Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 1)

Sunday, 27/08/2017 - 10:22:51

Sự thiếu vắng tâm linh càng làm cho con người bất hạnh và lạc lõng hơn khi đứng trong một thế giới quá nhiều vật chất, quá nhiều danh vọng, quá nhiều mối ràng buộc, lo toan.

Bài BĂNG HUYỀN

Đời sống tâm linh từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của con người, đặc biệt là trong thế giới hiện đại, nhu cầu về tâm linh càng nhiều gấp bội. Vì thế giới ngày nay là một thế giới đổi thay nhanh chóng và bất an thường trực. Sự thiếu vắng tâm linh càng làm cho con người bất hạnh và lạc lõng hơn khi đứng trong một thế giới quá nhiều vật chất, quá nhiều danh vọng, quá nhiều mối ràng buộc, lo toan.


Các em gốc Việt trong buổi ngồi thiền tại Thiền Viện Sùng Nghiêm. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tâm linh là gì?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Tâm linh là một thuật ngữ bao hàm về trí tuệ, ý thức, tinh thần, linh hồn của một sinh vật và cao hơn là con người. Ngoài ra tâm linh còn là những hiện tượng kỳ bí, nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người như ngoại cảm, thần giao cách cảm, lên đồng, ma nhập, mộng du, bóng đè, thôi miên, chữa bệnh bằng tâm linh,... mà khoa học chưa khám phá, giải thích và chứng minh được. Tâm linh còn là một loại hiện tượng tinh thần đặc trưng ở con người, biểu hiện ở một số người như là giác quan thứ sáu, có cơ sở là vết tích của logic trực giác xuất thần của loài động vật cấp thấp để lại trong quá trình phát triển thai người.”


Thế giới tâm linh của con người

Sigmund Freud (1856 - 1939), người gốc Do Thái, sinh ra ở Đức, là bác sĩ và nhà nghiên cứu tâm lý học, người đi đầu trong ngành Phân Tâm Học và phương pháp điều trị Free association (một kỹ thuật được gọi là liên tưởng tự do, trong kỹ thuật này, người được chữa trị sẽ phát biểu bất kỳ suy nghĩ nào xuất hiện trong tâm trí), được xem là nhà tâm lý học nổi tiếng nhất, thì cho rằng tâm linh là vô thức, tuy vô thức của Freud chú ý đến phần dưới sâu hơn.

Carl Jung (1875-1961), một bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ, người sáng lập trường phái “Tâm lý học Phân tích,” tỏ ra rất hứng thú với các hiện tượng bí ẩn chưa có lời giải liên quan đến sức mạnh của tâm trí và thời gian. Ông cũng rất thích thú với chủ đề “sự sống sau khi chết.” Ông vẫn cho rằng sự bất tử của linh hồn là một điều không thể thực chứng, nhưng ông lại tin vào khả năng thần giao cách cảm với người chết.

Theo quan điểm của ông, thần giao cách cảm có thể là công cụ liên lạc với thế giới khác. Theo Carl Jung, linh hồn cũng là một hiện tượng tự nhiên như các hiện tượng tự nhiên khác… Không có một bệnh nào của thân mà không có sự tác động của yếu tố tinh thần. Cũng như trong nhiều bệnh rối loạn tinh thần, cũng có sự tác động của những yếu tố của cái thân vật chất. Thân và tâm không cách biệt nhau. Cả hai đều cùng một sự sống duy nhất.

Ông phê phán một số các nhà khoa học phương Tây chỉ thừa nhận các hiện tượng vật chất là có thật, còn các hiện tượng tinh thần thì họ đánh giá là không thực hay là siêu thực. Ông ca ngợi thái độ các nhà minh triết phương Đông khi đối diện với những hiện tượng tâm lý như xuất hồn, gọi hồn, nói chuyện với người đã chết thông qua trung gian, của những người gọi là ông đồng bà cốt. Những người này cho rằng đó là những sự kiện tâm lý đặc biệt của một số người đặc biệt; chỉ thế thôi, họ không vội gán cho những sự kiện đó những nhãn hiệu như là siêu nhiên, siêu thực v.v.. Ông khẳng định, chúng ta chỉ biết được thế giới trong chừng mực mà cấu trúc sinh vật và tâm lý của chúng ta cho phép. Tức là có một phần lớn của thế giới và vũ trụ nằm ngoài tầm nhận thức và nắm bắt của chúng ta.

Theo ông, tâm linh là vô thức tập thể, ông và những người sau ông chú trọng đến phần cao, chiều cao của vô thức hơn.

Erich Seligmann Fromm (1900 – 1980) là nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức. Ông thuộc trường phái lý thuyết phê phán Frankfurt, cho rằng tâm linh là bản tính thâm sâu của con người.

Còn nhà tâm lý học nhân văn Abraham Maslow (1908- 1970), sinh ra tại Hoa Kỳ, là người gốc Do Thái di cư từ Nga sang Hoa kỳ, có công làm cho tâm lý học nhân văn trở thành một ngành tâm lý học chính thức, thì tâm linh là có ý niệm “thực thể,” sự “tự thể hiện mình.”

Roberto Assagioli (1888-1974), nhà phân tích tâm lý ở Ý, cho rằng tâm linh là “cái siêu thức” (nghĩa là cái vượt khỏi ý thức), “siêu cá nhân.”

Cũng có ý kiến giả thiết, “tâm linh có nguồn gốc ở các tôn giáo thần quyền, với truyền thuyết Thượng đế tạo ra con người. Có tôn giáo cho rằng Thượng đế tạo ra con người đầu tiên rồi thổi hơi thở của Ngài vào đấy, và hơi thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái bất tử ở trong con người. Linh hồn ở trong con người sở dĩ linh thiêng và bất tử, chính là nó được Thượng đế tạo ra với hơi thở của Ngài. Do đó, theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sanh có diệt, có sống có chết nhưng linh hồn thì sống mãi, bất tử vì là linh thiêng. Tâm linh có thể được hiểu là chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người. Đó là hàm ý của từ tâm linh, hay linh thiêng.”

Còn quan điểm Phật giáo thì, “Con người được hình thành từ năm uẩn. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó không có linh hồn bất tử, tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả mà sau khi mạng chung được sanh vào đời sống này hoặc đời sống khác. Mục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ phiền não, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Từ tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn.”

Tâm linh trong cuộc sống hiện đại

Ngày nay, ai cũng nhận ra rằng cuộc sống hiện đại đã có những thành tựu vượt bậc về mặt vật chất. Song con người vẫn không ngừng trăn trở: chúng ta có thực sự trở nên hạnh phúc hơn không? Trên thực tế, dường như càng đạt được tiến bộ trên phương diện vật chất nhiều bao nhiêu thì con người càng phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên nhiều bấy nhiêu.

Theo thời gian, khoa học công nghệ đã có những bước tiến kỳ diệu, và chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Con người đã có thể đặt chân lên mặt trăng, và cố gắng khai thác các nguồn tài nguyên ở đó vì lợi ích của mình, mà mặt trăng vốn là nơi từng được nhiều tín đồ thời cổ đại tin là trú xứ của các thánh thần. Trong tương lai các hành tinh khác cũng có thể sẽ bị con người chinh phục.

Dẫu rằng khoa học kỹ thuật đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao, nhưng khi con người đặt niềm tin vào khoa học như là cứu cánh của mình thì niềm tin này đã báo trước cho một sự khủng hoảng sâu xa về những giá trị tinh thần. Vì ngoài cuộc sống vật chất, danh vọng địa vị, ăn chơi hưởng thụ… thì nhu cầu tinh thần còn có những đòi hỏi lớn lao và phức tạp hơn nhiều.

Trước đây có nhiều nhà tư tưởng cho rằng đến thế kỷ 20- 21, tôn giáo sẽ biến mất, con người trở thành thượng đế và làm chủ vận mạng của mình. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy những khắc khoải tâm linh của con người ngày nay càng ngày càng cao. Khi những ảo tưởng về khoa học kỹ thuật sụp đổ, con người bắt đầu mở rộng lòng mình đến đón nhận một chân trời mới của đời sống tâm linh, có khả năng làm thăng hoa các giá trị nhân văn và làm cho cuộc sống được trọn vẹn hơn.

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam

Người Việt ở Hoa Kỳ cũng như người Việt trong nước vốn rất tôn trọng những phong tục tập quán, đề cao những giá trị truyền thống có từ lâu đời. Trong nhà của nhiều gia đình người Việt, thường có bàn thờ gia tiên để thắp những nén hương dịp giỗ Tết. Dù ở đâu, người Việt vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong đó tín ngưỡng thờ Phật và xây dựng những nơi sinh hoạt tâm linh luôn được đông đảo đồng hương chung tay gầy dựng.

Loạt bài viết nhiều kỳ giới thiệu về Ngôi Nhà Tâm Linh này xin gửi đến quý độc giả những nơi sinh hoạt tâm linh của người Việt tại Quận Cam, là những nơi mà các tín hữu gặp gỡ nhau chỉ với mong muốn phát triển cho chính mình và cho cộng đồng có một đời sống tâm linh đầy đủ và phong phú nhất, không chỉ vậy có nơi còn giúp chữa bệnh về thể chất, giúp đồng hương những điều thiết thực trong đời sống vật chất... nhưng quan trọng nhất vẫn là nơi tu học để thăng tiến tâm linh.

Vì khi tâm cảm thấy an lạc, mãn nguyện, con người có thể dễ dàng chịu đựng được những khó khăn về mặt vật chất. Và nếu niềm an vui thuần túy bắt nguồn từ trong tâm, đó sẽ là một niềm an lạc thực sự và bền vững.

Nhiều người cho rằng không có niềm hoan hỷ nào khác có thể sánh với niềm an lạc nội tâm, do thực hành trưởng dưỡng tâm linh mang lại. Đây là nguồn an lạc lớn lao, bền vững, là hạnh phúc đích thực. Nhiều triết thuyết và tôn giáo khác nhau cũng đều chỉ ra con đường riêng để đạt được điều này.
Ở khía cạnh tâm linh, khi tâm cảm thấy an lạc, mãn nguyện, con người có thể dễ dàng chịu đựng được những khó khăn thiếu thốn về mặt vật chất. Và nếu niềm an vui thuần túy bắt nguồn từ trong tâm, đó sẽ là một niềm an lạc thực sự và bền vững.

Còn nếu không thực hành tu dưỡng tâm linh, tâm sẽ phát khởi những suy nghĩ tiêu cực và thể hiện thành những lời nói hành động xấu xa. Đến lượt mình, hành động lời nói đó sẽ tiếp tục để lại những dấu ấn tiêu cực trong tâm. Và ngay khi có tác động ngoại cảnh, tâm sẽ chịu những hậu quả của các hành động trong quá khứ. Mọi vui sướng và khổ đau đều có nguồn gốc từ suy nghĩ, và chúng ta cần tới tâm linh vì nếu không có tâm linh, tâm sẽ không thể kiểm soát được.

Trong đời sống tâm linh, mỗi người có những trình độ và nhu cầu khác nhau cần được đáp ứng. mỗi người có những nhu cầu thiêng liêng riêng biệt, các chuẩn mực khác nhau tùy theo khả năng tiếp nhận, hiểu biết và không ai giống ai trên con đường tu tập, cách giữ đạo, sống đạo và hành đạo. Vì điều này có thể thích hợp cho người này mà lại dị ứng với người khác. Rất khó để chúng ta phán đoán đúng sai, tốt xấu, phải trái và hợp hay không. Trong cuộc lữ hành trần thế, ai trong chúng ta cũng phải phấn đấu mỗi ngày để nên hoàn thiện hơn đời sống tâm linh của mình.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT