Hoa Kỳ

Ngoại Trưởng Clinton: “Trung Quốc và Nga phải trả một giá!”

Hoài Mỹ/Viễn Đông Friday, 06/07/2012 - 09:41:18

Hôm qua, tại hội nghị Friends of Syria này, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã cho thấy nỗi bất mãn đối với Trung Cộng và Nga đã đạt tới cao độ mới.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

PARIS/DAMASCUS - Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị Friends of Syria ở Paris, Thứ Sáu, 06-07-2012, Tổng Thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Bashar al-Assad phải ra đi! Đấy là quyền lợi của Syria và cũng nằm trong quyền lợi của các nước lân bang và những quốc gia vốn ước ao hòa bình ở trong vùng”.
Tổng Thống Hollande cũng yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) biểu dương sức mạnh hành động trong vấn đề-Syria. Ông nhấn mạnh: “Tình hình vẫn không ngừng trở nên nguy hiểm hơn. Chiến lược duy nhất của chế độ này là leo thang các cuộc tàn sát”.

Hoa Kỳ: “Trung Quốc và Nga phải trả giá!”
Hôm qua, tại hội nghị Friends of Syria này, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã cho thấy nỗi bất mãn đối với Trung Cộng và Nga đã đạt tới cao độ mới.
Hai quốc gia này vẫn cản đường nhiều nghị quyết của LHQ vốn nhằm chấm dứt cuộc bạo động đẫm máu trường kỳ ở Syria, nơi đây hàng chục người bị sát hại mỗi ngày. Không những thế Nga tiếp tục cung cấp những số lượng lớn vũ khí cho chính quyền Syria và Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad.
Theo thông tấn xã Reuters, nữ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã tuyên bố mạnh mẽ tại hội nghị: “Tôi tin là Trung Quốc và Nga cảm nhận là họ vẫn chịu trả bất cứ giá nào để yểm trợ chế độ của Assad. Cách thức duy nhất chúng ta có thể thay đổi việc này là tất cả quốc gia vốn đại diện ở đây đều cùng minh xác rằng Trung Quốc và Nga phải trả một giá bởi vì họ vây hãm sự tiến triển và việc làm này đã không thể được khoan dung nữa”.
Bà Clinton nhấn mạnh tiếp rằng Hoa Kỳ mong muốn một nghị quyết-LHQ khả dĩ áp lực Assad và chính quyền Syria xuyên qua các phương tiện ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự. Bước đầu Hoa Kỳ mong muốn thực thi các biện pháp trừng phạt Syria như một phương thức áp lực để Bashar al-Assad từ bỏ quyền hành.
Theo các nhân viên cao cấp ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các nước Tây Phương hiện cố gắng để Nga và Trung Cộng đồng thuận việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt Syria. Một viên chức muốn ẩn danh cho biết: “Nhiều quốc gia tham dự hội nghị ở Paris đã thi hành các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên điều này sẽ có ý nghĩa nhiều hơn nếu các biện pháp được toàn thể thế giới cùng thực thi. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ gửi một dự thảo nghị quyết đến LHQ ở New York càng sớm càng hay”.
Niềm hy vọng là Nga và Trung Quốc, hai nước không tham dự hội nghị-Paris, sẽ bị áp lực mà chấp thuận các biện pháp trừng phạt Assad.

Kẻ thù của Assad bất đồng về hầu hết
Không một giải pháp! Lại một nữa phe đối lập cung cấp cho chế độ Syria một sự “khích lệ miễn cưỡng” bằng việc phô bầy khả năng thiếu sự nhất trí. Các nhóm chính yếu vẫn “cãi nhau như mổ bò”.
“Tệ trạng này thật sự nguy hiểm!” - Một thành viên đã la lớn như vậy giữa hội nghị của các nhóm đối lập Syria ở Cairo, Thứ Năm vừa rồi: Abdel-Aziz al-Khayyar đã từng ngồi suốt 14 năm trong nhà tù của chế độ Assad. Ông đã có lý do chắc chắn để lo lắng trước tình hình nguy kịch. Hội nghị này cụ thể là chứng minh nhóm mà ông ta thuộc về - Cơ Quan Phối Hợp Quốc Gia (NCB/National Coordination Body) của Syria vẫn không tin tưởng lắm Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC/Syrian National Council).
Thành viên của SNC tố cáo NCB là quá thân chế độ. NCB “đáp lễ” là SNC không gì khác hơn Huynh Đệ Hồi Giáo trá hình đồng thời chỉ mải lo công chuyện cho Tây Phương.
Những trách nhiệm mơ hồ: Hội nghị-Cairo đã gây được ấn tượng là có sự đồng thuận về sự... “vô vị” (banality). Các tham dự viên đã nhận được sự “khen ngợi” của Hoa Kỳ về việc họ đã qui tụ lại được và đưa ra được hai bản tài liệu kết thúc mơ hồ.
Theo thông tấn xã AP, một cách tổng quát, hội nghị Cairo vừa kết thúc đã biểu lộ sự yểm trợ dành cho nhóm đối lập vũ trang trong Quân Đội Syria Tự Do (Free Syrian Army) mà họ quả quyết hiện đã kiểm soát trên 70 phần trăm lãnh thổ. Các tham dự viên cũng đưa ra đòi hỏi chính đảng đương quyền Baath phải giải tán đồng thời những lãnh tụ chóp đỉnh của chế độ phải bị loại khỏi giai đoạn chuyển hoán mà LHQ mong muốn sẽ đưa tới một giải pháp hòa bình, lâu dài cho Syria.
Thế nhưng, những gì sẽ giúp cho việc đạt được thành quả thì những đại biểu lưu vong này đã không tiến gần được sự đồng thuận, cách riêng về điều quan trọng nhất: Chỉ định các thành viên cho một hội đồng chung vốn có thể đại diện cho toàn thể phe đối lập dân sự.
Mối bất đồng quá sâu rộng khiến người ta nghi ngờ vấn đề nêu trên khó thành tựu trong một tương lai gần. Một vấn đề quan trọng khác đã “được” hội nghị “cãi lộn” sôi nổi: “Hoặc phải yêu cầu sự can thiệp về quân sự của ngoại quốc hay ngược lại, phải thiết lập mọi việc sử dụng bạo lực?”. Vai trò của tín ngưỡng, của Hồi Giáo trong xã hội sau thời thay đổi quyền lực cũng đã phân chia mạnh mẽ các quan điểm giữa những người mong muốn triệt hạ chế độ thế tục của Bashar al-Assad.
Lời nói suông không đủ: Không chỉ riêng SNC và NCB quả quyết là họ đại diện cho phe đối lập Syria. Từ khi cuộc nổi dậy khởi phát hồi tháng 3 năm 2011 đã xuất hiện vô số tổ chức lưu vong tiếp nhận cứu trợ và lèo lái các hoạt động thông tin và “lobby” (hành động hành lang). Sự tranh chấp nội bộ đã làm suy yếu sức chiến đấu trong thời gian đầu.
Sự chia rẽ không chỉ khiến các nước/nhân vật ngoại quốc quan trọng phải giữ khoảng cách mà còn làm cho các kháng chiến quân nơi chiến trường ở Syria có ít tín nhiệm vào các lãnh tụ lưu vong ấy.
Jamal Akta, người chỉ huy một nhóm nổi dậy vũ trang ở Bắc-Syria, phát biểu: “Chúng tôi muốn trước hết công nhận những người đứng bên cạnh chúng tôi tại đây, trong đất nước này. Họ phải cung ứng sự giúp đỡ hữu hình, thật sự chứ không chỉ lời nói suông!”.
Thất vọng: Thaer al-Hajy, đại biểu của một trong các nhóm nhỏ, vào lúc kết thúc hội nghị-Cairo, đã bầy tỏ niềm thất vọng bằng những giọt lệ trên khuôn mặt: “Hành ngàn người đã hứng chịu cái chết tử đạo. Và trong khi chúng tôi ngồi ở đây trong khách sạn thì biết bao người bị giết!”.
Nhiều tham dự viên cấp thấp khác cũng đã tự nhận đồng thuận với việc diễn tả tình cảm đau buồn của anh al-Hajy, kể cả về việc các lãnh tụ lưu vong thiếu quan hệ hàng ngày với trong đất nước mà họ mong ước giải phóng.

Tướng lãnh thượng thặng của Syria đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ
Càng ngày càng nhiều sĩ quan trong Không Quân Syria đào ngũ và vượt biên sang các nước lân bang. Mới đây nhất là một tướng lãnh thượng thặng đồng thời là bạn niên thiếu của Tổng Thống Bashar al-Assad.
Các nguồn an ninh đã quả quyết với trang mạng Syriasteps thân chế độ rằng Tướng Manaf Mustafa Tlas đã đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Một nguồn nói thêm là cơ quan an ninh Syria đã canh chừng Tướng Tlas và họ đã có thể bắt giam ông ta nếu họ muốn. Nguồn này xác quyết: “Việc ông ta trốn, không khó khăn lắm đâu”.
Gần gũi với Tổng Thống: Manar Tlas là tướng lãnh trong Vệ Binh Cộng Hòa, một đơn vị ưu tú của quân đội Syria. Ông là bạn với Tổng Thống Bashar al-Assad từ thưở nhỏ. Cho dù gia đình của ông Tlas thuộc Hồi Giáo Sunni, họ vẫn có mối quan hệ gần gũi với chế độ Assad vốn gồm những người thuộc giáo phái Alawitt.
Cha của Tướng Manar Tlas, Mustafa, được lên làm Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng năm 1972 và tiếp tục giữ chức vị này sau khi Bashar al-Assad tiếp quản quyền lực từ thân phụ Hafez năm 2000.
Mustafa Tlas rời khỏi chức vị năm 2004 để rồi từ đó quay lưng lại với chế độ Assad. Phân tích gia Ehud Yari nói với đài Channel 2 Do Thái: “Rồi ông ta âm thầm di chuyển sang Paris”. Nhiều người khác trong gia đình Tlas vẫn được giữ các địa vị cao trong chế độ và quân đội Syria.
Thất bại lớn lao: Theo các nhà hoạt động, từ Thứ Hai vừa rồi đã có 350 người đào ngũ. Trong số đó có nhiều sĩ quan cao cấp, nhưng theo nhật báo Times of Israel, vụ đào tẩu của Tướng Tlas vốn được các chuyên gia mô tả là một sự thất bại lớn lao nhất của chế độ tính đến nay.
Cuộc đào tẩu ngoạn mục nhất diễn ra ngày 22 tháng 6. Một phi công chiến đấu cơ đã lái chiếc Mig-21 vượt qua biên giới Jordan, nơi đây anh đã hạ cánh và xin tị nạn chính trị. Đơn xin của anh đã được chấp thuận trong cùng ngày.
Theo các chuyên gia, những vụ đào tẩu này đã gây niềm khích lệ cho kháng chiến quân và làm suy yếu tinh thần chiến đấu trong quân đội Syria. Ông Aram Neguizian, một nhà phân tích của viện CSIS: “Tuy thế không thể nói về một con số vụ đào tẩu lớn lao đến độ sẽ gây nên một hiệu lực nào đó”.
Con số không chắc chắn: Thật khó để quả quyết chính xác bao nhiêu người đã đào ngũ khỏi các lực lượng vũ trang của chế độ ở Syria. Nhóm hoạt động Syrian Observatory for Human Rights xác quyết “hàng chục ngàn” quân nhân đã buông khí giới, bỏ hàng ngũ kể từ ngày cuộc khởi nghĩa khởi phát hồi tháng 3 năm ngoái.
Nhà phân tích quân sự Anh Paul Smyth thuộc cơ quan R31Consulting cho rằng, về phía phe khởi nghĩa, nhìn chung, số người đào ngũ thì thấp so với “kích thước” của các lực lượng vũ trang ở Syria. Ông Smyth cho rằng quân đội đã duy trì được các trận chiến nhất quán ở nhiều nơi trên khắp đất nước trong hơn một năm, nhưng nay thực tế chứng tỏ nó đang tách khỏi sự liên kết.
Theo con số của International Institute for Strategic Studies, trước cuộc nổi dậy, Syria có một quân lực gồm 35.000 người.
Lo sợ bị trừng phạt: Chuyên gia Paul Smyth cho rằng khi các quân nhân vẫn trung thành thì điều này có thể bởi họ thật sự ủng hộ chế độ - hay cũng có thể bởi họ lo sợ những phản ứng trừng phạt. Ông nói: “Cả hai điều là trường hợp khả tín cả”.
Chính nhiều người đào tẩu đã thuật lại nguyên nhân chính thúc đẩy họ đào ngũ là vì họ đã bất tuân lệnh nổ súng vào thường dân Syria.
Kassem Saadeddie, phát ngôn viên của lực lượng kháng chiến Free Syrian Army, kể tiếp rằng nhiều quân nhân vì sợ bị trừng phạt mà do dự đào tẩu, nhưng thay vào đó đã bí mật đóng góp cho kháng chiến quân vũ khí, tình báo và những sự yểm trợ khác.
Đơn vị ưu tú ước lượng 100.000 người, tuy vậy đã không để lộ dấu hiệu gì có sự phân rẽ trước ngày tướng Manar Tlas đào tẩu. Giám đốc viện INEGMA Thứ Năm vừa rồi đã đưa ra nhận định: “Hiện có hai thứ quân đội ở Syria: Một quân đội chính cống và một quân đội bảo vệ chế độ”.

Lính con nít nhìn “đồng ngũ” của mình bị bắn
Hôm qua một cuốn phim video mới của hãng thông tấn AFP cho thấy cuộc chiến vẫn dai dẳng ra sao ở tỉnh Homs của Syria. Trong một cuộc giao tranh ác liệt, em bé “lính chiến” Ahmad thuộc nhóm kháng chiến Free Syrian Army, bị trúng đạn và được anh của mình tên là Ayman, cũng là “lính nhi đồng”, tải đi.
Theo AFP, 10 phút sau đến lượt Ayman bị bắn chết.
Với một khẩu súng máy trong tay, trong chiếc áo chống đạn, và đeo đạn dược, một lính con nít khác - chưa được ghi nhận danh tính - khóc sướt mướt khi “bé” nhìn thấy bạn mình bị trúng đạn.
Cuốn video này của hãng thông tấn AFP được mô tả như một bằng chứng mới nhất về việc phe nổi dậy ở Syria sử dụng lính con nít trong cuộc chiến chống lại chế độ Assad.
Cố vấn chính trị của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Beate Ekelove-Slydal, đã phản ứng mạnh mẽ trước cảnh lính con nít trong cuốn video: “Đây là một trong những bằng chứng đầu tiên và hùng hồn nhất việc người ta đã trang bị cho một đứa trẻ vũ khí hạng hặng và biến nó thành một kẻ tham dự tích cực vào cuộc xung đột. Việc dùng trẻ con như các quân nhân là sự vô nhân đạo tột cùng. Trẻ con phải được hoàn toàn thương xót và người lớn phải che chở chúng, nhưng thay vào đó, họ lại dùng các em làm lính chiến đấu!”.
Bà Ekelove-Slydal nhấn mạnh: “... Việc sử dụng lính thiếu nhi trong trận chiến là chống lại nhiều công ước nhân quyền quốc tế và chống lại với điều gọi là công pháp quốc tế”. - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT