói thêm về những thay đổi của việc thi lấy bằng hành nghề State Board, anh Đạt nói, “Ngày trước, thi thực hành trên người mẫu, nên thí sinh tốn nhiều tiền hơn, vì phải mướn người mẫu (do người cung cấp kits giới thiệu luôn). Nhiều khi mướn người mẫu hơi phức tạp, vì cần phải đi đến địa điểm thi khoảng 1 tiếng lái xe, cần đi vào sáng sớm tránh kẹt xe... đôi khi người mẫu (thường là những phụ nữ lớn tuổi) bị bệnh đột xuất, hoặc người mẫu ngủ quên, gọi hoài không thấy nghe điện thoại, phải chạy lại nhà gõ cửa. Khi thi phần thực hành trên người mẫu, nếu học viên không khéo tay, lỡ làm mạnh tay, người mẫu bị đau, nhăn mặt… thì cũng dễ bị giám khảo khó tính trừ điểm phần thi thực hành.”

Vì vậy, từ khi State Board cho phép mang đầu tóc giả, hay bàn tay giả đi thi, anh cảm thấy là tiện lợi nhất. Tuy nhiên, phần thi thực hành trên đồ giả thì dù có làm mạnh tay cũng không sao. Nhưng khi cắt trên tóc giả khi cắt dễ bị sole, không chỉnh được dễ dàng như tóc thiệt.

Anh Minh Tống thì cho rằng với phần thi thực hành làm nail trên bàn tay giả, anh thấy dễ hơn thực hiện trên tay thật, vì làm trên tay thật, rất dễ bị lộ ra những khiếm khuyết. Ví dụ: khi đắp móng bột (acrylic), quy định thí sinh không được để bột dính bên ngoài lớp da ngoài của móng tay, nếu làm trên tay thật, người thợ không khéo tay, rất dễ dây bột ra lớp da này. Nhưng khi làm trên bàn tay giả, vì trên mỗi ngón tay có những khe để gắn móng tip vào, thành ra phần bột người đắp dù không khéo, có bị dư ra, nó sẽ chảy xuống khe đó, ngấm xuống hết, nên giám khảo sẽ không nhìn thấy phần bột đó. Bàn tay giả có 5 ngón và một phần cổ tay, cũng khá dễ cho thí sinh di chuyển để thực hành.

Nhưng anh cho rằng bàn tay giả cũng có những trở ngại. Thí dụ, trong phần thi Manicure, cần phải massage cho bàn tay, thí sinh một tay phải nắm khúc cổ tay của bàn tay giả thật cẩn thận, một tay thí sinh phải thoa lotion, vì tay giả không hút lotion, nên lotion vẫn còn lại trên tay, rất trơn, thí sinh rất dễ làm rớt tay giả xuống đất. Nếu giám khảo dễ thì cho qua, người khó thì sẽ trừ điểm thí sinh. Ngoài ra, khi đắp bột trên móng giả, vì khi học trong trường và đi thi, thí sinh phải dùng loại bột và dạng lỏng không mùi hôi, nên lâu khô hơn loại bột và liquid sử dụng tại các salon. Khi đắp trên móng giả của tay giả, chất lỏng này sẽ càng lâu khô hơn, nên rất khó cho thí sinh khi giũa lớp bột này cho mịn và đẹp.
Anh Minh Tống nói, “Để thi đậu phần thực hành, thí sinh cần phải luyện tập nhiều để quen tay, khi vào phòng thi sẽ đỡ hồi hộp và không run tay. Theo tôi, giám khảo chấm thi chú trọng việc giữ vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ an toàn cho khách hàng, và không bỏ qua trình tự các bước thực hiện; còn nếu thí sinh làm hơi xấu, không kịp giờ, vẫn không sao.”

Giải thích về sự thay đổi của State Board phần thi thực hành trên đầu tóc giả, tay giả thay cho người mẫu mẫu thiệt, anh Đạt cho biết, “Vì State Board chuyển sang công ty NIC (National Interstate Council) là công ty phụ trách cách thức thi cử cung cấp bằng hành nghề của State Board. Trước đây, do chính State Board tại Sacramento chịu trách nhiệm ra quy định.”

Anh Đạt cũng nói rằng công ty NIC từ trước nay chuyên cung cấp chương trình thi và quy định cách thức thi thực hành để lấy bằng thẩm mỹ tại những State Board ở những tiểu bang miền Đông, những tiểu bang lạnh… ở Mỹ. Các giám khảo của State Board phải học theo những đáp án, cách thức của công ty này đề ra, điểm chuẩn đậu, rớt ra sao… để căn cứ vào đó mà chấm thi. Chương trình thi của công ty này chuyên thi bằng bàn tay giả, tóc giả.

State Board tại California mới bắt tay làm việc với công ty này hồi tháng 4 năm 2011. Còn phần thi lý thuyết thì từ trước đến nay vẫn do công ty Psychological Services (PSI) cung cấp. Hiện nay, có khoảng hơn 30 tiểu bang tại Mỹ cùng chung trong hệ thống hợp tác với 2 công ty NIC và PSI.

Nhờ vậy, nhiều thí sinh gốc Việt ở tiểu bang trong hệ thống hợp tác với hai công ty NIC và PSI, nhưng không có phần thi lý thuyết bằng tiếng Việt, có thể qua Cali để thi để lấy bằng, rồi về tiểu bang mình làm đổi lại bằng, vẫn được công nhận. Phần thi lý thuyết cứ khoảng 1-2 năm lại thay đổi. Vì hội đồng thi sợ những thí sinh thi trước chỉ lại cho thí sinh thi sau, theo cách học tủ. Cuốn sách dạy phần lý thuyết vài năm cũng thay đổi đôi chút, để họ bán sách.

Về yêu cầu cần có của một người cho mướn kits muốn có đông học viên tìm đến, theo anh Đạt, người đó cần phải có kinh nghiệm, có trách nhiệm với người mướn kits của mình, và phải thường xuyên cập nhật những thay đổi của State Board để chỉ lại cho thí sinh. Anh Đạt cho biết anh luôn luôn vào trang nhà của State Board để chỉ lại cho học viên những quy định mới.

Vì có nhiều học viên mướn kits, chở học viên đi thi mỗi ngày, nên anh biết được tin tức mới từ State Board, cùng với những góp ý của học viên, cũng giúp anh mỗi ngày trong công việc này. Ngoài ra, những học viên nào chưa đủ tự tin thi đậu, còn ghi danh học kèm với anh phần thực hành.

Theo anh Đạt, nghề cho mướn kits và chở đi thi trong cộng đồng tại vùng Quận Cam có khoảng vài người. Trước đây có nhiều hơn, nhưng do mức độ cạnh tranh cao, nên một số đã bỏ công việc này.
Thường làm nghề này, theo anh, cần phải có những bạn nghề như mình, để lỡ đi từ sáng sớm, bị bể bánh xe, hoặc xe hư dọc đường, thì gọi ngay bạn nghề của mình đến giúp.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT