Đời Sống Việt

Người thợ nail và nghệ thuật trang trí móng tay (phần 1)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 07/01/2013 - 06:27:12

Bởi muốn đẹp cả bàn tay thì không chỉ móng đẹp mà da trên đôi tay cũng phải mềm đẹp. Rồi bấm móng, bấm theo lối vuông, lối tròn. Có người thì thích cắt sát, người thích để chừa móng một đoạn. Nếu móng cứng, tay thợ bấm móng rất cần phải uyển chuyển.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 19)

Băng Huyền/Viễn Đông

Thông thường một người thợ nail chưa biết nghề tại Hoa Kỳ, khi vào học tại các trường thẩm mỹ, trường chỉ dạy khóa nail cơ bản giúp học viên đi thi lấy bằng State Board. Có được bằng nail để làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ, thật ra khá dễ dàng, nhưng để có thể sống được với nghề thì lại không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Nhất là trong thời buổi hiện nay, có quá nhiều cạnh tranh, thợ nail mỗi ngày mỗi đông, khách hàng thì càng giảm bớt những lần đến tiệm salon, người thợ mới ra nghề phải đối diện với rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua.
Để thực hiện được một bộ móng như ý cho khách, người thợ nail phải chăm chú, tỉ mỉ, khéo tay trong từng thao tác của mình. Khó nhất trong công đoạn đầu tiên của người thợ khi làm móng cho khách, chính là việc cắt da. Lớp da viền quanh móng, nếu là người thợ vụng về, tay khách hay chân của khách sẽ chảy máu như chơi. Người thợ làm móng khéo, đôi tay cần phải uyển chuyển, mềm mại và tỉ mẩn như tay của thợ thêu. Trong công đoạn cắt tỉa da, khách - thợ phải phối hợp với nhau cho ăn ý. Người khách phải thật sự thả lỏng, không cứng người, cần buông lỏng tay. Người thợ không được thiếu tập trung. Cái kéo cắt da trong tay người thợ khéo, phải nương nhẹ từng vòng quanh móng, chăm chút gỡ bỏ từng lớp da trong, da ngoài đã bị lão hóa.
Chị Dung Trần, một thợ nail làm việc tại một tiệm nail ở khu vực Newport Beach, nói với phóng viên Viễn Đông, để có được tay cắt thật khéo, khi bắt đầu học nghề, chị phải học cắt trên trái chanh cho nhuần nhuyễn, bởi trái chanh có đường cong, học tay lượn cho mềm, để khi cắt viền da quanh móng, sẽ không bị “sừ” (theo cách nói của những người trong nghề chuyên môn, nghĩa là không gọn) do mũi kềm đi không êm. Xong phần tỉa da gọn gàng tinh tươm, thợ nail bắt đầu massage nhè nhẹ cho “mềm” tay khách. Bởi muốn đẹp cả bàn tay thì không chỉ móng đẹp mà da trên đôi tay cũng phải mềm đẹp. Rồi bấm móng, bấm theo lối vuông, lối tròn. Có người thì thích cắt sát, người thích để chừa móng một đoạn. Nếu móng cứng, tay thợ bấm móng rất cần phải uyển chuyển.


Vẽ móng làm đẹp tay khách - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nghệ thuật tạo nét riêng để thành công trong nghề nghiệp
Nếu các quy trình cơ bản như loại bỏ các vùng da sần sùi, hư tổn, cắt móng, cắt giũa tạo khuôn móng, sơn lớp nền không màu để dưỡng móng, là một căn bản cần thiết của người thợ nail khi “ra nghề”, ở đâu cũng giống nhau. Nhưng kể từ công đoạn sơn, và điều tạo nên nét riêng của mỗi thợ nail lại chính là phần cuối cùng: trang trí cho móng tay, thì trình độ của từng người thợ nail được thể hiện khác hẳn, đòi hỏi một “đẳng cấp” cao hơn. Ngay cả việc đắp bột cho móng giả hay đắp móng gel sao thật khéo, thật nhanh, thật đẹp, kỹ thuật sơn móng gel polish đẹp… người thợ cũng phải luyện tập thêm qua bạn bè, bà con đã rành nghề, qua sách báo tạp chí chuyên ngành Nail, qua những bài hướng dẫn được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, mua các DVD; hoặc người thợ cần ghi danh để học thêm ở những khóa học nâng cao tại trường, để được hướng dẫn các kỹ thuật vẽ và trang trí móng cao cấp với độ khó tăng dần, hay tìm các chuyên viên tạo mẫu móng độc lập để học thêm; hoặc đến học những lớp nâng cao do những chuyên viên tạo mẫu móng thuộc các công ty sản xuất sản phẩm nail mở ra. Vì vẽ móng đẹp là cơ hội giúp người thợ thành công hơn trong nghề nail, giúp họ tăng thêm lợi tức và công việc cũng thêm phần thú vị.
Kể từ khi ra đời nghệ thuật chăm sóc và làm đẹp cho nail, hầu như không một người phụ nữ nào có thể từ chối sức quyến rũ của những lọ nước sơn óng ánh, cũng như chưa từng thử làm đẹp móng tay, móng chân một lần trong đời. Thế nên cùng với sự phát triển đa dạng, hấp dẫn của kỹ nghệ làm đẹp hiện đại, nghệ thuật trang trí cho móng (nail art) càng ngày càng tinh xảo, khiến những ai được chiêm ngưỡng nó cũng đều phải trầm trồ thán phục.
Trang trí cho móng là một nghệ thuật tạo hình, không đơn giản chỉ là công việc của một người thợ vẽ móng, kỹ thuật vẽ móng ngày nay còn hàm chứa tính sáng tạo và tính thẩm mỹ cao. Chỉ với một cây cọ nét nhỏ như sợi tóc, cùng với một chút sơn màu từ đôi tay khéo léo, cần mẫn của người thợ nail Việt Nam mà móng tay, móng chân của khách hàng bỗng chốc trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Từng đường chấm phá của cọ bảng, cọ nét, đua nhau thổi hồn vào mười ngón tay thật sinh động. Chưa nói đến kỹ thuật tạo hình 3D trên khuôn móng, cộng với sự tương trợ của nghệ thuật đắp bột, vẽ móng nổi, đính đá màu... Chỉ có những người thợ rành nghề mới có thể với vài ba nét phác thảo đã tạo nên bức tranh sắc sảo, bay bổng đến điêu luyện, như thổi hồn cho đôi bàn tay của khách. Cũng chính vì nghệ thuật vẽ móng gần như là 100% làm bằng tay, nên mỗi tác phẩm đều mang màu sắc riêng. Thậm chí có những thợ nail “cao tay” còn tạo nên những "bút tích" của riêng mình trên đôi tay cho khách hàng, với những sở trường đặc thù, tính thẩm mỹ cao, bằng kỹ nghệ Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Canada…

Thành công trong nghệ thuật trang trí móng của người Việt Nam
Trong nghệ thuật trang trí cho móng (nail art) tại Hoa Kỳ, những người thợ vẽ móng Việt Nam được biết đến với những mẫu mã ấn tượng, phong phú. Họ vẽ bằng cọ rất có hồn và sắc xảo, bằng kỹ nghệ vẽ nổi 3D, tạo hiệu ứng ẩn hiện với những đường nét trau chuốt, tỉ mỉ.
Đó là với những người thợ làm nghề để kiếm sống, còn trong lĩnh vực tranh tài của thế giới gồm các nghệ nhân vẽ móng chuyên nghiệp tham gia, hầu như không ai mà không biết đến ông Trang Nguyễn, đã đạt được bốn danh hiệu vô địch thế giới về tạo mẫu và trang trí cho nail art và đạt rất nhiều giải thưởng khác. Ông Trang Nguyễn là một di dân gốc Việt, đến Mỹ định cư từ năm 1980 với hai bàn tay trắng và chút vốn tiếng Anh ít ỏi. Sau một thời gian làm thợ phụ ở một tiệm cắt tóc, ông đã quyết định học vẽ móng. Với niềm đam mê nghệ thuật cộng với việc yêu thích kinh doanh, ông đã sở hữu một tiệm làm móng khá lớn tại Mỹ, và là chủ của công ty Odyssey Nail Systems. Công ty của ông Trang Nguyễn ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm móng, còn cung cấp dịch vụ đào tạo các chủ tiệm nail.
Phải chăng với sự khéo léo và tài hoa nơi đôi tay của người thợ Việt Nam, đã giúp cho nghệ thuật trang trí móng của thợ nail Việt Nam ngày càng phát triển, chiếm một vị trí mạnh mẽ hơn, dẫu rằng người Việt không phải là người tiên phong sáng tạo ra nghệ thuật trang trí móng này, mà Nhật Bản, Hàn Quốc mới chính là đất nước tiên phong trong nghệ thuật làm móng đẹp?
Anh Tom Trần, là một giảng viên độc lập, nhận dạy kèm vẽ trang trí móng từ căn bản đến nâng cao cho các thợ nail với 10 năm kinh nghiệm, cho phóng viên nhật báo Viễn Đông biết, vào khoảng những năm đầu thập niên 1990, nghệ thuật trang trí móng tại Hoa Kỳ bấy giờ chỉ phổ biến vẽ air brush (là một máy ép dùng đẩy không khí qua một cây cọ, khi nước sơn được đẩy qua cây cọ, sắc thái và cấu trúc của màu sắc được tạo ra; cây cọ có khí nén là một kiểu thông dụng nhất được sử dụng trong nghệ thuật làm móng tay, người thợ khéo tay có thể xịt một lớp nước sơn thật mỏng như bụi hoặc đậm dày và mọi thứ kiểu), và vẽ bằng cọ (còn gọi là vẽ tay); chứ khi đó chưa có nghệ thuật vẽ 3-D như những năm gần đây. Thời gian làm thợ nail vào lúc này, anh Tom Trần đi làm xuyên bang tại một tiệm nail ở tiểu bang Maryland, khoảng 2 năm, do người Việt làm chủ, phần lớn là khách hàng người Mỹ đen, tiệm rất đông khách.
Anh Tom Trần kể: “Lúc bấy giờ bản thân tôi và những người thợ Việt Nam khác vào làm tại đây, phần lớn chỉ làm móng bột, còn khi vẽ trang trí cho móng, chỉ có thợ là người Mỹ đen làm. Chủ không cho thợ Việt Nam học vẽ hay thực hành công việc này trên tay khách, vì sợ thợ Mỹ đen bỏ tiệm mà đi, vì những người thợ Mỹ đen hăm dọa nghỉ làm, nếu chủ cho thợ Việt Nam vẽ”.
Anh Tom Trần nói khi đó, những người thợ nail không có giá bằng thợ vẽ móng. Sau khi làm xong móng bột cho khách, khách sẽ vào phòng trong để thợ vẽ trang trí cho móng, bản thân những người thợ như anh được phép nhìn, nhưng không được cầm cọ làm. Chính thời gian này anh Tom Trần càng nhìn họ vẽ, anh càng yêu thích hơn nghệ thuật làm đẹp móng tay. Để trở thành một người tạo mẫu và trang trí cho móng, anh đã tự trang bị “vốn liếng” cho mình, bằng cách tìm học từ nhiều nơi, như tự học qua các tạp chí nail chuyên ngành. Về Việt Nam, anh ghi danh học dự thính tại trường Đại Học Mỹ Thuật 2 tháng về những căn bản mỹ thuật, cách phối màu, nghệ thuật trang trí. Sau đó, anh nhờ bà con gốc Hoa đưa qua Trung Quốc học thêm từ những thầy tại đó… Sau khi tay nghề thành thục rồi, anh quyết định nghỉ không đi làm thợ nữa, mà chuyển sang làm người hướng dẫn vẽ mỹ thuật móng cho những ai muốn học, và tham gia các show nail tại Quận Cam, cầm cọ biểu diễn trang trí móng tay cho mọi người xem.
Anh Tom Trần cho biết, trong nghệ thuật trang trí móng, căn bản có 4 loại cọ, cọ nét mảnh để vẻ nét mảnh, cọ bản vẽ hình, cọ nổi vẽ hoa nổi và cọ đắp bột. Bàn về nghệ thuật vẽ móng nói riêng, anh Tom Trần cho rằng vẽ tay luôn luôn được khách hàng ưa chuộng, vì nét đẹp tinh tế, sự đa dạng mẫu mã và nghệ thuật thực hiện tinh xảo, điêu luyện.
Theo anh, nghệ thuật trang trí móng có 3 cấp độ. Kỹ thuật vẽ tay dành cho những phụ nữ thích sự giản dị với phần nền sơn cao cấp chỉ cần áp dụng những hình thể cơ bản như sọc, chấm tròn, hoa lá, kim tuyến cũng tạo được nét quyến rũ đặc biệt cho đôi bàn tay. Cấp độ hai, vẽ móng nâng cao đặc biệt cần sự sáng tạo, kiểu cách và trình độ khó trong việc pha màu, kỹ thuật air brush tạo hình nhiều tầng, nhiều bậc thang hay kỷ hà, lấp lánh như một bức tranh sơn thủy. Cuối cùng, đỉnh cao của nghệ thuật vẽ móng chính là kỹ thuật phối hợp mọi kỹ năng dựa trên kiến thức chuyên sâu và bàn tay biến hóa của người thợ tựa như một nghệ nhân, tạo nên những mẫu vẽ độc đáo. Đó là sự phối hợp lẫn nhau giữa các kỹ thuật vẽ và việc sử dụng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các công cụ cọ vẽ khác nhau như cọ bản, cọ tóc, cọ chấm bi, cọ bình... Chẳng hạn trong mẫu vẽ 3D cao cấp, có sự phối hợp giữa kỹ thuật đắp móng nổi 3D với kỹ thuật vẽ cọ tóc, kỹ thuật dùng cọ chấm bi và cọ bản. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT