Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 25)

Sunday, 18/02/2018 - 11:14:43

Còn với câu hỏi, “Khi tham thiền, câu thoại vừa khởi lên thì hình ảnh cũng hiện lên, chẳng hạn như câu “khi chưa có trời đất” thì hình ảnh của trời đất hiện ra, như vậy có đúng không? Khi sự việc đó xẩy ra, ta điều chỉnh bằng cách nào?

Bài BĂNG HUYỀN

Chứng Đạo Ca, là một kiệt tác Thiền của Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713), được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ. Tại Việt Nam, Chứng Đạo Ca được dịch giả cư sĩ Trúc Thiên dịch, được NXB Lá Bối ấn loát và phát hành lần thứ nhất tại Saigon vào năm 1970. Chứng Đạo Ca gồm những bài ca tán tụng chân như của các thánh nhân khi thành đạo, đặc biệt là những vị đại thành tựu. Tác phẩm này chứa đựng những khái niệm căn bản của Pháp Bảo Đàn Kinh, của các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.


Thượng Tọa Thích Trung Duệ và cư sĩ Tấn Ngọc tại chùa Duy Pháp

Chứng Đạo Ca còn là tác phẩm đúc kết lại tinh hoa của Phật giáo mà cốt tủy chính là Thiền tông. Thiền thúc giục mỗi người tự tri tự ngộ. Tri những sở tạo của khối óc: tư tưởng, định kiến, triết học v.v. Ngộ con người thực của chính mình: bổn lai diện mục. Ngay trong bài kệ đầu, Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác đã nhấn mạnh đến quan niệm trung tâm của Thiền Tông:


Bàn thờ của Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền

Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân
Tánh thật vô minh tức Phật tánh,
Thân không ảo hóa tức Pháp thân.
(Bản dịch của Trúc Thiên).
Qua bài kệ trên, Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác muốn mọi người hiểu rằng “bằng tri và ngộ, Thiền giúp con người trở lại bản tánh “thiên chân Phật.”
Cũng trong Chứng Đạo Ca, Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác có viết rằng:

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói, im, động, tịnh... thảy an nhiên.
Dù gặp đao binh lòng chẳng ngại,
Uống nhằm độc dược vẫn bình yên.
Còn với cố Hòa Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực (1923- 2000) cho rằng Tham Thiền của Pháp Môn Tổ Sư Thiền không phải là ngồi thiền, ngồi thiền cũng không phải là tham thiền. “Nhiều người lầm tưởng rằng ngồi thiền tức Tham Thiền, kỳ thực Tham Thiền không cần ngồi cũng được. Như Tổ dạy: Phải khi lao động mà tập tham được mới tốt, nếu chỉ thích ngồi yên một chỗ vắng lặng mà tập tham thì khó hy vọng kiến tánh.”
Có thể thấy rằng khi hiểu được mục đích của việc Tham Thiền, người thực hành Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền hiểu rằng không phải chỉ những bậc cao tăng xuất thế, chứng nhập thánh quả mới là những người tu tập thiền định. Các Phật tử dù chưa thể chứng đắc những quả vị cao xa, nhưng nếu thực hành đúng cách, tu tập kiên trì, cũng có thể mang lợi những lợi ích tức thời to lớn trong việc rèn luyện tâm ý.

Chia sẻ của người tu thiền

Nữ Phật tử Tấn Ngọc, chủ của Phở Quyên (là nơi phục vụ cơm chay miễn phí của chùa Duy Pháp vào ngày Chủ Nhật tuần thứ Hai trong tháng), kể rằng trước khi trở thành đệ tử của Thượng Tọa Thích Trung Duệ (trụ trì chùa Duy Pháp) và tu theo Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền (khoảng sáu, bảy năm nay), bà tu theo Pháp Môn Niệm Phật. Nhắc lại cơ duyên tu theo Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền, bà Tấn Ngọc kể, “Sau nhiều lần nghe thầy Trung Duệ giảng Pháp, nhân một câu nói tôi cứ nhớ mãi, khi đó thầy Trung Duệ có nhắc là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Phật tu phương pháp gì mà thành Phật. Câu đó khiến tôi nhập tâm suy nghĩ hoài, về sau khi biết thầy Trung Duệ tu theo phương pháp Tham Tổ Sư Thiền, tôi xin tu theo Pháp Môn này.
“Tôi thấy phương pháp Tham Thiền thích hợp với tôi, vì tôi vừa làm, vẫn có thể vừa Tham Thiền được. Đối với tôi không khó khi chuyển từ Pháp Môn Niệm Phật qua Tham Tổ Sư Thiền. Nếu Pháp Môn Niệm Phật phải ngồi niệm Phật, lạy Phật.. mà nay già rồi, chân tôi bị đau, ngồi kiết già không được nữa. Còn với Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền, tôi ra ngoài vườn, tôi đang làm vườn, tôi vẫn có thể Tham Thiền được. Trong lúc tôi nấu Phở để bán, vẫn có thời gian Tham Thiền được. Pháp Môn này giúp niềm tin tự tâm của tôi mạnh thêm. Pháp Môn này thích hợp cho tôi, tiện cho tôi tu học.”

Bà Tấn Ngọc chia sẻ những lợi lạc có được từ Pháp Môn Tổ Sư Thiền, “Tôi chưa có kinh nghiệm nhiều, nhưng thấy Pháp môn Tham Tổ Sư Thiền này, từ miệng truyền miệng, tâm truyền tâm, không qua văn tự. Tôi thấy hay, vì niềm tin tự tâm nó vững. Theo Pháp Môn này, dần dần tính tình của tôi không còn nóng nảy nữa. Hồi trước tôi rất dễ giận chồng, giận con, nhưng giờ thì cục giận không còn nữa. Tâm mình lắng đọng, không buồn giận nữa, thấy lợi lạc trước mắt là vậy.

“Trong đầu luôn chú trọng câu Tham Thoại Đầu, không còn để ý chuyện bên ngoài. Ai nói gì thì nói. Không phải mình không nghe, không biết, mà mình có nghe, có biết. Mình nhìn nó đi qua, chứ không để trong tâm. Tâm chỉ chú trọng câu Thoại Đầu mà mình đã chọn. Nhận thấy những lợi lạc có được từ khi tu Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền, tôi có giới thiệu nhiều bạn bè tu Pháp Môn này, nhưng cũng tùy căn duyên của mỗi người có thể gắn bó với Pháp Môn này hay không.”

Nữ Phật tử Thiện Duyên cũng là một đạo hữu của chùa Duy Pháp, tu theo Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền kể, “Ba mẹ tôi theo đạo Phật, ở nhà vấn đề thờ cúng rất là kỹ lưỡng, niềm tin tôn giáo của tôi cũng được ăn sâu từ nhỏ. Lúc tôi còn nhỏ, má tôi đã đưa các anh chị và tôi đi Chùa quy y khi còn sống tại Sài Gòn. Nhưng thực sự hiểu biết về Phật Pháp khi còn nhỏ cũng không hiểu bao nhiêu. Trong thời gian má tôi bệnh trước khi mất, tôi có về Việt Nam để chăm sóc má.

“Đến khi má tôi mất, lo xong đám tang, về lại Mỹ, tôi cảm thấy mất phương hướng, vì không ngờ má tôi không còn nữa. Vì nhớ thương má, tôi cứ khóc suốt. Thế rồi duyên đẩy đưa, tôi gặp một chị bạn đưa cho tôi những cuốn băng giảng Pháp do nhiều vị Hòa Thượng, Thượng Tọa giảng. Nghe xong tôi mới tỉnh mộng. Thấy việc mình khóc lóc nhớ thương má là vô lý, vô duyên. Khi hiểu đạo rồi thì mình nhìn cách khác.
“Mình phải làm những việc tốt để hồi hướng công đức cho má đã mất. Chứ không thể cứ ngồi khóc suốt cả ngày. Khi đó tôi xin đi làm thiện nguyện, tại một hội thiện nguyện giúp cộng đồng người Việt ăn uống, giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa ung thư, nếu người ta có bệnh thì giúp người ta con đường chữa trị, an ủi người bệnh. Làm được một thời gian Hội mướn tôi làm nhân viên của Hội và có trả lương.”

Kể lại cơ duyên chọn Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền để tu, bà Thiện Duyên tâm sự, “Hồi đầu, khi tôi làm nhiều việc thiện mong hồi hướng công đức cho má, chứ chưa có bỏ nhiều thời giờ để tu tập, lúc đó tôi cũng chỉ ăn chay ngày rằm mồng một, đi lễ chùa cúng kiếng. Nhưng do công việc bận rộn, nhiều khi phải đi làm cuối tuần, đôi khi phải đi họp ở New York, San Francisco, nơi này nơi kia. Mà tuổi cũng ngoài 50, nên sức khỏe cũng muốn nghỉ ngơi, việc tu học cũng chưa thật sự tinh tấn cho lắm.

“Có lần tôi đi chùa, nghe một quý thầy giảng, thầy có nói, Các vị đã hiểu về đạo Phật rồi, quý vị cũng hãy chọn Pháp Môn để tu đi, chứ cứ đi nghe giảng hoài cũng sẽ có lúc tôi sẽ ngưng giảng. Khi đó tôi mới giật mình thấy rằng, nếu mình chỉ đi chùa, rồi nghe giảng Pháp, thì cũng chỉ là đi chùa thôi, chứ không phải là tu học. Mà kinh sách bên Phật giáo thì đồ sộ quá, mình cũng không biết từ đâu nữa.

“Mấy chị bạn từng cho tôi băng giảng pháp, có cho tôi mấy sách giảng của thầy Thích Thanh Từ, sách nhập môn Phật giáo. Tôi có đọc. Vì vậy khi nghe quý thầy nói nên chọn Pháp Môn tu, tôi biết là má tôi chọn Pháp Môn Tịnh Độ để tu, nên tôi cũng chọn Pháp Môn này để tu học. Khoảng vài ba năm trước, có một lần một người bạn giới thiệu tôi đến chùa Duy Pháp, Thượng Tọa Thích Trung Duệ nói về Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền, tôi nghe qua về Pháp Môn, tôi mừng lắm. Tôi có thưa với Thầy là nếu tôi biết trước Pháp Môn này thì bao lâu nay, dù bận rộn đi làm, tôi vẫn có thể vẫn tu tập được rồi.”

Phật tử Thiện Duyên nói thêm, “Tôi thấy Pháp Môn này rất tốt cho những người còn phải đi làm như tôi, vì tôi không có nhiều thời giờ ngồi thiền, chân tôi bị đau, lưng cũng đau nên không ngồi kiết già được. Mà khi bị đau như vậy, nó hay cản trở mình, khiến mình thối lui. Nhưng khi tôi Tham câu Thoại Đầu thì tôi không thấy bị thối lui, thấy mình bình an. Khi mình có nhiều thời giờ thì mình thực hành, còn không thì vẫn có thể làm công chuyện của mình.

“Tôi có thể Tham Thoại Đầu bất cứ lúc nào, dễ chuyên chú vào câu Thoại Đầu để Tham Thiền hơn, còn niệm Phật nhiều khi tôi vừa niệm, mà trong đầu tôi lại nghĩ chuyện khác, chiều nay về phải làm cái này cái kia. Giống như đầu mình đi hai đường. Thấy nếu mình cứ tiếp tục thì không có hiệu quả gì hết. Câu Thoại Đầu lại giúp tôi tập trung, chú ý vào để Tham Thiền.”

Theo Phật tử Thiện Duyên, “Khi Tham Thoại Đầu, mình rất thiện, đầu mình không còn nghĩ đến chuyện thị phi nữa. Khi mình thực hành Tham Thoại Đầu tâm rất an bình, thân an bình, tâm xao động từ từ bớt đi. Lúc lái xe thì không nên Tham Thoại Đầu. Còn những lúc khác, mình làm công việc nhà như nấu cơm, lau nhà... cũng có thể Tham Thoại Đầu được hết. Khi mình hiểu đạo rồi, mình không làm chuyện tầm bậy, hồi xưa có thể mình hay phê phán, nay mình không phê phán nữa, hoặc không dám cười ai.

“Khi mình nghĩ điều ác, điều ác sẽ thành, khi mình nghĩ đến điều thiện thì điều thiện sẽ thành. Vì vậy nếu mình không quân tập tâm của mình, mình sẽ đi sai đường. Thầy Trung Duệ có giới thiệu cho tôi những băng giảng và các sách của Hòa Thượng Duy Lực giảng về Pháp Môn. Tôi học được nhiều lắm. Tôi thích đọc sách hơn là nghe băng, vì đọc sách thì tôi còn ghi chú được, nhờ vậy giúp tôi hiểu hơn.”

Tham Thoại Đầu có ảnh hưởng đến đầu óc hay không?

Trong phần Vấn đáp thiền và Phật pháp - Hòa Thượng Thích Duy Lực đăng trên trang nhà Thienphatgiao, có trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người rất thắc mắc, đó là những người con tại gia, phải dùng bộ óc để làm việc, tham thoại đầu đến lúc nào đó thì bộ óc không sử dụng được. Vậy phải làm sao để công việc không bị trở ngại?

Hòa Thượng Duy Lực trả lời, “Tham thoại đầu là muốn cho bộ óc không biết để cái biết Phật tánh hiện lên, cái biết của bộ óc rất hạn chế, không đúng với thật tế. Nếu hiện được cái biết của Phật tánh thì làm việc khỏi cần qua bộ óc.

“Cô Trì Hằng Thiền là thợ may lúc khởi nghi tình thì bộ óc không biết mà cắt áo rất khéo, không cắt lộn, cho đến khi người em hỏi mấy phân mấy tấc, cô không biết; vô lý! Không biết làm sao cắt? Nhưng sự thật không biết, cô vẫn cắt xong cái áo. Bây giờ phát minh những kiểu mới, những người khác phải nghiên cứu, rồi mới cắt được; còn cô khỏi cần nghiên cứu, đem lại cắt liền, khỏi cần qua bộ óc.

“Cái biết Phật tánh làm gì cũng được. Trương Quốc Anh là túc cầu viên làm thủ môn, khi tham thiền thì bộ óc không biết, không thấy trái banh, nhưng trái banh nào đến đều chụp được; cho nên trận đấu nào có Trương Quốc Anh là thắng. Cắt áo và chụp banh không có nguy hiểm, nếu bộ óc không biết mà lái xe rất nguy hiểm nhưng không bao giờ đụng xe. Bác sĩ Thuận tham thiền khởi lên nghi tình không thấy xe cộ, lái xe từ Rạch Giá đến Sài gòn nhưng không bị đụng xe. Có hai tài xế xe khách Sài Gòn đi Chợ Lớn khởi lên nghi tình cũng không bị đụng xe.

“Hiện được cái biết của Phật tánh một chút là hơn cái biết của bộ óc rất nhiều. Ở Việt Nam không có viết nguyên tử nhập cảng, viết hết mực, lấy ruột viết bơm mực vô xài tiếp. Có một thanh niên 20 tuổi bơm mực nguyên tử, khi chưa tham thiền thì một ngày bơm được bốn mươi mấy cây, lúc tham thiền bộ óc không biết bơm được tám mươi mấy cây. Lại bốn mươi mấy cây ra mực không đều, tám mươi mấy cây ra mực đều; không những số lượng tăng thêm, mà chất lượng cũng tốt hơn.

“Nếu dùng cái biết của Phật tánh thay thế cái biết của bộ óc thì làm việc nhanh hơn, tốt hơn. Bởi vì cái bản năng tự mình sẵn có, như con dơi, con chim ăn cá, con ong đều có bản năng của nó; chỉ theo cái nghiệp hiện ra bản năng một chút cũng xài, nếu hiện ra hết bằng như chư Phật, không sợ bộ óc không làm việc được; Phật tánh làm việc thay cho bộ óc, tốt hơn muôn triệu ngàn lần.”

Còn với câu hỏi, “Khi tham thiền, câu thoại vừa khởi lên thì hình ảnh cũng hiện lên, chẳng hạn như câu “khi chưa có trời đất” thì hình ảnh của trời đất hiện ra, như vậy có đúng không? Khi sự việc đó xẩy ra, ta điều chỉnh bằng cách nào?

Được Hòa Thượng Duy Lực giải đáp, “Tham thoại đầu là mục đích phát khởi nghi tình, tức làm cho bộ óc chỉ có cái không biết, dùng cái không biết của bộ óc cắt đứt cái biết bộ óc. Nếu hiện ra cảnh, bộ óc biết cảnh, đó là sai, bất cứ biết cái gì đều sai là vọng tưởng; chỉ cần cái không biết, ngài Nguyệt Khê nói là hầm sâu vô minh, không biết chỗ đen tối là cái gì. Vì minh là sáng, vô minh là đen tối; tức là mình phải nhìn thẳng chỗ đen tối mịt mù, không biết chỗ mịt mù đen tối là cái gì? Không biết là cái gì? Tức là nghi tình.”
Vì hiểu được những lợi lạc của Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền, nên từ khi biết được Pháp Môn, Phật tử Thiện Duyên cứ âm thầm khuyên người này người kia hãy thử tu Pháp Môn này, bà còn đem những sách Thầy Duy Lực viết về Pháp Môn gửi người này người kia đọc. “Vì tôi thấy Pháp Môn này rất hay, nhưng còn nhiều người chưa biết, nhất là những người trẻ hơn tôi, cỡ ngoài 40 tuổi. Nếu biết Pháp Môn này, họ vẫn có thể tu tập song song với việc bận bịu đi làm, mang lại lợi lạc nhiều lắm. Không chỉ lợi lạc về tinh thần, còn sức khỏe thể chất thì nếu có đi dự buổi Tham Thiền tại chùa Duy Pháp tổ chức, ngoài Tham Thoại Đầu, còn có phần đi hương. Đi hương trong yên lặng, giúp cơ thể vận động toàn thân, tập trung nhiếp tâm câu Thoại Đầu. Đây cũng là một cách để tập thể dục rồi.”

Do muốn có thêm thời gian tu tập trong khi trí óc vẫn còn minh mẫn, cơ thể vẫn chưa mệt mỏi do tuổi già sức yếu, nên Phật tử Thiện Duyên đã xin nghỉ hưu sớm khoảng vài tháng nay. Bà nói, “về hưu rồi, thì tôi dành thời gian vẫn còn minh mẫn để học đạo. Nếu đợi đến 65 tuổi mới về hưu, đâu biết lúc đó còn khỏe hay phải vào viện dưỡng lão. Tôi cảm ơn trời phật là tôi có đạo Phật để tu thân, tu tâm. Việc còn lại là tôi gắng giữ sức khỏe để tu tập và mong có nhiều cơ hội để tôi giúp những người kém may mắn hơn mình.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT