Thế Giới

Nga ban lệnh động viên quân dịch, dân bỏ trốn, gần 1,400 người biểu tình bị bắt

Friday, 23/09/2022 - 05:40:42

Người dân sẽ phản ứng như thế nào với việc tổng động viên bắt buộc. Gần một nửa người được hỏi cho biết họ không đồng ý.

Người dân Nga biểu tình chống chiến tranh Ukraine tại khu phố Arbat Street, Mạc Tư Khoa đêm thứ Tư, 21 tháng 9, 2022. Trong hình, một phụ nữ cầm tấm giấy với chữ “Không Chôn Cất” với ý chống lệnh động viên quân dịch. Qua thứ Năm, người biểu tình xuất hiện tại 38 thành phố Nga, và lực lượng cảnh sát đã bắt gần 1,400 người. (Getty Images) 

  

MOSCOW - Hàng ngàn người đã biểu tình trên khắp nước Nga, lan tràn tại ít nhất 38 thành phố lớn. Họ đã xuống đường để bày tỏ sự phản đối chính sách tổng động viên một phần mà Tổng Thống Vladimir Putin đã công bố vào sáng thứ Năm, ngày 22/9.

 

Lệnh động viên này sẽ ép buộc 300,000 người phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Theo tin của các hãng thông tấn quốc tế, gần 1,400 người tại 38 thành phố đã bị cảnh sát bắt giữ.

 

Trong khi đó, các hãng máy bay tại Nga cho biết số người đặt mua vé rời nước Nga đã tăng mạnh. Công ty Google cũng ghi nhận số người tại Nga lên mạng tìm hiểu cách thức rời nước Nga đã gia tăng trong mấy ngày qua. Dân chúng sống trong vùng biên giới cũng tìm đường ra nước láng giềng, nhằm tránh bị động viên và có nguy cơ chết tại chiến trường Ukraine. Hình ảnh cho thấy các trạm biên giới giữa Nga và Phần Lan đã đông xe hơn bình thường, với người Nga lái xe qua Phần Lan và bị kẹt xe ở trạm biên giới.

 

Người dân cũng lo sợ sau khi hay tin Tổng Thống Putin dọa mở một cuộc chiến nguyên tử toàn diện với Tây Phương.

 

Tại Moscow, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trên phố Arbat Street, một phố đi bộ nổi tiếng ở trung tâm thủ đô. Họ la hét “Hãy đưa Putin ra tiền tuyến!” và “Hãy để con cái chúng ta được sống!” Đoạn phim cho thấy cảnh sát chống bạo động kéo mọi người ra khỏi khu phố.

 

Tại thành phố Tomsk, một phụ nữ cầm tấm bảng có nội dung “Ôm tôi nếu bạn cũng sợ hãi.” Phụ nữ này đã mỉm cười bình tĩnh thản khi cô bị ba nhân viên cảnh sát bắt đi.

 

Ở Novosibirsk, một người đàn ông buộc tóc đuôi ngựa đã bị bắt đi sau khi anh nói với các cảnh sát viên, “Tôi không muốn chết vì Putin và vì các anh.”

 

Theo tin của OVD-Info, một cơ quan nhân quyền chuyên theo dõi hoạt động của cảnh sát đối với người dân, các cuộc biểu tình đang bị xem là phạm pháp tại Nga. Tính đến trước tuần này, gần 16,500 người đã bị giam giữ vì các hoạt động chống chiến tranh, theo OVD-Info – bao gồm cả hành động đơn giản của một cá nhân đứng ở nơi công cộng cầm một tờ giấy trắng tinh không có chữ.

 


Xe xếp hàng chờ được kiểm tra giấy tờ và hành lý tại trạm biên giới Nuijamaa ở Lappeenranta, Phần Lan thứ Năm ngày 22 tháng 9, 2022. Cơ quan biên thùy Phần Lan cho biết trong mấy ngày qua số lượng xe từ Nga vào Phần Lan đã tăng mạnh từ khi ông Putin có ý định ban lệnh tổng động viên để có thêm lính cho cuộc chiến Ukraine. (Lauri Heino/ Lehtikuva/ AFP via Getty Images) 

 

Kể từ tháng Ba, chính quyền cấm dân không được phát biểu chống đối Nga trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine. Những ai lên tiếng chống chiến tranh đều có thể bị kết tội “phổ biến thông tin sai lệch” về chiến tranh và “làm mất uy tín của Quân Đội Nga.” Đây là tội hình sự, có án tù nhiều năm.

 

Người Nga đã tham gia biểu tình bất chấp cảnh cáo từ văn phòng công tố viên đưa ra hôm thứ Năm rằng các cuộc biểu tình không được cho phép có thể dẫn đến hình phạt lên tới 15 năm tù vì phát tán thông tin sai lệch về quân đội, hành vi này đã trở thành một tội hình sự kể từ tháng Hai năm nay.

 

Từ trong tù, chính trị gia đối lập Aleksei A. Navalny và nhóm phản chiến Vesna, nghĩa là Mùa Xuân, cả hai đều kêu gọi biểu tình vào tối 22/9.

 

Ngoài việc bưng bít sự thật từ tiền tuyến, chính quyền của Putin đã dựa vào chiến lược duy trì cuộc sống bình thường nhất cho người dân để được dân Nga ủng hộ một cách thụ động cho cuộc chiến tại Ukraine. Đã có hàng ngàn người biểu tình vào ngày 24 tháng Hai, ngày Nga xâm lăng Ukraine, nhưng các cơ quan thực thi pháp luật Nga đã ngăn chặn nhiều ý kiến ​​phản đối của công chúng.

 

Giờ đây, viễn tượng lực lượng quân dự bị cũng sẽ phải nhập ngũ, khiến cuộc chiến được mang đến tận cửa nhà của những người dân bình thường hơn bao giờ hết.

 

Dự thảo động viên do ông Putin công bố có thể gây xôn xao dư luận Nga vì hầu hết đàn ông Nga trong độ tuổi nhập ngũ được coi là quân dự bị hợp pháp; Một năm nghĩa vụ quân sự là yêu cầu bắt buộc đối với nam giới Nga từ 18 đến 27. Mặc dù Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei K. Shoigu đã nói rằng chỉ những người có kinh nghiệm quân sự trước đó mới đủ điều kiện nhập ngũ, nhưng một số người Nga bình thường lo sợ rằng trong tương lai điều kiện nhập ngũ có thể được mở rộng hơn, có khả năng tạo ra tiếng xấu cho ông Putin.

 

Ông Ivan Kurilla, giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại Học Âu Châu ở St. Petersburg, viết trên Facebook, “Tổng động viên không chỉ gia tăng quy mô chiến tranh và căng thẳng trong quan hệ quốc tế, nó còn nâng cao sự bất ổn trong chính trị trong nước.”

 

Một bản kiến ​​nghị chống lại việc “tổng động viên toàn bộ và một phần” đã thu thập được hơn 300,000 chữ ký vào tối thứ Năm.

 

Cô Anastasia, 36 tuổi, một trong những người thảo ra bản kiến ​​nghị, sống ở St. Petersburg, quê nhà của ông Putin, đề nghị được giấu họ vì lý do an toàn, cho rằng. “Ngay cả vào ngày hôm qua, chúng tôi đã nghĩ rằng điều đó là không thể xảy ra.”

 

Anastasia nhắc đến dự đoán về bài phát biểu của ông Putin, dự kiến ​​ban đầu sẽ phát vào tối thứ Ba. “Dường như hôm nay mọi người vẫn còn bị sửng sốt vì điều đó đã xảy ra. Và cuối cùng họ nhận ra lệnh tổng động viên này cũng liên quan đến mình.”

 

Vào chiều thứ Năm, ông Navalny đã công bố kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến mà tổ chức của ông đã thực hiện. Những người phỏng vấn hỏi những người dân xem họ sẽ phản ứng như thế nào với việc tổng động viên bắt buộc. Gần một nửa người được hỏi cho biết họ không đồng ý.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT