Thế Giới

Người sáng lập Wikileaks ra tòa tại Anh

Thursday, 02/05/2019 - 07:13:58

Lên tiếng tại tòa án ở Wesminster khi được hỏi liệu ông có đồng ý việc bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay không, Assange trả lời qua video truyền từ nhà tù ở Anh rằng: “Tôi không muốn ra đầu thú vì không muốn bị dẫn độ sang Mỹ. Tôi là một ký giả có nhiều giải thưởng, và tôi đang bảo vệ nhiều người.”

LONDON – Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange ngày thứ Năm đã nói với một tòa án ở London rằng công việc của ông ta đã bảo vệ “rất nhiều người,” và ông từ chối việc bị dẫn độ đến Hoa Kỳ để đối mặt với phiên tòa về vụ tiết lộ thông tin mật. Hoa Kỳ đã yêu cầu dẫn độ Assange và đã truy tố ông ta với nhiều tội danh, bao gồm cả tội thông đồng để xâm nhập điện toán, vốn có án tù tối đa là 5 năm.
Lên tiếng tại tòa án ở Wesminster khi được hỏi liệu ông có đồng ý việc bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay không, Assange trả lời qua video truyền từ nhà tù ở Anh rằng: “Tôi không muốn ra đầu thú vì không muốn bị dẫn độ sang Mỹ. Tôi là một ký giả có nhiều giải thưởng, và tôi đang bảo vệ nhiều người.”
Tòa án Westminster đã quyết định hoãn phiên trình diện đến ngày 30 tháng 5 và một phiên xét xử quan trọng hơn được lên kế hoạch vào ngày 12 tháng 6. Những người ủng hộ Assange đã biểu tình bên ngoài tòa án, yêu cầu tòa án thả ông Assange và từ chối yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Washington hôm 11 tháng 4 cáo buộc Assange tấn công máy điện toán của chính phủ. Ông có thể phải ngồi tù 5 năm nếu bị tòa án Hoa Kỳ phán quyết có tội. Tuy nhiên, Assange và những người ủng hộ nói rằng ông có thể phải đối mặt với án tử hình, vì lo ngại Washington đang chuẩn bị những cáo trạng nghiêm trọng hơn, liên quan đến luật gián điệp.
Assange, công dân Úc 47 tuổi, là người sáng lập Wikileaks, tổ chức phi lợi nhuận chuyên công bố các thông tin mật. WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng ngàn tài liệu mật từ Ngũ Giác Đài, nói tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250,000 tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.

Thủ tướng Nhật có thể gặp Kim Jong Un
TOKYO - Theo truyền thông Nhật, Thủ Tướng Shinzo Abe ngày thứ Tư cho biết ông sẵn sàng gặp gỡ để thảo luận một cách thẳng thắn với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, mà không cần bất kỳ đặt ra bất kỳ điều kiện này trước đó.
Ông Abe nói, “Tôi hy vọng Chủ Tịch Kim Jong Un hiểu được điều gì là tốt nhất cho quốc gia của ông, và sẵn sàng đưa ra các quyết định mang tính chiến lược.”
Lời đề nghị thảo luận vô điều kiện của Nhật, một trong các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, có thể mở ra con đường đàm phán mới cho ông Kim Jong Un, sau khi hội nghị lần 2 giữa ông và Tổng Thống Donald Trump thất bại hồi tháng 2. .
Vào tháng trước, ông Kim đã gặp Tổng Thống Vladimir Putin và nhờ lãnh đạo Nga giúp giải quyết thế bế tắc, đồng thời chuyển các lời nhắn của Bắc Hàn đến Tổng Thống Trump. Đối với Thủ Tướng Abe, cuộc gặp với lãnh đạo Bắc Hàn có thể giúp đưa Nhật Bản quay lại bàn đàm phán, trong bối cảnh nước này muốn được bảo đảm an toàn trước chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Theo ông Abe, mọi cuộc thảo luận nếu có đều sẽ dựa trên thỏa thuận chung 2002, đạt được giữa Thủ Tướng Junichiro Koizumi và cố Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Il. Trở ngại lớn nhất giữa hai nước cho đến nay là việc Nhật yêu cầu trao trả khoảng một chục công dân, được cho là đã bị bắt cóc và bị đưa đến Bắc Hàn vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn luôn nói rằng các công dân Nhật này hiện đã qua đời.

Sri Lanka hủy thánh lễ ở nhà thờ do lo ngại khủng bố
COLOMBO - Giáo hội Công giáo Sri Lanka đã phải hủy kế hoạch tổ chức lại các buổi lễ vào Chủ Nhật, khi có thông tin về nguy cơ đánh bom hai nhà thờ. "Sau khi được lực lượng an ninh khuyến cáo, chúng tôi quyết định không tổ chức thánh lễ tại tất cả các nhà thờ vào Chủ Nhật tuần này,” phát ngôn viên của Hồng y Malcolm Ranjith, tổng giám mục Colombo, thủ đô Sri Lanka, hôm thứ Năm cho hay. "Có mối đe dọa đặc biệt đối với hai nhà thờ.” Phát ngôn viên nói Hồng y Ranjith muốn mở lại các buổi thánh lễ từ ngày 5 tháng 5, nhưng thông tin mới về nguy cơ khủng bố khiến kế hoạch này bị hủy vô thời hạn.
Vào Chủ Nhật trước, Hồng y Ranjith đã cử hành một thánh lễ tưởng niệm được chiếu trực tiếp trên TV, sau khi hủy tất cả các thánh lễ ở các nhà thờ sau vụ tấn công khủng bố khiến 257 người thiệt mạng vào lễ Phục Sinh 21 tháng 4. Ngày thứ Ba, Hồng y Ranjith cho hay ông đang theo dõi cuộc điều tra vụ khủng bố, và muốn an ninh được bảo đảm trước khi cho các nhà thờ hoạt động lại như bình thường. Lực lượng an ninh đã bảo vệ bên ngoài các nhà thờ trên khắp Sri Lanka sau các vụ đánh bom vào ngày 21 tháng 4. Hồng y Ranjith cũng được bảo vệ, nhưng ông đã trả lại chiếc limousine chống đạn được chính phủ cấp và di chuyển bằng xe bình thường. "Tôi không sợ hãi. Tôi không cần xe chống đạn để di chuyển. Chúa là người bảo vệ tôi,” vị hồng y nói. "Nhưng tôi muốn đất nước và người dân được an toàn.”
Cảnh sát Sri Lanka đã bắt hơn 150 nghi can sau vụ đánh bom, đồng thời cho biết có 6 nghi can chủ mưu, 2 tên đã chết và 4 tên đang bị giam. Tổng Thống Maithripala Sirisena cũng đã ra lệnh truy nã 140 kẻ Hồi giáo cực đoan trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo.

Nhiều nhà lập pháp Hong Kong kêu gọi đặc khu trưởng nhượng bộ
HONG KONG - Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đang đối mặt với nhiều lời kêu gọi nhượng bộ đối với dự luật dẫn độ đang gây tranh cãi, sau khi một trong các cố vấn của bà ngày thứ Năm nói rằng dự luật nên có thêm các điều khoản bảo vệ để giảm bớt mối lo ngại của công chúng.
Đồng thời, nhiều nhà lập pháp thân Bắc Kinh cũng yêu cầu bà Lam nên thu hồi dự luật, hoặc ít nhất không nên phê chuẩn dự luật vào lúc này. Áp lực đang tiếp tục gia tăng đối với Đặc khu trưởng Carrie Lam, sau khi hàng chục ngàn người Hong Kong xuống đường biểu tình vào Chủ Nhật vừa qua, nhằm phản đối dự luật của chính phủ, vốn cho phép chuyển giao tội phạm tới mọi khu vực mà Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục.
Cố vấn cao cấp Ronny Tong, một trong các cố vấn của bà Lam trong Hội đồng hành pháp, nói rằng chính phủ có thể thêm một điều khoản vào dự luật, nói rằng các nghi can sẽ chỉ được chuyển giao tới các khu vực nơi họ sẽ được xét xử một cách công bằng. Ngoài ra, ông Ronny Tong cũng đề nghị dự luật nên có điều khoản cho phép đặc khu trưởng được quyền phủ quyết lời yêu cầu dẫn độ từ Bắc Kinh.

Cũng ngày thứ Năm, ông Micheal Tien cũng trở thành nhà lập pháp thân Bắc Kinh đầu tiên chính thức gởi thư cho bà Lam, yêu cầu hủy bỏ dự luật. Lãnh đạo đảng Liberal Party, ông Felix Chung, cũng kêu gọi bà Lam không nên cố gắng tìm cách phê chuẩn dự luật, vì điều này chỉ gây thêm tranh cãi và sự phản đối. Trong khi đó, các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ vẫn đang kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình phản đối dự luật mới ngày thứ Bảy tuần này.

Nepal dọn dẹp 3 tấn rác trên đỉnh Everest sau hai tuần
KATHMANDU - Chính phủ Nepal đang đặt mục tiêu thu gom 10 tấn rác trong vòng 1 tháng rưỡi, nhằm làm sạch đỉnh Everest vốn đang ngày càng ô nhiễm. Một nhóm leo núi chuyên nghiệp được cử đến đỉnh Everest đã thu thập được 3 tấn rác chỉ sau 2 tuần dọn dẹp đầu tiên. Đây là những tiến triển mới nhất trong kế hoạch đầy tham vọng của Nepal nhằm làm sạch "bãi rác cao nhất thế giới.” Nhiều thập kỷ phục vụ hoạt động leo núi thương mại đã khiến ngọn núi được gọi là nóc nhà của thế giới bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các căn lều, bình oxy, thiết bị leo núi bị vất bỏ, và thậm chí cả phân người, nằm rải rác dọc tuyến đường lên đỉnh núi cao 8,848 mét.
Trước tình trạng này, chính phủ Nepal đã mở chiến dịch dọn dẹp đỉnh Everest, với mục tiêu mang về 10 tấn rác trong vòng 1 tháng rưỡi. Một đội gồm 14 nhà leo núi chuyên nghiệp sau 2 tuần làm việc đã thu gom được 3 tấn rác thải đủ loại từ chai lọ đựng nước, hộp thức ăn, đồ leo núi đến rác hữu cơ. Máy bay trực thăng của quân đội đã vận chuyển 1 phần 3 số rác thu gom đến thành phố Kathmandu để tái chế. Số rác hữu cơ còn lại có khả năng phân hủy sinh học sẽ được chuyển đến huyện Okhaldhunga cách đó không xa để xử lý.
Sau khi dọn dẹp xong Trại 2 ở độ cao 6,400 mét, các thành viên trong đội sẽ tiếp tục đi lên Trại 4 ở độ cao 7,950 mét để thu gom rác trong khoảng nửa tháng. Bên cạnh chiến dịch dọn rác, Nepal còn ban hành quy định mỗi đội leo núi phải đặt cọc $4,000 Mỹ kim. Số tiền này chỉ được trả lại nếu họ gom đủ 8 ký rác thải sau khi xuống núi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT