Hôm Nay Ăn Gì

Nghêu/vạp sông xào lá lốt

Monday, 11/10/2021 - 09:15:43

Những ai từng sống ở vùng sông nước, từng lặn ngụp trong con nước mát sông quê hương,...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Những ai từng sống ở vùng sông nước, từng lặn ngụp trong con nước mát sông quê hương, chắc cũng đôi lần từng lặn nghêu sông, từng nhìn thấy cảnh người ta cào hến. Nhất là lặn nghêu, có thể nói rằng đây là một trò chơi, một công việc, một thú vui ngấm vào máu thịt, tâm hồn những ai có tuổi thơ quê kiểng. Và khi lặn xong được con nghêu, mang về đưa cho mẹ, mẹ làm cho sạch, luộc, chế biến và gọi “cu quơi đi hái lá lốt (việc này ít sai con gái), về mẹ xào món nghêu lá lốt, một bữa cơm đậm đà khó quên!

Nghêu sông khác với nghêu biển chở chỗ, nghêu sông vỏ không dày, không lấp lánh, có phần xấu xí hơn nghêu biển. Nhưng bù vào đó, nghêu sông thơm ngọt, bổ dưỡng và không bị hạt cát bám trong thịt như nghêu biển. Việc lặn nghêu sông cũng rất thú vị, có khi tình cờ bắt được trai sông, nhiều con có ngọc, vậy là đổi đời.

Nói tới ngọc trai hay cát trư (một khối trong nội tạng heo già, rất thơm, bán cực đắt) tự dưng nhớ lại hồi nhỏ, thời đó chẳng ai biết món này, bản thân tôi từng lặn được trai có ngọc, mang về bà nấu, thấy có hột ngọc, bà nói đó là ngọc trai nhưng lại bảo ngọc trai sông không dùng được, vậy là cho tôi mài làm bi để bắn, khổ nỗi ngọc rất khó mài, tôi chơi vài hôm rồi lại vứt. Ông Thi gần nhà tôi thì thỉnh thoảng mổ trúng heo có cát trư, bảo trong con heo nó có cái khối gì đó thơm lắm, mà sợ, thôi mang ra gò mả vứt… Cái thời khó khăn, có nhiều kỉ niệm và cũng có nhiều tiếc nuối thật buồn cười.


(Tom/ Viễn Đông)

Lại nói chuyện lặn trai sông hến sông, ở các con sông không quá sâu, có những hói xoáy bên dưới, hói xoáy này cũng hiền, xoáy ổn định và sức xoay vừa phải, đó là nơi tụi con nít chừng mười bốn, mười lăm tuổi tụi tôi rủ nhau lặn vào để bắt trai, bắt nghêu, bắt vạp. Thường thì nghêu sông còn có tên là vạp, Quảng Nam đọc là “dạp,” con này sống ở vùng nước xoáy vừa, nước phải có lưu thông nhẹ, ít sống ở vùng ao tù, nếu ở các ao không có nước chảy thì người ta nhìn vào vệt bóng bùn nổi lên để biết chỗ đó nghêu đang di chuyển mà xuống bắt. Ở các hói sông thì nghêu tụm lại sống, con nít tụi tôi thời đó chỉ cần lặn xuống, trừng mắt tìm những con vạp bự nhất mà bắt về.

Trong đám bạn bắt vạp, có thằng Điệp khùng (hắn bị gọi là khùng bởi rất cá tính và làm những chuyện chẳng giống ai, nhưng thực ra hắn cực kỳ thông minh và sâu sắc, chẳng có khùng tí nào, gọi nó khùng nó lại thích, cười khằng khặc, hiện hắn đang làm bác sĩ ở một bệnh viện khá nổi tiếng), nó là chuyên gia bợp những con vạp nặng vài lạng, có lúc cả ký, vạp khủng… Mỗi lần bợ được con vạp lên khỏi mặt nước là hắn ngồi la làng, “Quớ làng, quớ làng, quớ làng…” Ban đầu, cả đám sợ, tưởng có chuyện gì, sau dần thành quen vì hắn cứ la làng là biết có vạp bự. Nhưng sau này, hắn không dám chơi trò này, vì ba hắn dặn làm vậy, bà con trong làng quen rồi, lỡ có chuyện gì, la làng thật thì không ai chạy.

Thường thì thằng Điệp là thủ lĩnh bắt vạp, còn tôi thì làm thầy bói, nghĩa là tôi hiếm khi lặn, vì bà tôi không cho tôi tắm sông nhiều, chỉ được phép tắm khi có bà cùng đi, bà bơi rất giỏi, nhưng bà nghe trong họ nội tôi có người gặp nạn sông nước nên bà sợ vu vơ nhiều thứ… Vậy là tôi được ngồi ngắm tụi nó lặn vạp. Thằng Điệp phong cho tôi làm thầy bói của nhóm, sáng ra, hắn thường hỏi tôi, “Mi coi chỗ mô có vạp mi?” Tôi thì không biết gì nhiều cho lắm nhưng cứ nhìn chung quanh thấy chỗ nào nước hiền hiện, cạn một chút thì chỉ: “Chỗ này có vạp lớn!” Vậy là tụi nó lặn, may sao lần nào cũng lặn được vạp lớn, thành ra tin vào khả năng “bói” của tôi. Nên chi tôi không cần lặn vẫn được chia một phần nhỏ.


(Tom/ Viễn Đông)

Mỗi khi về, tôi phải khai thật với bà là tôi không tắm, chỉ bói thôi, bà tìm hiểu, biết tôi nói thật nên chỉ dặn, “Con nhớ đừng tắm khi không có bà và nhớ chỉ mấy đứa kia chỗ nước thật cạn, vì nước cạn thì có lực chảy ngay chỗ đó, con nghĩ đi, nước đang bình bình chảy một dòng sâu, lưu lượng lớn, gặp chỗ cạn nó nén lại thì thành dòng chảy mạnh hơn, cứ lặn xuống đó thì vạp có mà đầy!” Có lẽ nhờ bí quyết của bà nên tôi là thấy bói khá là uy tín của tụi bạn.

Vạp mang về, tôi đưa cho bà ngâm nước cơm để vạp nhả hết các thứ bùn ra, sau đó bà rửa bằng nước muối và luộc. Luộc xong, bà làm sạch ruột, chỉ lấy phần thịt cứng và dòn của nó. Bà sai tôi hái hai trái khế chua, hái mấy cái lá cóc, hái một nắm rau lá lốt. Sau đó bà rửa sách lá lốt, xắt nhỏ, cho một ít hành, tỏi, ớt đâm nhuyễn vào phi với dầu phụng và cho phần vạp luộc (những con to thì bà xắt nhỏ thành lát) vào, tao thêm chút nước mắm, khi mùi thơm dậy lên thì bà cho lá lốt vào, đảo đều chừng hai phút và cho ra dĩa. Phần nước luộc sẽ nấu canh chua với khế xắt lát, lá cóc, nếu có chuối xanh loại gì cũng được, bà sẽ thái vài đoạn bỏ vào, sau đó nêm nếm.

Món tưởng đơn giản nhưng nói về độ ngon và hấp dẫn, bổ dưỡng của nó thì miễn bàn. Xin quí vị thử nấu món theo cách của bà tôi, tôi nghĩ là sẽ ngon và ý vị!

Cầu chúc quí vị chân cứng đá mềm, mạnh khỏe và có bữa cơm thật ngon miệng, ý vị!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT