Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 24)

Sunday, 11/02/2018 - 09:48:43

“Thầy mong những buổi chay tại Phở Quyên do thầy đích thân thầy nấu là gieo thiện duyên đến tất cả mọi người khi đến ăn chay, để mỗi khi chùa mở khóa tu, thì Phật tử ghi danh tu học. Đó là mong muốn chính của thầy.

Bài BĂNG HUYỀN

Chùa Duy Pháp và Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền (phần 2)

Trong các sách về lịch sử đạo Phật có chép rằng, Đức Phật Thích Ca khi còn nhỏ, Ngài rất thông minh, khi lớn lên, Ngài thích tìm hiểu về nhân sinh, vũ trụ và thích tìm hiểu tất cả vạn vật chung quanh. Đặc biệt, Ngài có bốn cái thắc mắc: Con người từ đâu đến với thế giới này? Đến với thế giới này rồi để bị: Sanh, Già, Bệnh, Chết? Khi còn sống ở nơi thế giới này, tranh giành, hơn thua, chém giết với nhau, sau cùng rồi cũng phải lìa bỏ tất cả! Chết rồi sẽ đi về đâu?

Chính nhờ tu học mà Ngài đã nhận ra con người do cái khổ triền miên kết tập từ lâu đời nên phải chịu trong vòng luân hồi, sanh tử. Quan sát cái Khổ và hiểu được nguyên nhân phát sinh ra Khổ để tận diệt chúng. Một khi cái Khổ không còn nữa thì con đường đạo sẽ rộng mở thênh thang, để đạt tới chân lý giác ngộ giải thoát.
Thượng Tọa Thích Trung Duệ, trụ trì của chùa Duy Pháp, tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh, tu tập theo Pháp Môn Tổ Sư Thiền là Tham Thoại Đầu và Khán Thoại Đầu do Cố Hòa Thượng Thiền Sư Duy Lực hoằng dương, cho rằng, “Tham thiền là phương pháp tu tập để chấm dứt khổ. Nguyên nhân sự khổ và tất cả sự khổ.”
Đây cũng là mục đích chính khi Thượng Tọa Trung Duệ và chùa Duy Pháp ở Midway City tổ chức các khóa tu thiền miễn phí như “Khóa Tu Thiền Ca Diếp” vào cuối tháng 9, 2016, Khóa Tu “Tôn Giả A Nan - Nhị Tổ Thiền Tông,” vào tháng 8, 2017, và trong năm 2018 vào dịp hè sẽ quảng bá khóa tu “Thương-Na-Hòa-Tu (Sanakavasa).”


Khóa tu Tham Tổ Sư Thiền do Thượng Tọa Thích Trung Duệ và chùa Duy Pháp tổ chức tại Hội trường Việt Báo. (Hình cung cấp)

Thượng Tọa Thích Trung Duệ kể, “Từ lâu rồi thầy đã dự định mở khóa tu Tham Thiền để các Phật tử tìm hiểu và tu tập, nhưng mãi đến năm 2016 mới đủ duyên để mở khóa tu đầu tiên. Nếu mở những khóa tu là Pháp Hội để tụng kinh bái sám, hay Pháp Đàn, Chẩn Tế, Cầu An Cầu Siêu, các nghi lễ hết oai nghi này sang oai nghi nọ, thì Phật tử sẽ đến nhiều hơn. Còn Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền chỉ có ba cái oai nghi là đi, ngồi và vấn đáp.

“Làm sao cho sinh hoạt tu học xoay quần với nhau để Phật tử thấy vui trong tu tập là điều thầy luôn đắn đo suy nghĩ. Thầy chọn tên cho mỗi khóa là tên một vị tổ để đặt tên và chỉ mong sao đời thầy tổ chức được 33 khóa tu trong 33 năm với 33 vị tổ và được Phật tử ghi danh đông đủ và tiếp tục tu tập sau khóa tu để càng thêm tinh tấn là mừng rồi.”


Thời khóa tu Pháp Môn Tổ Sư Thiền mỗi ngày tại chùa Duy Pháp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Thượng Tọa cho biết, cả hai khóa tu năm 2016 và 2017 đều được Phật tử hưởng ứng rất đông và trong hai ngày tu học không hề giảm túc số từ ngày đầu qua đến ngày thứ hai, từ khóa buổi sáng đến khóa buổi chiều. Thành công của khóa tu có lẽ các thời khóa của khóa tu không kéo dài lâu quá, mỗi thời khóa Thượng Tọa trong vai trò trưởng ban tổ chức, đã sắp xếp thời khóa chỉ khoảng 20 phút, và thay đổi oai nghi tu tập từ ngồi (ngồi ghế) sang đi hương.

Thượng Tọa Thích Trung Duệ nói, “Trong khóa tu, chủ yếu tập trung vào ba đề mục và cũng là ba thời khóa chính gồm có dạy Tham Thiền, là các quý Thầy trong Ban Giáo Thọ thay phiên nhau giảng giải và hướng dẫn về Thiền cho những Phật tử tham dự hiểu biết trong khoảng 20 phút. Tiếp theo là dạy cho các Phật tử thực hành cách ngồi Thiền, bằng cách tịnh tọa trên ghế trong vòng 20 phút.

“Các Phật tử còn được hướng dẫn đi hương, hay còn gọi là hành Thiền, là đi kinh hành trong thinh lặng, đi vòng quanh trong hội trường nơi tổ chức khóa tu, với tâm tỉnh giác và tham cứu thoại đầu, cũng kéo dài khoảng 20 phút. Sau ba thời khóa khoảng một tiếng, các Phật tử giải lao 15 phút để thư giãn thân tâm và bắt đầu lại với ba thời khóa như trước.

“Ngoài ra, các quý Thầy trong Ban Giáo Thọ còn dành ra thời khóa giải đáp các câu hỏi về tu tập cho các Phật tử tham dự khóa tu, giúp những ai chưa hiểu rõ về phương thức của Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền hay về Phật Pháp có thể nêu câu hỏi đều được các quý Thầy Giáo Thọ trực tiếp giải đáp.”

Nói thêm về khóa tu, Thầy Trung Duệ chia sẻ, “Thành công của khóa tu còn nhờ quý Thầy trong Ban Giáo Thọ đều là những vị không những hiểu sâu rộng về Phật Pháp mà còn có công phu tụ tập vững vàng, đều là những vị trụ trì các tự viện và hiện đang hành đạo tại Hoa Kỳ, Việt Nam, nên đã giúp giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho các Phật tử tham dự. Trong thời gian tu học, qúy đồng hương Phật tử đã được ban trai soạn của Chùa Duy Pháp lo đầy đủ các bữa ăn tại chổ để Phật tử no bụng và tập trung vào việc Tham Thiền tu học. Ngoài ra khóa tu còn tổ chức lễ cúng dường trai tăng đến Các Chư Tôn Đức Tăng Ni, để Phật tử gieo phước duyên cúng dường trai tăng.”

 
Phần cúng dường Trai tăng trong khóa tu Tham Tổ Sư Thiền. (Hình cung cấp)

Ngoài khóa tu dài hai ngày cuối tuần, mang tên các vị Tổ trong Pháp Môn Tham tổ Sư Thiền tổ chức mỗi năm một lần vào thời gian trong tháng 8 hoặc tháng 9, chùa Duy Pháp còn tổ chức thêm khóa tu thứ hai, cũng diễn ra hai ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, từ sáng đến chiều, là khóa tu diễn ra vào tháng 1 hằng năm. Khóa tu được bắt đầu trong năm 2018.

Khóa tu này để tưởng niệm ngày lễ Húy Kỵ cố Hòa Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực (1923- 2000) để tỏ lòng tri ân tâm nguyện Hòa Thượng đã suốt đời Hoằng truyền chánh pháp, trên tinh thần trọng pháp, cầu pháp và truyền pháp. Thượng Tọa Thích Trung Duệ thực hiện khóa tu mang tên Hòa Thượng Duy Lực còn mong muốn sẽ có thêm thế hệ tiếp nối chánh pháp, duy trì và phát huy Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền được tiếp tục, không bị gián đoạn.

Đó là với khóa tu được tổ chức quy mô, có sự chứng minh của các quý Thầy trong Ban Gíao Thọ do thầy Trung Duệ mời dự, đòi hỏi tâm sức và tài lực từ ban tổ chức, nên chỉ được tổ chức mỗi năm một lần. Còn tại chùa Duy Pháp thì vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, Phật tử tu Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền có thể đến chùa Duy Pháp để Tham Thiền từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng, và buổi chiều từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Giờ Tham Thiền này giúp những ai còn đi làm, vẫn có thể đến Tham Thiền (tùy ca làm của mình vào sáng sớm hay chiều tối). Còn ngày thứ Bảy, Chủ Nhật thì Phật tử có thể đến chùa tu tập cả ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Tu thiền tại chùa mỗi ngày

Thượng Tọa Thích Trung Duệ giải thích, “Dù nhìn bề ngoài chùa Duy Pháp như những ngôi chùa khác, nhưng bản thân thầy là trụ trì chùa thì theo Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền và hành thiền theo Pháp Môn này. Còn Phật tử của chùa thì có một số tu Pháp Môn này, có một số thì không. Nên sự truyền bá Pháp Môn này từ thầy đến Phật tử chưa được nhiều. Do không có thuần hết Phật tử tu Pháp Môn này, nên cũng cản trở việc Hoằng Pháp của thầy.”

Thượng Tọa Thích Trung Duệ nói, “Trong tương lai gần, nếu có đủ duyên thì thầy sẽ lập thêm một Thiền đường chỉ chuyên dành cho Phật tử tu tập Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền. Giờ tu tập mở cửa thiền đường sẽ diễn ra suốt bảy ngày trong tuần. Phật tử vào thiền đường sẽ có đi hương, tọa hương, Tham Thiền, nghe băng giảng của Hòa Thượng Thích Duy Lực, của các quý thầy. Riêng sáng Chủ Nhật sẽ có phần giảng đối đáp về thiền, hoặc giảng về Phật pháp của các quý thầy.”

Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền rất dễ tu

Thầy Trung Duệ cho biết, “Vì Pháp Môn này rất dễ tu, nên thầy muốn phổ biến đến các Phật tử. Mỗi khi mình tu sẽ không ảnh hưởng đến hoàn cảnh xung quanh, cũng như công việc gia đình của mình. Vì vậy mới có câu là Tu chánh pháp không bao giờ phá hoại thế gian pháp. Như bổn phận mình làm bà, làm mẹ, làm vợ, làm cha vẫn giữ trọn bổn phận đó. Những lúc mình rửa chén, làm việc nhà, tưới cây, nấu ăn... mình vẫn vừa làm vừa Tham Thiền được, đâu có bỏ bổn phận đâu.

“Người nào quyết tâm tu rồi, mới nếm được kết quả nó mang lại. Cá nhân thầy tu Pháp Môn này từ thập niên 1980, giúp Thầy niềm tin về Pháp, niềm tin về tự tâm rất vững. Về Pháp thì thấy không Pháp nào bằng Pháp Môn này. Phần thực hành thì không có cái nào dễ bằng cái này. Mà sao không thấy nhiều người tu Pháp này. Mà thấy người ta thích cầu kỳ nhiều.”

Thượng Tọa cho biết cũng nhờ tu Pháp Môn này giúp Thượng Tọa có được niềm tin tự tâm, “dù mình chưa đến nơi giải thoát nhưng mình rất tự tại, rất vững vàng. Muốn đạt đến tự do tự tại phải có phương pháp, phương pháp đó là phát nghi tình thì phải nhờ câu thoại đầu hoặc công án. Nhờ câu thoại đầu làm cho bộ óc cảm thấy không biết, không biết đó gọi là nghi tình. Ngày đêm mình giữ nghi tình, rồi sẽ đến thoại đầu.
“Thoại là một lời nói, đầu là trước kia chưa có muốn nói; chưa khởi niệm muốn nói, gọi là thoại đầu. Hai chữ thoại đầu là một niệm chưa sanh khởi, cũng gọi là vô thỉ vô minh. Tham thiền là phải tin tự tâm, nếu không tin tự tâm; mặc dù ngày đêm giữ được nghi tình không thể kiến tánh. Vì không tin tự tâm làm sao phát hiện tự tâm. Bởi Tham Thiền là muốn phát hiện tự tâm, không tin tự tâm làm sao tự tâm hiện ra. Cho nên, tin tự tâm và phát nghi tình là hai cơ bản của Tham Tổ Sư Thiền.”

Duyên đến với Pháp Môn

Nhắc lại cơ duyên biết đến Pháp Môn Tổ Sư Thiền và tu học, thầy Trung Duệ kể, “Khoảng thập niên 1980, thầy đã biết về Pháp Môn này và phát tâm tu Pháp Môn này. Khi đó thầy có đọc qua một quyển sách Tham Thiền Phổ Quyết của Lai Quả Thiền Sư. Do Hòa Thượng Duy Lực dịch. Đặc biệt sau khi thầy đọc xong sách Trung Phong Pháp Ngữ, thì thầy lại nhìn ra thêm một hướng mới. Vì vậy thầy phát tâm chuyên về tu thiền luôn, và song song vẫn học trường Phật giáo.

“Thầy thực hành Pháp Môn và nắm vững đường lối thực hành, cho nên có nhiều huynh đệ khuyên thầy nên gặp Hòa Thượng Duy Lực. Nhưng vì thầy có nghe trong băng, Hòa Thượng Duy Lực giảng một câu của Lục Tổ Huệ Năng là Ở xa ta, thực hành cái Pháp của ta, giống như ở trước mặt ta. Dù cho ở trước mặt ta, cũng như trong hội chúng của ta, mà không thực hành tu Pháp của ta thì giống như xa ta ngàn dặm. Chỉ vì câu đó, mà thầy không quyết tâm gặp Hòa Thượng sớm. Mãi đến khi nghe tin Hòa Thượng Duy Lực sắp đi Mỹ, thì trong lòng thầy hơi hối tiếc.”

Thầy Trung Duệ nói mãi đến năm 1992, khi Hòa Thượng Duy Lực về Việt Nam lại lần đầu tiên, bấy giờ thầy mới đến gặp Hòa Thượng và chính thức cầu Pháp tại chùa Từ Ân ở Sài Gòn. Thầy đã được trực tiếp hỏi, học và cách tu Thiền với Hòa Thượng Duy Lực.

Thầy Trung Duệ cho biết, “Khoảng năm 1997- 1998, thầy phát tâm thu lại những bài giảng của Hòa Thượng Duy Lực từ băng cassette ra MP3. Thầy là người đầu tiên làm công việc này. Trong thời gian làm được hơn 300 cuộn băng cassette, nhưng vẫn chưa xong, còn lại vài chục cuộn băng cassette thì thầy đi Mỹ, công việc dở dang, nên thầy copy hết những phần đó, đưa hết cho Thượng Tọa Thích Đồng Thường (là một trong những vị thầy tu Pháp Môn Tổ Sư Thiền với Hòa Thượng Duy Lực, và cũng là một trong những vị thầy giữ băng giảng của Hòa Thượng Duy Lực, sống tại Việt Nam).

“Sở dĩ thầy chuyển những bài giảng từ băng cassette vào CD MP3 vì biết rằng trong tương lai, băng cassette không còn phổ biến, cần lưu giữ vào đĩa thì mới giữ được lâu dài và phổ biến rộng hơn cho người muốn nghe để tu học Pháp Môn Tổ Sư Thiền. Cũng nhờ việc chuyển từ băng cassette vào CD mà về sau này đã được post lên YouTube để mọi người cùng nghe. Lúc bấy giờ thầy biết là có tổng cộng hơn 400 cuộn băng cassette thu lại những bài giảng của Hòa Thượng Duy Lực đi giảng khắp nơi.”

Thượng Tọa Thích Duy Lực bảo, cũng nhờ chuyển lại từ băng cassette vào CD, phải nghe đi nghe lại, nghe tới nghe xuôi đến mấy lần mới thu hoàn chỉnh vào xong một cuốn. “Nhờ nghe nhiều vậy, nên thầy càng ngấm, càng hiểu hơn về Pháp Môn, cùng những danh từ bên Phật học như Pháp số, danh từ của Phật giáo, thành ngữ… thầy vốn đã vững rồi vì học Đại Học Phật giáo. Do vậy nghe băng Hòa Thượng Duy Lực giảng đến đâu, thì thầy đều nắm vững hoàn toàn một trăm phần trăm, nghe rất dễ dàng, dù rằng tiếng của Hòa Thượng giảng (thu trong băng) hơi khó nghe. Thường thầy nghe băng giảng trực tiếp từ Hòa Thượng chứ không nghe qua các giọng đọc khác, họ thường đọc các Ngữ Lục của Hòa Thượng Duy Lực.”

Cơm chay và hành hương

Không chỉ hướng dẫn các Phật tử tu tập, Thượng Tọa Trung Duệ và chùa Duy Pháp còn gieo duyên đến các Phật tử qua buổi cơm chay miễn phí vào mỗi Chủ Nhật (tuần thứ hai trong tháng) tại tiệm Phở Quyên ở Westminster, do đích thân thầy trổ tài nấu rất ngon những món chay và vài Phật tử của chùa cúng dường thêm vài món, tráng miệng….

Thầy chia sẻ, “Tiệm Phở Quyên là của Phật tử Tấn Ngọc tu Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền làm chủ. Mỗi tháng một kỳ, Phật tử Tấn Ngọc dành ngày Chủ Nhật tuần thứ hai mở cửa tiệm để làm ngày chay của chùa Duy Pháp. Việc nấu chay phục vụ đồng hương được thầy bắt đầu làm từ năm 2013, với mong muốn gieo duyên lành cho mọi người ăn chay, nhiều Phật tử đến ăn đã tùy hỉ cúng dường cho chùa, những ai không có điều kiện cúng dường, vẫn được phục vụ chu đáo.

“Thầy mong những buổi chay tại Phở Quyên do thầy đích thân thầy nấu là gieo thiện duyên đến tất cả mọi người khi đến ăn chay, để mỗi khi chùa mở khóa tu, thì Phật tử ghi danh tu học. Đó là mong muốn chính của thầy.

“Từ hồi phục vụ cơm chay tại phở Quyên đến nay, Phật tử truyền miệng, đến ăn rất đông, có nhiều người ở các vùng bên ngoài Quận Cam cũng biết đến. Ngoài những người cũ quay lại, mỗi tháng luôn có thêm người mới tìm đến. Có rất nhiều bạn trẻ cũng đến ăn chay, có thể trong tương lai họ sẽ phát tâm đến chùa để tu học.”

Cũng như các chùa khác trong cộng đồng, chùa Duy Pháp cũng có tổ chức đi hành hương vào dịp Tết hằng năm. Thượng Tọa Trung Duệ cho biết, “Đi hành hương vào dịp tết nguyên đán thì chùa tổ chức đi về trong ngày. Mỗi năm chùa đổi một vùng khác nhau để đưa đồng hương đi. Tối về lại chùa Phật tử được mời ăn cháo chay. Ngoài ra, vào dịp hè chùa Duy Pháp còn tổ chức khóa tu học lưu động, vừa đi vừa tu. Khóa tu lưu động này khoảng ba ngày. Một ngày đi, một ngày ở lại những đạo tràng nơi đoàn sẽ đến để dự khóa tu và một ngày về. Mấy năm trước chùa tổ chức đi phía Bắc California, có đến tu viện Kim Sơn và một số đạo tràng tại Bắc California để tu học. Sắp tới có thể chùa sẽ tổ chức tu học lưu động phía Arizona, Nevada.”
Địa chỉ chùa Duy Pháp: 14851 Wilson St., Midway City, CA 92655. Điện thoại (714) 988-8883, (714) 622-9307. Email: chuaduyphap@gmail.com),
Phở Quyên Food To Go: 6944 Westminster Ave., Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 896-0928.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT