Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 12)

Sunday, 19/11/2017 - 07:11:25

Về nguyên tắc, viết phổ thông chỉ viết. Còn Thân Thư Pháp thì sống. Về ngôn ngữ, viết phổ thông chỉ viết, còn Thân Thư Pháp thì ký hiệu.

Bài BĂNG HUYỀN
Ta Tu Đạo (phần cuối)

Ta Tu Đạo do bác sĩ Tim Hùng Nguyễn sáng lập từ tháng Năm, 2012 là hội thiện nguyện bất vụ lợi, nên các học sinh, môn sinh ghi danh theo học sẽ chỉ đóng học phí tượng trưng. Tân học sinh vào học tháng đầu sẽ không phải đóng học phí. Vì bác sĩ Tim Hùng muốn cho các học sinh trong tháng đầu thử xem có hợp với mình hay không. Học sinh vào học sẽ không có đồng phục ngay, mà phải học và thi để có được đồng phục.
Bác sĩ Tim Hùng giới thiệu, “Sau ba tháng, học sinh Ta Tu Đạo có thể thi áo trong trước. Kỳ thi áo trong là khó nhất. Vì là Ta Tu là nhìn vào bên trong, nên áo trong khó hơn, còn thi áo ngoài thì dễ hơn. Áo trong của Ta Tu Đạo chỉ là chiếc áo sơ mi màu trắng giản dị thôi. Bài thi áo trong các học sinh phải thi bằng năm bài thơ, gọi là Ngũ Căn Thi Phẩm.


Logo Ta Tu Đạo (Hình cung cấp)

“Bài thi này chỉ là nền tảng lý thuyết, dù trong ba tháng học sinh Ta Tu Đạo đã được học quyền pháp viết chữ, nhưng ba tháng vẫn còn ngắn quá, học sinh Ta Tu Đạo chưa thể thi bằng quyền pháp được. Năm bài thơ không phải học thuộc mà là cảm nhận của người thầy và người học. Người học không cần phải cảm nhận được hết. Nếu đậu được thì sẽ được áo trong. Còn thi lấy đai thì khoảng hai năm một đai.”
Theo bác sĩ Tim Hùng, vì Ta Tu Đạo chú trọng đến sức khỏe, nên chọn áo đồng phục màu trắng, tượng trưng cho y học. Logo của Ta Tu Đạo với gạch thẳng đứng và hai gạch ngang có ý nghĩa là Thượng Trung Hạ, đó còn có nghĩa là chữ T viết hoa và chữ Tu. Logo và chữ Tatudo chọn màu xanh, vì màu xanh là đất mẹ và màu trời. Có ý nghĩa trên có cha trời, dưới có mẹ đất.


Buổi tập của các môn sinh Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bác sĩ Tim Hùng cho rằng lớp Thân Thư Pháp của Ta Tu Đạo là một hành trình song hành với đời người. “Bắt đầu khi thân, tâm biết bắt đầu và kết thúc khi tâm, hồn đốn ngộ từng lớp vỏ bọc hay ơn gọi. Thân Thư Pháp có ba lớp Căn Bản, Trung Cấp & Cao Cấp. Tất cả các lớp đều được dạy Y Triết Võ Đạo của Ta Tu Đạo trong Thân Thư Pháp. Học sinh được học và tập viết tên của mình theo cấp bậc lớp và trình độ từng học sinh.”
- Lớp căn bản (một năm). Chữ cái viết hoa. Học sinh học viết chữ cái viết hoa từ A đến Z, và 9 dấu tiếng Việt. 26 mẫu tự Latin viết hoa và các dấu Việt như A, B, C, … Z, / \ ? ~ …

Test hết khóa học lớp căn bản bằng cách viết tên của chính mình, ví dụ tên “Nguyễn Thân Thư,” đánh chữ tên của mình bằng chính cơ thể mình. Có hai cách viết dấu tên của mình là dấu viết âm và dấu viết dương. Viết âm là nội công, uyển chuyển, gần với Thái Cực Quyền, Nhu Đạo (Judo) và Wushu, uyển chuyển đường nét để tâm với thân đi với nhau. Nguyên tắc đánh Âm là nội công, nhưng nó chậm, hòa theo gió, thiên nhiên, để mình lãnh hội tâm thân của mình. Đánh Trung là vừa phải, không âm không dương. Còn đánh Dương thì giống như trong quyền pháp và tự vệ, chớp nhoáng, nhanh, đánh trúng điểm, nó dương tính theo đúng nghĩa.


Buổi tập của các môn sinh Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ví dụ trời nóng, thì đánh âm, cho nó hài hòa lại. Còn trời lạnh, không cần mặc quá nhiều áo giữ ấm, đánh bài quyền tên mình bằng thế dương, thì cơ thể mình ấm dần lên.

- Lớp trung cấp (hai năm). Học chữ thường, nhỏ, gọn, nén. Học và Hành các bài quyền tên mình, Ngũ Nhu, lý thuyết Ngũ Căn Thi Phẩm… và có thể dự thính vào cấp bậc Môn sinh thay vì Học sinh. Test hết khóa viết tên mình chữ thường và các trắc nghiệm khác.

Ví dụ tên nguyễn thân thư. Thế chữ: Nhu Nội và Nhu Dương.
- Lớp cao cấp (ba năm). Thân Thư Quyền Pháp. Cả hai loại chữ cái hoa và thường được đưa vô thế võ, múa trong quyền pháp. Học sinh hay môn sinh học thêm thực hành các bài quyền tên của mình, hay tên bất cứ ai. Chữ, tên được áp dụng cho sức khỏe, tự vệ, tu luyện hay trình diễn…
Ví dụ Tên: Thân Thư Quyền Cước, Pháp…
Thế Chữ: Nhu Nội & Nhu Dương
Thế Trận: Đơn Trận & Đa Trận
Môn Sinh học, tập sâu hơn về y học Đông-Tây-Thiên Nhiên, Triết học,Khoa học & Võ đạo.
Đặc biệt với lớp cao cấp, môn sinh còn được học thêm phần chữa bệnh. Ví dụ một người bị bệnh béo phì, thì sẽ dạy đánh chữ tên người đó với thế dương để đổ mồ hôi, thông huyết mạch. Nếu là người ốm và suy, thì đi thế trung và nâng lên dinh dưỡng bằng một phần âm, để ăn ngon miệng hơn.
Nếu là người nóng tính, bị những hooc môn có thể trong thời kỳ tiền mãn kinh với người đàn bà, thì tập thế âm, cho họ tịnh lại, nhu lại.


Buổi tập của các môn sinh Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bác sĩ Tim Hùng chia sẻ, “Mình không luyện được sức khỏe của mình bằng tên của chính mình, thì mình khó mà làm được gì cao hơn. Không cần phải bay lên những thế đá đẹp như Thái Cực Đạo, vật được như một Nhu Đạo hay nội công thâm hậu như Hồng Gia Quyền. Ta Tu Đạo giúp người học cách để chữa bệnh.”

Viết phổ thông và Thân Thư Pháp

Bác sĩ Tim Hùng cho biết, viết phổ thông (VPT), cách viết chữ trên thế giới hiện tại là cách viết nhanh, gọn, theo vỡ lòng dựa vào trục Mắt-Não-Tay. Đây hoàn toàn đơn giản là cách viết chữ cho hệ thống giáo khoa trên mặt giấy hay bàn phím vi tính.

Viết phổ thông là phần “dương” của chữ nghĩa thu nhỏ, gọn, nhanh, vắn tắt có nhiều chữ lý thuyết trong học đường. VPT không phải là học, hành & sống trong chữ như Thân Thư Pháp (TTP), tức phần “âm” của chữ, nghĩa. VPT đạt được cái thu gọn nhanh về lý thuyết mà đánh mất đi cái thân tâm sống chữ, nghĩa vốn là cốt lõi căn bản của sức khỏe, sinh tồn bản năng. Sống chữ hay Viết chữ đều có ưu, khuyết. Vì thế nên bổ sung cho nhau.


Áo trong và áo ngoài của môn sinh Ta Tu Đạo. (Hình cung cấp)

Về nguyên tắc, viết phổ thông chỉ viết. Còn Thân Thư Pháp thì sống. Về ngôn ngữ, viết phổ thông chỉ viết, còn Thân Thư Pháp thì ký hiệu.

Về tên, viết phổ thông chỉ viết, còn Thân Thư Pháp thì ký hiệu.
Trục viết của viết phổ thông là mắt, não, tay. Còn trục viết của Thân Thư Pháp là toàn thân, tâm.
Cách viết của viết phổ thông chỉ là một tay, thụ động. Thân Thư Pháp là Toàn Thân, Tâm, chủ động.
Chữ viết của viết phổ thông, nhỏ, nhanh. Chữ viết của Thân Thư Pháp thì to, chậm.
Biểu hiện của Viết Phổ Thông là ngoại vật, giấy, bút, máy chữ. Còn biểu hiện của Thân Thư Pháp là nội tâm, ký hiệu, tay, chân, thân, không vật chất.

Nội thân của viết phổ thông rất ít, còn nội thân của Thân Thư Pháp thì gồm có Thân- Tâm- Hồn.
Thể dục (thể thao) của viết phổ thông không có, suy yếu. Còn Thân Thư Pháp thì có, cường tráng.
Áp dụng (biến hóa) của viết phổ thông không có, không áp dụng. Còn với Thân Thư Pháp thì đa dạng tối đa, có võ, múa.

Về Sức khỏe của Viết Phổ Thông, thì suy nhược, tạo bệnh. Còn sức khỏe của Thân Thư Pháp thì bổ, khỏe, chữa bệnh.

Hổ tương của viết phổ thông không có, còn Thân Thư Pháp thì có.
Y học của viết phổ thông không có, còn Thân Thư Pháp thì có.
Triết học của viết phổ thông thì không có, còn Thân Thư Pháp thì có.
Võ đạo của viết phổ thông thì không có, còn Thân Thư Pháp thì có.
Cảm nhận của viết phổ thông thì ít cảm nhận, còn Thân Thư Pháp thì cảm nhận vô tận.
Theo môn sinh Đức Nguyễn, “Nếu hỏi tôi lời khuyên với người muốn ghi danh học thử Ta Tu Đạo, thì cũng khó khuyên lắm. Vì mỗi người có hướng sống khác nhau, nhưng cũng mong mọi người hãy nên thử, trước khi mà họ từ chối. Vì có người sẽ nói biết võ này, võ kia, đã chơi những môn thể thao này kia. Đúng, những cái đó đều có cái hay của nó hết. Nhưng mà tùy theo nhu cầu mỗi người, sẽ thấy Ta Tu Đạo là một tổng hợp không đáp ứng như cầu một phần mà là rất nhiều phần, dựa trên nền tảng vững chắc, toàn bộ đời sống con người, Trí Tâm Thân. Cho nên nếu ai muốn sống cuộc đời sung mãn, có ý nghĩa thì nên thử tìm hiểu.”
Môn sinh Đức Nguyễn nói, “Điều mà người học Ta Tu Đạo cần chú ý là phải tự tập luyện thêm khi ở nhà, vì đến lớp chỉ là học hỏi, về nhà là phải tập luyện. Nếu không tập thêm ở nhà thì không đạt được kết quả bao nhiêu. Vì Ta Tu Đạo là một phương cách, một lối sống, chứ không phải chỉ là một bài học. Lối sống sẽ ảnh hưởng toàn bộ đời sống của mình để hòa hợp với nhau, chứ còn sống ngược lại những gì mình học hỏi ở lớp, sẽ không có kết quả.

“Ngày nào mà mình không tập, tự nhưng trong người mình yếu liền, nhất là những người tuổi càng lớn. Nhiều người nghĩ người lớn tuổi chắc ít tập, người trẻ tập nhiều, nhưng không phải. Người lớn tuổi càng phải tập nhiều. Chỉ có điều là trong Ta Tu Đạo thì mức độ tập mỗi người không giống nhau. Mỗi lứa tuổi, mỗi cơ thể của người sẽ tập khác nhau, nhưng càng lớn tuổi phải tập nhiều.”

Mỗi buổi học có 1 tiếng 30 phút để tập. Còn mỗi ngày thì tùy, anh có thể tập một giờ hoặc hơn. Còn hôm nào bận quá, chỉ tập 30 phút. Không cần phải tìm một nơi yên tĩnh để tập, Ta Tu Đạo có những động tác thích hợp mọi nơi. Có động tác cần phải ở nhà có tấm lót để trãi ra sàn nằm lên đó tập, nhưng cũng có những động tác khi ở trong sở làm, vào giờ ăn trưa vẫn có thể tập được.

Anh Đức chia sẻ, “Tôi không rành về đông y hay tây y, nhưng khi tập, tôi không giải thích được thuần lý, nhưng tôi cảm nhận được kinh mạch trong người được đả thông hết. Vì tùy theo mức độ mình tập như thế nào. Ví dụ mình đau chân, đau thắt lưng, vai, hồi đó tôi hay bị đau vai, cổ, thắt lưng. Nhưng khi tập đều thì những cái đau đó biến đi hồi nào không hay. Đến thời gian bận quá, tập ít mỗi ngày thì cái đau lại trở lại, khi đó mình biết là mình đã thiếu tập. Nên tập lại, thì nó hết đau, đó là cảm nghiệm của tôi.”

Anh Đức giới thiệu, “Dù người mới vào học vẫn có thể học chung người học lâu năm, chủ yếu là luyện tập thôi. Cũng chữ cái đó, cũng động tác đó, nhưng người luyện nhiều năm đánh quyền chữ đó sẽ khác người mới tập, lực đánh ra cũng mạnh hơn hay uyển chuyển hơn người mới tập. Còn người mới vô thì cũng làm như vậy thôi, nhưng vấn đề là luyện bao nhiêu, với ý thức như thế nào. Đương nhiên là mỗi trình độ mỗi người cũng khác nhau. Có những người cùng vào học một lúc nhưng nhiều khi cách tự tập luyện thêm ở nhà khác nhau thì trình độ cũng khác nhau, hoặc với tuổi tác khác nhau thì cũng sẽ khác nhau.”

Môn sinh Xuân Thảo cho rằng đến học Ta Tu Đạo, sẽ không dễ như đi vô Fitness tập thể dục, người tập trong Fitness có thể nói chuyện nửa tiếng, rồi tập 5 phút, đi ra cũng được. “Còn trong Ta Tu Đạo thì không như vậy, bác sĩ yêu cầu môn sinh tham gia rất khó, có kỹ luật. Nên chính vì vậy mà có những người không khắc phục được mấy, vì tập thể lực đã khó rồi, chứ không chỉ là bộ môn Ta Tu Đạo khó.

“Nó không chỉ bề ngoài mà bên trong thân của mình nữa. Có những huyệt đạo cần tập để uyển chuyển từ trong cơ thể, tự chữa. Cái khó nữa là chính mình có chịu tập luyện mỗi ngày hay không. Tuy Ta Tu Đạo thì khó ở mặt nào đó thôi, nhưng thời gian thì đã ấn định thứ Hai, thứ Tư trong tuần là thời gian lớp học mở ra, từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối. Chỉ khó với người học là có thể tiếp tục tập luyện mỗi ngày không.

“Bác sĩ hay nói là 100 người vào tập Ta Tu Đạo, thời gian sau chỉ còn 1 người thôi. Lúc Thảo mới vào, Thảo không hiểu. Giờ hiểu rằng đây không phải là thầy khó hay bài khó. Bài học có khó, thầy có khó, nhưng sẽ vượt qua hết, cái khó nhất là mình có cho mình cơ hội để mình tập, tự chữa cho mình hay là chỉ cần uống thuốc hay đi gặp bác sĩ để bác sĩ chữa bệnh cho mình.”

Môn sinh Xuân Thảo kết luận, “Đã nói tập luyện thì không bao giờ dễ. Ngay mình đi tập thể dục cũng vậy. Những nơi Fitness mở ra rất đông, thành viên ghi danh thì nhiều, nhưng người đến đó để thực hành đều đặn thì rất khó. Ta Tu Đạo cũng thế thôi. Làm sao để mình bước đến đó được, tồn tại và tập luyện được thì khó của mỗi người. Nhiều lúc mình cảm thấy đi làm ra mệt, chỉ muốn về nhà nghỉ, nhưng mình vẫn bước đến đó để tập, thì mình mới vượt qua chính mình. Mọi người cứ đến thử. Trước thì sẽ ngỡ ngàng, lớp học nào cũng thế thôi, nhưng các môn sinh đối xử với nhau như trong gia đình, giúp nhau tập luyện, tự chữa bệnh cho mình, và dĩ nhiên thầy sẽ chỉ cho mình tập. Khó nhưng thật ra không khó đâu.”

Ngoài những buổi tập, Ta Tu Đạo còn có những ngày lễ kỷ niệm như ngày thành lập Ta Tu Đạo vào tuần cuối tháng 5. Ta Tu Đạo chọn tháng 5 vì thường Lễ Phật Đản rơi vào thời gian này. Nhưng nếu không trùng, thì Ta Tu Đạo sẽ có thêm buổi lễ Phật Đản. Ngoài ra còn tổ chức buổi lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán. Tiệc trong bốn dịp lễ này là tiệc chay, còn các môn sinh thì tùy theo tín ngưỡng của mình theo, không bắt buột ăn chay theo Phật giáo. Những môn sinh nào sinh trong những tháng có buổi lễ của Ta Tu Đạo thì kết hợp tổ chức sinh nhật luôn. Ta Tu Đạo có mời các vị khách như các cha bên Công giáo, các thầy bên Phật giáo, những nhà nghiên cứu về tâm linh học… đến dự.

Bác sĩ Tim Hùng cho biết ông chuẩn bị viết các tài liệu giới thiệu Ta Tu Đạo bằng tiếng Anh để gửi cho chính phủ, ước mong của ông là đưa Ta Tu Đạo vô trường học phổ thông từ cấp 1, 2, 3 và college, để học sinh, sinh viên tập. Ngoài Thân Thư Pháp theo hệ phái chữ viết Latin A, B, C, trong tương lai ông cũng sẽ viết sách Thân Thư Pháp theo hệ phái chữ Trung Hoa hoặc tiếng Phạn, Thái, Lào, Campuchia.

Bác sĩ Tim Hùng tâm sự, “Với Tatuist thì mỗi tên mình ít nhất là một cuốn sách cho đời mình. Và hành giả lấy cuốn sách tên mình mà sống (qua học, hỏi, tập, luyện, công và phu) để thăng hoa và giải thoát cho mình, cho đời. Ví như Người Bác Sĩ dấn thân đời mình cho một bộ phận của cơ thể, đi vào chuyên khoa hay hậu chuyên khoa để cống hiến, thăng hoa. Đó là căn bản, còn đạt được cái Đạo của Tên hay Ngành" thì còn một con đường tiếp nữa!”

Địa chỉ học Ta Tu Đạo, 7219 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683 vào thứ Hai, thứ Tư hằng tuần, từ 7 giờ đến 9 giờ tối.

Văn phòng Ta Tu Đạo của Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn, 7841 Westminster Blvd. Westminster. CA 92683.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT