Mẹo Vặt

Người thân gặp nhau trong nhà có cần chào hỏi?

Thursday, 18/01/2018 - 08:17:57

Thật là khác hẳn khi chúng ta tiếp đãi khách đến nhà. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy? Bởi vì, chúng ta đã quên lời dạy của cổ nhân: Phu phụ tương kính như tân (vợ chồng đối đãi với nhau như tân khách).

Bài VŨ HẰNG

Cái tiêu đề trên nghe ra có vẻ hơi... quá quắt! Người thân thiết cùng một gia đình gặp lại ngoài đường chào nhau đã là khó, bây giờ bảo rằng chào nhau khi đụng mặt ngay trong nhà thì sợ rằng khách sáo quá! Nhưng nếu lấy cái lý “đối xử với ai cũng như thượng khách” ra mà xét thì sao?
Chúng ta hãy hình dung cảnh tượng này: Nếu có dịp tiếp đón bạn đến thăm nhà, chắc chắn ông Cả Đẫn và Hằng sẽ mừng lắm. Bọn này bảo đảm sẽ lấy lễ thượng khách ra mà đãi bạn. Nhà em vốn để sẵn một phòng trống với đủ tiện nghi, luôn luôn sẵn sàng đón khách.


Có thể lạ nhà, bạn dậy sớm, ngồi nhâm nhi cà phê đợi sáng….

Nhưng đêm đầu tiên, chắc vì hơi mệt và có lẽ lạ nhà, nên bạn ngủ không đã giấc. Tờ mờ sáng hôm sau bạn thức dậy sớm, pha ly cà phê mang ra phòng khách ngồi nhâm nhi xem TV chờ mặt trời.

Đến khi Hằng bước ra, gặp bạn ở đó, em niềm nở hỏi thăm, “Đêm qua, anh ngủ có ngon không?”
Nếu em chưa kịp cất tiếng, chắc chắn bạn cũng sẽ nói ngay, “Chào cô Hằng, nhà cô lịch sự, giường nệm thoải mái quá!”

Đó là lẽ thường khi chúng ta xử sự với khách. Và ngược lại, chúng ta sẽ không sao tưởng tượng được cảnh hai người nhìn nhau, lẳng lặng ai làm việc nấy. Mặc dầu không cố ý làm buồn lòng khách, nhưng sự ít lời của chủ nhà chắc chắn sẽ làm khách cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.

Tình cảnh bất thường và khiếm nhã này sẽ chẳng bao giờ xảy ra khi chúng ta tiếp đón khách quí đến thăm nhà. Nhưng nó lại là những gì thường xuyên xảy ra giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, hoặc anh chị em trong nhà. Chúng ta thử nhớ lại xem: Có bao giờ thức giấc, bạn quay sang hỏi chồng: “Đêm qua anh ngủ có ngon không?” Hoặc, được nghe chồng mở lời: “Đêm qua, em ho quá, anh nghe mà rát cả ruột gan!”

Nếu mở cửa phòng ngủ bước ra mà thấy mẹ già đang lui cui dọn dẹp trong bếp, bạn có nhớ cất tiếng hỏi mẹ, “Mẹ dậy chi sớm vậy?” Hoặc có bao giờ thằng bé út bước ra, thấy con chị đang ngồi ôn bài ở bàn mà mở lời, “Chào chị Hai, chị Hai đang làm gì vậy?”

Thấy bạn đang tráng trứng dọn bữa sáng mà cu cậu biết “ga lăng” một tiếng, “Mommys so sweet!”
Những câu chào hỏi niềm nở ấy thật là quí hóa, làm mát lòng mát dạ người nghe không biết đến mức nào. Nhưng tiếc rằng, nó chỉ được ban phát một cách rất tiết kiệm, hiếm hoi, cậy miệng cả tháng trời chưa chắc đã ra được một tiếng.


“Anh ngủ có ngon không?”

Thật là khác hẳn khi chúng ta tiếp đãi khách đến nhà. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy? Bởi vì, chúng ta đã quên lời dạy của cổ nhân: Phu phụ tương kính như tân (vợ chồng đối đãi với nhau như tân khách).

Nhưng dù bạn có nhớ lời dạy ấy, liệu bạn có áp dụng không? Hằng nghĩ... vẫn là không! Mặc dầu ai cũng biết rằng, lời chào hỏi, tuy ngắn ngủi đơn sơ, nhưng âm vang của nó rất dài và rất ngọt trong tai người nghe. Vậy, bạn thử nghĩ xem, có ai xứng đáng được thưởng một món quà đẹp như thế, hơn vợ/chồng, cha mẹ/con cái, và anh/ chị/ em trong nhà?

Thế nên ở nhà em, ông Cả Đẫn mới bày ra cái trò chơi này: Thành viên gia đình gặp nhau không chào, dù ngoài đường hay ở nhà, người vi phạm sẽ bị phạt $10 xung vào “công quĩ,” quĩ này sẽ được dùng khi đi ăn nhà hàng, đi xem văn nghệ, đi chơi, hoặc đóng góp cho các công cuộc từ thiện. Điều cần thiết là phải xác định ai là người vi phạm, khi nào bị coi là vi phạm, và vi phạm trong những trường hợp nào…. Mọi chi tiết đều được ghi ra trên giấy, như bản điều lệ … của một trò chơi.


“Moms so sweet!”

Phải công nhận đây là một trò chơi lý thú, mọi thành viên trong nhà, bất kể lớn bé đều tham gia, và bình đẳng trước “pháp luật.” Kể từ khi áp dụng, nó làm cho không khí gia đình em vui tươi rộn rã hẳn lên, ngay từ phút đầu tiên trong ngày. Bây giờ, gặp nhau ai cũng vội lên tiếng chào trước, để khỏi bị mất tiền và được quyền “huýt còi” phạt tiền người khác.

Đó là chuyện thật ở nhà em, Hằng chỉ nói “sương sương,” không dám bật mí nhiều, sợ bị khiếu nại là “bà già lắm chuyện, chuyên môn lật áo cho người xem lưng.” Các bạn sáng ý, chắc chắn sẽ còn nghĩ được nhiều trò chơi khác, vui hơn, có thể thâu được nhiều tiền hơn cho... công quĩ.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT