Đạo và Đời

Ngôi mộ trống

Wednesday, 08/04/2020 - 07:50:41

​Một vài chi tiết trong câu chuyện đáng được chú ý. Trước hết là tảng đá cửa mồ được lăn ra khỏi mồ.


Bên ngoài ngôi mộ của Chúa Jesus tại Jerusalem ngày nay. (Getty Images)

 

Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

​Thánh Lễ Phục Sinh năm nay khác hẳn những Lễ Phục Sinh chúng ta đã từng cử hành trước đây vì phần lớn các tín hữu trong lúc này chỉ có thể thông công qua các màn ảnh TV, iPad, hay iPhone. Mặc dù không khí linh thiêng và sốt sắng không được như chúng ta hiện diện trong thánh đường, nhưng niềm tin của chúng ta không hề thay đổi.

​Bài Tin Mừng hôm nay kể lại Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm và thấy hòn đá cửa mồ được lăn ra khỏi mồ. Mặc dù chưa vào bên trong nhưng linh tính cho bà biết có chuyện bất thường đã xảy ra. Với nhận thức tự nhiên, bà cho đây là việc làm của kẻ xấu, đã dời tảng đá và lấy mất xác Chúa Giêsu. Đó là điều làm cho bà chạy về báo cho Phêrô biết. Phêrô và người môn đệ Chúa yêu mến, cũng cùng một suy nghĩ như Maria Mađalêna, vẫn chưa nghĩ đến sự phục sinh của Chúa. Hai ông đã chạy vội ra mồ Chúa, không phải vì tin Chúa đã sống lại, nhưng vì hoảng hốt trước tin chấn động, “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ.” Chỉ khi tới nơi và vào bên trong mồ, hai ông “đã thấy và đã tin.”

​Một vài chi tiết trong câu chuyện đáng được chú ý. Trước hết là tảng đá cửa mồ được lăn ra khỏi mồ. Khi đọc thoáng qua như đọc một câu chuyện văn học, chi tiết này cho người đọc cảm tưởng, Chúa Giêsu đã phải dời hòn đá đó ra khỏi cửa mồ, Ngài mới có thể bước ra ngoài được. Điều này hoàn toàn không hợp lý với thân xác phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Nếu Ngài có thể hiện ra với các Tông Đồ đang hội họp cầu nguyện ngay cả khi “các cửa đều khóa kín,” thì rõ ràng Ngài không cần phải lăn tảng đá qua một bên để ra khỏi mồ. Các Tin Mừng đều không nói ai đã lăn tảng đá đó, nhưng điều dễ hiểu là, cửa mồ được mở không phải để cho Chúa Giêsu bước ra, nhưng để cho con người có thể bước vào để chứng kiến tận mắt Chúa đã thực sự sống lại, như trong trường hợp của Phêrô và người môn đệ Chúa yêu mến. Hai ông “đã thấy và đã tin” và đã loan truyền tin đó cho nhân loại cho đến ngày hôm nay.

​Hai ông đã nhìn thấy gì trong ngôi mộ trống đó? Tin Mừng của Thánh Gioan kể lại khá rõ ràng, các ông đã thấy “những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.” Nếu kẻ gian đến lấy trộm xác Chúa, họ sẽ lấy cả xác lẫn khăn mang đi, và chẳng bao giờ chịu mất thời giờ để tháo băng ra, gấp lại, để ngay ngắn như chưa bao giờ có người sử dụng qua. Nếu những khăn liệm này có được bỏ lại, chúng sẽ nhàu nát, lộn xộn, và ngổn ngang trong ngôi mộ. Vậy tất cả những khăn liệm này muốn cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Với thân xác phục sinh vinh hiển của Ngài, không gỗ, đá, hay vải vóc nào có thể trói buộc hay ngăn cản Ngài được. Chúa đã phục sinh. Đó là điều Phêrô và người môn đệ kia “đã thấy và đã tin.”

​Hòn đá cửa mồ đã được lăn ra không phải để cho Chúa Giêsu bước ra nhưng là để cho Phêrô và người môn đệ bước vào để thấy ngôi mộ trống và các khăn liệm còn nguyên vẹn, minh chứng sự thật về Chúa Phục Sinh. Các ông là những nhân chứng đầu tiên, loan báo tin mừng Chúa sống lại.

Trong suốt 2000 năm qua Giáo Hội đã không ngừng loan báo tin mừng này khắp nơi trên hoàn vũ. Nhiều dân tộc trên thế giới đã đón nhận và trở thành những Kitô hữu nhiệt thành. Dĩ nhiên tin mừng này sẽ còn được tiếp tục rao giảng cho đến ngày tận thế để tiếp tục chương trình của Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại. Đây cũng chính là sứ mạng của mỗi người Kitô hữu. Năm nay chúng ta hân hoan mừng Chúa sống lại, cho dù trong một hoàn cảnh nhiều thử thách, niềm tin chúng ta nơi Chúa Phục Sinh vẫn vững vàng, không lay chuyển.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT