Phóng Sự

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại quận Cam

Sunday, 26/07/2015 - 10:02:00

Về những nỗi buồn khi thực hiện những chương trình quảng cáo, Trọng Nghĩa chia sẻ: Ví dụ trong 10 khách hàng, thì có bảy khách hàng rất dễ thương, hai khách hàng cực kỳ khó chịu, luôn đòi hỏi mình phải chăm sóc rất kỹ, và có một khách hàng không lịch sự, dù ký hợp đồng với mình ba tháng quảng cáo, nhưng mới một tháng là họ hủy rồi, chữ ký trên hợp đồng còn đó, nhưng họ không quan tâm.

Xướng ngôn viên Mộng Lan-Trọng Nghĩa

Bài BĂNG HUYỀN

                                                             Mộng Lan và Trọng Nghĩa

 

Đối với các khán giả yêu nhạc tại Quận Cam nói riêng và tại Hoa Kỳ, Canada nói chung, ca sĩ Trọng Nghĩa với giọng hát trầm ấm, tình cảm, thành công khi hát những ca khúc trữ tình nhạc Pháp, là hình ảnh rất đỗi thân quen, và khi nhắc đến Trọng Nghĩa, thì gắn bó với anh luôn là người bạn đời của anh, nhạc sĩ- xướng ngôn viên Mộng Lan (chị tốt nghiệp cử nhân âm nhạc ngành dương cầm), và cũng là người bạn nghề trong âm nhạc, trên radio, truyền hình trong vai trò xướng ngôn viên.
Kể về cơ duyên trở thành xướng ngôn viên, chị Mộng Lan cho biết, “Trong thời gian Trọng Nghĩa và Mộng Lan chưa kết hôn, cả hai liên lạc qua lại với nhau bằng điện thoại, thời đó chưa có cell phone, có khi Mộng Lan gọi cho anh Trọng Nghĩa, anh không có ở nhà, Mộng Lan để lại lời nhắn, khi nghe anh thấy giọng Mộng Lan hay, nên đã thu lại trong cassette để dành. Chính về sau khi anh Trọng Nghĩa cộng tác với ca sĩ Hoàng Oanh trong chương trình Thi Văn Tao Đàn, chị cần người đọc quảng cáo, nên anh Trọng Nghĩa đưa băng cassette từng thu giọng của Mộng Lan cho chị Hoàng Oanh nghe, chị đã nhờ Mộng Lan đọc quảng cáo. Từ đó là nhân duyên đầu tiên để Mộng Lan đến với nghề xướng ngôn viên là khoảng năm 1994- 1995.
“Đầu tiên Mộng Lan làm cho đài tiếng nói Hương Sen, là đài Phật giáo, đọc lá thư truyền thanh của cư sĩ Mật Nghiêm, làm được một thời gian, sau đó vì Mộng Lan không có giờ đi thu buổi tối nữa, nên nghỉ. Bấy giờ đài Văn nghệ truyền thanh của anh Lê Phú Bổn mời Mộng Lan cộng tác, anh Lê Phú Bổn có nhờ anh Trọng Nghĩa đọc chung tin tức với Mộng Lan, hai vợ chồng làm tại đây một thời gian, và sau đó chuyển sang làm ở đài Little Saigon Radio (từ năm 1998- 2001).
“Trong thời gian Mộng Lan làm ở Little Saigon radio, anh Trọng Nghĩa phụ trách biên tập chương trình Nhạc Tuyển Bốn Phương, anh dịch những bài hát Pháp ra tiếng Việt, viết lời giới thiệu ca khúc để Mộng Lan đọc giới thiệu chương trình.
“Đến khi Mộng Lan nghỉ làm đài Little Saigon Radio, chuyển qua đài VNCR, thì anh Trọng Nghĩa qua đài VNCR phụ trách chương trình nhạc tình thế giới, giới thiệu những bài nhạc Pháp, Ý, Đức….”
Tiếp lời chị Mộng Lan, anh Trọng Nghĩa nói, “Từ năm 2000 đến nay, Trọng Nghĩa, Mộng Lan cộng tác với đài Sài Gòn Houston (900 A.M) phát thanh từ sáng sớm bên Dallas. Mỗi ngày Trọng Nghĩa, Mộng Lan vẫn tường trình từ Cali qua bên Houston tin tức, và có thực hiện chương trình Về Với Chân Tâm là chương trình Phật giáo. Chương trình này Trọng Nghĩa, Mộng Lan sưu tầm những bài hay về đạo pháp trích ra từ những quyển sách của quý thầy, làm chương trình dài 25 phút phát thanh mỗi tuần, chương trình này Trọng Nghĩa- Mộng Lan thu tại phòng thu của mình, rồi gửi qua cho đài Sài Gòn Houston phát đi, Trọng Nghĩa- Mộng Lan đã làm chương trình này từ 12- 13 năm nay, hiện nay vẫn còn tiếp tục.”
“Còn phần tin tức thì phải thu live qua điện thoại cell phone. Chương trình dài khoảng 45 phút. Trọng Nghĩa và Mộng Lan là đặc phái viên của đài. Vào giờ trực tiếp phát thanh, bên Houston có hai xướng ngôn viên, Dallas có hai xướng ngôn viên và bên California có hai xướng ngôn viên là Trọng Nghĩa và Mộng Lan. Tất cả phải tự soạn tin gồm tin Hoa Kỳ và thế giới để đọc và chia ra mỗi người đọc 1 tin, người kế đọc tiếp theo.
“Phần biên soạn tin Trọng Nghĩa Mộng Lan lấy tin từ VOA, RFI của Pháp, BBC hoặc khi có tin nóng, thì mình phải tự dịch tin từ yahoo để đọc. Người nào đọc trước thì đọc tin đã chọn rồi, người đọc tiếp theo sẽ đọc tin khác, chứ không đọc trùng tin mà người trước đó đã chọn. Vì vậy trong lúc chọn tin, phải chọn dư tin, để khi nghe bạn đồng nghiệp của mình đọc trùng tin mình chọn, mình phải đọc tin khác, hoặc nếu tin đó dù trùng nhưng có thêm những chi tiết quan trọng mà đồng nghiệp soạn còn thiếu, thì Trọng Nghĩa, Mộng Lan đọc bổ sung chi tiết của tin đó thêm.”
Trọng Nghĩa cho biết hai năm trước, do Mộng Lan phải dậy từ 4 giờ sáng để soạn tin (vì bên Houston đi trước California hai tiếng, chương trình “chào bình minh” của đài Sài Gòn Houston bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng (giờ Houston), làm trong vòng 7, 8 năm thấy cực quá, sau đó xin nghỉ phần tin tức này. Hiện nay, Trọng Nghĩa và Mộng Lan chỉ còn thực hiện phần tin duy nhất là lúc 12 giờ trưa bên Houston, tức 10 giờ sáng bên California, năm ngày trong tuần, Trọng Nghĩa, Mộng Lan luân phiên nhau. Trọng Nghĩa phụ trách đọc tin vào thứ Ba, thứ Năm, Mộng Lan phụ trách đọc tin vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, phần tin này chỉ dài 30 phút thôi, cũng thu live cùng với các xướng ngôn viên ở Dallas và Houston, trung bình một người đọc ba tin, hai tin thế giới và một tin Hoa Kỳ.
Song song với phần đọc tin, cả hai anh chị còn thực hiện những chương trình như nhạc chủ đề, nhạc tình thế giới, đoản khúc cho tình yêu, nhạc xứ người và xứ ta, mỗi tuần một sáng tác, nghệ sĩ cung đàn và tiếng hát… đều được Trọng Nghĩa và Mộng Lan thu trước dài khoảng 25 phút, rồi gửi qua Houston để đài phát thanh.
Riêng về đài truyền hình, thì vào năm 1996- 1997 xướng ngôn viên Mộng Lan đã cộng tác với đài truyền hình của anh Đinh Xuân Thái, nhưng sau đó đài không hoạt động nữa vì lý do tài chánh. Đến năm 2001- 2002 vừa làm radio, xướng ngôn viên Mộng Lan còn cộng tác thêm với đài Little Saigon TV, đến năm 2003 Mộng Lan “kéo” luôn Trọng Nghĩa vô làm chung trong đài. Cả hai cũng khá truân chuyên khi chuyển công việc từ đài này sang đài khác như đài VNA, VBS. Từ năm 2009 đôi vợ chồng Trọng Nghĩa- Mộng Lan với thế mạnh thực hiện các chương trình quảng cáo, thực hiện những show giới thiệu về nhà hàng, vườn cây, tiệm thuốc tây,... phát trên đài truyền hình, đã giúp ích không nhỏ quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Hiện nay cả hai phụ trách chương trình quảng cáo trên đài SET (làm tại đài từ năm 2011 đến nay).
Cũng theo lời ca sĩ Trọng Nghĩa, vì nhân duyên làm xướng ngôn viên nên anh đi thi tuyển giọng đọc những quảng cáo, và đã được các công ty lớn như Toyota, State Farm, WalMart... tuyển giọng của anh đọc quảng cáo cho họ. Hoặc anh được mời đọc những phim thiếu nhi ngắn của Walt Disney, phim về du lịch. Chính nhờ giọng đọc truyền cảm, truyền đạt được tinh thần của nhà sản xuất sản phẩm đến được người tiêu dùng. Đặc biệt là phải cảm được sản phẩm và đặc biệt phải nắm được những yêu cầu, thị hiếu của khách hàng đối với sản phẩm mà mình đọc quảng cáo, nên những chủ nhân của công ty người Mỹ dù hoàn toàn không biết tiếng Việt, họ chỉ xét giọng Trọng Nghĩa hoàn toàn bằng âm điệu, cách nhả từ láy ngữ, cách nhấn nhá uyển chuyển, tự nhiên và có khả năng đặc tả, anh đã đạt được tiêu chuẩn mà họ yêu cầu.


                                                        Mộng Lan và Trọng Nghĩa


Nỗi buồn nghề nghiệp

Về những nỗi buồn khi thực hiện những chương trình quảng cáo, Trọng Nghĩa chia sẻ: Ví dụ trong 10 khách hàng, thì có bảy khách hàng rất dễ thương, hai khách hàng cực kỳ khó chịu, luôn đòi hỏi mình phải chăm sóc rất kỹ, và có một khách hàng không lịch sự, dù ký hợp đồng với mình ba tháng quảng cáo, nhưng mới một tháng là họ hủy rồi, chữ ký trên hợp đồng còn đó, nhưng họ không quan tâm. Lâu lâu Trọng Nghĩa- Mộng Lan cũng gặp một khách hàng như vậy, nhưng đành chấp nhận thương đau vì nghề lấy quảng cáo cũng có những mặt trái của nó.”
Mộng Lan chia sẻ thêm, “Riêng Mộng Lan thì chỉ thích làm xướng ngôn viên radio hơn truyền hình. Vì truyền hình thì phải dựa vào nhiều người quá, rất nhiêu khê. Từ người quay phim, kỹ thuật viên, người phát chương trình, nhiều khi mình muốn phát chương trình này, thì họ lại phát chương trình kia, phát không đúng giờ. Nếu có tin nóng về biến cố gì, hoặc sự kiện đặc biệt là họ sẽ bỏ hết những chương trình mà họ nói họ sẽ phát. Sau đó có phát lại, nhưng vào giờ phát mà khách hàng không hài lòng, Trọng Nghĩa- Mộng Lan rất hồi hộp khi gặp những trường hợp như vậy, có bổn phận báo cho khách hàng biết, phải xin lỗi khách hàng. Có người thông cảm, nhưng cũng có người không thích.”
Kể về tai nạn nghề nghiệp của mình khi làm xướng ngôn viên, Mộng Lan nói, “Một lần Trọng Nghĩa và Mộng Lan làm live chương trình cho đài Truyền Hình Global TV, lúc đó Mộng Lan đang đọc tin, tự nhiên cái ghế Mộng Lan đang ngồi hết gas, cứ thấp dần dần xuống chỉ còn thấy chỏm đầu của Mộng Lan. Hoặc có lần đang ngồi trên ghế, quay qua một cái, ghế bị gãy trục, Mộng Lan rớt bịch xuống đất. Những lúc thu live gặp trục trặc như vậy nếu mình không biết cách đối phó, là sẽ rất kỳ cục. Vì vậy mình phải nhanh nhẹn khi gặp sự cố.
“Một lần nọ, đọc tin trên truyền hình, khi về xem lại, Mộng Lan thấy sao vai mình bên thấp bên cao, thì ra là do cái cầu vai của áo Mộng Lan mặc, cái ở đằng trước, cái ở đằng sau, nhìn như người gù. Mà người quay phim không để ý để kêu mình sửa lại. Vì vậy Mộng Lan rất sợ lên tivi là vậy, mỗi lần “on air,” là rất lo không biết có gặp gì không. Với truyền hình Mộng Lan thường gặp tai nạn nghề nghiệp, nhưng với radio có một lần duy nhất bị tai nạn nghề nghiệp khiến Mộng Lan nhớ đời tới giờ.
“Lúc đó Mộng Lan đang cộng tác với đài Văn Nghệ Truyền thanh của anh Lê Phú Bổn, trong lúc Mộng Lan đọc tin tức (phát live), anh Lê Phú Bổn có in ra giấy phần tin của anh, nhưng bị trục trặc không in được, vì vậy khi anh Phú Bổn đọc bản tin kế tiếp là ngay phía dưới bản tin Mộng Lan đọc, nên lúc Mộng Lan đang đọc tin, thì anh cầm kéo cắt cái rột phần tin tiếp theo để anh đọc. Lúc đó Mộng Lan buồn cười quá, phá lên cười, trong khi tin Mộng Lan đọc là tin rất buồn.”
Mộng Lan không thích xuất hiện trên truyền hình, nhưng Trọng Nghĩa thì rất thích làm bên truyền hình. Anh nói, “Trọng Nghĩa luôn cố gắng học hỏi, những show thâu về, luôn xem lại để biết những khuyết điểm mình mắc phải để tránh. Vì truyền hình rất quan trọng với sự xuất hiện của mình trước khán giả, nên những cái dở của mình sẽ phô ra hết trước ống kính. Trọng Nghĩa thường xem những show của bạn đồng nghiệp thấy có gì hay thì học hỏi, còn những cái dở của mình, xem lại để tránh. Ví dụ hay nói lắp, con mắt hay láo liên, cái đó trên truyền hình kỵ lắm.
“Nhiều khi trong phim trường có 4, 5 máy quay, mình phải biết ống kính nào đang hướng về mình để mình nhìn ống kính đó. Phim trường của người ngoại quốc, máy quay nào đang quay người xướng ngôn viên thì có đèn nút đỏ sáng lên trên máy quay, xướng ngôn viên nhìn về máy đó. Còn phim trường các đài Việt Nam không có, thành ra nhiều khi mình nhìn lung tung tìm máy nào đang quay, nên mắt sẽ láo liên. Nếu xướng ngôn viên của radio thì mình chỉ cần ngồi thu trong phòng thu, có thể mặc đồ gì cũng được. Nhưng xuất hiện trên truyền hình thì phải tươm tất, phải tôn trọng khán giả.”


                                                      Trọng Nghĩa và Mộng Lan


Kinh nghiệm trở thành xướng ngôn viên giỏi

Để trả lời câu hỏi của người viết về những kinh nghiệm để trở thành một xướng ngôn viên giỏi, chị Mộng Lan bày tỏ, “Mộng Lan không nghĩ Mộng Lan là xướng ngôn viên giỏi đâu. Mộng Lan cũng chỉ là tay ngang vào nghề thôi. Vì bên này đâu có trường lớp nào dạy làm xướng ngôn viên, Trọng Nghĩa và Mộng Lan đều tự học thôi. Tối về nhà là xem tin tức của đài Mỹ, học phong cách của xướng ngôn viên của Mỹ, họ tự nhiên, không gò bó, để người xem thoải mái. Học cách đọc, có những chữ đâu phải chữ nào mình cũng biết đọc đâu. Khi đọc tin tức, rất khó, những danh từ chữ Do Thái, Ả Rập, Đức, Pháp, Anh… phải đọc hết. Do đó phải nghe tin tức của Mỹ để học.
“Cách làm việc của Mộng Lan như vầy, khi thấy bản tin, sẽ chia câu, phải đổi lại những chữ trong đó. Mộng Lan rất khó chịu khi phải dùng những chữ sau 1975, vì chữ trước 1975 rất hay, chẳng hạn như phát hiện, thì mình có thể dùng chữ khám phá, hay phát giác, tìm thấy. Tùy theo câu như thế nào, mình phải đổi hết rồi, mới chia câu cho nó nhịp nhàng, đúng văn phạm. Chia câu bằng cái gạch, một cái gạch chéo là nghỉ rất nhanh, hai cái gạch là nghỉ lâu, phần nhiều hai cái gạch áp dụng cho dấu chấm, hoặc chấm phẩy.
“Khi Mộng Lan đọc lên, phải tìm cái hồn của bản tin đó. Chính mình phải tin bản tin đó khi mình đọc thì mình mới đọc được. Ví dụ như Mộng Lan không thích đọc tin nào đó, thì sẽ không bao giờ chọn, sẽ chọn những tin nào hợp với lòng của Mộng Lan, thì đọc sẽ hay hơn. Cũng nhờ cả hai là vợ chồng, hiểu ý nhau, nên khi cùng xuất hiện trong vai trò xướng ngôn viên, nếu có sự cố gì xảy ra, Trọng Nghĩa đỡ cho Mộng Lan hoặc ngược lại, cách dẫn tin luôn có sự nhịp nhàng ăn ý với nhau.”
Ca sĩ Trọng Nghĩa thì nhấn mạnh: “Khi nói trên truyền hình hay truyền thanh, người xướng ngôn viên phải thận trọng, không được lộng ngôn. Vì lộng ngôn, đưa cái tôi của mình nhiều quá, người nghe sẽ ghét, thành ra mình phải luôn khiêm nhường, nói năng không bừa bãi.”

MC và những điều cần biết

Riêng về kinh nghiệm làm MC, dù thực hiện không nhiều nhưng chị Mộng Lan cũng chia sẻ, “Cách dẫn làm sao đừng dài quá, nhưng cũng đừng ngắn quá, tùy theo chương trình, nếu là thơ nhạc, thì phải nói văn chương, còn là một đại nhạc hội thì phải hoạt náo để không khí sôi động. Còn chương trình thơ nhạc, thì phải lắng đọng, giới thiệu một cách linh đọng từ nguồn gốc tác phẩm hay cách nghệ sĩ đã từng diễn đạt.
“Người MC từ cách ăn mặc trang phục cũng phải phù hợp từng chương trình, nếu tổ chức ở sân khấu hay trong một hí viện sang trọng hay trong nhà hàng... Mà Mộng Lan thì rất dở về điều này, nên luôn nhờ anh Trọng Nghĩa chỉ dẫn. Khi làm MC trên sân khấu, MC phải có giao lưu bằng mắt với các khán giả, chứ không nên như một số MC hay ca sĩ chỉ đứng ở một góc sân khấu dường như chỉ hát cho một nhóm khán giả ở giữa sân khấu, mà quên mất ở bên trái cũng có khán giả, bên phải cũng có khán giả, thành ra người MC và cả ca sĩ, không được quên ai hết, cũng phải dõi mắt mình đến khán giả ngồi ở cuối khán phòng.
“Cách đi từ bên trong cánh gà ra sân khấu và rời khỏi sân khấu đi vào rất quan trọng, mà Mộng Lan vẫn còn chưa thuần thục lắm. Hiện nay Mộng Lan chỉ nhận làm MC cho các chùa, còn những chương trình văn nghệ thì không nhận nhiều, chỉ chương trình nào Mộng Lan thích lắm, thì mới nhận lời thôi.”
Với chị, để trở thành một MC thì không khó, bất cứ ai có khả năng ăn nói và lòng yêu thích nghề điều khiển chương trình đều có thể làm điều này. Tuy nhiên để có thể trở thành một MC được yêu mến thì không bao giờ là dễ dàng. Vì ngoài khả năng ăn nói lưu loát, MC còn cần phải biết lắng nghe. Lắng nghe người đang đối thoại với mình, lắng nghe những cảm xúc của khán giả để thật sự hiểu, đồng cảm với họ, để từ đó, những điều mình nói ra không chỉ đơn thuần là lời dẫn, mà thật sự là những lời sẻ chia, trò chuyện. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT