Thế Giới

Người đầu tiên gọi điện cầu cứu từ phà Sewol là 1 học sinh

Tuesday, 22/04/2014 - 11:26:03

Các nhà điều tra Nam Hàn đang muốn biết vì sao trong điều kiện thời tiết tốt và biển lặng mà chiếc phà Sewol lại bị chìm, khiến có thể trên 300 người đã thiệt mạng. Trong số 476 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, có đến 339 là học trò và giáo viên, và chỉ có 174 người được cứu sống.



Trực thăng, cần cẩu, và tàu cứu nạn, quanh chiếc phà bị lật.
 
SEOUL, Nam Hàn – Các nhà điều tra Nam Hàn đang muốn biết vì sao trong điều kiện thời tiết tốt và biển lặng mà chiếc phà Sewol lại bị chìm, khiến có thể trên 300 người đã thiệt mạng. Trong số 476 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, có đến 339 là học trò và giáo viên, và chỉ có 174 người được cứu sống.

Lời kêu cứu đầu tiên từ chiếc phà là do một học sinh gọi về số 119 của Sở Cứu Hỏa địa phương. Chỉ 3 phút sau khi chiếc phà quay mũi đột ngột, cậu bé đã gọi điện thoại báo động. Một viên chức Sở Cứu Hỏa cho hay sau đó có khoảng 20 em nữa cũng hốt hoảng gọi về cầu cứu. Cậu bé đầu tiên gọi về có tên là Choi và cậu nằm trong số người bị mất tích. Các viên chức cho hay ‘giọng của cậu run rẩy vì sợ hãi như sau: “Hãy cứu lấy chúng tôi, chúng tôi đang ở trên một chiếc tàu và tôi nghĩ nó đang chìm.”

Ngoài ra, các nguồn tin cho biết, chiếc phà Sewol đã từng được sửa chữa để thêm 1 tầng, nhằm tăng sức chứa hành khách. Trong khi đó, nhà chức trách đã mở rộng cuộc điều tra sang gia đình chủ phà và cấm 44 người có liên quan không được rời Nam Hàn.

Các công tố viên đã cấm gia đình sở hữu công ty hàng hải Chonghaejin rời khỏi Nam Hàn. Chonghaejin là hãng điều hành chiếc phà xấu số Sewol. Có 44 viên chức cấp cao và cổ đông của công ty Chonghaejin đã bị cấm rời khỏi Nam Hàn, trong số này có Giám đốc điều hành Kim Han-shik, 72 tuổi, và cổ đông lớn nhất của hãng Chonghaejin, là một người đàn ông họ Yoo.

Các công tố viên nghi ngờ rằng, hãng Chonghaejin do ông Yoo và em trai gián tiếp sở hữu. Cha của họ từng là chủ công ty hàng hải Semo, công ty mẹ của Chonghaejin và bị phá sản vào năm 1977. Hãng Chonghaejin đã mua lại chiếc phà Sewol 20 năm tuổi của Nhật vào năm 2012 và tăng thêm 1 tầng trong đợt sửa chữa kéo dài 4 tháng, nâng tổng sức chứa hành khách từ 840 lên 956 người. Việc này cũng khiến chiếc phà nặng thêm 239 tấn so với thiết kế ban đầu, gây ra các nghi ngờ rằng điều đó có thể ảnh hưởng tới việc giữ thăng bằng chiếc phà.

Hàng hóa và hành khách quá tải rất có thể là nguyên nhân khiến phà bị lật, ông Kim Hee-soo, một cựu công tố viên từng điều tra một thảm họa chìm phà lớn khác vào năm 1993, nhận định. “Có những điểm tương tự giữa 2 vụ tai nạn, trong đó có thông tin cả 2 chiếc phà đều bị quá tải. Chiếc phà Seohae vào năm 1993 dường như cũng bị mất thăng bằng sau khi chở quá tải 10 tấn hàng hóa”, ông Kim nói.

Nếu nhà điều hành bị cáo buộc quản lý phà thiếu trách nhiệm và thiếu các cuộc diễn tập an toàn, cuộc điều tra sẽ mở rộng sang các văn phòng chính phủ đã cấp giấy phép về an toàn và hoạt động cho chiếc phà.

Cơ quan công tố cũng phát lệnh bắt giữ kỹ sư trưởng và 3 thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc phà Sewol, vì bị nghi bỏ phà mà không di tản hành khách. Trước đó, thuyền trưởng Lee Joon-seok và 2 thành viên thủy thủ đoàn khác cũng đã bị bắt vì tội lơ là nhiệm vụ và vi phạm các quy định hàng hải. Thuyền trưởng Lee nhiều khả năng phải đối mặt với án tù chung thân, không chỉ vì tội lơ là nhiệm vụ mà còn vì tội cố gắng che giấu sự thật.

Cuộc điều tra mở rộng cũng gia tăng áp lực đối với một kỹ sư trưởng khác, người này đã âm mưu tự sát hôm Thứ Hai. Người kỹ sư này hiện đang trong tình trạng ổn định tại bệnh viện nhưng sẽ sớm bị thẩm vấn thêm. Thuyền trưởng Lee và các thủy thủ còn sống đã bị chỉ trích dữ dội vì bỏ phà mà không giúp đỡ hành khách. Phà Sewol chở thủy thủ đoàn gồm 29 người, trong đó có thuyền trưởng Lee. Hai mươi người trong số này đã sống sót.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT