Đạo và Đời

Người Giới Thiệu

Wednesday, 21/01/2015 - 10:40:05

Người giới thiệu chương trình có một vị trí rất quan trọng và được ban cho một tên gọi hẳn hòi. Đó là MC - Master of Ceremony.


Ngày nay, trong các chương trình văn nghệ, gây quỹ, tiệc cưới, ra mắt sách..., vai trò của người người giới thiệu chương trình thật là quan trọng. Đã có một thời Trung Tâm Asia Entertainment phải mở một cuộc thi để tuyển lựa người giới thiệu chương trình. Để có một người giới thiệu chương trình duyên dáng, ăn nói lưu loát, có sức hấp dẫn thu hút người xem thì phải tìm kiếm và chọn lựa kỹ lưỡng. Người giới thiệu chương trình có một vị trí rất quan trọng và được ban cho một tên gọi hẳn hòi. Đó là MC - Master of Ceremony.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Samuel thuộc phần Cựu Ước và bài Phúc Âm theo thánh Gioan có một tương quan hết sức mật thiết. Bài Sách Thánh trình bày câu chuyện cậu học trò Samuel được Chúa kêu gọi làm Tiên Tri, còn bài Phúc Âm thánh sử Gioan tường thuật lại ơn kêu gọi của hai môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, mà một trong hai người môn đệ đó là chính tác giả của bài Phúc Âm. Diễn tả về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt giữa Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan. Thật vậy, ở Nhất Lãm, Chúa Giêsu đích thân kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Trong khi đó, ở Tin Mừng Gioan, thì việc đó phát xuất từ phản ứng dây chuyền. Đầu tiên là Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho hai môn đệ của ông là Anrê và Gioan: “Thấy Đức Kitô đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa: Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Kitô” (Ga 1,36-37). Bấy giờ Gioan Tẩy Giả rất nổi tiếng. Những người Do Thái ở Giêrusalem cử các Thầy Tư Tế và Lêvi đến hỏi xem liệu ông có phải là Đức Kitô, là Êlia hoặc ngôn sứ không (Ga 1,19-23). Gioan Tẩy Giả trả lời trung thực: “Không! Tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1, 20). Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa (1,23). Đức Kitô là Đấng đến sau ông, cao trọng hơn ông vì có trước ông (1,30). Đấng ấy được Thánh Thần xức dầu (1,33), và sẽ rửa mọi người trong Thánh Thần và lửa (1,33;Mt3,11). Đấng ấy cao trọng đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài (1,27). Nhiệm vụ của ông là làm cho mọi người và cả các môn đệ của ông hiểu được điều đó. Gioan Tẩy Giả mong ước khi có dịp sẽ giới thiệu cho các môn đệ về vị Thầy đích thực mà họ cần phải theo. Sau đó ông Anrê đến gặp em mình là Simon nói về việc ông và một số người khác đã gặp Đấng Mêsia đồng thời dẫn Simon đến gặp Chúa. Tại đây Chúa đã “đổi tên mới: của Simon thành Phêrô - nghĩa là đá tảng. Nếu tiếp tục theo dõi câu chuyện, chúng ta sẽ thấy phản ứng này tiếp tục được lan truyền từ Philipphê đến Nathanaen...và tiếp tục mãi. Như thế, ngọn lửa loan truyền Tin Mừng phải được chuyển đi từ người này sang người khác.
Giới thiệu Chúa cho người khác là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu, những người đã được thánh hiến trong Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Tuy nhiên, để giới thiệu Chúa một cách trọn vẹn và đầy đủ, chúng ta cần phải “có”, nghĩa là phải gặp gỡ và phải sống với Chúa trước đã. Bởi “không ai cho cái mình không có”. Các môn đệ đi theo, đến xem và ở với Chúa để rồi hăng hái ra đi giới thiệu Chúa cho người khác. Còn chúng ta thì sao..?
Lm Joseph Nguyễn Thái

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT