Sức Khỏe

Ngộ độc thức ăn nhiễm E. Coli

Friday, 15/02/2019 - 08:11:06

Lây từ người qua người: E. Coli có thể truyền từ người qua người, nhất là khi người ta không rửa tay sau khi dùng nhà vệ sinh. Trẻ con có thể vẫn còn vi trùng trong phân cho tới 2 tuần sau khi mắc bệnh.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Một trong những món ăn giới trẻ ưa chuộng là hamburger với thành phần chính là nhân thịt bò xay. Thịt bò xay, trộn thêm vài thứ gia vị rồi nặn thành một khối tròn dẹp, đem chiên. Nếu dùng lửa lớn để chiên hay nướng thì miếng thịt xay này có thể chín vàng bên ngoài nhưng bên trong thì vẫn còn sống. Chính phần thịt còn sống này có thể đem đến bệnh nhiễm trùng E. Coli. Nhiều món thịt khác, thí dụ thịt gà, cũng có thể mang theo E. Coli, một con vi trùng đóng vai trò lớn trong việc ngộ độc thức ăn.

E. Coli là tên của một nhóm lớn vi trùng có cùng nhiều đặc điểm. Chúng sống trong ruột con người và thú vật. Đa số những con vi trùng thuộc họ E. Coli này thường vô hại và còn giúp cho chúng ta hấp thu được vài loại vitamin nữa. Nhưng trong số những con vi trùng này, một vài loại có thể gây ra chứng ngộ độc do thức ăn, nhiều khi có thể nguy hiểm chết người. Đó là bệnh do con E. Coli O157:H7, gây ra tiêu chẩy có máu rất nặng, suy thận và chết.

Hai loại E. Coli độc

1. Enterotoxigenic E. Coli: đây là loại vi trùng E. Coli thường gây ra bệnh tiêu chảy cho trẻ em ở những nước đang phát triển. Chúng cũng chính tà tác nhân gây bệnh tiêu chảy cho những người đi du lịch đến những xứ này. Và hiện nay, càng ngày chúng càng gây bệnh ngộ độc thức ăn ở những nước tiền tiến nhiều hơn. Chúng gây bệnh từ nước uống và những thức ăn bị nhiễm vi trùng gồm rau và trái cây sống, đồ biển sống, sữa chưa khử trùng bằng phương pháp Pasteur.... Triệu chứng gồm tiêu chảy và đau bụng, kéo dài khoảng vài ngày và tự chấm dứt, không cần thuốc chữa. Người bị bệnh cũng không bị ảnh hưởng gì sau đó.

2. E. Coli O157:H7: Loại này độc hơn nhiều. Chất độc của nó làm hủy hoại màng nhầy ruột non, gây ra đau bụng dữ dội và tiêu chảy ra máu nặng. Người bệnh có thể đi cầu tới 10 lần trong ngày, nhiều khi đi ra toàn máu. Người bệnh có thể bị mất nước nhiều và rất mệt. Tuy vậy, đa số các bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 5 tới 10 ngày. Nhưng những người già và trẻ em dưới 5 tuổi hay người lớn bị những bệnh làm kém miễn nhiễm có thể bị một biến chứng rất nặng gọi là hemolytic uremic syndrome. Biến chứng này hủy hoại những mạch máu nhỏ trong thận, nhiều khi đưa tới chứng thận suy. Khi bị biến chứng này, dù cho được chữa trị tận tình gồm cả truyền máu và tiểu cầu, một số các trẻ em cũng bị chết. Những người khác có thể bị bệnh suy thận kinh niên cần phải lọc máu. Nhiều người khác thì bị thêm những biến chứng khác như cao huyết áp, giật kinh, mù và tê liệt.

Cách truyền bệnh

Chúng ta bị bệnh khi ăn hay uống phải con vi trùng này vào ruột.

1. Thức ăn có vi trùng: E. coli sống trong ruột con thú. Khi người ta xẻ thịt con thú, thịt có thể bị nhiễm E. Coli từ phân chúng. Trong những nơi nhốt thú vật hiện nay, vấn đề này còn trầm trọng hơn vì thú vật bị nhốt trong những chuồng rất chật hẹp và dơ dáy, dính dầy phân. Thịt xay là loại thịt dễ dính vi trùng nhất vì người ta trộn chung thịt từ nhiều con thú khác nhau và đem vi trùng từ ngoài mặt vào bên trong khối thịt. Vi trùng còn có thể bị dính từ chỗ này qua chỗ khác như từ vú bò vào sữa khi người ta vắt sữa. Phương pháp Pasteur giết vi trùng khiến sữa an toàn nhưng uống sữa sống, chưa khử trùng có thể mắc bệnh. Những loại thức ăn khác có thể dính vi trùng gồm có xúc xích bằng thịt sống phơi khô, salami, alfalfa sprouts, cải xà lách, nước táo và rượu táo chưa được khử trùng bằng phương pháp Pasteur.

2. Nước uống có vi trùng: Nước dơ từ những nơi nuôi thú có thể chẩy vào sông hồ hay nguồn nước dưới mặt đất, kể cả những nguồn nước dùng để tưới cây. Uống hay nuốt nước từ hồ, suối, sông... có thể bị nhiễm trùng. Ăn trái cây hay rau chưa rửa kỹ cũng có thể mắc bệnh. Nước trong vòi nước công cộng đã được khử trùng bằng tia cực tím và chất chlorine hay ozone nhưng đã có vài trận dịch do nước uống công cộng gây ra. Nước từ những giếng nước tư nhân có thể gây bệnh. Nếu nhà bạn dùng nước từ giếng này, nên nhờ phòng thí nghiệm thử nghiệm nước ít nhất mỗi năm 1 lần.

3. Lây từ người qua người: E. Coli có thể truyền từ người qua người, nhất là khi người ta không rửa tay sau khi dùng nhà vệ sinh. Trẻ con có thể vẫn còn vi trùng trong phân cho tới 2 tuần sau khi mắc bệnh.

Phương pháp tránh mắc bệnh do E. Coli

1. Nấu kỹ thịt xay, hamburger hay thịt bò nướng. Thịt có thể chín vàng ngoài mặt nhưng sống bên trong. Nên dùng một nhiệt kế cắm sâu vào miếng thịt, chỗ dầy bản nhất, để đo nhiệt độ bên trong. Nhiệt độ này nên ở mức 160 độ F hay hơn thì mới an toàn. Nếu không có nhiệt kế, xẻ đôi miếng thịt xay để coi còn hồng bên trong không. Nên nấu cho đến khi bên trong mất mầu hồng.
2. Để tránh dính vi trùng này trong bếp, nên rửa thật sạch bằng xà bông và nước nóng tất cả những nơi đã có để thịt sống như mặt bàn, mặt thớt, dao cắt thịt. Không nên để miếng hamburger đã nấu chín vào đĩa đang đựng miếng thịt sống.
3. Khi đi ăn ngoài nên order thịt nấu khá chín hay thật chín (medium rare hay well done). Chỉ nhận miếng thịt nấu đúng như mình đã order.
4. Chỉ uống sữa, nước táo hay rượu táo đã khử trùng bằng phương pháp Pasteur. Những loại nước uống trong hộp không cần để trong tủ lạnh thường là đã được khử trùng.
5. Rau hay trái cây phải được rửa kỹ bằng bàn chải hay dùng nước thuốc vegetable wash. Trẻ em, người già và người bị yếu miễn nhiễm nên tránh ăn alfalfa sprouts.
6. Tránh không uống nước hồ, suối, sông và nuốt nước khi bơi lội ở những nơi này, ngay cả nước hồ bơi cũng có thể có chứa phân và do đó có vi trùng E. Coli.
7. Tất cả mọi người trong nhà cần phải rửa tay kỹ sau khi dùng nhà vệ sinh, sau khi thay tã em bé và trước khi ăn.

Làm gì khi bạn bị bệnh?

Đa số những trường hợp nhiễm vi trùng E. Coli, ngay cả loại E. Coli O157:H7, đều không nguy hiểm, nhưng nó cũng có thể gây ra tử vong ở một số người. Vì thế, nếu bạn có những yếu tố khiến bạn dễ bị biến chứng hemolytic uremic syndrome như kể trên, bạn cần đi khám bệnh ngay khi bị đi tiêu chẩy ra máu. Nếu bạn không thuộc nhóm người trên, bạn cũng cần đi khám bệnh nếu bạn bị tiêu chẩy ra máu nhiều và kéo dài. Bác sĩ cần thử phân tìm vi trùng E. Coli.

Bệnh tiêu chẩy của người du lịch (traveler's diarrhea) thường tự hết nhưng bác sĩ cũng có thể cho bạn thuốc trụ sinh tên Xifaxan, thuốc này làm giảm số vi trùng E. Coli trong ruột. Nhưng nếu bị nhiễm con O 157:H 7 nặng thì không một thuốc nào có thể chữa khỏi nhiễm trùng, làm giảm triệu chứng hay ngăn ngừa biến chứng.

Thuốc chống tiêu chảy thông thường còn có thể làm bệnh O157:H7 nặng hơn vì nó ngăn cơ thể thải hết chất độc ra. Thuốc trụ sinh có thể làm nguy cơ bị biến chứng hemolytic uremic tăng lên. Đa số các bệnh nhân nhiễm O 157:H 7 nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước để tránh bị khô nước (dehydration).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT