Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 8)

Sunday, 15/10/2017 - 08:51:05

“Đó là điều chúng tôi thấy rất khoa học và dễ dàng thực hiện. Mình ở đây với tư cách là người sẵn sàng hỗ trợ cho những đồng môn mình tay nắm tay cùng nhau tiến lên bước đường tâm linh.”

Bài BĂNG HUYỀN

Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền (phần 3)

Anh Lâm Trung Hiếu là trung tâm trưởng của thiền đường Rosemead, đã vào Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền hơn 10 năm nay, hiện đang là phụ tá Giảng Huấn cấp 4. Anh cho biết, đường lối tu học của Vi Diệu Pháp Hành Thiền được thầy cô chưởng môn Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Hải dựa trên nền tảng tư tưởng và pháp cứu độ của tổ Dasira Narada (1846 - 1924) để xây dựng nên pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, dành cho những người sống trong thời đại văn minh thế kỷ 21 này, có đường lối dẫn dắt rất rõ ràng, mà các môn sinh gọi là lộ trình để tu học theo các cấp.

Đến những cấp nào thì môn sinh sẽ được hướng dẫn những gì và phải trải qua thời gian bao lâu để tự trải nghiệm, lấy kinh nghiệm bản thân của mình. Thầy cô chưởng môn đã sắp xếp và đưa cho các môn sinh những phương pháp rõ ràng để áp dụng qua Thiền Định và Hành Pháp những tư tưởng của Đức Sư tổ vào cuộc sống của con người.

Trong Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền chủ trương tất cả môn sinh đều phải trải nghiệm bằng những sinh hoạt hằng ngày, đem những gì mình hiểu biết để ra ngoài đời, để thu thập kinh nghiệm đó tạo niềm tin vững chắc cho cá nhân mình, chứ không tin vào bất kỳ một ai. Sự hướng dẫn của thầy cô cũng như những người giảng huấn chỉ là một hình thức như một định hướng để mình nương vào đó mà làm, thực hiện đường lối tu học của riêng mình, mình tự gặt hái lấy và tự chứng nghiệm lấy. “Đó là điều chúng tôi thấy rất khoa học và dễ dàng thực hiện. Mình ở đây với tư cách là người sẵn sàng hỗ trợ cho những đồng môn mình tay nắm tay cùng nhau tiến lên bước đường tâm linh.”

Để trở thành giảng huấn

Theo anh Lâm Trung Hiếu, để trở thành một giảng huấn của Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, môn sinh cần trải qua thời gian tu học theo từng cấp từ căn bản đến cấp cao và phải trải qua thời gian hành pháp tại thiền đường địa phương nơi mình gắn bó, giúp truyền năng lượng miễn phí cho những người bệnh tìm đến thiền đường để chữa trị. Vì pháp môn này là đời đạo song tu. Môn sinh vừa thiền định vừa hành pháp và giúp người là điều không thể tách rời.

Anh Hiếu nói, “Môn sinh nào được lên cấp giảng huấn, sẽ học lớp giảng huấn do thầy cô chưởng môn trực tiếp giảng dạy. Sau khi hoàn tất khóa học, tân môn sinh cấp giảng huấn mới bắt đầu dạy cấp 1, 2 cho các môn sinh mới vào học pháp môn. Một thời gian, thầy cô chưởng môn thấy mình có khả năng hướng dẫn cấp 3, thì sẽ cho hướng dẫn các môn sinh cấp 3. Hiện nay tôi dạy các lớp cấp 3 và có thể phụ dạy cấp 4. Nếu dạy được cấp 4 thì đòi hỏi phải có thời gian đã hướng dẫn cấp 1, 2, 3. Tùy theo các giảng huấn của pháp môn, cá nhân tôi dạy bằng tiếng Việt cho các môn sinh nói tiếng Việt. Hiện tại tôi chỉ dạy cho các thiền đường trong vùng California thôi, chứ chưa đi dạy xa ở các thiền đường khắp các tiểu bang trên nước Mỹ và trên khắp thế giới như các giảng huấn khác.”

Giới thiệu về các thiền đường của Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, anh Lâm Trung Hiếu cho biết, “Hầu như khắp bốn châu, chỉ có Phi Châu là chưa có thiền đường của pháp môn. Các thiền đường được mở ra ở khắp nơi theo nhu cầu của người có ý nguyện tu học. Theo tôi thấy thì phát triển mạnh vùng Á châu, bao gồm Việt Nam, Hongkong, Campuchia, Đài Loan, thầy cô chưởng môn và các giảng huấn dạy, đa số nói tiếng Việt nên người Việt học vẫn đông nhất.


Thầy Cô chưởng môn và các giảng huấn thụ cấp Giảng Huấn 1, 2 và 4.  (Hình cung cấp)

“Ngoài ra người nói tiếng Hoa sống ở Malaysia cũng theo học pháp môn này rất đông. Tại Mỹ thì cộng đồng người Hoa, và người địa phương nói tiếng Anh cũng theo học pháp môn này khá nhiều (có thông dịch viên thông dịch song song trong suốt thời gian của khóa học). Tại Tây Ban Nha có thiền đường của Pháp Môn với người Tây Ban Nha theo học luôn. Pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền đã đào tạo được vài người phụ là người Tây Ban Nha trong ban giảng huấn. Nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng làm công việc giảng huấn tại Tây Ban Nha, thành ra vẫn có giảng huấn của thiền đường từ bên Mỹ qua dạy bằng tiếng Anh, có thông dịch qua tiếng Tây Ban Nha. Nhưng trong tương lai gần thì sẽ có giảng huấn là người bản địa Tây Ban Nha giảng bằng tiếng Tây Ban Nha cho những lớp cấp thấp bên đó. Còn những lớp cấp cao thì họ qua Mỹ học như những năm trước đây.”

Các lớp cấp cao Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền được mở ra hầu hết đều được tổ chức tại Mỹ do thầy cô chưởng môn trực tiếp dạy. Sau khi thầy cô chưởng môn chuyển từ tiểu bang Washington về sống tại Nam Californa những năm gần đầy, nên trụ sở chính thiền đường trung ương của Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền đã dời từ Seattle về thành phố Anaheim. Sắp tới đây, lớp Giảng Huấn Cấp 3 sẽ mở ra vào ngày 17 tháng 10, 2017. Lớp Cấp 4: Từ ngày 18 đến 20 tháng 10, 2017 tại Thiền Đường Trung Ương Anaheim.


Thầy Cô chưởng môn và giảng huấn Lâm Trung Hiếu (đứng giữa hàng trên).  (Hình cung cấp)

Ngày 22 tháng 10, 2017 sẽ tổ chức sinh nhật Tổ Dasira Narada và khánh thành Thiền Đường Trung Ương Anaheim.

Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 11, 2017 các môn sinh học lớp Cấp 5 sẽ học tại Thiền Đường Trung Ương và lớp cấp 6 thì họ từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 11, 2017.

Thiền Đường Trung Ương chỉ là nơi tổ chức các khóa học cấp cao và những dịp tổ chức hội họp của các môn sinh với thầy cô chưởng môn, chứ không có chữa bệnh như những thiền đường địa phương.

Trả lời câu hỏi của người viết có sự khác biệt nào giữa một môn sinh của pháp môn và một giảng huấn hay không, anh Lâm Trung Hiếu nói, “Dù là giảng huấn, nhưng bản thân tôi vẫn là một môn sinh của pháp môn, tôi cũng đến thiền đường đều đặn để đặt truyền năng lượng giúp người ta chữa bệnh. Ngoại trừ những khi mở lớp, thì thường là hai tuần hoặc ít nhất là một tuần người giảng huấn không chữa bệnh cho người khác, mà chỉ tập trung tinh thần thiền định, nghĩ về bài giảng sẽ dạy trong lớp học mình sẽ phụ trách, để thanh lọc thân tâm, đồng thời có sự chuẩn bị bài giảng chu đáo hơn.”

Anh Nick Đào, trung tâm trưởng thiền đường Orange County và cũng là một phụ tá giảng huấn của pháp môn thì chia sẻ, “Chúng tôi dù là môn sinh cấp nhỏ hay ở cấp giảng huấn thì chúng tôi vẫn phải tu phải học mỗi ngày. Vì thế gian là vạn pháp, mỗi người là mỗi hoàn cảnh, mỗi người tới thiền đường đưa những hoàn cảnh của họ ra để mình học. Nick đang đảm nhận hướng dẫn những lớp cấp 1, 2, từng dạy tại thiền đường Orange County và thiền đường ở San Jose. Tất cả các giảng huấn khi dạy, thì dựa trên dàn bài thầy cô chưởng môn đưa ra. Tất cả những điều chúng tôi nói là từ tâm mình ra, chính từ những trải nghiệm của mình ra, chứ không hoàn toàn lý thuyết, nên anh Hiếu có nói rõ là trước khi dạy khóa học, các giảng huấn phải bỏ ra 1- 2 tuần thiền định, để khi dạy ngày đó, thì cần nói gì. Không có lớp nào mình dạy đều nói giống nhau hết. Những điều căn bản thì giống, nhưng phải tùy theo đối tượng lớp học mà nói. Chúng tôi dạy về tâm linh, luôn giữ quan niệm là tất cả các tôn giáo đều là một mà thôi, giáo chủ của các tôn giáo đều là thiên sứ đưa xuống để cứu độ con người, nên chúng tôi không phân biệt giữa các ngài. Chúng tôi ngay trong những sinh hoạt hay những bài giảng tâm linh cũng mang tính chất hòa đồng tôn giáo.”

Đến với pháp môn, các môn sinh được hướng dẫn phương pháp thiền để chữa bệnh, nhưng cốt lõi trong các bài giảng về thiền của pháp môn là chuyện tu thân sửa tật để hoàn thiện con người, nhằm đưa trở lại với bản tánh chân như của mình, từ đó con người đạt được sự an bình hạnh phúc tuyệt hảo ngay ở đời này.

Vì đối với người tu luyện pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, khi đã được mở luân xa, môn sinh đã đi được một nửa quãng đường tu luyện, những gì còn lại là họ phải nâng cao tâm tính, phải đặt sự tu luyện tâm tính lên hàng đầu. Phải buông bỏ rất nhiều, phải nâng cao giác ngộ, phải kiên nhẫn chịu đựng kể cả những đau khổ và phải chấp nhận những gì mà không thể chấp nhận được.

Theo anh Nick Đào, pháp môn này có đạo lý dẫn dắt từng bậc một, nếu mình có suy tư về tâm linh, thì Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền sẽ trả lời được hết tất cả những câu hỏi về tâm linh cho những người muốn theo học về tâm linh. Trong các bài giảng của thầy cô chưởng môn luôn nhắc nhở các môn sinh phải biết tu, sửa từ xấu đến tốt, từ dữ đến lành, từ giả đến chân. Để các môn sinh dần dần thoát ra khỏi cái bản ngã thấp hèn, chấp mình, chấp ta, chấp người, chấp phong tục, chính trị, dân tộc.
Đó là những hàng rào nghiệp chướng ngăn cách chính bản thân ta, và giữa ta với đời. Môn sinh phải luôn lấy sự an lành của người làm sự an lành của mình. Lấy sự tiến hóa của người làm sự tiến hóa của mình. Hành thiện, giúp người cứu đời và đem pháp Tổ truyền vào tâm thức cho mọi người, nhằm giúp họ nhận ra được nguyên nhân tác tạo mọi sự đau khổ, phiền não, từ đó họ thức tỉnh tu hành diệt khổ và giải thoát. Như vậy đối tượng của các môn sinh là con người và nhiệm vụ của các môn sinh là giúp cho mọi người tu học tiến hóa.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT