Chuyện Nước Pháp

Người anh hùng yêu nước chống thực dân: danh nhân Trần Văn Thạch (kỳ 1)

Wednesday, 23/09/2015 - 07:44:41

Một về chính trị và một về ca nhạc truyền thống trong cùng một quốc gia Việt Nam ngày trước. Hai ông cách nhau 19 tuổi: ông Thạch sinh năm 1905; tên thật của ông Trần Văn Trạch là Trần Quang Trạch sinh năm 1924.

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM

Chúng ta phải chú ý đọc thật kỹ tên ông để không lầm với “quái kiệt” Trần Văn Trạch, vần r khác với vần h. Chính tôi khi đọc lên cũng nghĩ ngay đến vị tài tử ca nhạc lão làng cùng gia đình với (cố) giáo sư Trần Văn Khê (V.N.) và Trần Quang Hải (Paris). Trong quyển sách viết về cuộc đời ông đã ra mắt ở thủ đô Pháp trong lục cá nguyệt đầu năm và được bạn đọc đón nhận trân trọng, cô con gái tác giả của sách Trần Mỹ Châu – cùng với sự hợp tác của nhiều thân hữu như nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và phu quân là anh Nguyễn Quang Trọng trong phần dịch thuật tài liệu lịch sử tiếng Pháp – cũng đã nêu lên sự nhầm lẫn dễ dàng này. Thói quen nhân tạo do sự lập lại nhiều lần danh tính của người nổi tiếng làm chúng ta bị gạt để rồi nhận ra mọi sự rõ ràng sau đó: chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, đây là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Một về chính trị và một về ca nhạc truyền thống trong cùng một quốc gia Việt Nam ngày trước. Hai ông cách nhau 19 tuổi: ông Thạch sinh năm 1905; tên thật của ông Trần Văn Trạch là Trần Quang Trạch sinh năm 1924.



Bìa trước và sau của quyển sách.

Quyển sách khá dầy thuộc loại hồi ký và biên khảo lịch sử, khổ 15x22x2,5 (đơn vị cm) với 441 trang, mang tên chính trị gia yêu nước kèm theo lời giới thiệu thành tích anh hùng với hình chụp khi ông còn trẻ trông rất trí thức và bảnh bao; phía sau là một kiến trúc đền đài cầu kỳ kiểu thực dân. Năm sinh và tử được ghi chú dưới ảnh (1905-1945), sau cùng là tên của hai vị nữ giới đồng tác giả: Trần Mỹ Châu (cư ngụ tại Gia Nã Đại, Canada) và Phan Thị Trọng Tuyến (Pháp).

Tuổi hưởng dương của ông như vậy là 40, quả là còn rất trẻ khi đã qua đầu thế kỷ thứ 20 vì ông bị ám hại. Đối với những người thuộc thế hệ con cháu của ông và chưa biết lịch sử cá nhân, thì quyển sách quả thật lạ lùng và đặc biệt; nhất là cái tên của ông gây nên sự lầm lẫn về danh nhân và “quái kiệt”! Tôi đã tự hỏi khi cầm quyển sách trong tay vừa nhận được qua bưu điện do nhà văn PTTT gửi tặng: Ông này là ai mà tên nghe giông giống ca sĩ kiêm danh hài Trần Văn Trạch hay hát bài “xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy cửa nhà giàu sang mấy hồi… ” quá vậy? Trong chương trình sử thời trung học, tôi thật sự nhớ rõ là chưa bao giờ nghe tới tên ông ngoài các danh nhân khác quá quen thuộc với chúng ta vào thời Pháp đô hộ như Pétrus Ký (Ông Trương Vĩnh Ký), Trương Minh Giản…Có một con đường gần khu chợ Tân Định mang tên ông để tỏ lòng kính trọng danh nhân, nay đã bị đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu (vị tướng thế kỷ thứ 16). Tôi đã nhiều lần đi qua con đường đó mà không hề để ý đến, bởi con đường tương đối nhỏ và không có gì đặc biệt đối với riêng tôi.

Xin mời quý vị độc giả nào hoàn toàn chưa biết câu chuyện như tôi cùng khám phá một nhân tài lịch sử Việt Nam tuy được đào tạo bởi chế độ thực dân nhưng không theo họ vì biết rằng nguồn gốc của mình luôn còn đó. Sau Khi đọc xong quyển sách, tôi có cảm tưởng ông rất gần gũi với các nhà báo châm biếm của tờ Charlie đã bị giặc khủng bố tàn sát hồi đầu năm nay. Cái gu hay chọc ghẹo, phê bình, chỉ trích thâm thúy có lẽ do người Pháp truyền lại cho dân bị đô hộ; trong hai bài viết này chúng ta sẽ có dịp đọc những đoạn văn chọn lọc gây sự cay cú cho thực dân ngày xưa.

Mở đầu câu chuyện, tôi xin tóm tắt về các đảng phái chính trị thiên tả như sau: có 4 thời kỳ mang tên đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ quốc tế cộng sản vì quyển sách cho biết ông Trần Văn Thạch theo nhóm đệ tứ quốc tế.

Đệ nhất quốc tế CS là nhóm người tranh đấu cho quyền lợi công nhân, thợ thuyền (Hội liên hiệp lao động quốc tế) thành lập năm 1864 tại Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Hội này giải tán 12 năm sau, 1876 khi có lục đục mạnh trong nội bộ (chia rẽ giữa MácXít - chủ trương triết học, lịch sử và kinh tế, chính trị theo Karl Marx và Friedrich Engels - và cộng sản vô chính phủ).

Đệ nhị quốc tế là liên minh quốc tế thành lập tại Pháp năm 1889, chủ yếu ở Châu Âu và có thêm Mỹ quốc, bảo vệ quyền lợi của giới công nhân thợ thuyền và lấy ngày 1/5 làm ngày lễ Lao Động còn tồn tại đến giờ. Khi thành lập có 400 đại biểu của 22 quốc gia. Phong trào này tan rã năm 1914, khi thế chiến thứ nhất bắt đầu vì mâu thuẫn nội bộ trong việc tìm kiếm chiến lược hoạt động.

Đệ tam quốc tế thuộc về tổ chức của những người tại thủ đô Moscou nước Nga năm 1919 theo cộng sản chủ nghĩa chống phát-xít (do nhà độc tài Mussolini lãnh đạo, fascismo). Danh từ phát-xít có nguồn cội nghĩa đen là một bó, một nhóm. Theo truyền thuyết xưa vào thế kỷ thứ 16 do chuyện lính hầu theo bảo vệ quan chức mang theo một bó gậy dấu lưỡi kiếm trong đó để phạt tử hình những tên côn đồ muốn ám hại họ. Một nhóm người, một bó đũa thì khó bị bẻ gẫy hơn là một đơn vị lẻ loi. Chủ nghĩa phát xít để chỉ chế độ độc tài, quân phiệt không cho ai khác cầm quyền ngoài phe đảng của mình. Đệ tam quốc tế giải tán và thành lập lại hai lần để biến mất năm 1956.

Đệ tứ quốc tế chịu ảnh hưởng của ông Trostky ra mặt năm 1938 tại Paris sau khi Lê-Nin từ trần năm 1924 để chống lại chuyên chính vô sản trong một quốc gia mà Staline (cầm đầu đảng CS Nga) đã tiếp tục công việc của Lê-Nin (ngưòi lên cầm quyền sau cách mạng tháng 10 lật đỗ chế độ vương tước Nga, do các Tsar- vua chúa, bá tước… - ngự trị). Trostky là một nhà cách mạng, một chính trị gia Nga từng sống 2 năm tại Pháp trong thời lưu vong do Staline đẩy ông ra ngoài đấu trường chính trị. Sau đó ông tiếp tục viết sách chống đối khi lưu lạc qua Norvège, rồi ở Mexique thì ông bị ám sát bởi tay sai của Staline. Tên sát nhân thứ nhất gốc người Mỹ thất bại khi giết hụt ông lần đầu bị bắt theo đám chủ mưu rồi bị thanh toán luôn sau khi tên thứ nhì cũng nằm trong nội bộ nhân viên theo bảo vệ Trostky thành công trong việc bắn trúng ông. Trostky là người sáng suốt vô cùng khi ông nhìn rõ dã tâm của Staline sau này sẽ thủ tiêu hàng triệu dân Nga vô tội duy nhất cho quyền lợi cá nhân. Ông có viết trong di chúc mấy hàng như sau “Cuộc sống thật đẹp. Các thế hệ tương lai phải tẩy rửa sạch sẽ tất cả những dấu vết đau thương, những áp bức, những bạo lực và hưởng lấy hạnh phúc toàn vẹn”.

Điều này do chính người cháu trai của ông kể lại nhân dịp kỷ niệm 75 năm sau khi Trostky bị ám sát (1940-2015) tại Mễ Tây Cơ khi nước Norvège từ chối gia hạn thông hành tỵ nạn chính trị nên ông phải tới đây sinh sống tạm thời. Nhờ vậy, chúng ta có ý niệm về sự lựa chọn của nhiều người Việt Nam yêu nước chống lại thể chế chính trị thực dân khi họ ngã theo đệ tứ quốc tế: đây là cá tính đặc biệt của những người hiếu hoà nhưng dứt khoát chọn sự tranh đấu không bạo lực khi quốc gia bị nước khác xâm chiếm áp đặt guồng máy cai trị ngoại bang. Tuy hệ thống Cộng Hoà (la République) đã xuất hiện lần đầu tiên tại Pháp năm 1795 (vẫn còn Napoléon tự xưng là chúa tể cộng hoà, empéreur de la République) nhưng còn phôi thai nên ảnh hưởng Cộng Sản quốc tế rất lớn lúc đó tại Việt Nam theo bối cảnh dân làm cách mạng.

Đặc biệt, đảng CS tại Pháp (thành lập năm 1920 theo Đệ tam quốc tế Nga, viết tắt là PCF; parti communiste français) hiện nay rất yếu kém chỉ còn khoảng hơn 100.000 đảng viên trong đó có 70 ngàn người đóng niên liễm đều đặn.

(còn tiếp 1 kỳ)

Nguyễn Thị Ngọc Diễm


 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT