Hoa Kỳ

Người hùng Las Vegas cứu được 30 người trước khi bị bắn vào cổ, được người khác cứu

Saturday, 07/10/2017 - 09:50:30

Gia đình Jonathan mở trang GoFundMe để giúp anh chi trả viện phí. Các bác sĩ cho biết anh phải "sống chung" với viên đạn nơi cổ cho tới ngày cuối của cuộc đời, vì viên đạn nằm ở chỗ quá nghiệt, do đó họ không thể gắp viên đạn ra.


Tom McGrath và Jonathan Smith (NBC 7, CNN)

Cho tới nay, gần một tuần từ lúc xảy ra vụ bắn chết nhiều người, anh Jonathan Smith vẫn không chịu nhận hai chữ "người hùng" mà người ta gán cho anh, vì  anh đã cứu được 30 người trong cuộc thảm sát ở Las Vegas trước khi anh bị bắn vào cổ.

Nhưng anh lại trào nước mắt khi nói về một cảnh sát viên chạy đến kịp thời để cứu anh, trước khi anh ngất đi vì mất nhiều máu.

Tại một buổi họp báo, khuôn mặt Jonathan ướt đẫm nước mắt khi cảnh sát Tom McGrath thuộc Sở Cảnh Sát San Diego gọi anh là một "chiến sĩ." Và sau đó hai người hùng nhận nhau là "huynh đệ" sau cuộc thảm sát kinh hoàng, giết chết 58 người và làm bị thương hơn 500 người khác.

Jonathan cho biết sau khi anh bị trúng đạn, nếu cảnh sát Tom không xuất hiện đúng lúc, dùng hai ngón tay đè chặt vào vết thương gần cổ thì có lẽ anh không thể sống sót. Trong khi đó, cảnh sát Tom nhớ lại - qua điện thoại - rằng anh cố gắng thuyết phục Jonathan hãy tranh đấu cho chính mình, sau khi Jonathan xỉu đi vì mất máu quá nhiều.

Dù Jonathan khăng khăng không nhận mình là "người hùng," chỉ là "một người bình thường, thấy tính mạng người khác gặp nguy hiểm không thể không cứu giúp," cảnh sát Tom vẫn cho rằng Jonathan quá khiêm tốn.

Trò chuyện với phóng viên CNN, cảnh sát Tom nói, "Là người từng được huấn luyện để làm công việc cứu nạn, tôi lại thấy Jonathan Smith làm việc quá xuất sắc trong đêm Chủ Nhật. Anh ấy đúng là một tấm gương dũng cảm. Anh ấy truyền nguồn cảm hứng cho tôi. Dù không muốn nhận những lời ca ngợi, nhưng hành động của anh ấy thực sự tuyệt vời, và tôi rất vui sướng vì có mặt tại đó và giúp anh ấy."
Nhắc lại khoảnh khắc sau khi bị bắn vào cổ, Jonathan nói, "Tôi nhớ anh ấy giúp tôi ẩn nấp phía sau một chiếc xe tải pick-up, với một cô gái trẻ khác cũng bị thương. Máu từ cổ chảy xuống ướt đẫm áo, tôi cứ nói với anh ấy tôi không muốn chết đâu, tôi không muốn chết đâu, và anh ấy thuyết phục tôi anh không chết đâu, nhìn tôi đi, anh sẽ không chết đâu.”

Jonathan nói tiếp, "Anh ấy khuyến khích tôi khi họ khiêng tôi ra ngoài, đặt tôi xuống nền xi-măng phía trước một xe tuần tra. Tôi nhớ khoảnh khắc anh ấy cho hai ngón tay vào trong vết thương để chặn dòng máu cứ phọt ra ngoài. Đó là điều tôi không bao giờ quên. Tôi nợ anh ấy mạng sống của tôi."

Cảnh sát Tom cũng nhớ lại giây phút đó. Anh nói, "Tôi nhớ khi đưa Jonathan vào trong chiếc xe tuần tra, tôi nói với anh ấy đây là lúc anh phải chiến đấu cho chính mình. Tôi biết lúc đó anh ấy yếu lắm vì máu chảy ra rất nhiều, nhưng tôi vẫn thúc giục anh ấy phải chiến đấu. Jonathan có tinh thần của một chiến binh, anh ấy chạy vào nơi có tiếng súng. Nhờ vậy mà anh ấy hồi tỉnh và tinh thần đó đã giúp anh còn sống."

Gia đình Jonathan mở trang GoFundMe để giúp anh chi trả viện phí. Các bác sĩ cho biết anh phải "sống chung" với viên đạn nơi cổ cho tới ngày cuối của cuộc đời, vì viên đạn nằm ở chỗ quá nghiệt, do đó họ không thể gắp viên đạn ra.

Chuyện của Jonathan Smith 30 tuổi, và của cảnh sát Tom McGrath nằm trong vô vàn câu chuyện về nghĩa cử anh hùng, giữa lúc thảm kịch Las Vegas đang diễn ra. Trong đó có chuyện một người bí ẩn nằm lên trên một phụ nữ, che đạn cho người này, giữa tiếng súng vang rền bốn chung quanh. Sau đó báo chí phát hiện người bí ẩn này là Matthew Cobos, một binh sĩ Lục Quân Hoa Kỳ, từ bên ngoài chạy vào chốn nguy hiểm để giúp đỡ người khác.  

Tấm hình Matthew nằm bên trên một phụ nữ, khum tay che mắt người này để cô không nhìn thấy cảnh tượng hinh hoàng chung quanh cô. Rất may mắn là sau đó, tận dụng tiếng súng ngừng lại, Matthew đưa phụ nữ này chạy ra phía sau một chiếc xe và thoát ra ngoài an toàn. Báo chí cho biết khi tiếng súng vang lên, Matthew không chạy-ra mà là chạy-vào, áp dụng kỹ thuật của quân đội để cầm máu vết thương bằng hai ngón tay, và giúp quấn ga-rô cho người bị thương nặng. Matthew sống trong trại của binh chủng Lục Quân ở Hawaii. Hiện nay anh đang về thăm cha mẹ ở California.   

Báo chí cũng nhắc tới nữ anh hùng Corianne Langdon, một tài xế taxi 58 tuổi. Bà Corianne không ngại nguy hiểm, liên tục lái taxi đưa các nạn nhân khắp người đẫm máu vào bệnh viện. Bà Corianne nhớ lại thoạt đầu, khi tiếng súng bắt đầu vang lên, mọi người vẫn bình thản vì tưởng đó là tiếng pháo. Nhưng khi nhìn thấy những thân hình gục xuống, máu loang ra nền xi-măng, mọi người kinh hoảng bỏ chạy dẫm đạp lên nhau, và hàng chục người bị thương tìm cách nhảy lên băng sau chiếc taxi của bà.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT