Chuyện Nước Pháp

Nghỉ đông nơi phố tuyết (hết)

Wednesday, 03/02/2016 - 09:40:27

Ngoài ra còn có ski nhảy dốc (slalom) rất ngoạn mục dành cho dân chuyên nghiệp chúng ta thường thấy trên đài truyền hình trong những cuộc thi thể thao mùa đông. Từ 3 tuổi trở lên là trẻ em có thể học trượt tuyết với huấn luyện viên chuyên môn về nghề này (moniteur).

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Trọng tâm chính là đi trượt tuyết, vì vậy sáng chiều tất cả mọi người (6 nhà và các em bé) chia ra đưa gia đình đến các nơi khác nhau mướn ski và giày bốt cùng lúc. Buổi trưa chúng tôi sẽ dùng cơm riêng trong các quán ăn rải rác nơi phố nhỏ hoặc có thể trở lại nhà trọ nhưng điều này không ích lợi gì nên mọi người tập hợp vào buổi tối là thuận tiện nhất.

Trẻ em đi lớp tuyết với bạn do trường tổ chức (bé Duyên-Thi, áo trắng)



Kỹ thuật đi ski áp dụng trên 3 thứ cao độ, giống như đã chia vùng là đất bằng, đồi dốc trung bình và chỗ núi dựng đứng hiểm trở phải có hệ thống máy dây cáp kéo ca-bin chở người lên trạm chờ sẵn rồi tự xuống một mình (ski alpin). Đi trên đất bằng đầy tuyết trơn trợt với đôi ski và gậy chống là dễ nhất (ski de fond). Ngoài ra còn có ski nhảy dốc (slalom) rất ngoạn mục dành cho dân chuyên nghiệp chúng ta thường thấy trên đài truyền hình trong những cuộc thi thể thao mùa đông. Từ 3 tuổi trở lên là trẻ em có thể học trượt tuyết với huấn luyện viên chuyên môn về nghề này (moniteur).

Trẻ con thật đặc biệt trong chuyến du hành lần đầu tiên đi chơi tuyết, chúng nó cũng rất thích và thấy lạ hẳn đi với khung cảnh tuyết đóng dầy cả thước và kéo dài thường xuyên chứ không tan mất sau vài ngày ngắn ngủi như trong thành phố. Vậy mới gọi là đi du lịch thám hiểm và tìm kiếm những cảm giác mạnh chứ nào phải ru rú trong nhà an toàn tối đa thì có biết gì đâu. Đứa bé nào cũng hăng hái vô cùng, cha mẹ bảo gì nghe nấy răm rắp và rất ngoan. Tôi nhìn những đứa trẻ còn nhỏ xíu người mà đi ski chập chững bước đầu, chỉ một lúc sau là chúng nó trượt tuyết chạy lăng quăng khắp nơi ngon lành! Chẳng thấy tên nào té lịch bịch hoài như tôi ngày xưa lúc tuổi 18 đi chơi lần đầu tiên dù đã được chỉ giáo rành rẽ, chắc là chưa thấm bài học.

Đó là nhờ người lớn nào biết nhiều dạy bảo cách tiến, cách lùi, cách quẹo trái quẹo phải và phải biết thắng lại. Quan trọng nhất vẫn là biết dừng lại thật nhanh bằng cách điều khiển đôi ski quặp vào nhau theo hình chữ V ngược để ngừng cú một không té vì mất thăng bằng. Chúng nó học mau lẹ vô cùng và các cha mẹ thích quá cứ đứng “chiêm ngưỡng” mấy cô chú gà vịt lon ton trông quá dễ thương loay hoay với mấy cây gậy chống để cố gắng đi tới trên đường bằng. Coi vậy mà mướt mồ hôi và thấm mệt khá nhanh! Tuyết dầy cộm bị ép dẹp dưới chân người qua lại vẫn toát ra độ cứng cưỡng lại sự ma sát do 2 thanh ski và sức nặng thân thể tạo ra với vận tốc tiến tới nhờ 2 thanh ba tông đẩy thêm làm chỗ tựa. Tiếng Pháp gọi cách thắng thông thường căn bản nhất ai đi ski cũng phải biết là “chasse-neige”. Cách tiến tới phía trước thì khá dễ, cứ đi như đi bộ với đôi gậy chống xen kẽ hai bên và nhấc chân lên từ từ.
Đây là một trong những bước đầu học hỏi cho dân chân ướt chân ráo đi lần đầu tiên tại chỗ. Hai thanh ski được tạt ngang từ ngoài vào trong khá nhanh làm thành chữ V ngược, góc “nhọn” càng lớn (thành góc “bẹt”) thì càng hữu hiệu để ngừng lại mau chóng. Chúng ta có thể thắng lại từ từ bằng cách giữ cho 2 thanh ski dần dần khép lại chứ không đụng vào nhau cú một tức thì. Chúng tôi đã nghe kể trước đó có một tai nạn xẩy ra cho thân nhân trong nhà vì một đứa trẻ đi quá nhanh không thắng kịp đã đâm sầm vào bà chị họ trúng đầu làm bà té xỉu bất tỉnh trong vòng mấy chục giây. May sao, cú va chạm không quá mạnh nên bà tỉnh lại ngay và nhớ tới già cứ nhắc hoài để cảnh tỉnh người đi chơi tuyết mùa đông! Chúng tôi phải căn dặn trẻ con đừng va chạm ai và cũng phải dòm chừng chung quanh, nhưng nói vậy chứ những kẻ bất cẩn vô tình hay cố ý luôn luôn có đó. Rồi một lúc sau, lớn nhỏ gì ai cũng xúm nhau lo... chơi phần mình và quên tuốt những tai nạn có thể xảy ra. Hớp là! Chúng tôi đã quá lo ra, nơi nghỉ đông này tương đối nhỏ và ít người nên không có chuyện gì đã xảy ra ngoài ý muốn.

Chạy chơi ski cả giờ rồi cũng đến lúc ăn trưa. Chúng tôi đưa những đứa nhỏ vào quán ăn. Ôi trời, mệt đứt hơi! Mồ hôi nhễ nhại, mắt đeo kính râm đã quen màu tối thật đúng lúc phải mở ra để trở lại với ánh sáng hơi chói chang lúc đầu. Bỏ khăn bỏ mũ, cởi đôi bốt dính khắn vào ski để tạm thời khỏi phải đi lết thết vướng vít đến bàn ngồi ăn là cả bọn ai cũng thích quá. Đám con nít mê ăn khoai tây chiên tha hồ nhậu với miếng thịt bò nướng băm nhỏ làm theo kiểu “steak haché” cùng với đĩa “bún tây” gốc Ý (pate italienne, nhãn hiệu nổi nhất là Panzani). Trời, chúng nó chê không bao giờ chịu lấy thêm những thứ lê-guym (cải, cà rốt...) khác, vì vậy tôi cứ ép bắt phải dùng một hủ da-ua chua ngọt chứa nhiều mảnh trái cây như dâu, dứa, táo, lê sau đó là đết-xe (dessert, tráng miệng) để khỏi phải bón nặng hôm sau. Người lớn tha hồ dùng món lạ miền núi, họ hay cho du khách ăn những món mặn có nhiều bột mì pha nước lạnh chiên thành “bánh cuốn” trộn thịt heo jambon thái nhỏ cung cấp nhiều năng lượng chậm để còn đi ski (món tartiflette hay choucroute và crêpes).

Mấy cái té hơi đau vì ngã về phía sau do không dám khom mình tiến tới của mấy bà mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm như tôi đã biến đi nhanh chóng trong không khí rộn rã nhiều bàn ăn đầy người và mùi thơm bếp núc cùng với thức ăn ngon lành. Tôi có dịp kể cho mấy đứa bé biết kỷ niệm không quên lần đi tuyết lên đồi cao có máy kéo lên từng người một bằng hệ thống dây đơn sơ (chưa có ca-bin chở 2 hay 4 người trở lên). Đến lúc xuống, tôi sợ té và không biết cách trượt an toàn đến đỗi phải cầu cứu một huấn luyện viên lớn tuổi đến kè xuống! Ôi chao, đám con nít cười hề hề làm như chúng nó đã biết bay trước tôi, vui thật! Nhớ lại cũng thấy tức cười, nỗi sợ có thể làm chúng ta tê liệt hoàn toàn...

Tối đến, là bữa ăn chung của các gia đình quây quần lại với nhau. Nhà trọ này thật ra của nhà nước quản lý cho tất cả công nhân viên muốn đi nghỉ đông với giá vừa túi tiền, bạn bè được ké. Nên có bếp riêng chúng tôi có thể làm thức ăn lấy buổi tối sau khi đã ghé mua đầy đủ những thứ lặt vặt vì không sao có thì giờ làm món rắc rối. Ca hát nhạc tiền chiến như bài “Bến Xuân” (Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng, ngập ngừng trên khắp bến xuân...) và bàn tán, nói chuyện tào lao cho người lớn tưởng chừng như chúng tôi đang ở... Việt Nam; trò chơi cho trẻ con đứng ngồi đâu đó hay chạy lăng quăng trong phòng. Không khí thật ấm cúng và hạnh phúc trầm lặng, một thiên đường nhỏ đã là khung cảnh lý tưởng cho chúng tôi trong suốt một tuần lễ như vậy. Những đứa nhỏ lớn lên còn nhớ mãi, được dịp nhà trường cho đi lớp tuyết (classe de neige) là chúng nó ghi tên ngay thay vì đi viếng thủ đô nước Đức hay Anh quốc kế bên. Rồi mang về mề-đai ghi nhận đã được học hỏi và trượt tuyết đến cấp cao trẻ con và hình chụp kỷ niệm với đám bạn của chúng. Đứa nào về cũng có lớp da hơi rám nắng hơn ngày thường dù đã có sức kem chống tia nắng mặt trời.

Cứ thế, sáng tuyết chiều tuyết, tối tụ tập. Một tuần lễ hay 10 ngày chi đó đã trôi qua rất mau. Chẳng có tiến bộ nào cho đám người lớn quanh quẩn bên đường mòn bằng phẳng, trừ trẻ con đi ào ào như gió. Phục lăn bọn con nít tài dách vì thật ra có lẽ chúng nó... chưa biết sợ và có phần tự tin nhờ đã lãnh hội, nắm bắt kỹ thuật rất mau chóng. Dù sao đi nữa, hoan hô con nít học nhanh hơn người lớn!

Khi tham khảo thêm tài liệu về bộ môn thể thao đi ski này, tôi thật sự thấy đám mình chỉ biết sơ sài võ vẽ mà đã mạo hiểm nhiều. Thôi thì tràng giang đại hải, đủ kiểu đủ cách chơi và lựa chỗ phong phú. Tôi nhớ lại thời sinh viên, mỗi lần tựu trường sau nghỉ đông là luôn luôn thấy có đứa bạn đi cà nhắc với 2 cây nạng. Hỏi ra: đi chơi trượt tuyết với gia đình xui xẻo té gãy giò; vì vậy về sau thấy là biết, chẳng cần nói chi.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT