Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 22)

Sunday, 28/01/2018 - 09:31:15

Đức Phật không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố Ngài là Thượng Đế. Ngài là Người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.

Bài BĂNG HUYỀN
Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật (phần 1)

Chùa Khánh Hỷ tổ chức Lễ Phật Thành Đạo
Đạo Phật là một tôn giáo có hơn 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Phật giáo (Buddhism) có nguồn gốc từ chữ "Buddhi," có nghĩa "giác ngộ,” "thức tỉnh,” dựa trên lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật (Sakyamuni) hay còn gọi là Đức Phật (Buddha), là đấng Giác ngộ, là bậc thức tỉnh. Ngài đã thức tỉnh được lưới tham ái, vô minh sau khi trải qua kinh nghiệm tu tập, nhận chân được bản chất của cuộc đời, sự sống và cái chết.
Trong tiếng Anh, Đức Phật còn được gọi là một người giác ngộ, mặc dù trong ngôn ngữ Sanskrit “Bodhi” có ý nghĩa là “tỉnh thức.”


Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, trụ trì chùa Khánh Hỷ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đức Phật không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố Ngài là Thượng Đế. Ngài là Người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.

Đối với nhiều người, Phật giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn xem như là một triết học, hay đúng hơn, đó là một lối sống. Phật giáo là một triết học, vì danh từ "triết học - philosophy" có nghĩa là "sự yêu chuộng trí tuệ,” và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt gồm, “sống có đạo đức, nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động, phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.”


Thượng Tọa Thích Pháp Tánh (người thứ nhì) cùng quý Thầy thực hiện nghi thức tụng niệm tại chùa Khánh Hỷ. (Hình cung cấp)

Trong suốt những năm còn tại thế, Đức Phật đã du hành và truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật, được gọi là Pháp, hay Chân lý. Tuy nhiên, Đức Phật không dạy cho mọi người những gì mà Ngài biết khi chứng ngộ, mà thay vào đó Ngài dạy cho mọi người làm thế nào nhận thức rõ tính giác ngộ vốn có sẵn ngay chính bản thân của mỗi người. Đức Phật dạy rằng bản chất giác ngộ chỉ đến từ kinh nghiệm trực tiếp, chứ không thể thành tựu thông qua bằng niềm tin và các giáo điều.


Thượng Tọa Thích Pháp Tánh. (Hình cung cấp)

Hai hệ văn học chính của Phật giáo: Pali và Sanskrit đều ghi, “Đức Phật đản sanh nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak, năm 624 trước Tây Lịch tại miền đông bắc Ấn Độ. Theo lịch Ấn Độ, tháng Vesak tương đương với tháng 4 âm lịch Trung Hoa và những nước chịu ảnh hưởng nền văn hoá Trung Hoa, trong đó có cả Việt Nam. Phụ thân của Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người cai trị vương quốc của dân tộc Sakya (ngày nay thuộc đất nước Nepal). Mẹ Ngài là hoàng hậu Ma-da (Maya).”

“Theo tục lệ thời bấy giờ, thái tử kết hôn rất sớm vào năm 16 tuổi, với công chúa xinh đẹp và đức hạnh, tên là Da-du-đà-la (Yasodhara). Là một thái tử đương triều sống trong cung điện đầy đủ với tất cả những xa hoa lộng lẫy, nhưng khi va chạm với đời sống bình thường thực tại, Ngài nhận thấy khổ đau của kiếp người, Ngài quyết định tìm giải pháp để con người ra khỏi nỗi thống khổ này.”

Trên trang Web Đạo Phật ngày nay, có viết về những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật: “Ngài xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alasa-Kalama và Uddaka-Camaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em ông Kiều Trần Như, thành đạo năm 35 tuổi. Hoằng dương chính pháp trong 45 năm; trụ thế ở đời 80 tuổi, khoảng năm 544 TCN nhập diệt tĩnh lặng.”

Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, hằng năm đều kỷ niệm Đức Phật đản sanh vào ngày 8 – 4 âm lịch, kỷ niệm đức Phật thành đạo vào ngày 8 -12 âm lịch và kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày 15 – 2 âm lịch.


Thượng Tọa Thích Pháp Tánh cùng quý thầy Chùa Khánh Hỷ và các Phật tử của chùa Khánh Hỷ trong chuyến hành hương dịp Tết. (Hình cung cấp)

Ý nghĩa Phật Thành Đạo

Sự kiện Phật thành Đạo có ý nghĩa rất lớn đối với những người con Phật. Ngày Phật thành Đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Đức Phật sau sáu năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ Đề để thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni xuất hiện để dắt dẫn chúng sanh hướng về nẻo giác.


Thượng Tọa Thích Pháp Tánh cùng quý thầy Chùa Khánh Hỷ và các Phật tử của chùa Khánh Hỷ trong chuyến hành hương thăm tu viện Kim Sơn. (Hình cung cấp)

Năm 2018, để kỷ niệm Phật thành Đạo, Chùa Khánh Hỷ (địa chỉ 10502 Orangewood Ave, Garden Grove, CA 92840) do Thượng Tọa Thích Pháp Tánh làm trụ trì đã long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Thành Đạo vào chiều Chủ Nhật, ngày 28 tháng 1, vừa qua tại Saigon Performing Art (Fountain Valley). Buổi lễ với nghi thức Lễ Phật Thành Đạo, Trai Tăng và Văn Nghệ Cúng Dường. Chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục quy mô và đặc sắc gồm hoạt cảnh Đức Phật Thành Đạo, Tây Du Ký, biểu diễn trang phục các quốc gia Phật giáo cùng với sự góp mặt của các anh chị em ca nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Lâm Nhật Tiến, Quốc Việt, Thu Hương và chúng A Dục Vương Chùa Khánh Hỷ. Đây là một tập thể nam nữ Phật tử tham gia vào sinh hoạt của chùa hỗ trợ để thực hiện chương trình Lễ Phật Thành Đạo thật quy mô.

Giải thích lý do vì sao bấy lâu nay trong cộng đồng người Việt tại Nam California chỉ thường tổ chức đại lễ Đức Phật Đản Sanh, chứ không tổ chức Lễ Phật Thành Đạo, Thượng Tọa Thích Pháp Tánh nói, “Thật ra Lễ Phật Thành Đạo là lễ quan trọng với Phật giáo, vì đó là ngày Đức Phật sau những năm tu khổ hạnh đã giác ngộ chân lý. Cho nên ngày lễ Đức Phật Thành Đạo với cộng đồng Phật giáo rất quan trọng. Tuy nhiên sau những đại hội Phật giáo của thế giới, lấy ngày Đức Phật Đản Sanh là ngày lễ Tam Hợp, gồm có Lễ Phật Đản Sanh, Phật Thành Đạo và Phật nhập Niết Bàn, là ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích ca mâu ni. Gom chung lại là lễ Tam Hợp hay còn gọi là Đại Lễ Vesak và đã được các truyền thống Phật giáo chấp nhận trong kỳ Đại hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ VI vào năm 1961. Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận Lễ Phật Đản Sanh thành Đại lễ Vesak, là một sư kiện vô cùng hy hữu của tổ chức lớn nhất thế giới này. Nên từ đó Lễ Đức Phật Thành Đạo là lễ thứ yếu trong Phật giáo, và tất cả các chùa, các từ viện trên thế giới tổ chức lễ Đức Phật Đản Sanh như là sự kiện chính.”

Theo Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, “Lễ Đức Phật Thành Đạo không phải năm nay mới tổ chức, mà hằng năm, đúng ngay ngày 8 tháng 12 tháng chạp, các chùa thường tổ chức lễ Đức Phật Thành Đạo tại tự viện của mình, nhưng không phổ biến rộng ra với cộng đồng như năm nay chùa Khánh Hỷ tổ chức. Vì chùa Khánh Hỷ nhỏ, nên chùa chọn tổ chức tại rạp Saigon Performing Art, mang tính chất phổ biến rộng ra để đồng hương đến dự. Pháp Tánh rất vui khi tổ chức lễ Đức Phật Thành Đạo chung cho cộng đồng, với mong muốn tổ chức đại lễ này như dấu ấn để cho cộng đồng Phật giáo thấy tầm quan trọng của ngày Đức Phật Thành Đạo.”


Các Chư Tôn Đức dự buổi lễ tại Chùa Khánh Hỷ. (hình cung cấp)

Với Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, ngày Đức Phật Thành Đạo chính là dịp để ôn lại cuộc đời và ý nghĩa mà sự giác ngộ của Ngài là một điều hy hữu, là lợi lạc lớn lao cho mọi chúng sanh. Là ánh sáng trí tuệ xua tan bóng tối vô minh, đau khổ, và cùng ôn lại vai trò của nền giáo lý đức Phật. Giáo lý đó có những tư tưởng tiến bộ để con người có thể tự xây dựng một xã hội mà con người đang đi tìm giải pháp. Đạo của Đức Phật là Đạo cho đời, Đạo của tình thương, đại nguyện của Ngài là cứu độ toàn thể chúng sanh thoát vòng đau khổ. Đó không phải là một Đạo đưa đến những sự chứng đắc lửng lơ, không ăn nhập với cuộc sống con người. Sự thành đạo của Ngài là kết quả tự nhiên của tự tu tự chứng chớ không mảy may chứa đựng bóng mờ của giao cảm với thần linh hay cứu rỗi.

Con đường hoằng pháp

Thầy Thích Pháp Tánh cho biết thầy xuất gia tại chùa Quảng Hương Già Lam (quận Gò Vấp) vào năm 1983, sau khi hòa thượng Thích Trí Thủ (trụ trì của chùa) viên tịch, chùa không được cho phép ở lại, nên tất cả các thầy đều phải rời đi. Thầy Pháp Tánh ra Huế và tu học tiếp tục ở chùa Từ Đàm (Huế), và ở chùa mười năm. Sau mười năm, thầy vào học Đại Học Vạn Hạnh. Thầy đã tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gòn vào năm 1998, sau đó thầy qua Ấn Độ du học cao học. Hoàn tất xong văn bằng cao học, đang trong quá trình làm luận văn Tiến Sĩ, với đề tài “Hoạt Động Tôn Giáo của người Việt tại hải ngoại,” thầy Pháp Tánh qua Mỹ theo diện nghiên cứu cho luận văn tiến sĩ, vào năm 2004.

Thầy kể, “Lúc đó tại miền Nam California những nơi sinh hoạt Phật giáo của cộng đồng chưa nhiều lắm, khi đó Pháp Tánh được hòa thượng Thích Mãn Giác (1929-2006) là trụ trì chùa Việt Nam tại Los Angeles bấy giờ, ký giấy cho Pháp Tánh ở lại Mỹ để thực hiện các Phật sự tại đây. Từ đó Pháp Tánh cũng ngưng lại việc học để làm Phật sự. Hy vọng trong tương lai, sau khi ổn định việc Phật sự tại đây, Pháp Tánh sẽ trở về Ấn Độ hoàn tất văn bằng tiến sĩ của mình.”

Chùa Khánh Hỷ được xây cất từ năm 2008. Thượng Tọa Pháp Tánh nói, “Hằng ngày quý Phật Tử đến chùa để lễ Phật, tụng kinh mỗi tối và mỗi sáng. Mỗi buổi tụng kinh là thông lệ của chùa, bên cạnh đó Pháp Tánh cũng muốn chia sẻ sở học cho quý Phật tử qua những bài giảng, những buổi thuyết giảng, những buổi đạo tình, tâm tình. Pháp Tánh nghĩ rằng càng ngày quý Phật tử càng hiểu được nhiều hơn về đạo Phật. Hiểu về đạo Phật không phải mang một tư tưởng tôn giáo huyền bí mà đạo Phật rất thực tế, đó là đạo trí huệ. Cho nên người Phật tử đến chùa tu tập ngoài vấn đề nghi thức, nghi lễ, người Phật tử cần phải mở rộng hơn sở học của mình, hiểu nhiều hơn về những lời giáo huấn của Đức Phật. Khi mình hiểu được nhiều hơn về từ, bi, hỷ, xả hay là sự tu hành phục thiện của mình giúp mình trở thành một công dân tốt hơn trong gia đình, trong xã hội, thì người Phật tử đã thực hành lời Phật dạy và sẽ mang lại hạnh phúc, an lạc trong hiện tại cuộc sống.”

Tổ chức Đại Lễ Phật Đản 2018

Thượng Tọa Thích Pháp Tánh cho biết sau Đại Lễ Phật Thành Đạo do chùa Khánh Hỷ tổ chức Chủ Nhật vừa qua, thầy được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam Nam California giao trọng trách là Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản PL. 2562-2018, tổ chức tại Mile Square Park vào hai ngày thứ Bảy 5 và Chủ Nhật 6 tháng Năm sắp tới.

Thượng Tọa Pháp Tánh nói, “Đây là Đại Lễ Phật Đản chung, phổ biến trong cộng đồng người và là một đại lễ rất lớn, có tầm cỡ của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ. Vì vậy, khi được phó thác trọng trách trưởng ban tổ chức Đại Lễ Phật Đản, Pháp Tánh cảm thấy đôi vai mình thêm gánh nặng. Do quý ngài Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam Nam California muốn trẻ hóa tổ chức, nên đã đưa Pháp Tánh vào trưởng ban thực hiện đại lễ Phật Đản năm nay. Các vị Chư Tôn Đức bề trên thì làm cố vấn tham mưu.”

Thượng Tọa Pháp Tánh giới thiệu nét mới của Đại Lễ Phật Đản năm nay, “Đã nói trẻ hóa thì mình cũng có một cái gì đó thay đổi trong cách tổ chức, cho nên lễ Phật Đản năm nay Pháp Tánh tổ chức hai ngày. Ngày Chủ Nhật thì là ngày chính tổ chức Lễ Phật Đản. Còn chiều thứ Bảy, ngày 5 tháng 5, thì Pháp Tánh làm một lễ Phật Đản dành cho tuổi thơ. Vì có rất nhiều em gốc Việt sinh ra, trưởng thành tại Hoa Kỳ, tiếng Việt không rành. Vậy thì khi nói về đạo Phật, các em phải hiểu đạo Phật là gì, tại sao phải có đạo Phật ở trong cộng đồng. Lễ Phật Đản cho tuổi thơ sẽ giúp các em hiểu hơn về đạo Phật. Khi thực hiện buổi lễ Phật Đản cho tuổi thơ, Pháp Tánh ước mong trẻ hóa cho sinh hoạt Phật giáo của cộng đồng người Việt, để phát triển đạo Phật có thêm nhiều Phật tử trẻ. Ban tổ chức sẽ phát ra 1,000 nan tre lồng đèn được làm sẵn, các em sẽ tự buộc lại và dán giấy (các em thích màu gì thì dán màu đó) lên trên nan tre, sẽ có 1,000 chiếc lồng đèn thủ công xinh xắn nhiều màu sắc được treo lên tại khu vực diễn ra Đại Lễ Phật Đản tại Mile Square Park, góp phần tạo nên sắc màu lễ Phật Đản thật đẹp.”

Thầy Pháp Tánh giới thiệu thêm, “Pháp Tánh có đặt làm 200 tượng Đức Phật Đản Sanh cao một gang tay, và những con nai nhỏ xíu để cho từng tổ chức của gia đình Phật tử hoặc gia đình riêng của phật tử nhận về, rồi tự họ thực hiện mô hình vườn Lâm Tỳ Ni (Là nơi Đức Phật đản sinh, được coi là một trong những địa điểm hành hương quan trọng của Phật tử trên khắp thế giới). Chiều thứ Bảy, họ sẽ đem mô hình đó đến Mile Square Park để trưng bày cho mọi người thưởng lãm và sẽ có hội đồng giám khảo chấm điểm, sẽ có những giải thưởng khuyến khích cho các em và sẽ có giải nhất, nhì, ba.

“Sau tết nguyên đán Mậu Tuất, chương trình Đại Lễ Phật Đản sẽ được loan báo rộng ra, những ai muốn nhận những tượng Đức Phật Đản Sanh và tượng những con nai nhỏ xíu để thực hiện mô hình Vườn Lâm Tỳ Ni, sẽ liên lạc với ban tổ chức, ghi danh tên tuổi, số điện thoại liên lạc, sau đó đem về để thực hiện mô hình. Đến chiều thứ Bảy 5 tháng 5 sẽ mang mô hình đến nơi tổ chức Đại Lễ tại Mile Square Park để trưng bày.

“Mô hình Vườn Lâm Tỳ Ni có rất nhiều chủ đề. Pháp Tánh đang suy nghĩ là đưa ra chủ đề hay là cho mọi người tự do chọn chủ đề, sẽ phong phú hơn. Nhưng phải có hướng dẫn chính để mọi người hiểu ý nghĩa chính của Vườn Lâm Tỳ Ni là gì. Đây cũng là cách để đưa đạo vào đời, khuyến khích các em động não, suy nghĩ, tìm hiểu về đạo Phật, tìm hiểu tại sao có pho tượng cậu bé đứng giơ tay lên, giơ tay xuống. Khi các em tìm hiểu thì các em có cơ duyên gần gũi với đạo Phật hơn. Vì đây là chương trình dành cho các em, nên sẽ dùng ngôn ngữ tiếng Anh, chọn người hướng dẫn chương trình cũng phải còn trẻ, khoảng 22 tuổi trở xuống.”

Về những khó khăn, Thượng Tọa Pháp Tánh chia sẻ, “Để đảm đương thực hiện Đại Lễ này, là một trọng trách, chủ yếu chùa Khánh Hỷ phải tự thân vận động. Một lễ lớn như vậy cần phải có khoảng 50- 60 ngàn đồng (Mỹ kim). Vì vậy ngày 1 tháng 4, ban tổ chức sẽ tổ chức tiệc chay gây quỹ để có kinh phí tổ chức lễ Phật Đản. Buổi tiệc gây quỹ sẽ diễn ra tại nhà hàng Seafood Palace (địa chỉ 6731 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683) vào lúc 5 giờ chiều. Vé ủng hộ được phân phối tại các chùa trong cộng đồng và các cơ sở thương mại của cộng đồng người Việt.

“Pháp Tánh mong rằng mỗi một bàn tay mầu nhiệm đóng góp vào cho lễ Phật Đản sắp tới sẽ giúp ban tổ chức an tâm hơn. Nếu không được thì ban tổ chức cũng vẫn tự bỏ ra làm. Cho nên đó là gánh nặng với Pháp Tánh. Nhưng nếu cứ thấy nó là gánh nặng mà không gánh thì sẽ không có cơ hội để đem ý tưởng của mình vào trong hoạt động Phật giáo tại đây.”

Nói thêm về con đường Hoằng Dương Phật Pháp của mình, Thượng Tọa Thích Pháp Tánh cho biết, “Với tâm nguyện của người xuất gia là Thượng Cầu Phật Đạo, Hạ Hoá Chúng Sanh, Pháp Tánh nghĩ rằng Phật đạo để cầu, mình chưa thành, nhưng ít nhất mình làm một công dân tốt và một người xuất gia trong tinh thần tôn giáo thì mình làm những gì góp phần lợi lạc cho cộng đồng, cũng như tôn giáo. Lời nhắn nhủ của Pháp Tánh với cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta là hãy luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần từ bi phụng sự và biết chia sẻ những gì mình có được với những người không được may mắn như mình. Biết làm những điều tốt, những việc thiện, để gieo trồng phước đức. Tùy theo khả năng của mình, có khi không nhất định phải là của cải vật chất, mà kiến thức của chúng ta cũng rất quan trọng trong việc xây dựng ngôi nhà tâm linh nói riêng và xây dựng cộng đồng người Việt chúng ta nói chung tại hải ngoại mỗi ngày càng phát triển hơn.”
(Còn tiếp)



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT