Thế Giới

Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du Pakistan

Tuesday, 24/10/2017 - 07:57:24

Pakistan luôn bác bỏ mọi cáo buộc, và khẳng định rằng họ duy trì liên lạc với phiến quân chỉ vì muốn thuyết phục các nhóm này đàm phán hòa bình.



ISLAMABAD – Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã đến Pakistan vào hôm thứ Ba, trong bối cảnh Washington đang tăng áp lực lên Islamabad, do cáo buộc nước này cung cấp nơi trú ẩn cho phiến quân Taliban. Ngoại trưởng Hoa Kỳ sau đó đã có cuộc họp với Thủ Tướng Shahid Abbasi và Tướng Qamar Bajwa, chỉ huy quân đội Pakistan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của 1 viên chức cao cấp trong chính phủ Trump đến Pakistan, diễn ra vào vài tháng sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ cáo buộc Islamabad đang dung dưỡng các phiến quân, những kẻ đang gây hỗn loạn và tấn công lực lượng Hoa Kỳ - NATO ở nước láng giềng Afghanistan.
Trước đó, vào hôm thứ Hai, ông Tillerson đã ghé qua Afghanistan để tái khẳng định lời cam kết của Hoa Kỳ tại đất nước này, và cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với Pakistan, nhằm làm giảm sự hỗ trợ mà Taliban đang nhận được. Washington và Kabul lâu nay vẫn cáo buộc Islamabad đang hỗ trợ các nhóm chống chính phủ tại Afghanistan, bao gồm cả Taliban. Các nhóm phiến quân này được cho là có liên hệ với các cơ sở quân sự ngầm của Pakistan, và có tác dụng giúp Pakistan chống lại đối thủ lâu năm là Ấn Độ.
Pakistan luôn bác bỏ mọi cáo buộc, và khẳng định rằng họ duy trì liên lạc với phiến quân chỉ vì muốn thuyết phục các nhóm này đàm phán hòa bình. Lên tiếng trước các phóng viên tại căn cứ Bagram tại Afghanistan vào thứ Hai, ông Tillerosn nói rằng, Paksitan cần có cái nhìn khách quan về tình hình hiện tại, dựa trên số lượng các tổ chức khủng bố đang trú ẩn tại nước này. Một số nguồn tin cho biết, sau ông Tillerson, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis cũng sẽ có chuyến công du đến Pakistan vào cuối năm nay.

Nga chống gia hạn kiểm tra vũ khí hóa học của Syria
LIÊN HIỆP QUỐC – Vào hôm thứ Ba, Nga đã phủ quyết một đề nghị của Hoa Kỳ, về việc gia hạn hoạt động điều tra nhằm tìm ra người chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Trước đó, một nhóm nhân viên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chống vũ khí hóa học nói rằng, họ sẽ công bố báo cáo vào ngày 26 tháng 10, về việc ai là người chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại làng Khan Sheikhoun của Syria vào ngày 4 tháng 4, khiến hơn 90 người thiệt mạng.
Vào năm ngoái, ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là JIM, từng xác định rằng, chính phủ của Tổng Thống Syria Bashar Al Assad chịu trách nhiệm cho ít nhất 3 cuộc tấn công bằng khí độc chlorine, và nhóm Nhà Nước Hồi Giáo chịu trách nhiệm cho ít nhất 1 cuộc tấn công bằng khí mustard. JIM vẫn tiếp tục làm việc vào năm nay, sau khi nhiều đợt tấn công hóa học xảy ra tại Syria. Nga, nước ủng hộ chính phủ Assad, lâu nay vẫn bác bỏ sự liên quan của tổng thống Syria đối với các cuộc tấn công hóa học, và đã phủ quyết việc gia hạn hoạt động của JIM vào hôm thứ Ba.
Bà Nikki Haley, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bình luận rằng: “Nga lại một lần nữa chứng tỏ rằng, họ sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ chính phủ Assad tránh khỏi các hậu quả từ việc sử dụng vũ khí hóa học. Đây là lần thứ 9 Nga bảo vệ Assad bằng cách ngăn không cho Hội Đồng Bảo An hành động. Với hành động này, Nga lại một lần nữa đứng về phía chính phủ độc tài và những tổ chức khủng bố - những kẻ sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.”

Trung Quốc có tham vọng trở thành lãnh đạo thế giới
BẮC KINH – Dự án Vành Đai và Con Đường của Chủ Tịch Tập Cận Bình đã bất ngờ được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào hôm thứ Ba, cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc phải thực hiện thành công dự án này. Việc sáng kiến Vành Đai và Con Đường được đưa vào điều lệ đảng là dấu hiệu cho thấy quyền lực ngày càng mở rộng của ông Tập, và là bằng chứng rằng kế hoạch khôi phục Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ tiếp tục được thực hiện, ngay cả khi ông Tập hết nhiệm kỳ. Sự kiện này cũng cho thấy Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tăng chú ý vào chính sách ngoại giao, và thể hiện tham vọng của ông Tập muốn đưa Trung Quốc trở thành lãnh đạo thế giới.
Được nhắc tới lần đầu tiên vào năm 2013, dự án Vành đai và Con đường được coi là công cụ đưa Trung Quốc có được vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, thông qua việc tài trợ xây dựng các hải cảng và đường sắt nối liền hơn 60 quốc gia. Cũng trong phiên họp ngày thứ Ba, các đại biểu đã bỏ phiếu phê chuẩn việc sửa đổi điều lệ đảng, chính thức đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào bản điều lệ. Học thuyết mới được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Cộng thời đại mới.” Học thuyết này đã được ông Tập nhắc đến trong báo cáo chính trị đọc tại lễ khai mạc đại hội đảng cách đây gần 1 tuần.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập đất nước Trung Quốc hiện đại, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Tư tưởng mới của ông Tập được cho là sẽ trở thành định hướng mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời gian tới.

Trung Quốc, ASEAN dự định tập hải trận chung
PHILIPINES – Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean đang dự định tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung, theo đề nghị của Bắc Kinh. Nếu thật sự diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc tập trận chung với Asean, và sẽ là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng hợp tác giữa nhóm nước Đông Nam Á và cường quốc kinh tế dẫn đầu khu vực.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen đã gặp gỡ bên lề cuộc họp Asean tại thành phố Clark, Philippines, và cả hai đã thảo luận về việc tổ chức tập trận chung giữa Asean và Trung Quốc. Singapore là điều phối viên quan hệ đối thoại giữa Asean và Trung Quốc trong thời gian từ 2015 đến 2018, và sẽ là chủ tịch luân phiên của Asean trong năm tới. Bộ Trưởng Ng hôm thứ Ba cho biết, các chi tiết về cuộc tập trận, như địa điểm, thời gian, nước tham dự, sẽ được thảo luận thêm sau này. Ông Ng nói thêm rằng, ý tưởng tập trận đã được đưa ra công khai, và cho đến nay, vẫn chưa có nước nào tỏ ý phản đối.
Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng cuộc tập trận này sẽ không mang tính chiến đấu, chủ yếu sẽ là các hoạt động diễn tập định hướng, truyền tín hiệu, và tìm kiếm cứu nạn. Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Asean trở nên phức tạp sau khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi một lượng hàng hoá trị giá $5 ngàn tỷ Mỹ kim đi qua mỗi năm. Tuyên bố này chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước Asean khác, trong đó có Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tranh chấp này được coi là có nguy cơ gây xung đột quân sự tại khu vực.

Bắc Hàn thề không từ bỏ vũ khí hạt nhân
MOSCOW - Viên chức ngoại giao Bắc Hàn cho biết nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, và khẳng định việc Hoa Kỳ chấm dứt chính sách thù địch là lối ra duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Thông báo này được giám đốc Cơ quan Bắc Mỹ, thuộc Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn, Choe Son Hui đưa ra tại một hội nghị an ninh tại Moscow. "Chỉ khi Hoa Kỳ đưa ra lựa chọn đúng đắn, ví dụ như chấm dứt chính sách thù địch và chấp nhận chung sống với một Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân, khi đó mới có giải pháp cho bế tắc hiện nay,” bà Choe nói hôm thứ Ba.
Một trong các hành động thù địch từ phía Hoa Kỳ, theo bà Choe, là các lời bình luận mang tính công kích của Tổng Thống Donald Trump trên mạng xã hội Twitter. Viên chức ngoại giao Bắc Hàn khẳng định, đây là một trong các lý do khiến Bình Nhưỡng không thể ngồi vào bàn đàm phán. Đại diện Bắc Hàn cho biết nước này sẽ không quay trở lại đàm phán 6 bên (bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn và Bắc Hàn) về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán 6 bên đổ vỡ năm 2008 sau khi Bình Nhưỡng rời khỏi quá trình này.
Bà Choe nói, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi đó là công cụ tự vệ của Bắc Hàn trước đe dọa quân sự từ Hoa Kỳ, và là "tấm khiên" duy nhất bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Căng thẳng tại Đông Bắc Á xung quanh chương trình hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận chung thời gian qua, Bắc Hàn cũng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực và tấn công đảo Guam bằng hỏa tiễn.

Ả Rập Saudi lập siêu đặc khu kinh tế trên Hồng Hải
RIYADH – Quỹ Đầu tư công cộng Ả Rập Saudi hôm thứ Ba cho biết, nước này sẽ lập khu kinh tế độc lập dài 470 cây số dọc bờ Hồng Hải, có tên là NEOM, nằm ở phía Tây Bắc quốc gia, và sẽ mở rộng đến lãnh thổ các nước láng giềng là Jordan và Ai Cập. NEOM có địa thế nhìn ra Hồng Hải và vịnh Aqaba, nơi Ả Rập Saudi chia sẻ biên giới với Ai Cập, Jordan và Israel. Thái tử Mohammed bin Salman, người đã khởi động chương trình cải tổ kinh tế lớn vào năm ngoái, khẳng định đây sẽ là "một trong những khu vực an ninh nhất thế giới."
Thông tin về NEOM xuất hiện vài giờ sau lễ khai mạc hội nghị Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai, dự kiến diễn ra trong 3 ngày tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, với sự tham gia của khoảng 2,500 người tham dự. Hiện chính quyền Jordan và Ai Cập đều chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Theo thông cáo nêu trên, NEOM sẽ không bị chi phối bởi luật pháp hiện tại của Ả Rập Saudi, mà sẽ hoạt động theo "khung pháp lý riêng biệt.” Chính quyền Riyadh đã cam kết sẽ đầu tư $500 tỷ Mỹ kim vào các dự án tại NEOM. Dự án này sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư lẫn trong và ngoài Ả Rập Saudi.
Dự án NEOM được công bố trong bối cảnh nền kinh tế Ả Rập Saudi vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014. Vương quốc này đang cố tìm cách để đa dạng hóa nền kinh tế, vốn lâu nay chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.

Thủ lãnh biểu tình Hong Kong được tại ngoại
HONG KONG – Hai anh Joshua Wong và Nathan Law đã được tại ngoại chờ kháng án, sau khi bị buộc tội về vai trò trong cuộc biểu tình trong phong trào Dù vàng năm 2014. Anh Wong, 21 tuổi, người trở thành gương mặt tiêu biểu của cuộc biểu tình đòi dân chủ quy mô lớn khi còn là thiếu niên, bị giam 6 tháng, trong khi Law, 24 tuổi, bị giam 8 tháng. Hai người hôm thứ Ba được Tòa án Hong Kong cho tại ngoại cho tới ngày 7 tháng 11, khi xuất hiện lần đầu tiên trong phiên tòa kháng án.
Anh Alex Chow, nhà hoạt động thứ ba bị giam 7 tháng cùng Law và Wong, không được tại ngoại. Ông Roger, cha của Wong, người chỉ trích mạnh mẽ việc kết án tù con ông, cũng có mặt tại phiên tòa. Tòa án phúc thẩm hồi tháng 8 kết án những người này vì "tụ tập trái phép", liên quan đến phong trào biểu tình đòi cải cách chính trị năm 2014.
Ba thủ lãnh biểu tình ban đầu được miễn án tù và chỉ phải lao động công ích với thời hạn khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp Hong Kong tìm cách tăng mức phạt, khi các công tố viên cho rằng hình phạt chưa tương xứng với tội trạng và có thể gửi sai thông điệp tới cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Ngược lại, giới hoạt động dân chủ cho rằng, bản án này nhằm cản trở hoạt động chính trị của các anh Wong, Law, và Chow, vì luật Hong Kong quy định rằng, những người bị kết án tù sẽ không được ra ứng cử vào các vị trí trong chính quyền trong vòng 5 năm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT