Hoa Kỳ

Nghị Sĩ Hoa Kỳ: “Đã đến lúc vũ trang cho dân quân khởi nghĩa ở Syria”

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 31/05/2012 - 08:55:07

“Đã đến lúc phải hành động. Đã đến lúc cung cấp cho phe đối lập Syria vũ khí để họ tự vệ. Đó không còn là một cuộc chiến công bình”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

WASHINGTON/DAMASCUS - Hai Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ - John McCain và Joe Lieberman - kêu gọi trang bị vũ khí cho kháng chiến quân ở Syria. Tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia (Mã Lai), Thượng Nghị Sĩ McCain của đảng Cộng Hòa và đồng sự độc lập, Lieberman, đã tuyên bố trước các ký giả địa phương và ngoại quốc: “Đã đến lúc phải hành động. Đã đến lúc cung cấp cho phe đối lập Syria vũ khí để họ tự vệ. Đó không còn là một cuộc chiến công bình”.
Trong chuyến viếng thăm Mã Lai, hôm qua Thứ Năm, 31-05-2012, hai Thượng Nghị Nghĩ McCain và Lieberman đã được Thủ Tướng Mizan Zainal Abidin tiếp đón với sự hiện diện của Ngoại Trưởng Anifah Aman. Trong cuộc đàm thoại với “chủ nhà”, hai Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ đã giãi bầy là họ cảm thấy phẫn nộ và ghê tởm đối với thái độ của Tổng Thống Syria, Bashar al-Assad và cuộc tàn sát tập thể những người vô tội ở Houla vào cuối tuần vừa qua - mà theo các quan sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Syria, có cả thảy 108 người bị giết, trong số đó phân nửa nạn nhân là trẻ con, kể cả những em bé mới 5 tuổi đời.

Phải chăng để xoa dịu phản ứng quốc tế?
Đài truyền hình nhà nước Syria tối Thứ Năm loan tin: Chính quyền Syria vừa thả ra 500 tù nhân vốn bị giam cầm vì đã tham gia vào cuộc nổi dậy ở đất nước này.
Được biết, Đặc Phái Viên của LHQ và Liên Hiệp Ả Rập, ông Kofi Annan trong cuộc đàm phán với Tổng Thống của Syria hôm Thứ Ba vừa rồi, cũng đã kêu gọi Bashar al-Assad trả lại tự do cho tất cả tù nhân.
Bản tin của TV-Syria: “500 người này tuy đã liên can vào những điều đang xảy ra ở Syria nhưng tay họ không dính máu nên họ đã được phóng thích”.

Chỉ Huy Phó của lực lượng quan sát viên-LHQ bị từ chối nhập nội
Chế độ Syria tỏ ra bất bình đối với lập trường và thái độ của Liên Hiệp Ả Rập trong cuộc xung đột ở Syria. Hôm qua có tin là chính quyền Syria đã không chấp thuận việc một Chỉ Huy Phó gốc Ả Rập thuộc nhóm Đặc Phái Viên-LHQ Kofi Annan, nhập nội Syria.
Ông Nasser al-Qudwa, một cựu Ngoại Trưởng gốc Palestine, hiện thay mặt ông Kofi Annan, chịu trách nhiệm việc tiếp xúc với các nhóm đối lập ở Syria, nhưng nay lại một lần nữa bị chế độ Assad bác đơn xin “visa” nhập nội Syria, kể từ hồi tháng 3 ông được đề cử giữ chức vụ này.
Jean-Marie Guehenno, một Chỉ Huy Phó khác nữa của ông Kofi Annan, Thứ Tư vừa qua đã trình bầy trước Hội Đồng Bảo An LHQ là ông al-Qudwa lại bị chính quyền Syria không chấp thuận việc tháp tùng ông Annan công du Damascus. Ông Guehenno lớn tiếng: “Điều này không thể chấp nhận được!”.
Theo thông tấn xã NTB, sở dĩ chính quyền Syria chống đối ông Nasser al-Qudwa bởi những cuộc tiếp xúc của ông với phe đối lập, nhưng cũng bởi các lý do riêng tư giữa Assad và Qudwa, người vốn có họ hàng với lãnh tụ quá cố Yasser Arafat của người Palestine.
Syria trong thực tế đã thừa nhận Do Thái bằng việc đồng thuận ngồi thảo luận trong nhiều giai đoạn với quốc gia Do Thái về cao nguyên Golan mà Do Thái đã chiếm đóng từ năm 1967.

Do Thái đòi hành động
Cùng thời gian tình thế ở Syria trở nên cự kỳ căng thẳng như trong mấy ngày qua, Do Thái cũng đòi hỏi việc sử dụng biện pháp mạnh đối với chế độ. Do Thái cho tới nay vẫn duy trì một vị thế thấp nhưng sau vụ thảm sát ở Houla thì Jerusalem khởi sự phản ứng mãnh liệt. Hôm qua Tổng Trưởng Quốc Phòng Do Thái, Ehud Barak đã kêu gọi gia tăng hành động đối với chế độ Syria: “Các biến cố ở Syria bắt buộc thế giới phải đi tới hành động, chứ không chỉ nói suông. Đây là những tội ác chống nhân loại; và cộng đồng quốc tế không được đứng ở bên lề”.
Ông Barak đồng thời cũng xác quyết là Do Thái đã thực hiện mọi việc chuẩn bị dọc theo biên giới với Syria trong trường hợp chế độ Assad sụp đổ. Ý ông cho biết là biến cố khả thể này có thể tạo cho quân Hồi Giáo cực đoan tiếp cận những khối vũ khí lớn lao.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, Do Thái và Syria vẫn trong tình trạng chiến tranh nhưng Do Thái hiếm khi đả kích Assad về tệ trạng đàn áp chính trị và như trên đã kể, Do Thái vẫn không chính thức xuất đầu lộ diện kể từ cuộc khởi nghĩa chống Bashar al-Assad khởi phát hồi tháng 3 năm ngoái.
Trong nhiều năm qua Syria cũng vẫn là một “người hàng xóm” hòa bình của Do Thái cho dù khẩu khí của Assad vẫn mang tính chống Do Thái. Và ngược lại, người Do Thái từ lâu vẫn “đánh giá” Assad là một người mong muốn duy trì sự yên ổn dọc theo biên giới giữa Syria và vùng cao nguyên Golan vốn vẫn nằm trong bàn tay quản trị của Do Thái.

Một nhà ngoại giao Syria từ chức để phản đối
National Public Radio loan tin là một nhà ngoại giao Syria ở Hoa Kỳ đã từ chức để phản đối cuộc tàn sát ở Houla.
“Người ta đã đến một điểm mà sự im lặng hay sự tiêu cực vốn không thể được chấp nhận về mặt đạo đức và luân lý”. Đó là lời tuyên bố của ông Hazem Chehahi, Tổng Lãnh Sự danh dự (chỉ mang tước hiệu) của Syria tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Hôm qua Thứ Năm, ông Chehahi đã xác nhận với thông tấn xã NPR rằng cuộc tàn sát ở Houla đã là khúc quanh đối với ông, và ông không còn có thể biện minh cho sự câm nín hay sự quan hệ của ông với chế độ ở Syria.
Theo nhóm hoạt động Syrian-American Council, gia đình của ông Hazem Chehahi vốn nổi tiếng trong giới ưu tú ở thủ đô Damascus và cá nhân ông cựu Tổng Lãnh Sự danh dự vốn cũng đã từng có mối quan hệ rất gần gũi với Tổng Thống Bashar al-Assad.
Ông Chehahi là một bác sĩ và hiện điều hành một trung tâm y tế ở California. Ông cũng ngồi trong ban quản trị của trường đại học University of California ở Irvine, nơi mà ông đã được yêu cầu “ra đi” vì nguyên nhân liên hệ với chế độ ở Damascus.

Vũ khí Nga vào Syria qua Thụy Điển

Bản tin đề ngày 29-05-2012 của thông tấn xã NTB: “Một chiếc tầu chở đầy vũ khí trong tháng 5 đã di chuyển ngang qua hải phận của Thụy Điển để đến Syria”.
Tổng Nha Hàng Hải Thụy Điển đã ghi vào sổ chiếc tầu chở hàng mang tên Professor Katsman, ngày 07-05-2012, tại Bắc Gotland.
Sau khi di chuyển qua duyên hải Blekinge và Oresund, chiếc tầu chở hàng này đã ra khỏi lãnh hải Thụy Điển ngày 9 tháng 5. Theo đài truyền hình Al Arabiya và thông tấn xã Reuters, tầu Professor Katsman đã chuyên chở vũ khí cho chế độ của Bashar al-Assad ở Syria.
Nhật báo Dagens Nyheter viết trên số phát hành điện tử là “các nhà ngoại giao Tây phương cho rằng các tin tức ấy khả tín”.
Chiếc tầu này trên đường tiến đến thành phố hải cảng Tartous của Syria, nơi Nga hiện có một căn cứ Hải Quân rộng lớn. Syria là một khách hàng quan trọng của kỹ nghệ vũ khí Nga, và bởi thế không có sự gì ngăn cản chính thức việc người Nga vận chuyển các khối vũ khí đến Syria xuyên qua hải phận Thụy Điển.
Giáo sư môn Công Pháp Ove Bring đã nói với nhật báo điện tử DN.se: “Người ta vẫn có thể đi ngang qua một vùng biển thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác nếu người ta thực hiện bằng một phương cách không đe dọa sự hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia duyên hải ấy. Cách thức duy nhất để không chấp nhận có hành khách trên đó ấy là sự vi phạm đến Quyết Nghị của LHQ; thế nhưng đây lại không xẩy ra ở trong trường hợp này”.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hoa Kỳ đã đề nghị biểu quyết ở Hội Đồng Bảo An LHQ lệnh cấm chuyên chở vũ khí đến Syria, nhưng không thành công vì sự chống đối của hai cường quốc có quyền phủ định (veto) là Nga và Trung Cộng.
Theo Tổng Nha Hàng Hải ở Stockholm, tầu chở vũ khí này đã không cập bến nào ở Thụy Điển.

Những chuyện kinh hoàng trong nhà tù của chế độ Assad
Như trên số báo hôm qua Viễn Đông đã kể về nhóm bán quân sự “al-Shabiha” - có nghĩa là “những con ma” (chuyên mặc y phục màu đen) - gồm hầu hết bộ tộc Alawit, thành viên cùng giáo phái với gia tộc Assad, nổi tiếng tàn bạo. Qua những lời kể của các thường dân và những kháng chiến quân, các al-Shabiha bị tố cáo đã đứng sau những vụ tấn công ghê rợn.
Hãm hiếp là vũ khí: Nhật báo Daily Telegraph viết, “nay bọn Shabiha và các lực lượng an ninh của chế độ Syria bị tố cáo là đã dùng hành động hãm hiếp làm vũ khí”. Những tin tức xuất hiện chỉ sau ít ngày diễn ra cuộc tàn sát dã man ở Houla, kể về hàng chục đứa trẻ đã bị thảm sát. Nay những mẩu chuyện kinh hoàng mới được các nạn nhân hay nhân chứng thuật lại và tiếp tục lan tràn khắp toàn cầu.
Sau khi Rami chạy thoát sang được Jordan bởi vì chế độ lùng bắt cô thì dư luận quốc tế “được” biết là trên mười kẻ trong nhóm bán quân sự “al-Shabiha” của chính quyền đã toan hãm hiếp cô.
Rami nghẹn ngào kể: “Bọn chúng nó kéo chiếc áo ngủ của tôi rồi tìm cách lột hết áo quần tôi ra. Tôi khởi sự kêu gào. Con gái tôi sợ hãi, khóc... Rồi chúng nó chụp hình và dùng điện thoại di động của chúng để quay phim”.
Tuy nhiên, phần vì Rami chống cự mãnh liệt, phần vì chúng bất ngờ được lệnh di chuyển. Một kẻ trong bọn vừa sờ soạng thân thể cô vừa như làm trò vui cho cả đám: “Cưng nhớ kể cho thằng chồng cưng biết là bọn anh đã nhìn thấy cặp vú của em và đã lột truồng em ra rồi, nhé. Lần sau bọn anh sẽ hiếp em đấy; bọn anh sẽ quay thành phim rồi phổ biến khắp nơi”.
Nhờ cơ may bất ngờ ấy mà Rami và đứa con gái nhỏ đã thoát khỏi tay bọn thô lậu, những “con ma” khủng khiếp nhưng hữu ích của chế độ.
Các kháng chiến quân cũng thuật lại nhiều câu chuyện về nam giới cũng bị hãm hiếp sau các bức tường nhà tù và những người chết bị quẳng thây ra đường với mục đích gây sợ hãi và cảnh cáo.
Nadim Khoury, Phó Giám Đốc của chi nhánh tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở Trung Đông, trình bầy: “Ở trong các nhà tù của chế độ, rõ ràng là hành động hãm hiếp được sử dụng như một hình thức tra tấn nhằm làm sỉ nhục và trấn áp dân chúng đồng thời gây nên sự sợ hãi nơi họ”.
“Đập cửa”: Nhật báo Anh Daily Telegraph viết tiếp: Khi khu phố Baba Amr của phe kháng chiến bị rơi vào tay lực lượng an ninh Syria thì bọn chúng đến đập cửa nhà của bà Fatima. “Bọn chúng dùng phụ nữ làm chiến lợi phẩm. Khi bọn an ninh đến đập cửa thì bà Fatima đã gấp rút giấu giếm được các đứa con và người chồng”.
Khi chúng không tìm thấy người nào ngoài bà Fatima thì chúng “vồ” lấy bà; đứa kéo, đứa lôi như muốn chiếm làm của riêng. Bà kể: “Chúng nó cố gắng lột hết quần áo của tôi ra. Tôi không dám kêu, bởi vì tôi biết là chồng tôi sẽ xông ra thì thể nào chúng cũng sẽ giết anh ấy”.
Đúng lúc đó mấy người hàng xóm cầm gậy gộc kéo đến. Bà Fatima được cứu thoát nhưng bà kể rằng nhiều cô gái khác đã bị hãm hiếp rồi bị giết chết. Lời bà Fatima: “Thảm cảnh này rất thường ở Homs. Các thân nhân của chồng tôi khi tìm được họ thì họ chỉ còn là những thây ma. Một trong những người họ hàng này là cháu gái Hameda. Cháu mới 17 tuổi, bị hãm hiếp trước khi bị đâm chết”.

Assad đã vi phạm tội chống nhân loại
Ân Xá Quốc Tế/Amnesty International cho là “Tổng Thống Bashar al-Assad và chế độ của ông ta ở Syria có thể đã phạm những tội ác chống nhân loại”. Tổ chức nhân quyền này chứng minh là Tổng Thống al-Assad đã bật đèn xanh cho “việc sử dụng bạo lực tối đa và gây tử vong cho những người biểu tình ôn hòa”.
Amnesty quả quyết trong bản phúc trình mới nhất: “Mô hình và phạm vi của các cuộc tấn công của quốc gia này có thế cấu thành các tội ác chống nhân loại”.
Tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế mô tả cách thức chế độ Syria đã đặt những đoàn xe thiết giáp ở trong các khu vực đông dân cư, cách thức những người biểu tình ôn hòa bị bắn giết, cách thức hàng ngàn người bị bắt bớ, giam cầm và cách thức tù nhân bị nhốt cô lập, bị tra tấn, hãm hiếp và giết hại.
Amnesty International đặt câu hỏi về việc giải quyết của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng ở Syria và nêu ra cách thức Hội Đồng Bảo An của LHQ năm ngoái đã yêu cầu tòa hình sự quốc tế ở Haag ban hành lệnh truy tố cố lãnh tụ Muammar Gaddafi của Libya, trong khi đó Bashar al-Assad vẫn hành động tự do, “mặc dù những bằng chứng cụ thể và minh bạch đã chứng minh là các lực lượng của ông ta đã phạm những tội ác chống nhân loại” - như sự xác quyết của Ân Xá Quốc Tế trong bản phúc trình được phổ biến ngày 22-05-2012. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT