Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 17)

Sunday, 24/12/2017 - 10:58:17

Tại Việt Nam từ xưa giờ, các giáo phái không thuộc Thiên Chúa Giáo (Công Giáo) thường được gọi chung là các giáo phái Cải Chánh, như Tin Lành (Phúc Am Liên Hiệp), Báp-tít, Hội Truyền Giáo Cơ Đốc, Cơ Đốc Phục Lâm, Phúc Âm Ngũ Tuần Assembly of God, v.v..

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Tin Lành (phần 1)

Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn

Vào Chủ Nhật, ngày 6 tháng 11, 2016, Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn do Mục Sư Trương Trung Tín là Mục Sư quản nhiệm nhóm họp vào mỗi sáng Chủ Nhật tại trường John Land Elementary School, 15151 Temple St., Westminster, CA 92683, đã làm lễ ra mắt cộng đồng.


Một buổi nhóm của Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn. (Hình cung cấp)

Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn là một cộng đồng giáo hội Cơ Đốc thuộc trào lưu Tin Lành. Trực thuộc hệ phái Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần Assembly of God của Mỹ. Web site của Tổng Hội Ngũ Tuần Trung Ương là www. Ag.org.assemblies of God. Mục Sư Trung Tín cho biết hiện nay có khoảng 440 Hội Thánh thuộc Tổng Hội Ngũ Tuần Trung Ương, có trụ sở tại thành phố Irvine, và có khoảng 1,200 mục sư tại miền Nam California. Chỉ có bốn mục sư gốc Việt tại Quận Cam.

Giới thiệu về ý nghĩa của tên hội thánh do ông quản nhiệm, Mục Sư Trung Tín cho biết, “Khi lập ra Hội Thánh, Chúa đã cho tôi một khải thị, ta là trọn vẹn, con muốn trọn vẹn phải theo ta. Vì vậy tôi chọn tên Phúc Âm Trọn Vẹn. Trọn Vẹn không phải là tôi hay một cá nhân nào khác trọn vẹn, mà tôi nhìn sự trọn vẹn của Chúa. Hội Thánh phải trọn vẹn theo Chúa, chứ không theo con người. Vì con người không thể trọn vẹn được, chỉ có Chúa là đấng quyền năng, ngài mới trọn vẹn.”

Tuy chỉ mới làm lễ ra mắt cộng đồng vào tháng Mười Một 2016, nhưng Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn của Mục Sư Trương Trung Tín đã nhóm họp từ năm 2015, khi Mục Sư Trung Tín học xong master Thần Học và trở thành Mục Sư, đã được hai gia đình người Mỹ gốc Việt có khoảng 13- 14 người, mời Mục Sư Tín lập ra Hội Thánh để họ đến thờ phượng vào tối thứ Sáu, vì họ từng nghe Mục Sư Tín giảng trong lúc ông vẫn còn đang học để trở thành Mục Sư, nhưng nhờ ân tứ Chúa ban cho ông khả năng giảng dạy, nên ông đã được mời đi giảng tại một Hội Thánh thuộc hệ phái Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần.

Mục Sư kể, “Khi đó buổi nhóm tổ chức sinh hoạt tại garage nhà tôi (trên đường Bolsa, đối diện với Peek Funeral Home, có chỗ đậu xe rất thoải mái) vào mỗi tối thứ Sáu. Chúa còn ban cho tôi thêm một ơn tứ là cầu nguyện chữa lành, nên ngoài hai gia đình ban đầu, mọi người đến Hội Thánh mỗi ngày thêm đông, khoảng 40- 50 người. Có buổi nhóm đến 12 giờ khuya họ mới về. Đến khi đông quá, nơi garage nhà tôi không đủ chứa nên sau đó tôi mướn được hội trường của trường học gần nhà là John Land Elementary School, có thể chứa được khoảng 400 người. Tôi thuê trường này để nhóm Hội Thánh vào Chủ Nhật hằng tuần, vẫn họp tại garage nhà vào tối thứ 6. Lễ nhóm đầu tiên của Hội Thánh tại trường học John Land Elementary School, là ngày lễ Cha năm 2016. Chủ Nhật thì lễ lúc 10- 11 giờ cho tiếng Việt, 11 giờ 45-12 giờ 45 cho tiếng Anh. Có cầu nguyện, ca hát, chữa lành trong 1 tiếng sinh hoạt.”


Buổi lễ ra mắt cộng đồng của Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn vào tháng 11, 2016. (Hình cung cấp)

Mục Sư Trung Tín cho biết vào thứ Bảy, Hội Thánh Phúc Âm Trọn Vẹn có thêm Giờ Tĩnh nguyện, tại garage nhà ông. “Giờ Tĩnh Nguyện là tĩnh thức tâm linh của mình, đôi khi mình sống, nhưng lại để tâm linh ngủ. Con người có xác mà không có hồn là ý nói điều này. Giờ này dùng để chia sẻ lời Chúa trong kinh thánh, có những điều gì cần để hiểu rõ hơn. Giờ Tĩnh nguyện còn là cách để mọi người quen thuộc điều này, để tâm linh thức tĩnh mỗi ngày. Sáng dậy, phải có tĩnh nguyện, để Chúa dọn đường cho mình. Trong Tin Lành chúng tôi, tin rằng, mình ngồi đây, mình không thấy gì, nhưng trong tâm linh thì luôn có 2 thiên sứ ở bên cạnh mình. Khi mình cầu nguyện để tĩnh nguyện, là để xin Chúa tĩnh thức tâm linh, để mình biết có thiên sứ đi trước mình mở lối cho mình đi, những vấn nạn trong cuộc đời mình sẽ được Chúa giải quyết cho mình. Buổi tĩnh nguyện này dài 30 phút hoặc 1 tiếng, nếu ai tham dự đặt câu hỏi, những thắc mắc về kinh thánh sẽ được tôi trả lời.”

Mục Sư Tín nói, “Nhiều người hỏi để học kinh thánh thì tôi sẽ trả lời, thay vì hỏi để tranh luận thì tôi không trả lời. Kinh Thánh có nói, đó là chuyện tầm phào. Vì tranh luận thì sẽ không bao giờ có điểm dừng, rồi sẽ xích mích. Nếu trong tuần có tín hữu đồ tôi, đọc kinh thánh, thấy câu này, không biết Chúa khải thị cho họ điều gì. Thì tôi sẽ cầu nguyện Chúa, lật kinh thánh ra đọc thì Chúa khải thị tôi điều gì, tôi sẽ trả lời cho tín đồ đó. Nhiệm vụ của mục sư là cầu nguyện, trả lời mọi thắc mắc về tâm linh của tín đồ. Nếu có tín đồ gọi điện thoại sáng sớm hay khuya cần tôi cầu nguyện chữa lành, thì tôi cũng cầu nguyện qua điện thoại.”
Theo Mục Sư Trung Tín, Chữ Tin Lành trong Kinh Thánh có nghĩa là Tin tức tốt lành, Tin tức vui mừng.
Vì vậy giảng Tin Lành là giảng về tin tức chính thiên sứ rao báo cho những kẻ chăn chiên ngoài đồng Bết-lê-hem: “Đừng sợ chi, vì nầy ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít (Bết-lê-hem) đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế.” (Lu-ca 2: 10, 11). Hay nói một cách khác Tin Lành là tin tốt, là tin Đức Chúa Giê-su ra đời để chuộc tội thế gian. Không phải như nhiều người tin tưởng rằng tin lành là “tin để làm lành.”

Chúa Giê-su chết chuộc tội, dẫn đưa con người đến chỗ Chân-Thiện-Mỹ. Ai tin vào Chúa thì được tha tội. Được biến cải trở thành người tốt và được sự sống đời đời. Điều đó không có nghĩa là làm lành để được cứu, mà người được tha tội rồi mới có năng lực sống đời sống đạo hạnh phù hợp với mười điều răn của Chúa.
Trong Kinh Thánh có chép: Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình. (Ê-phê-sô 2:8,9).


Mục Sư Trương Trung Tín cùng vợ và 3 con. (Hình cung cấp)

Tại Việt Nam từ xưa giờ, các giáo phái không thuộc Thiên Chúa Giáo (Công Giáo) thường được gọi chung là các giáo phái Cải Chánh, như Tin Lành (Phúc Am Liên Hiệp), Báp-tít, Hội Truyền Giáo Cơ Đốc, Cơ Đốc Phục Lâm, Phúc Âm Ngũ Tuần Assembly of God, v.v..

Mỗi hệ phái có các giáo điều khác nhau, và một số tín lý khác nhau, nhưng cùng tôn thờ Đức Ghúa Giê-su và dùng chung một Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin.

Thường thì niềm tin căn bản của người theo các giáo phái Cải chánh, mà người Việt quen gọi là Tin Lành, luôn đặt đức tin trên toàn bộ Kinh Thánh, không thêm không bớt, vì đó là quyển sách được viết ra bởi sự soi dẫn của Thượng đế. (II Ti-mô-thê 3:15-17)

Tin vào Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha toàn năng, toàn tri, toàn tại, là Đấng yêu thương, sáng tạo và cầm quyền vũ trụ. Đức Chúa Giê-su là con Đức Chúa Trời, là Đấng đến từ trời, mang xác thịt con người để chịu chết chuộc tội thay cho loài người tội lỗi. Đức Thánh Linh là Đấng ban quyền năng cải hóa và tái tạo để hoàn thiện con người. (Ma-thi-ơ 28:19).

Tin vào Chúa Giê-su là hiện thân của Thượng đế, mang xác thịt con người, bày tỏ qua cuộc sống Ngài về tình thương, sự công bình. Chứng minh bằng các phép lạ mầu nhiệm, và mục đích tối hậu là chết thay cho tội nhân trên thập tự giá. Ngài đã sống lại sau ba ngày nằm trong mộ, và đã được về trời, hiện đang cầu thay cho chúng sinh. (Giăng 1:1, 13. Hê-bơ-rơ 2:9-18; 8:1, 2; 4:14-16; 7:25).

Những ai cảm nhận mình là kẻ có tội, nhận biết Chúa Cứu Thế do sự cảm hóa bởi Đức Thánh Linh thì tiếp nhận Chúa vào lòng. Qua đức tin ấy, Thánh Linh sẽ tái tạo để họ được tái sanh, nghĩa là được biến cải từ con người lầm lỗi thành con người tốt lành. (Giăng 3:16. Ma-thi-ơ 18:3. Công-vụ 5:37-39).
 Phép Báp têm là nghi lễ dành cho kẻ thành tâm tiếp nhận Chúa. Ý nghĩa của lễ ấy là: cùng chết, cùng chôn và cùng sống lại với Chúa Cứu Thế. Phép Báp têm được thực hiện bằng cách dìm mình xuống nước đúng theo như chính Chúa Giê-su đã tự chịu lễ. (Rô-ma 6:1-6. Công-vụ 16:33).

 Tin tưởng vào mười điều răn là bộ luật luân lý vẫn tồn tại đời đời, khuyến khích tín hữu vâng giữ theo mạng lệnh Chúa. Bản luật mười điều ấy do chính tay Đức Chúa Trời khắc vào bảng đá, từ khi luật trở thành văn tự. (Xuất 20:3-17; 31:18; 32:16. Ma-thi-ơ 5:17-19).

  Mười điều răn phải được tuân giữ không ngoại trừ một điều nào. Kể cả điều răn thứ tư tức là sự yên nghỉ thờ phượng Chúa vào ngày thứ Bảy. (Xuất 20:8-11. Khải huyền 14:12. Giăng 14:15).
  Luật pháp mười điều răn chỉ ra lầm lỗi của con người mà không cứu rỗi con người được. Chỉ có huyết chuộc tội của Đấng Công Bình chết thay cho người tội lỗi mới cứu được con người. Cũng như chiếc gương soi mặt để tìm ra vết nhơ, tự gương không làm cho sạch vết nhơ mà phải dùng nước. (Rô-ma 3:20; 5:8-10. Ê-phê-sô 2:8-10; 3:17. Giăng 2:1, 2).

  Sẽ có sự hủy diệt cuối cùng đối với Sa-tan (Ma-quỉ) kẻ gây ra tội ác, và những kẻ không tiếp nhận ân điển của Chúa Cứu Thế. (Rô-ma 6:23. Ma-la-chi 4:1-3. Khải 20:9-10. Áp-đia 1:16).
  Sự tái lâm của Đức Chúa Giê-su là nguồn hy vọng của con cái Đức Chúa Trời, là tuyệt đỉnh của chương trình cứu rỗi. Ngài sẽ đến thình lình. Con cái Ngài chuẩn bị đời sống ngay lành, sẵn sàng đón tiếp Chúa trở lại để tái lập địa cầu hòa bình. Cả đất trời không còn ô nhiễm; theo nghĩa đen và nghĩa bóng. (Hê-bơ-rơ 11:8-16. Ma-thi-ơ 5:5).

Còn về lễ bái, thì sự thờ phượng Đức Chúa Trời rất đơn giản. Không bàn thờ, ảnh tượng, hương đèn. Chỉ lấy lòng thành mà thờ phượng bằng những bài Thánh ca ngợi khen Chúa, nghe giảng giải Kinh Thánh, và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. (Giăng 4:23-27).

 Kinh Thánh dạy rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho người được sống lâu trên đất...” (Xuất 20:12)
 Luật pháp trong Cựu ước còn định tội con bất hiếu như sau: “Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình sẽ bị xử tử.” (Xuất 21:17).

 Trong Tân ước dạy: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình … hãy tôn kính cha mẹ ngươi...” (Ê-phê-sô 6:1,2).

 Thế nên, với những người theo Tin Lành, không hương đèn cúng bái, không phải là bất hiếu. Hiếu đạo là phải tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống; cả khi cha mẹ chết rồi cũng không làm điều bất nghĩa, cờ bạc, rượu chè… để cha mẹ, ông bà được tiếng tốt, ấy là sự hiếu kính đúng nghĩa, chứ không cần thờ cúng mâm cao cổ đầy.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT