Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Người nghệ sĩ nặng lòng với việc bảo tồn nghệ thuật cải lương

Friday, 22/05/2015 - 11:48:08

Cải lương nhiều năm nay tại sân khấu ở hải ngoại rất hiu hắt. Nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những đốm lửa sáng lên. Lửa được giữ bằng cái tâm, quyết không bỏ nghề từ những nghệ sĩ luôn muốn duy trì cho sân khấu sáng đèn. Nghệ sĩ Tuấn Châu là một trong những nghệ sĩ đó.

Bài BĂNG HUYỀN

Chữ tình với nghệ thuật cải lương
Nghệ thuật cải lương luôn ẩn giấu tâm tình của người nghệ sĩ, trong nó chứa đựng cả nghĩa khí và tinh thần của người miền Nam: giản dị, phóng khoáng, đa sầu, đa cảm. Những lời ca tiếng hát không chỉ là lối thoát cho những nỗi niềm tâm sự, mà còn nuôi dưỡng lòng thiện trong con người. Kể chuyện đạo lý thì khô khan, nhưng hát cải lương để kể một câu chuyện có tình tiết, để giáo dục về nghĩa nhân, chữ hiếu, thủy chung... thì không cần đề cao đạo, mà cái đạo sẽ tự nhiên đi vào lòng người thật nhẹ nhàng, nhưng cũng ngấm sâu vô cùng.

Nghệ sĩ Tuyết Nga (người thứ hai từ trái qua phải) và nghệ sĩ Tuấn Châu (người thứ năm từ trái qua phải) chụp lưu niệm cùng nghệ sĩ Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Đình Trí trong chương trình Cổ nhạc Phương Nam. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)



Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam
Chính vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương và cái tình với nghệ thuật này, cái tình biết trân quý và gìn giữ nghệ thuật cha ông, đã tạo nên lòng can đảm cho nghệ sĩ Tuyết Nga và nghệ sĩ Tuấn Châu dấn thân vào một việc quá đỗi khó khăn: lập hội bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam, lập đoàn cải lương với mục đích giữ gìn và phát huy những nét hay, độc đáo của nghệ thuật cải lương cho đồng hương hải ngoại, sinh hoạt ngay tại quận Cam, miền Nam California. Năm 2010, nghệ sĩ Tuyết Nga là người sáng lập và hội trưởng của Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam và khoảng gần 1 năm thì hội tổ chức một chương trình cổ nhạc, trích đoạn cải lương để giới thiệu nghệ thuật cải lương đến khán giả quận Cam, gây quỹ giúp các nghệ sĩ già neo đơn tại Việt Nam. Còn nghệ sĩ Tuấn Châu không chỉ là nghệ sĩ cải lương và thường hát tân nhạc cùng với ca sĩ Mai Lệ Huyền, anh còn là người sáng lập ra đoàn Cải Lương Tân Dạ Lý từ năm 2009, và khoảng ba năm nay anh là người phụ trách chương trình cổ nhạc Phương Nam, từng phát live trên đài truyền hình VHN, sau đó chuyển sang phát trên đài KVLA, và hiện nay đang phát live vào mỗi tối thứ Hai trên đài truyền hình SBTN, và phát lại vào tối thứ Bảy trên đài SET. Với ước mong bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương càng ngày càng mạnh hơn nơi hải ngoại, nên từ tháng 2 năm 2015, cả hai nghệ sĩ Tuấn Châu và Tuyết Nga đã cùng nhau kết hợp lại thành một hội có tên gọi chính thức là Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam, do nghệ sĩ Tuấn Châu làm hội trưởng, nghệ sĩ Tuyết Nga là tổng thư ký. Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam sẽ trực thuộc hội Hand to Hand world culture (hội này là một tổ chức của Hand To Hand Relief Organization, là tổ chức vô vị lợi với những cơ sở từ thiện chuyên giúp người khó nghèo, khuyết tật, vô gia cư ở California, Hoa Kỳ, do những mạnh thường quân người Mỹ gốc Việt sinh sống ở quanh vùng Little SaiGon, và một số mạnh thường quân sắc dân khác, cùng tham gia vào hội Hội). Dù trực thuộc hội Hand to Hand world culture (với nhiều hội của một số quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia... với mục đích bảo tồn nghệ thuật cổ truyền), nhưng Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam sẽ hoạt động độc lập, những đóng góp nào của các mạnh thường quân dành cho hội, sẽ có giấy miễn thuế của tiểu bang, hội sẽ đưa vào quỹ của hội để giúp các nghệ sĩ nghèo khó, neo đơn tại Việt Nam, hoặc những nghệ sĩ bị tai nạn, bệnh tật cần giúp đỡ... Mục đích chính của Hội vẫn là tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét hay, độc đáo của nghệ thuật cải lương tại hải ngoại, bên cạnh đó hội sẽ tạo điều kiện để hướng dẫn thêm cho những tài năng mới tiếp tục gắn bó với cổ nhạc, trau dồi hiểu biết về cổ nhạc càng nhiều thêm. Ví dụ như Vĩnh Khang, Yến Linh... những người đã có căn bản về nhịp nhàng cổ nhạc sẵn rồi, tiếp tục giúp họ trau dồi ca diễn, tạo cho họ có cơ hội diễn những vai lớn đóng chung với các nghệ sĩ ngôi sao trong những vở tuồng hay để họ bộc lộ tài năng ca diễn.





Có thể nói rằng chính vì chữ tình, giữa thời buổi khó khăn, ai ai cũng “thắt lưng buộc bụng”, mà nghệ sĩ Tuyết Nga, nghệ sĩ Tuấn Châu cùng các nghệ sĩ cộng tác như nghệ sĩ lão thành Văn Chung, Ngọc Đáng (cả hai đảm nhận vai trò cố vấn của hội), nghệ sĩ Hương Huyền, Thanh Thanh Tâm... vẫn dám lao vào việc gìn giữ sân khấu cải lương được sáng đèn, phục vụ khán giả những suất hát, truyền bá vẻ đẹp của cải lương đến với nhiều người.

Nghệ sĩ Tuấn Châu và Tuyết Nga, Ngọc Đáng, Văn Chung… chụp lưu niệm trong một chương trình cổ nhạc Phương Nam. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)



Chân dung của nghệ sĩ Tuyết Nga và bước đường bảo tồn cổ nhạc cải lương
Nghệ sĩ Tuyết Nga kể: “Thân phụ của Tuyết Nga là ông Lê Tấn Quyền, từng là ông cò ở quận 5, khi Tuyết Nga còn nhỏ, có nghe kể rằng, ông từng đứng ra tổ chức làm bầu show những chương trình đại nhạc hội, và cải lương cho gánh hát của Khánh Hồng, Minh Tơ, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ... Vì vậy khi qua đây từ sau biến cố tháng 4 năm 1975, khi đó Tuyết Nga còn trẻ, hội nhập nhanh với đời sống bên này, nhưng có lẽ vì ba vốn rất mê cổ nhạc, đã truyền tình yêu đó vào trong máu của Tuyết Nga, nên Tuyết Nga cũng rất yêu thích cải lương.”
Kể lại cơ duyên gắn với cải lương và tổ nghiệp, nghệ sĩ Tuyết Nga cho biết, vào năm 2003, tình cờ nghe được một thông báo mở một lớp dạy ca cải lương cho các học viên yêu cổ nhạc, trên Đài Phát Thanh Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh, chị đã ghi danh theo học, “vì muốn học cho biết, bởi đây là nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam mình”.


Nghệ sĩ Tuấn Châu đứng cạnh nghệ sĩ Mai Lệ Huyền (từ trái qua phải, người đầu tiên) chụp lưu niệm tại nơi sinh hoạt của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)

Nghệ sĩ Tuyết Nga tâm sự: “Ngày học đầu tiên, soạn giả Dạ Lý là người hướng dẫn lớp học, đã đề nghị các học viên thắp nhang lạy bàn thờ tổ. Khi Tuyết Nga thắp nhang cho Tổ, do xác định không muốn bản thân sẽ theo nghề hát, định học cho biết thôi, nên có khấn Tổ rằng chỉ muốn trở thành người phát huy văn hóa cổ nhạc mà thôi, chứ không xin trở thành nghệ sĩ.”
Và rồi Tổ linh thiêng, đã nhận lời nguyện của chị, cho đến tận nay, chị khó mà dứt được sứ mạng mà chị đã thành tâm khấn nguyện của bước đầu chập chững học ca, học diễn cách nay hơn 10 năm.
Chị nói ban đầu, lớp học có vài học viên, nhưng dần dần nghỉ học, chỉ còn mình chị theo học. Lúc bấy giờ phát thanh Việt Nam tự do quyết định lập ra chương trình cổ nhạc “Quê Hương”, đã mời Tuyết Nga làm biên tập chính cho chương trình này. Chị nhận lời, và đảm đương công việc khoảng hơn 2 năm, sắp cho nghệ sĩ ca, khán giả ca những bài cổ nhạc, do nhạc sĩ Huỳnh Châu đờn. Chương trình rất thành công. Nhưng có hạn chế người nghe, vì đài này cần phải mua radio riêng, mới có sóng của đài, chứ không phổ biến như những đài thông thường khác. Thành ra khán giả gọi vào, đều là thành viên của đài radio. Chị thấy việc phổ biến cổ nhạc không thể rộng hơn, vì thấy ca sĩ chỉ có bấy nhiêu người, người ta gọi vào cũng chỉ bấy nhiêu đó, thấy chỉ quanh quẩn trong phạm vi hẹp, nên nản, đã nghỉ thời gian, rồi vào làm lại. Mãi đến năm 2008, chị tự lập ra chương trình “Vầng trăng cổ nhạc hải ngoại” với hy vọng phổ biến rộng hơn nghệ thuật cải lương. Chị đã mướn một nơi nằm trong khu thương mại góc đường Beach và Westminster, chứa được khoảng 100 người để làm sân khấu, kêu gọi những nghệ sĩ cổ nhạc, người ca tài tử tới tham gia. Ban đầu chương trình rất thành công. Show đầu tiên thu hút khoảng 40 người. Chương trình đã đều đặn sinh hoạt ca hát vào tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật, chị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nghệ sĩ Thành Đạt và nghệ sĩ Trường Giang, khích lệ để chị có tinh thần dấn thân vào công việc này. Chị còn lập ra trang web mang tên Vầng trăng cổ nhạc hải ngoại, quay hình chương trình diễn của các nghệ sĩ tài tử, post lên trang web để phổ biến. Tuy nhiên do tự bỏ tiền ra để làm những việc trên, nên sau 6 tháng hoạt động, chị hết tiền, đành ngậm ngùi trả lại địa điểm này. Cộng thêm một phần lúc bấy giờ phần đông chỉ có người ca đến ca, khán giả thì không có bao nhiêu người. Người hát thì chỉ hát có vài bài sở trường, không chịu học bài mới, người nghe cũng chán, và chị thấy hình thức này dần dần đi vào lối mòn, cũng chưa thể quảng bá rộng hơn.

Poster của vở diễn cải lương do Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam tổ chức vào ngày 12 tháng 4 năm 2015 vừa qua với khán giả quận Cam tại nhà hàng Majestic (Emerald Bay cũ, thành phố Santa Ana) và thu hình phát hành dvd. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)




Chị lại tiếp tục dành dụm tiền một thời gian, đến năm 2010, được lời động viên của nghệ sĩ Thành Đạt, chị thành lập ra hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam và Đoàn Cải Lương Bông Sen. Khi đó nghệ sĩ Thành Đạt mời thêm nghệ sĩ Bình Trang về trợ giúp, dần dần thu hút thêm nhiều nghệ sĩ khác tìm về.
Bản thân nghệ sĩ Tuyết Nga và hội do chị lập ra đã từng tổ chức buổi diễn để tưởng nhớ cố nhạc sĩ cổ nhạc Cao Văn Lầu, và cố nghệ sĩ Út Trà Ôn, chị cũng từng xin phép nghệ sĩ Bảo Quốc là em trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga, cùng nghệ sĩ Bảo Quốc mời các nghệ sĩ cải lương tại hải ngoại tham gia tổ chức chương trình cải lương tưởng nhớ cố nghệ sĩ Thanh Nga rất cảm động đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Nghệ sĩ Tuyết Nga nói thêm: “Khi thành lập hội, tôi mong phổ biến cổ nhạc đến với người Mỹ, và để những bạn trẻ Việt Nam sanh ra tại hải ngoại hãnh diện vì người Việt có nền cổ nhạc độc đáo. Nhiều người Mỹ cứ nghĩ opera của Việt Nam (cải lương) giống như opera của Trung Quốc. Chính vì vậy, Tuyết Nga luôn giới thiệu cho bạn bè người Mỹ biết âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn là đặc sản riêng của người Việt, từ phục trang cho đến âm nhạc. Hội mong sẽ đưa được cổ nhạc, cải lương Việt Nam vào được thư viện của Mỹ, để các sắc dân khác biết đến cổ nhạc của mình, biết được Việt Nam có nét văn hóa âm nhạc cổ truyền riêng, chứ không bị lai Trung Quốc như người ta tưởng”.
Nghệ sĩ Tuyết Nga cho biết năm 2011, nhờ mối thân quen với một số nghệ sĩ Hollywood, do chị từng tốt nghiệp Cal State Long Beach, ngành điện ảnh-sân khấu, nên đoàn Hương Sen đã được trình diễn cho hơn 1.000 khán giả Mỹ trong buổi trao giải Eworld Music tại Los Angeles, với trích đoạn cải lương “Huyền Trân Công Chúa” dài hơn 10 phút.
Nghệ sĩ Tuyết Nga kể: “Sau buổi diễn, một số người Mỹ cho biết rất thích cải lương của mình. Họ khen những trang phục cổ trang của mình đẹp hơn của Trung Quốc, nó mềm mại, dịu dàng, mảnh khảnh, còn đồ của Trung Quốc nặng nề, rườm rà hơn. Nhiều người nhìn thấy đàn guitar phím lõm của mình đã rất thích thú, vì âm thanh rất đặc biệt, khác với guitar chơi tân nhạc. Họ khen người Việt mình thông minh, biết tạo được nét riêng từ cây guitar để phục vụ cho cổ nhạc Việt Nam.”

 

Nghệ sĩ Tuấn Châu (Từ trái qua phải, người thứ ba, ngồi ghế) cùng hai nghệ sĩ Ngọc Đáng, Văn Chung (ngồi ghế) và 3 nhạc sĩ cổ nhạc (đứng), là những người xuất hiện thường xuyên trong chương trình cổ nhạc Phương Nam. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)


Chân dung nghệ sĩ Tuấn Châu và tình yêu với cải lương
Nghệ sĩ Tuấn Châu tâm sự anh tên thật là Bùi Văn Khanh, khi đi hát lấy nghệ danh là Tuấn Châu, cơ duyên đến với cổ nhạc là vì anh có khiếu hát bộ môn cổ nhạc và tân nhạc từ nhỏ.
“Từ nhỏ Tuấn Châu đã mê Hùng Cường, Thành Được, Thanh Tuấn. Năm 15-16 tuổi học ca với thầy mù Thanh Sơn vài tháng, rồi xin vô đoàn cải lương Trúc Giang, từ đoàn, nghề dạy nghề. Bước đầu làm quân, rồi từ từ lên. Khi đó Tuấn Châu theo đoàn vì rất mê hát, và một phần cũng muốn trốn nghĩa vụ quân sự. Sau đó Tuấn Châu qua đoàn Huỳnh Long, Minh Tơ, nhưng trụ lâu nhất là ở đoàn Thanh Minh- Thanh Nga khoảng 10 năm. Thời gian khi dự tuyển vào đoàn Thanh Minh- Thanh Nga, đoàn có chọn nhiều nghệ sĩ trẻ như Phương Hải, Phương Lâm, Tiểu Phụng, Tuấn Châu... nhưng nhiều người sau đó bỏ nghề, không gắn bó nữa, lứa nghệ sĩ trẻ thời đó chỉ còn Tuấn Châu và Tiểu Phụng (con giái của cố nghệ sĩ Minh Phụng) là vẫn còn theo nghề.”
Anh kể do trốn nghĩa vụ quân sự, cắt giấy tờ, nên vợ và con gái đi Mỹ trước, đến 7 năm sau Tuấn Châu mới đến Mỹ đoàn tụ cùng vợ con. Khi định cư tại Mỹ, thời gian đầu Tuấn Châu sống ở Boston (tiểu bang Massachusetts), ở bên đó buồn quá, nên sau vài tháng Tuấn Châu đề nghị vợ chuyển về Nam California, duyên may Tuấn Châu gặp ca sĩ Mai Lệ Huyền năm 1999, “Tuấn Châu gặp chị trong show của bà bầu Thúy Uyển tổ chức, lần đó Tuấn Châu hát cải lương với chị Phượng Mai, còn chị Mai Lệ Huyền ca tân nhạc. Chị nghe giọng Tuấn Châu có chất giọng hao hao nghệ sĩ Hùng Cường, chị mời Tuấn Châu cộng tác với chị để thực hiện CD tựa là “Cô Tiên năm 2000” với những ca khúc chị từng hát với Hùng Cường trước đây, kể từ đó hai chị em thường đi hát chung với nhau rất nhiều show. Thật sự bên cải lương tại hải ngoại không có đất dụng võ nhiều bằng tân nhạc. Thời gian đó, Tuấn Châu và Mai Lệ Huyền đi show khá nhiều, Tuấn Châu sống được với nghề, cuối tuần đi show khắp các tiểu bang. Chất giọng của Tuấn Châu là giọng nam cao (tenor) khi ca bên tân nhạc. Cố nghệ sĩ Hùng Cường khi ca cổ nhạc, ca dây kép thường, nhưng khi ca tân nhạc, ông lại ca giọng nam cao, thường người ca giọng cao của cổ nhạc khi hát tân nhạc giọng không cao bằng. Tuấn Châu cũng giống nghệ sĩ Hùng Cường vậy. Chị Huyền rất kén kép hát chung với chị. Vì hơi ca của người khác ca cùng chị cất lên ca không được. Nhưng nhờ Tuấn Châu có làn hơi hao hao nghệ sĩ Hùng Cường nên khi hát song ca với chị Huyền rất hợp.”
Nghệ sĩ Tuấn Châu kể, dù hát tân nhạc tiền nhiều hơn, không cực bằng hát cổ nhạc cải lương, nhưng anh vẫn không nguôi nhớ sân khấu. “Vào năm 2008 chị Mai Chân đứng ra tổ chức mời nghệ sĩ diễn vở cải lương “Tướng Cướp Bạch Hải Đường” tại nhà hàng của chị Mai Chân làm chủ lúc đó, Tuấn Châu được mời tham gia vai tướng cướp Bạch Hải Đường, rồi bị tổ cải lương kéo lại với cải lương lần nữa, thế là vào năm 2009, lập ra đoàn cải lương Tân Dạ Lý để nhớ lại một đại ban tại Sài Gòn trước đây, đó là đoàn Dạ Lý Hương.
Cùng góp tay với nghệ sĩ Tuấn Châu khi đoàn Tân Dạ Lý được lập ra khi đó có nghệ sĩ Văn Chung, Hương Huyền, Ngọc Đáng... đoàn cũng đã diễn được nhiều vở cải lương trọn tuồng và có thu hình tại sân khấu đài truyền hình VHN như “Tấm lòng của biển”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “Cho trọn cuộc tình”, “Đời cô Lựu“à

 nghệ sĩ Tuấn Châu và Tuyết Nga cùng chụp lưu niệm với các nghệ sĩ tại nơi sinh hoạt của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam. (Hình do nghệ sĩ Tuyết Nga cung cấp)


Nuôi dưỡng để bảo tồn
Cải lương nhiều năm nay tại sân khấu ở hải ngoại rất hiu hắt. Nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những đốm lửa sáng lên. Lửa được giữ bằng cái tâm, quyết không bỏ nghề từ những nghệ sĩ luôn muốn duy trì cho sân khấu sáng đèn. Nghệ sĩ Tuấn Châu là một trong những nghệ sĩ đó.
Nghệ sĩ Tuấn Châu nói rằng anh biết việc kiếm tiền bằng việc lập ra Tân Dạ Lý, lỗ là cái chắc, nhưng anh và những nghệ sĩ cải lương yêu nghề, đã trót ăn cơm tổ thì phải biết hy sinh và chịu đựng. Vấn đề là sự chịu đựng được tính bằng thời gian dài, chứ không phải bằng thời gian ngắn. Nghệ sĩ Tuấn Châu chia sẻ: “Đây là nghiệp diễn của mình phải làm, vì các nghệ sĩ quá yêu nghề, chứ không phải thực hiện show diễn để kiếm sống. Như Tuấn Châu cũng không có lương, có khi còn phải bù lỗ nữa. Nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn luôn gắn bó với sân khấu, luôn luôn hy vọng sự cố gắng của chúng tôi sẽ thu hút được khán giả đến với nghệ thuật cải lương. Cải lương là nghệ thuật rất hay của dân tộc, nếu mình để mai một, mất đi tại hải ngoại này, thì uổng lắm.”
Nghệ thuật ca diễn, dàn dựng các vở cải lương của những đoàn hát nơi hải ngoại này, không chỉ cho người mua vui, nghệ sĩ kiếm lợi, danh. Mà tận cùng sâu xa, những tác phẩm nghệ thuật chính là hồn của dân tộc. Và đối tượng của nó không chỉ là những khán giả năm xưa, đưa họ về với những hoài niệm, mà những nghệ sĩ tâm huyết với cổ nhạc, với cải lương còn muốn phục vụ cho những bạn trẻ lớn lên nơi quê người. Giúp các em, các cháu, có thể hiểu hơn nền văn hóa của cha ông mình đẹp ra sao. Đó chính là những hành trang giúp các em không bị mất gốc khi hội nhập vào đời sống ở hải ngoại.
Con đường mà nghệ sĩ Tuyết Nga, nghệ sĩ Tuấn Châu và các nghệ sĩ cùng tâm huyết với việc bảo tồn cổ nhạc cải lương đã chọn để bước đi với biết bao khó khăn, không thể nào kiếm lời từ những công việc trên. Nhưng họ vẫn dấn thân thực hiện, bởi trong trái tim của mình, họ đã trót yêu nghệ thuật cổ nhạc, như một người tình thủy chung, sẽ tận hết sức mình để đi trọn đường tình.
Nghệ sĩ Tuyết Nga thiết tha nói: “Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam sẽ cố gắng thực hiện những vở tuồng hay, hát live, đàn live với nhiều nghệ sĩ tài danh tham gia cùng các tài năng mới. Mong là mỗi khán giả hãy ủng hộ cho các nghệ sĩ, hãy đến xem với tấm lòng bảo tồn cổ nhạc, chỉ cần điều đó giúp hội có sức mạnh tiến xa hơn nữa. Nhiều khán giả khi mua vé xem cổ nhạc nghĩ rằng đi coi hát thôi, chứ không nghĩ rằng chính chiếc vé của khán giả mua là góp một bàn tay ủng hộ cho nền cổ nhạc thêm vững chắc tại hải ngoại này. Vì có khán giả thì nghệ sĩ mới càng hào hứng để tiếp tục gắn bó với sân khấu. Người khán giả đi xem cải lương cổ nhạc quý giá vô cùng. Vì khi bỏ tiền mua vé là gián tiếp bảo vệ cổ nhạc tại hải ngoại này. Trong tương lai, hội cũng sẽ liên lạc một số trường học để nói về cổ nhạc và diễn một số trích đoạn cải lương cho các em học sinh xem. Để ban đầu cho các em thích từ trang phục cổ trang của cải lương, rồi đến giai điệu và tuồng tích cải lương...”
Nghệ sĩ Tuyết Nga tâm sự thêm: “Vì muốn mọi người nhìn thấy việc làm chân thật của chúng tôi và của hội, đây là việc làm chung không vì danh, lợi của riêng ai, hy vọng việc làm này sẽ có người chung tay giúp sức trong tương lai, ủng hộ thêm vào cho ngôi nhà cổ nhạc của chúng ta đẹp, xinh hơn và sẽ mãi trường tồn đến thế hệ mai sau.”
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT