Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 7)

Sunday, 12/06/2016 - 11:49:10

Vì muốn học thử xem mình có hợp với ngành này không, nên ban đầu Trường Đinh ghi danh vào học lớp tóc (ngành Cosmetology) tại Sacramento City College, và học được một semester, thấy thích.

Bài BĂNG HUYỀN

Khác biệt của học lấy bằng Cosmetology tại trường tư và trường cao đẳng cộng đồng

Qua Mỹ định cư cùng gia đình tại Sacramento từ năm 1996, khi đó Trường Đinh đang học lớp 3, nhờ qua từ nhỏ nên việc học tiếng Anh và hòa nhập nhanh với các bạn đồng lứa trong trường cũng dễ dàng hơn. Sau khi học xong lớp 12, vì yêu thích thiết kế thời trang, vẽ các kiểu áo thời trang, nên anh chọn học fashion design ở trường America River College. Nhưng nghề này ở Sacramento không thịnh hành cho lắm, khi học xong, anh đi làm công khoảng 2- 3 năm, cho tiệm người Mỹ làm chủ, nhưng chỉ có may thôi, chứ không có cơ hội vẽ kiểu, còn nếu tự mở tiệm thì anh lại không có vốn, nhất là tại nơi anh sống các tiệm thời trang cũng không thịnh hành, nhận thấy nghề này không có tương lai, nên anh quyết định chuyển qua học thử nghề tóc, cũng là nghề sáng tạo, làm đẹp cho người khác, nhưng thay vì tạo kiểu dáng trên vải vóc thì là trên tóc.

Anh Trường Đinh cắt tóc cho khách hàng nam



Vì muốn học thử xem mình có hợp với ngành này không, nên ban đầu Trường Đinh ghi danh vào học lớp tóc (ngành Cosmetology) tại Sacramento City College, và học được một semester, thấy thích.

Nhưng vì học trong trường college thì chậm quá, vì phải theo từng semester của trường, muốn học đủ số giờ quy định là 1,600 giờ mới được đi thi lấy bằng State Board, phải kéo dài 3 semester, nghĩa là phải mất 1 năm 6 tháng mới học xong. Vì vậy, anh quyết định chuyển sang học tại trường My Le Beauty College (ở Sacramento) để nhanh đi lấy bằng để còn đi làm.

Nói về sự khác biệt khi học lớp tóc tại Sacramento city college và trường My Le Beauty College, anh Trường Đinh cho biết, “Vì tôi xin được tiền tài trợ học phí của chính phủ, cho nên nếu tôi học ở college thì tôi không cần bù thêm tiền học phí, mà chỉ cần đóng tiền đậu xe, phí điền giấy tờ, tự sắm kits, nhưng khi tôi chuyển qua học tại trường Mỹ Lệ, thì ngoài tiền financial aid của chính phủ cho, tôi còn phải đóng bù thêm tiền. Tuy nhiên học tại trường Mỹ Lệ thì nhanh thi lấy bằng hơn là học trong college.

“Cách dạy cả 2 nơi đều giống nhau, trong trường community college cũng có salon để học viên thực hành trên khách y như học bên ngoài trường tư vậy. Nhưng trong college thì họ không sợ mình nghỉ học, giảng viên không có kèm học viên kỹ như học tại trường Mỹ Lệ. Học tại trường Mỹ Lệ thì khi mình vào học, mình bấm giờ vào, khi mình ra thì bấm giờ ra, miễn sau mình sắp xếp thời gian học đủ số giờ quy định. Còn học tại trường college thì mình phải bấm giờ theo giờ của trường mở cửa, nghĩa là từ 7 giờ 30 cho học viên vào học, 2 giờ 30 mới bấm giờ ra, nếu vào học trễ, hoặc ra về sớm thì coi như là hôm đó mình vắng mặt.”

Học nghề trong tiệm của người Mỹ làm chủ

Trong thời gian học tại trường My Le Beauty College, được trường giới thiệu những nơi học viên có thể đến xin việc sau khi thi lấy bằng hành nghề, nên tháng 4 năm 2014 khi thi đậu lấy bằng xong, Trường Đinh đã xin vào làm ở MasterCuts, là tiệm của Mỹ nằm trong mall. Từ đó đến nay, anh cũng đã đổi qua một vài tiệm. Làm tại tiệm MasterCuts được vài tháng, sau đó anh đổi qua SuperCuts (cũng cùng 1 công ty, nhưng tên gọi khác), vì anh không thích nhuộm tóc, mà chỉ thích cắt tóc thôi, bên SuperCuts chuyên môn hơn về cắt tóc, không nhuộm tóc nhiều. “Tiệm tôi làm, người thợ làm hết các dịch vụ về tóc cho khách, kể cả gội đầu cho khách, cắt xong, sấy tóc luôn, chứ không có phân ai chuyên cắt, hoặc chuyên nhuộm như một vài tiệm của Mỹ khác.” Sau khi nghỉ SuperCuts, anh có làm tại tiệm do người Việt làm chủ và hiện nay anh đang làm ở tiệm Sportclips (chủ người Mỹ) chuyên về cắt tóc nam, vì anh thấy đây mới là sở trường của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm của một người thợ mới ra nghề và sự khác biệt giữa môi trường làm việc giữa tiệm của người Mỹ làm chủ và tiệm của người Việt làm chủ, Trường Đinh cho biết, “Học trong trường và thi đậu lấy bằng thì chỉ mới là bước khởi đầu mà thôi. Còn muốn làm được tại tiệm, học viên mới nào cũng phải học nghề một thời gian. Tiệm Việt Nam làm chủ thường làm ăn chia 6, 4 (chủ 4, thợ 6) vì vậy, nếu thợ chưa có kinh nghiệm, mới ra nghề, dễ làm mất khách của tiệm nếu không giỏi nghề.

“Vì vậy thường chủ Việt Nam không bao giờ mướn thợ chưa có kinh nghiệm, ít muốn hướng dẫn nghề nghiệp cho mình, thường họ hay giấu nghề. Còn tiệm người Mỹ làm chủ, họ dạy mình rất tận tình, vì những người quản lý của tiệm thường cũng làm công ăn lương, thợ trong tiệm cũng làm công ăn lương, nên họ không sợ mình sẽ làm ảnh hưởng đến lương của họ, vì vậy mình muốn học nghề, thì họ sẵn sàng dạy cho mình, không giấu giếm gì hết.”

Anh cho biết do mới vào làm, vì chưa kinh nghiệm, nên anh chỉ được trả lương căn bản minimum wage, làm tại các tiệm Mỹ làm chủ, thì làm trên 1 năm, sẽ được mua bảo hiểm sức khỏe. Về giờ làm việc ở tiệm của người Mỹ, thường phân theo ca, có hôm anh phải mở cửa tiệm, thì làm từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Hoặc có hôm phải đóng cửa tiệm thì đến làm từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối.

Thời gian làm không cố định, sẽ đổi liên tục, hôm thì ca sáng, hôm thì ca tối. Tiền Tip thì thợ được giữ, nhưng phải khai thuế, vì khách vào tiệm Mỹ, đa phần trả bằng credit card. Và tiệm Mỹ cũng trả lương cho thợ W-2 chứ không phải 10-99 như tiệm Việt Nam. Làm cho tiệm Việt Nam, thì thường cứ từ sáng đến tối, ngày nào cũng vậy, do đó anh chỉ làm tại tiệm của Việt Nam được mấy tuần thôi, rồi lại xin vào làm tại tiệm của người Mỹ.

Trường Đinh giải thích, “Làm tại tiệm Việt Nam thì ăn chia 6, 4, nhưng thời gian làm ở tiệm trên 8 tiếng, vì mới ra nghề, chưa có khách quen nhiều, nên tôi thấy mình không đáng để bỏ công để đi làm nhiều giờ, mà lương thu được không nhiều. Giá tiền cắt tóc, nhuộm tóc… của tiệm Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với tiệm Mỹ, nên dù có ăn chia mình 6, chủ 4, thì mình thu được cũng không bao nhiêu. Nhiều khi mình cắt tóc cho khách, vì muốn kỹ lưỡng, thật đẹp cho khách để lần sau khách tìm lại với mình, nhưng mình làm kỹ mất nhiều thời gian, bị mất khách chờ tiếp theo phải chuyển qua người khác làm, mà tiền thu được ít quá.

“Giá tại tiệm Việt Nam tôi làm, cắt tóc nữ từ 15- 20 đồng, nam thì 10- 12 đồng. Dù khu tiệm Việt Nam tôi làm cũng đã có giá tương đối khá rồi, chứ còn có khu tiệm Việt Nam giá còn thấp hơn, 7 đồng cắt tóc nam. Còn làm ở tiệm Mỹ, cắt tóc nam 20 đồng, cắt tóc nữ thì 30 hay 40 đồng, tùy theo độ dài tóc, tùy theo người thợ phải bỏ công tạo kiểu cho tóc. Nhuộm tóc giá đơn giản nhất là 60 đồng, còn tùy theo mức độ đòi hỏi cao hơn nữa thì tiền cũng sẽ mắc hơn.”

Theo Trường Đinh, “Trong tiệm của Mỹ mà anh làm, khách đến tiệm phần lớn là khách Mỹ trắng, đôi khi cũng có người Mexican, Á Đông. Cái khó của nghề tóc là phải tùy theo kiểu dáng tóc của từng sắc dân, cắt sao cho đẹp. Ngoài năng khiếu, cũng phải cần kinh nghiệm nghề dạy nghề. Khi mình làm có sai gì thì nhờ thợ trong tiệm giúp sửa lại cho khách, thợ vẫn nhiệt tình làm, vì họ cũng như mình được trả công theo giờ. Còn tiệm của Việt Nam, vì tôi chỉ mới làm có 1 tiệm nên chỉ nói theo chủ quan của mình chứ không dám nói chung các tiệm Việt Nam khác.

“Tại tiệm tôi từng làm, tôi thấy thường khách walk in vô làm những dịch vụ nhiều tiền như duỗi tóc, nhuộm tóc... thì chủ tiệm hay dành để chủ làm, ít chia cho thợ. Chủ chỉ chia cho thợ khách vào cắt tóc thôi. Còn tiệm của Mỹ, vì trả lương theo giờ, nên cứ tới phiên mình làm, khách vào nhuộm tóc, hay duỗi tóc... thì mình vẫn được làm, nên mình có nhiều cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề hơn. Nếu bắt đầu ra nghề, nên làm tiệm Mỹ có lợi vì được trả theo giờ, không có khách, mình vẫn có lương, lại có cơ hội học nghề. Còn làm ăn chia tiệm Việt Nam thì thiệt thòi vì không được chỉ tận tình.”

Nhớ lại thời gian mới có bằng State Board, xin vào làm tại tiệm MasterCuts để học việc, Trường Đinh kể, “Ngày đầu tiên tôi vào tiệm MasterCuts để học nghề, họ hướng dẫn cho tôi 1 tuần lễ, chỉ cách cắt tóc như thế nào, cắt làm sao, đứng ra sao để đừng bị đau lưng, đau chân tay. Dù học trong trường có dạy, nhưng khi ra tiệm, công việc làm hằng ngày, nếu mình không chú ý thực hành thì sẽ dễ bị bệnh nghề nghiệp như đau cổ tay, đau chân.

Vì làm nghề hớt tóc là phải đứng. Người thợ không thể ngồi ghế cắt tóc cho khách, thành ra việc cần thiết của 1 thợ tóc là học cách đứng, cách cầm kéo, tông-đơ hay lược để có một dáng điệu không cứng quá, mà cũng không được đứng vẹo người hay cúi lom khom. Đứng sai cách sẽ gây cho mình mệt mỏi và làm việc không dễ dàng.

“Khi đứng phải cách xa khách, không nên đứng sát vào người ta, hoặc ôm choàng lấy khách, sẽ làm khách khó chịu. Nhiều người thợ, nếu cắt tóc không để tay thẳng, cứ cong cổ tay lên cắt, thì lâu dài sẽ bị bệnh đau khớp cổ tay, đau luôn cả cánh tay. Vì vậy khi làm trong tiệm của Mỹ, tôi luôn được nhắc nhở nâng ghế khách ngồi cao lên đúng tầm mình để cắt, để không phải vẹo lưng, cúi xuống, cong qua, tránh bị đau hai bên eo.

“Ngày đầu tiên họ hướng dẫn cho mình, cho mình cắt thử trên đầu giả, sau đó có model cho mình cắt. Sau 1 tuần quen việc tại tiệm rồi thì họ mới cho mình ra làm thiệt trên khách. Theo tôi, người thợ mới có bằng, ra nghề, hay nhất là nên xin vào làm tại tiệm Mỹ làm chủ, dù họ hướng dẫn cho mình 1 tuần, sau đó họ không nhận mình vào làm, mình vẫn có lời là được học miễn phí 1 tuần, lại còn được trả lương theo giờ cho mình trong 1 tuần học việc đó, mình chẳng hề bị thiệt thòi chút nào.”

Tuy nhiên theo Trường Đinh, muốn vào làm tại tiệm của Mỹ, người thợ phải giỏi tiếng Anh. “Khi tôi vào xin làm tại MasterCuts, tôi có nghe quản lý của tiệm cho biết trước khi tôi đến xin việc, thì cũng có học viên gốc Việt đến xin vào làm, nhưng vì người đó không nói được tiếng Anh rành, nên đã không được nhận.”

Trường Đinh cho rằng, “Trong nghề tóc, giao tiếp với khách quan trọng không kém gì với yêu cầu tay nghề giỏi. Dù kỹ thuật làm tóc rất quan trọng nhưng người làm tóc phải biết nói chuyện và hỏi han khách hàng để biết được nhu cầu, sở thích của họ. Như vậy, người thợ mới giảm được các tai nạn nghề nghiệp khi khách hàng phật ý vì không thích kiểu tóc mới hay thợ hiểu sai yêu cầu của họ. Làm ở tiệm của Mỹ thì đa số là khách Mỹ, người thợ không chỉ hỏi để biết ý khách muốn cắt tóc ra sao, mà còn phải trò chuyện với khách để tạo sự thân thiện với khách.”
(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT