Thế Giới

Người Mỹ gốc Cuba tranh cãi về chính sách mới đối với cộng sản Havana

Friday, 19/12/2014 - 01:46:30

Florida là bãi chiến trường quan trọng của các cuộc tranh cử. Đây là nơi sinh sống của khoảng 80 phần trăm trong tổng số những người Mỹ gốc Cuba tại Hoa Kỳ.

Ông Peter Bell (bên trái) ủng hộ chính sách mới của Tổng Thống Obama đang cãi nhau với những người chống bang giao với Cuba tại khu phố Little Havana ở Miami. (Joe Raedle/Getty Images)

 

MIAMI - Hoa Kỳ sẽ tái lập bang giao với Cuba, lần đầu tiên trong hơn một nửa thế kỷ. Tin tức về vấn đề này đã gây chia rẽ trong cộng đồng người Cuba lưu vong gồm 1.5 triệu người ở Mỹ, và đồng thời đe dọa thay đổi tình trạng chính trị ở Florida, tiểu bang có đông người Mỹ gốc Cuba nhất nước Mỹ.
Florida là bãi chiến trường quan trọng của các cuộc tranh cử. Đây là nơi sinh sống của khoảng 80 phần trăm trong tổng số những người Mỹ gốc Cuba tại Hoa Kỳ.
Phản ứng ở Florida trước chính sách mới của Mỹ đối với Cuba đã phản ảnh sự thay đổi trong tư tưởng của các thế hệ trong cộng đồng lưu vong này. Ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại Hoa Kỳ của cộng đồng Cuba và sự ủng hộ vững chắc của họ dành cho Đảng Cộng Hòa đã giúp duy trì những biện pháp trừng phạt Cuba, được thi hành suốt mấy thập niên qua.
Thế nhưng giờ đây Tổng Thống Barack Obama đã nhất quyết thúc đẩy “một cuộc tranh luận lương thiện và nghiêm chỉnh” về việc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đã có lâu của Hoa Kỳ đối với Cuba. Trước quyết tâm của ông Obama, người Mỹ gốc Cuba đã có ý kiến khác nhau.
Đối với những người Cuba lưu vong hoan nghênh khúc ngoặt này, họ nhìn thấy đây là một cơ hội để dấn thân nhiều hơn cho quê hương mà họ đã để lại sau lưng.
Trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng Tư đến ngày 31 tháng 10 năm1980, có một đợt tị nạn hàng loạt bằng thuyền, được gọi là Mariel boatlift. Trong đó nhiều người Cuba đã lên thuyền chạy từ hải cảng Mariel sang Hoa Kỳ.
Một trong những người này là ông Hugo Cancio. Ông đến Miami vào năm 1980 trong cuộc vượt biển ấy. Ông đang điều hành một tạp chí có các văn phòng tại Miami ở Mỹ và Havana tại Cuba.
Ông nói với hãng thông tấn Reuters, “Thật là tuyệt vời. Đây là một khởi đầu mới, một giấc mơ trở thành sự thật cho 11.2 triệu người Cuba ở Cuba. Và tôi nghĩ rằng nó cũng sẽ tạo ra một sự thay đổi tâm thức ở đây trong cộng đồng này.”
Ông nói thêm, “Tôi thật sững sờ. Trong 25 năm qua tôi đã làm việc để đi tới biến cố này.”
Thế nhưng không phải ai cũng đều có nhiệt tình như vậy cả. Trong vùng Little Havana của Miami, nhiều người ngồi trong những chiếc xe chạy qua phố đã gào lên “Obama là kẻ phản bội” bằng tiếng Tây Ban Nha khi thấy các ký giả đến săn tin. Những người khác đứng trên một vỉa hè hét to “Obama communista” (Obama Cộng Sản).
“Chuyện này có gì đâu mà để vui mừng. Tôi không tin vào việc đối thoại với anh em Castro về bất cứ chuyện gì. Tự do hoặc là không có gì cả,” bà Maria-Angeles Martinez, 50 tuổi, nói như vậy hôm thứ Năm. Bà đã gia nhập vào một đám đông bày tỏ nỗi bất mãn ở Versailles, một nhà hàng đông khách của người Cuba.
Lãnh tụ Fidel Castro và em trai của ông Raul Castro, đương kim chủ tịch của Cuba, đã gây thù thâm căn cố đế với nhiều người khi họ cầm đầu phong trào cộng sản và chiếm chính quyền Havana hơn nửa thế kỷ trước. Những đối thủ của Castro nay là một lực lượng chính trị mạnh mẽ ở Florida. Đây là một trong những tiểu bang xảy ra tranh chấp mạnh mẽ nhất ở nước Mỹ trong các kỳ bầu cử tổng thống, mà điển hình là sự việc ông Al Gore đã thua khít khao đưa đến việc ông George W. Bush thắng cử và nắm chức tám năm.
Nhiều người lưu vong cao tuổi phản đối bất kỳ việc mở cửa nào cho Cuba, và họ là những cử tri có tầm ảnh hưởng đáng kể. Cựu thống đốc Jeb Bush của Florida đã nhanh chóng chỉ trích việc Tòa Bạch Ốc quyết định tái lập bang giao với Cuba là “sự xảo trá quá quắt.” Trước đó vào hôm thứ Ba, ông Bush cho biết ông đang tích cực thăm dò một nỗ lực ra tranh cử tổng thống trong năm 2016,
Nhưng thế hệ quyết liệt chống Castro nay đang già đi. Trong khi đó, có nhiều người lưu vong trẻ tuổi đã đến Mỹ từ năm 1980. Họ không có ký ức trực tiếp nào về cuộc sống dưới quyền Castro. Và số lượng người Mỹ gốc Cuba sinh ra tại Hoa Kỳ thì cũng đông hơn. Do đó có một thế hệ trẻ hơn gồm những người Mỹ gốc Cuba có đầu óc thực tiễn hơn, và chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các nhu cầu của những thân nhân của họ còn lại ở Cuba.
Lời loan báo của Tổng Thống Obama có thể gây phức tạp cho những nỗ lực của ông Jeb Bush, một đảng viên Cộng Hòa. Ông Bush đang cố gắng lôi kéo cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, để họ ủng hộ ông khi ông ra tranh cử tổng thống. Tình trạng chia rẽ trong cộng đồng này có thể trở nên nghiêm trọng thêm do việc Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Nhiều ứng cử viên Cộng hòa đã ra sức để giành chiến thắng trong cuộc trnh cử tổng thống, bằng cách lấy được phiếu của Cử Tri Đoàn Tiểu Bang Florida. Với 29 phiếu Florida huề với New York, để đứng vào hàng thứ 3 trong số các tiểu bang Hoa Kỳ về số phiếu đại cử tri. Ông Obama đã thắng hai lần ở Florida.
Cha của Jeb Bush là George H.W. Bush, và anh trai của ông Jeb là George W. Bush, đều từng là tổng thống Mỹ. Ông Jeb Bush được xem là ứng viên dẫn đầu của đảng Cộng Hòa trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc trong năm 2016
Lời tuyên bố của Obama về Cuba đã được chào đón bởi những người Mỹ gốc Cuba trẻ tuổi hơn. Những người này càng ngày càng thúc đẩy sự thay đổi, và dồn phiếu cho đảng Dân Chủ đông hơn. Điều này đã tương phản với những người lưu vong lớn tuổi. Họ từng tin rằng Tổng Thống John. F. Kennedy, một đảng viên Dân Chủ, đã phản bội họ trong cuộc tấn công bị thất bại vào Bay of Pigs (Vịnh Con Heo) hồi năm 1961, đưa đến việc cộng sản nắm quyền ở Cuba từ đó đến nay.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT