Phóng Sự

Người làm nghề tang lễ, lo hậu sự cuối đời (kỳ 1)

Friday, 15/11/2019 - 06:41:22

Trong chu trình biến thiên của sinh-lão-bệnh-tử, thì sự chết là giai đoạn cuối cùng của một đời người.



Nơi tổ chức thăm viếng, lễ tang người quá cố tại nhà quàn An Lạc tại Garden Grove. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Bài BĂNG HUYỀN

Trong chu trình biến thiên của sinh-lão-bệnh-tử, thì sự chết là giai đoạn cuối cùng của một đời người. Ai ai cũng phải trải qua. Nhưng thông thường tâm lý con người không thích nghĩ đến, bàn đến cái chết, đôi khi còn cho là điều cấm kỵ, không nên nói đến vào những dịp tốt lành như năm mới, sinh nhật, vì nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết trong những dịp tốt lành là không ý nhị, có thể gây tai hại và mang lại vận rủi.

Đối với nhiều người, sự chết là một điều xúi quẩy đầy kiêng kỵ cũng như bao hàm nỗi buồn và sự thương tiếc. Nhưng trong một bài báo phổ biến trên internet tiết lộ, thế giới có khoảng 100 người tử vong mỗi phút lại đang khiến 120,000 người lao động và 19,000 nhà tang lễ có công ăn việc làm. Khảo sát năm 2017 cho thấy khoảng 2.7 triệu ca tử vong đã giúp ngành tang lễ đạt giá trị $16 tỷ Mỹ kim. Cũng trong bài báo này cho biết, tại Mỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tang lễ không chỉ bán những sản phẩm truyền thống mà còn phải kiêm luôn các loại hình phục vụ đặc biệt như bắn tro cốt của người đã mất lên trời, tổ chức các đám tang theo phong cách lạ hay thậm chí chôn cất người đã mất theo kiểu trước nay chưa từng có.
Người Việt Nam quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận,” điều này rất được chú trọng trong ứng xử cũng như nghi thức tiến hành tang lễ cho người thân đã qua đời. Niềm thương tiếc và nỗi nhớ của mọi người, nhất là người thân đối với người đã khuất được thể hiện qua việc tổ chức tang lễ và thờ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc để đưa tiễn người qua đời về thế giới bên kia.

Dù đã ra sống tại xứ người, dẫu khác xa không gian địa lý, lịch sử, kinh tế - văn hoá – xã hội, nhưng nghi thức tang ma của người Việt vẫn được xem là mỹ tục và những nơi người Việt sống đông nhất bên ngoài nước Việt như tại Quận Cam, việc cố gắng duy trì những mỹ tục tang ma luôn được các nhà quàn phục vụ cho người Việt quan tâm và tạo mọi điều kiện để các thân nhân của người mất thực hiện một cách trang trọng nhất. Hơn nữa, song hành với hình thức mai táng này thì tục kiêng kỵ trong và sau tang lễ của người Việt cũng rất đa dạng, mục đích lớn nhất của những kiêng kỵ không gì khác hơn là nhằm tránh được những "điềm xấu, gở,” thậm chí cả tai họa có thể đến với gia đình, người thân, con cháu về sau.


Ông Khang Lê, chủ nhân của nhà quàn An Lạc tại Garden Grove. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Nhà Quàn An Lạc và những pháp lý của dịch vụ tang lễ

Ông Khang Lê, là chủ nhân của nhà quàn An Lạc (An Lac Funeral Service) tại thành phố Garden Grove (7441 Garden Grove Blvd Suite C. Garden Grove, CA 92841. Điện thoại (714) 489-5571) là nhà quàn có giấy phép hợp pháp được quyền thu xếp tang lễ cho những gia đình có thân nhân qua đời.
Nhà quàn An Lạc phục vụ lễ nghi cho mọi tôn giáo, kể cả lễ nghi cho cựu chiến binh. Nơi đây có đầy đủ mọi thứ cần thiết cho một đám tang: quan tài, mộ bia, khăn tang, sổ lưu niệm, hũ đựng tro cốt… Nhà quàn An Lạc nhận giúp đỡ những tang gia có hoàn cảnh tài chính khó khăn. Trên trang web của nhà quàn An Lạc: www.anlacfuneralservices.comcó trang cáo phó phân ưu để phục vụ miễn phí cho các tang gia.
Ông Khang Lê cho biết, “Xứ Mỹ là xứ của luật lệ. Muốn làm Counselor cho một đám tang thì phải qua khóa huấn luyện về Law Review & Arrangement, được tổ chức bởi Tiểu Bang. Muốn cung cấp trọn gói mọi dịch vụ cho một tang lễ thì phải nắm vững và nói rõ cho khách hàng biết "full package" là gồm những dịch vụ gì. Để mở một nhà quàn, chủ nhân cần phải thi lấy bằng Funeral Director của State Board. Để thi lấy bằng Funeral Director, cần phải có bằng cao đẳng (Associate Degree). Thi lấy bằng Funeral Director, chủ yếu về luật lệ tiểu bang, liên bang liên quan, những lý thuyết về ngành tang lễ, ướp xác, nghĩa trang, hỏa táng, bảo hiểm về nhân thọ… Thi tại State Board ở Sacramento. Khi muốn mở nhà quàn, nhà quàn luôn luôn phải có nhà xác để đảm nhận công việc giữ thi hài người mất trước khi xin được giấy phép để chôn cất hay hỏa táng hoặc chuyển quan tài người mất về Việt Nam hoặc các nước khác để lo hậu sự.”
Theo ông Khang Lê, nhiều người Việt sống tại Mỹ tìm đến nhà quàn An Lạc mua dịch vụ đưa thi hài người mất về an táng tại Việt Nam hoặc chỉ đưa tro về.

Đối với ý định đưa thi hài về Việt Nam, ông Khang cho biết cần phải qua các thủ tục như sau, “Người nhà bên Việt Nam phải lên tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn, làm thủ tục xin đưa thi hài về Việt Nam, gửi qua cho nhà quàn của chúng tôi, và ký giấy tờ ủy quyền cho nhà quàn lấy thi hài. Sau khi nhận thi hài, chúng tôi phải xin giấy tờ cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ thì mới mang về Việt Nam được.
“Thời gian làm các giấy tờ này lâu hay mau tùy theo trường hợp, nhanh nhất vào khoảng 3- 4 ngày, còn trung bình khoảng 7 ngày. Có những trường hợp 10 ngày, nếu qua đời vì tai nạn hoặc vì nguyên do không rõ thì có thể lâu hơn. Nhà quàn bên Mỹ phải có hợp đồng với nhà quàn bên Việt Nam để bên Việt Nam nhận quan tài ngay khi máy bay đáp xuống phi trường.
“Sau đó, tùy gia đình ở đâu, ở tỉnh thì gia đình hợp đồng thêm với nhà quàn để họ chở quan tài đến, hoặc nếu người nhà có xe thì họ tự chở về nhà, nói chung là tùy theo trường hợp. Thường thì quan tài mang về Sài Gòn chi phí rẻ hơn, vì có nhiều máy bay đến đây. Còn nơi khác thì đắt hơn, ví dụ như Đà Nẵng, giá gần gấp đôi.”

Ông Khang Lê chia sẻ, “Những người hành nghề tang lễ chuyên nghiệp, phải được đào tạo bài bản, có đủ mọi giấy phép hành nghề cần thiết, biết rõ mọi yêu cầu của luật pháp, tư vấn cho tang gia làm đúng luật, tránh gặp rắc rối sau này. Đã có một số người mang hài cốt người thân từ Việt Nam sang không đúng luật thì sẽ không thể chôn cất được, mà cũng không thể đem về Việt Nam lại.
“Chuyện hỏa táng người chết ở Mỹ là một vấn đề quan trọng, phải làm đúng luật, vì nó tương tự với hình thức phi tang. Người xin thủ tục hỏa táng phải có quan hệ trực hệ với người chết. Hũ đựng tro cốt phải đi kèm với giấy phép hỏa táng có địa chỉ nơi đặt, nếu muốn dời chỗ phải có phép, muốn đem rải tro cũng phải thông báo nơi chốn cho chính quyền.”
Ông Khang Lê cho biết nếu trước đây có khoảng 60 phần trăm người Mỹ chọn hình thức chôn cất khi từ giã cõi đời, hỏa táng chỉ dưới 30 phần trăm. Thì những năm gần đây người Mỹ chọn cách hỏa táng đã lên đến hơn 70 phần trăm. Trước đây người theo đạo Công Giáo không hỏa táng, nay thì bắt đầu người Công Giáo hỏa táng càng ngày càng nhiều. Nếu mua đất chôn cất, có thể mất khỏang hơn 20 ngàn. Nhưng hỏa táng thì chỉ khoảng vài ngàn thôi. Giảm chi phí rất nhiều.

Vậy sau khi hỏa táng xong, tro cốt để đâu?
Ông Khang Lê đề nghị, “Nếu quý vị muốn để trong chùa hay tại nhà hoặc rải biển… chỉ cần đề nghị nhà quàn, nhà quàn làm giấy tờ hợp lệ cho thân nhân người chết là hợp pháp. Còn nếu người thân của người mất đang ở nhà thuê, chỉ thuê phòng ở, nhưng muốn giữ tro cốt của người thân tại nơi mình ở. Rất đơn giản, quý vị hãy mua một chậu to để tro cốt vào trong chậu, rồi trồng bông hoa lên trong chậu đó, để ngay vườn nhà nơi mình thuê phòng. Đến khi phải dọn đi, chỉ bê chậu hoa đó đi. Muốn thắp nhang hay tưởng nhớ người thân, mình có thể thắp nhang hằng ngày. Còn nếu đem tro cốt chôn ở nghĩa trang, mất ít nhất là $5,000 đồng, chứ không rẻ đâu.”
Ông Khang Lê nói muốn làm nghề dịch vụ tang lễ, đầu tiên phải yêu nghề.
Ông cho biết, “Sau khi làm cho các nhà quàn của người Mỹ một thời gian, tôi mở ra nhà quàn An Lạc để mình làm chủ, tôi chú trọng về đạo đức, lương tâm nhiều khi hơn là chuyện lời lỗ. Người chết, mình phải kính trọng họ, chứ không thể nghĩ đây là xác chết, mình muốn làm gì thì làm. Điều này mang tính tâm linh một chút.
“Khi tôi làm nghề này từ năm 2000 đến nay, tôi thấy rằng, xác chết người ta nằm đó, linh hồn người chết phù hộ cho mình. Tôi đã được hưởng những điều huyền diệu, nên tôi mới hiểu được. Tôi không theo tôn giáo nào hết. Nhưng khi làm công việc này, tôi mới thấm được điều đó. Vì đã có nhiều sự huyền nhiệm xảy ra với tôi, nên tôi nghĩ khi mình làm nghề này với lương tâm nghề nghiệp thì linh hồn người chết phù hộ cho mình. Chỉ cần mình làm tận tình với hết khả năng, lương tâm của mình, thì người chết người ta biết.”

Duyên với nghề

Nhắc lại mối duyên đưa đẩy làm nghề lo tang lễ, ông Khang Lê cho biết khi đến Mỹ định cư năm 1992, ông đã ngoài 40 tuổi, cái tuổi dở dang nửa thầy nửa thợ, nên xin vào làm một hãng thực phẩm của người Nhật làm chủ. Ông làm ca đêm, làm công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Làm tại đây khoảng hơn 10 năm trước khi bị mất việc. Trong thời gian trước khi bị lay off, nhìn thấy các đồng nghiệp bị mất việc, ông cũng lo lắng tương lai của mình, nên vào thư viện để tìm hiểu những ngành nghề khác ở Mỹ.
Ông Khang Lê kể, “Tình cờ tôi tìm thấy tài liệu về ngành học về dịch vụ tang lễ. Tôi nghĩ, ai cũng phải chết. Nếu mình làm nghề này, thì đâu có bao giờ bị lay off. Sau đó tôi ghi danh học hàm thụ (lý thuyết) học trên online của một trường đại học tại Washington, tôi vẫn sống tại Quận Cam. Ngành học này khoảng 2 năm. Sau khi tôi học xong lý thuyết, đến phần thực tập thì trường mới giới thiệu cho mình đến trung tâm Orange County Coroner để thực hành. Nhưng tôi chỉ hoàn tất các chứng chỉ về lý thuyết của ngành học, còn phần thực hành ướp xác thì tôi bỏ ngang, không học tiếp được. Vì tôi không có đủ can đảm để làm công việc tiếp xúc với thi hài người chết mỗi ngày.

“Sau khi hoàn tất hết các chứng chỉ lý thuyết, khi tôi đến thực tập phần ướp xác, tới trung tâm Orange County Coroner, phải tiếp xúc với rất nhiều xác chết. Đây là trung tâm giữ lại những người bị chết bất thường để cảnh sát điều tra nguyên do tử vong. Nhìn thấy những xác chết vì điện giật, nhìn sợ lắm. Hơn nữa vào nhà xác tại đây, phải ngửi nhiều mùi hóa chất, rất khó chịu, tôi bị chảy nước mắt, nước mũi do dị ứng. Nên tôi biết nếu tôi có ráng học cho xong phần thực hành để lấy bằng tốt nghiệp, thì cũng không học được.
“Thêm nữa là phần học ướp xác có môn về phục hồi cho gương mặt người chết (dành cho những người bị chết vì tai nạn hay đạn bắn, không còn gương mặt). Tôi lại không khéo tay, không có khả năng phục hồi gương mặt. Phải dùng chất nhân tạo tựa như đất sét để đắp lên mặt người chết, tái tạo lại gương mặt người chết. Nên tôi thấy mình không đủ duyên với công việc ướp xác. Vì vậy vào năm 2000, sau khi mất việc tại hãng Nhật, tôi đã xin vào làm trong nhà quàn của người Mỹ, là nhân viên Counselor, tiếp khách hàng, giới thiệu các dịch vụ tang lễ của nhà quàn, làm hợp đồng cho khách… Tôi từng làm đầu tiên ở nhà quàn Melrose Abbey. Sau đó chuyển qua nhà quàn Dimond & Shannon Mortuary và một số nhà quàn khác của người Mỹ. Một thời gian sau tôi thi lấy bằng Funeral director của tiểu bang và mở nhà quàn An Lạc.”

Ngành học dịch vụ tang lễ

Ở Mỹ để tốt nghiệp ngành học lo tang lễ, học viên phải hoàn thành các môn học như Giải Phẫu Học, Sinh Lý Học, Bệnh Lý Học, Định Hướng Dịch Vụ Tang Lễ, Lý Thuyết Xác Ướp, Kỹ Thuật Ướp Xác, Nghệ Thuật Phục Hồi Thi Thể, Luật Dịch Vụ Tang lễ và Quản trị Kinh doanh.
Chương trình học kéo dài từ 2 đến 4 năm, tùy từng trường, trong đó, sinh viên sẽ thực tập khoảng một năm. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ phải vượt qua kỳ thi khảo sát để nhận bằng cử nhân Khoa Học Tang Lễ. Muốn có giấy phép hành nghề ướp xác, sau khi hoàn tất phần học lý thuyết và thực tập trong trường rồi, phải thực hành ướp xác tại nhà quàn khoảng 100 xác, mỗi lần ướp xác một thi hài xong, phải báo lên State Board, do người có bằng hành nghề ướp xác đang làm việc tại nhà quàn xác nhận. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể trở thành nhân viên tại các nhà tang lễ, bệnh viện, văn phòng giám định y khoa, giảng viên các trường y hoặc nhân viên điều tra những cái chết bất thường.

Theo ông Khang Lê cho biết, quy trình ướp xác đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mỗi trường hợp đòi hỏi cách xử lý khác nhau ví dụ như yêu cầu về khử trùng, bảo quản, phục chế. Nhưng quy tình ướp xác tại nhà quàn ở Mỹ bao gồm những bước căn bản như:
Thi hài người chết được đặt lên bàn phẳng sau khi đã được tắm rửa sạch sẽ.
Dung dịch ướp xác được bơm vào các mao mạch máu thông qua một ống tube nhỏ kết nối với máy ướp xác. Dung dịch này là hỗn hợp gồm nước và các chất có tác dụng bảo quản như formaldehyde (ở Việt Nam gọi là foóc môn) sẽ hút bớt nước và làm khô các tế bào. Sự có mặt của các chất này sẽ giúp xác chết khó bị phân hủy hơn do vi sinh vật và vi khuẩn khó có thể phát triển được trên vật chủ do bất lợi về mặt môi trường.
Lượng chất ướp xác được sử dụng sẽ khác nhau, tùy từng trường hợp.

Máu sau đó sẽ được hút bỏ khỏi hệ thống tuần hoàn.
Mạch máu được bó lại và khâu lại vết cắt.
Các phần còn trống bên trong cơ thể được xử lý bằng cách hút bỏ các chất lỏng và khí còn lại, đồng thời bơm thêm vào chất ướp xác đã sử dụng ở bước 2.
Lau rửa và mặc trang phục cho người chết.
Trang điểm để khôi phục vẻ ngoài cho người chết.
Trong suốt quá trình ướp xác, người thực hiện phải hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng khi điều chỉnh dung dịch ướp xác và cắt bỏ nội tạng. chỉ cần những lúc hơi mạnh tay sẽ khiến cho người chết bị mất nước nhanh và cơ thể bị căng phồng.
(Còn tiếp)
(B.H)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT