Đạo và Đời

Người quản lý hành động khôn khéo

Wednesday, 09/10/2019 - 05:14:50

Thỉnh thoảng có những dụ ngôn của Chúa Giêsu làm cho người đọc hoang mang, không hiểu ý Chúa muốn nói gì, điển hình là dụ ngôn trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.


Ngài khuyên bạn chỉ được chọn một trong hai: Thiên Chúa hay tiền của. (Getty Images)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Thỉnh thoảng có những dụ ngôn của Chúa Giêsu làm cho người đọc hoang mang, không hiểu ý Chúa muốn nói gì, điển hình là dụ ngôn trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này. Tại sao người phú hộ có thể khen người quản lý là hành động khôn khéo khi biết anh ta công khai gian lận tài sản của mình? Có thực Chúa Giêsu muốn chúng ta bắt chước người quản lý bất lương đó? Một trong những điều chúng ta cần hiểu đó là những dụ ngôn của Chúa là những câu chuyện thuộc về một văn hóa và xã hội hoàn toàn khác với văn hóa và xã hội của chúng ta ngày hôm nay. Do đó để hiểu được ý Chúa, chúng ta cần phải tra cứu sơ qua phong tục tập quán thời bấy giờ để có được khái niệm tổng quát về đời sống của những nhân vật trong câu chuyện.
Những người phú hộ ở nước Do Thái ngày xưa thường có nhiều ruộng vườn đất đai ở rải rác khắp nơi. Vì không thể tự trông nom hoặc canh tác, nên họ phải mướn những người quản lý để lo công việc cho họ. Trách nhiệm chính của người quản lý là hàng năm phải làm lợi ra cho chủ bằng cách cho tá điền thuê đất để trồng trọt. Giá cả thuê đất không được tính bằng tiền, nhưng bằng hoa màu tá điền phải nộp cho người quản lý. Dĩ nhiên những người quản lý chỉ giao cho chủ đất một phần và giữ phần nhiều hơn cho mình. Họ phải làm như vậy để kiếm sống vì thường họ không được trả lương.

Cho nên khi người quản lý trong dụ ngôn gọi những con nợ đến để khấu trừ những món nợ, một số những nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng, không phải anh ta ăn bớt đi hoa mầu của chủ, nhưng anh ta đã bớt đi phần lương của mình, và anh ta có quyền làm như vậy để lo cho cuộc sống của mình sau khi bị chủ sa thải. Hơn nữa mạch văn của dụ ngôn cho thấy ông chủ khá bình thản và còn khen anh ta là người khôn khéo. Điều này có thể hiểu là việc anh ta làm không có gì sai trái. Bình thường những ông chủ rất nghiêm khắc. Nếu người quản lý làm thất thoát tài sản hoặc không thể làm lợi ra cho chủ như trong trường hợp của người được giao một nén bạc (Mt 25), họ sẽ bị trừng phạt không thương xót.

Suy ra từ đó, chúng ta có thể hiểu được tại sao anh quản lý được chủ khen là khôn khéo. Chính Chúa Giêsu cũng muốn dùng sự khôn khéo của anh này để dạy dỗ các môn đệ của Ngài. Dĩ nhiên Chúa không muốn chúng ta gian lận tài sản của người khác để lo cho mình, nhưng Ngài muốn chúng ta bắt chước người quản lý trong câu chuyện, dùng của cải có được để lo cho phần rỗi của mình.
Những thầy rabbis ngày xưa thường dạy rằng, “Người giàu giúp cho người nghèo ở đời này, nhưng những người nghèo sẽ giúp cho những người giàu ở đời sau.” Thánh Ambrôsiô cũng đã từng nói, “Bụng dạ của người nghèo, nhà cửa xây cho những người góa bụa, và miệng ăn của những trẻ thơ là những kho lẫm luôn đầy tràn không bao giờ vơi.”

Lời giảng dạy của thánh nhân chính xác vì tài sản của người giàu không phải là những gì họ giữ lại cho mình, nhưng là những gì họ cho đi. Điều này giúp chúng ta dễ dàng hiểu được tại sao Chúa nói, “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.” Ngài muốn chúng ta phải chọn một trong hai: Thiên Chúa hay tiền của. Kinh nghiệm cho thấy, những người làm tôi tiền của thường chỉ muốn vơ vào, nhưng những người làm tôi Thiên Chúa cho đi cách quảng đại vì chính Chúa cũng đã cho đi, và cho đi chính mạng sống mình.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT