Văn Nghệ

Cung Tiến, từ Thu Vàng đến Hoàng Hạc Lâu

Wednesday, 08/06/2022 - 09:39:24

Người thưởng ngoạn nhạc Cung Tiến ít ai phủ nhận, dù với một số lượng nhạc phẩm khiêm nhượng, Cung Tiến đã có những bản nhạc bất hủ trong nền âm nhạc Việt.


Nhạc sĩ Cung Tiến (1938-2022)

 

Bài PHẠM VĂN KỲ THANH


Lời giới thiệu “Nhạc sĩ Cung Tiến vừa giã từ nhân thế ngày 10 tháng 5, 2022, hưởng thọ 83 tuổi; nhiều bài viết về ông trên trang mạng xã hội. Thập niên 1980, nhà phê bình Phạm Văn Kỳ Thanh đã viết một bài phê bình về dòng nhạc Cung Tiến, đăng trong nguyệt san Nhân Văn xuất bản ở San Jose. Trần Củng Sơn, với sự đồng ý của tác giả, đã bỏ công đánh máy dựa vào bản chụp bài báo, để mời quí vị thưởng thức một bài phê bình âm nhạc tỉ mỉ, công phu và giá trị. Chính nhạc sĩ Cung Tiến lúc còn sống thích thú và đã gởi tặng Phạm Văn Kỳ Thanh những tác phẩm xuất bản của mình.”


Chiều hôm qua lang thang trên đường

Nhớ nhớ nhiều lòng thấy chán chường...

......

Gần xa đâu biết nào quê quán

Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi!

Khác với Tạ Tỵ viết về Phạm Duy, người viết hoàn toàn không được quen với Cung Tiến. Cho nên, những nhận xét về những nhạc phẩm của ông hoàn toàn do sự tri âm. Thường khi viết về một người làm văn học nghệ thuật, phải hiểu rõ về cuộc đời lẫn tác phẩm của người ấy mới làm đầy đủ bổn phận đối với độc giả. Riêng về phần đầu, người viết xin khất sẽ tiếp tục với tác giả khi hoàn thành tập khảo luận về “Âm nhạc Việt: từ nhạc cổ truyền, dân ca đến tân nhạc.”

Với một số nhạc phẩm xuất bản chưa đến mười bản: Thu Vàng, Hoài Cảm, Những Đêm Ảo Huyền, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh, Mắt Biếc, Cung Tiến đã tạo cho mình một chỗ đứng rất cao và riêng biệt trong nền tân nhạc Việt. Có lần vì quá hâm mộ nhạc Cung Tiến, một tác giả đã mệnh danh Cung Tiến như “Con Thiên Nga” của nền âm nhạc Việt Nam. Sự hâm mộ đó có đáng chăng? Để trả lời, người viết mời độc giả đi vào thế giới âm nhạc Cung Tiến.

Nhạc Cung Tiến rất gần mà cũng rất xa với người thưởng ngoạn. Từ nhạc phẩm “Thu Vàng” đơn giản, dễ nghe đến cầu kỳ, âm hưởng nhạc cổ điển Tây Phương như “Đêm Hoa Đăng,” “ Nguyệt Cầm,” trở về âm hưởng ngũ cung như “Hoàng Hạc Lâu” như vậy, với số lượng nhạc phẩm khiêm nhường Cung Tiến đã chinh phục được thính giả có trình độ thẩm âm và kiến thức âm nhạc khác nhau.

Nhạc Cung Tiến bắt đầu được phổ biến vào quãng năm 1956 qua chương trình phát thanh “Học Sinh Sinh Viên” trên đài Sài Gòn. Đối với những thanh niên đã bỏ Hà Nội ra đi sau hiệp định Geneve, không khỏi chạnh lòng khi nghe “Thu Vàng.” Cung Tiến đã gợi lại cả một bầu trời mùa thu nhung nhớ Hà Nội. Tuy không nói ra người nghe cũng ngầm hiểu rằng với nỗi buồn bâng khuâng chán chường, tác giả đã tiên đoán được sự mất mát sắp tới của mình: kỷ niệm tuổi hoa niên và mùa thu đất Bắc. Viết với nhịp 6/8 Adagio, Cung Tiến đã cố tình kéo dài mỗi phách của trường canh ra thêm một nửa so với nhịp ¾ để diễn tả trọn vẹn được sự chậm rãi của nỗi buồn gậm nhấm. Day dứt nhất là đoạn điệp khúc, tác giả dùng quãng sáu liên tiếp để khuyếch đại cường độ của nỗi buồn. Kỹ thuật này thính giả thường bắt gặp ở “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ Công Phụng và “ Lệ Đá” của Trần Trịnh, “All by Myself” (ca khúc phổ thông Mỹ do Neil Diamond trình bày). Quãng sáu liên tiếp dễ làm cho bài ca hay nhưng dùng nhiều sẽ làm người nghe nhàm tai, đó là cái lỗi lớn nhất về kỹ thuật Từ Công Phụng mắc phải. Vì lối viết này bàng bạc trong phần lớn tác phẩm của anh từ “Bây Giờ Tháng Mấy” đến “Bài Cho Em,” “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau”... Có lẽ về kỹ thuật viết ca khúc “Thu Vàng” là nhạc phẩm đơn giản nhất của Cung Tiến. Tác giả dùng tám trường canh (measure) cho mỗi câu nhạc (Membre de phrase), và chuyển cung tương đối dễ nghe, loanh quanh quãng bốn, quãng năm và cảm âm.

Tiếp đến nhạc phẩm đã đưa Duy Trác lên đỉnh cao của danh vọng là “Hoài Cảm.” Bản này rất khó hát không phải vì lối phân câu cầu kỳ nhưng đòi hỏi người hát phải có một thang ca (echelle musical) khá rộng. “Hoài Cảm” được viết ở cung Đô Trưởng (Do Majeur), nốt thấp nhất là Sol trầm và nốt cao nhất là Mi 2 (Quảng 10 so với chủ âm), như vậy người hát phải trải qua một âm vực 13 nữa cung. Hầu hết nam ca sĩ Việt Nam có giọng Baritone, có nghĩa là không thể xuống quá nốt Fa trầm và lên quá Fa 2. Vì thế hát “Hoài Cảm” không phổ thông như “Thu Vàng” vì khó hát. Nhạc phẩm này cùng được viết vào năm 1953, cho nên về nhạc thuật không khác “Thu Vàng” mấy, có nghĩa là lối phân câu rất sát luật cân phương, mỗi câu tám trường canh vuông vắn. Lối chuyển cung vẫn bảo thủ, duy có đoạn điệp khúc từ hợp âm thứ đổi thành hợp âm trưởng để diễn tả sự biến đổi của trạng thái tình cảm từ man mác sang ảo não. Với “Thu Vàng” ở cuối đoạn điệp khúc (nghe chừng đâu đây màu tê tái...), tác giả đã đưa người hát đến trạng thái chất ngất của tình cảm, rồi bỏ lơ ở đó, dù không để dấu nghỉ tự do (point d’orgue) người đệm đàn cũng phải ngầm hiểu lót thêm bốn nốt Rê, Do thăng, Si, La để người hát bắt vào đoạn cuối. Những nốt thêm này tạo thành hình ảnh chiếc lá vàng úa lơi lả lìa cành. Còn ở “Hoài Cảm,” tác giả cũng đưa người nghe đến chỗ nghẹn ngào nhất, nhưng câu cuối của điệp khúc có sửa soạn cho người hát đi từ nốt cao, xuống thấp, và trở lại chủ âm, vì thế người hát không bị hẫng khi sang câu kế tiếp.

Sau “Thu Vàng” và “Hoài Cảm” hai năm, nhạc Cung Tiến trở nên cầu kỳ hơn rất nhiều. “Hương Xưa” được viết tại Sài Gòn năm 1955, kích thước của sự nuối tiếc không chỉ còn là nỗi sầu riêng tư không rõ rết. Cung Tiến đã gợi lại cả một hình ảnh quê hương thanh bình thủa ấy bằng những đoạn nhạc dài hơn (32 trường canh cho mỗi đoạn nhạc), thông lệ (16 trường canh). Chỗ chuyển tiếp giữa hai đoạn nhạc của điệp khúc tác giả đã thêm phần nhạc đệm viết rất công phu mang âm hưởng một Sonate dương cầm thời cổ điển. Nếu đứng trên quan điểm nghệ thuật, đáng nhẽ Cung Tiến nên chọn hình thức trường ca mới diễn tả trọn vẹn ý nhạc phong phú của “Hương Xưa.” Nếu kể về hình thức (form) với “Hương Xưa” Cung Tiến đã viết dài hơn một ca khúc và ngắn hơn một trường ca. Nhiều đoạn nhạc (passage) tác giả sử dụng lối viết liên cung (diatonique), lối này thường áp dụng cho nhạc khí hơn là ca khúc (lời Đường thi rền trong sương mưa), nếu ca sĩ không nắm vững kỹ thuật rất dễ bị hụt hơi. Ngay trong đoạn đầu, (những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu...) tác giả bắt người hát phải kéo dài tám phách ½ liên tục. Trừ ca sĩ hát Opera, rất ít người đủ hơi để diễn tả đúng ý tác giả. Tuy nhiên ý nhạc của “Hương Xưa” rất dồi dào phong phú so với “Thu Vàng” và “Hoài Cảm.” Với ba mươi hai trường canh đầu tiên, Cung Tiến đã mang người thưởng thức về khung trời kỷ niệm với “cây đa bến cũ con đò năm xưa,” với tiếng sáo diều vi vu rộn rã của buổi chiều cô thôn, với tiếng khung quay tơ đều đặn của trưa hè, sang ba mươi hai trường canh điệp khúc, tác giả quay lại cả cuốn phim văn học nghệ thuật cổ xưa trong đó có lời ngâm Đường thi, tiếng nhị hồ não nuột, tiếng nguyệt cầm dập khoan. Ở ba mươi hai trường canh cuối cùng tác giả mong có một mùa thu nào đó, đất nước thanh bình, trở về thiên đường tuổi nhỏ nhặt lá thu rơi, nơi đó có tính người, tình yêu chan chứa.

Ca khúc Cung Tiến ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương rõ rệt nhất là “ Đêm Hoa Đăng” (nhạc phẩm được phổ biến nhưng chưa xuất bản). Ngay câu đầu tiên (Một đêm giữa mùa vui liên hoan...) bài này, nét nhạc giống nhạc đề (Open Theme) của đoản khúc thứ nhất (1st Movement Allegero), cầm tấu khúc số 15, cung Đô trưởng (Sonata No 15) của Mozart. So với “Hương Xưa” Đêm Hoa Đăng phức tạp hơn nhiều, lối viết rất phóng khoáng, phân câu không còn theo qui luật biền ngẫu như trước. Ở điệp khúc cũng có một đoạn đơn tấu bởi nhạc khí nghe rộn rã rất Mozart. Vẫn là “Giấc Mơ” của Cung Tiến về quê hương cũ, đất nước thanh bình và tình yêu đôi lứa mãi không chết trong tuổi xanh.

Thời gian từ 1953 đến 1960 Cung Tiến cho xuất bản “Những Đêm Ảo Huyền,” ca khúc mang nhịp điệu Tango, nét nhạc rất thời trang như “Những Bước Chân Âm Thầm,” “Xóm Đêm,” hoặc “Kiếp Nghèo.” Có điều lạ ca khúc này không được phổ biến rộng rãi như những ca khúc phổ thông nói trên của những nhạc sĩ cùng thời. Cũng thời gian này ca khúc “Chiều Cách Vợi” được trình bày đôi lần trên đài phát thanh Sài Gòn rồi chịu chung số phận với “Những Đêm Ảo Huyền.” So về kỹ thuật hai ca khúc này đơn giản hơn những ca khúc của Cung Tiến rất nhiều. Thoạt nghe, nếu không có lời giới thiệu, khó có thể nhận ra đó là nhạc của Cung Tiến, vì nét nhạc quá mộc mạc, bình thường.

Cung Tiến có cho phổ biến trường ca “Mùa Hoa Nở” qua giới học sinh, sinh viên. Cũng vì thế, tuy hòa âm công phu, ý nhạc súc tích nhưng trường ca này ít người biết đến. Đó cũng là trường hợp chung của trường ca “Màu Hồng Sử Xanh,” “Ngày Trường Hận” (Hoàng Thi Thơ), Việt Nam Sử Ca (Trần Bửu Đức tức Tống Ngọc Hạp). Để trình bày loại nhạc hợp xướng này, ban hợp ca phải qui tụ đông người và tập luyện công phu. Trừ học sinh, sinh viên, ít đoàn thể nào có phương tiện để sửa soạn trình diễn loại nhạc này.

Phỏng theo ý thơ Xuân Diệu, Cung Tiến giới thiệu “Nguyệt Cầm” với thính giả năm 1956, sau “Hương Xưa” một năm. Ngay đoạn dạo đầu Cung Tiến đã dùng nhạc Beethoven để vào đề cho ca khúc của mình. Chính vì thế người nghe không lạ nếu câu đầu tiên, đoạn thứ hai của Nguyệt Cầm (Long lanh long lanh trăng chiếu một mình...) Cung Tiến lấy ở trường canh số 21 trong cầm tấu khúc số hai, đoạn 2 của Mozart (Andante- Sonata No 2, Key Fab). Về kỹ thuật viết nhạc Cung Tiến lại đổi một lần nữa. Tác giả đã phá hẳn luật cân phương, câu nhạc dài ngắn tùy ý. Lối này rất phóng khoáng, tuy nhiên rất khó sử dụng. Cũng như trong hội họa muốn vẽ lập thể phải vững hình họa trước. Nếu không chỉ là một sự phá luật khôi hài, lẫn trốn kỹ thuật căn bản. Trong “Nguyệt Cầm” Cung Tiến chuyển cung rất xa, từ Mi Trưởng sang Fa thăng thứ về Si giảm trưởng (Đêm mùa trăng úa...nhớ thương mùa thu), rồi từ Mi trưởng sang La trưởng, Fa thăng thứ, Sol trưởng... (Trăng Tầm Dương...chết theo nước xanh...) điệp khúc trong “Nguyệt Cầm” cũng không rõ rệt (...long lanh...khơi mãi tình sâu...) gồm hai đoạn khác nhau ghép lại. Điều này chứng tỏ Cung Tiến đã đạt trình độ kỹ thuật rất cao về lối viết ca khúc. Tác giả phá luật cân phương, chuyển cung xa nhưng bố cục bài nhạc vẫn chặt chẻ, gắn bó, ý nhạc vẫn đầm thắm luân lưu. Tuy nhiên, để người hát không bị lạc lõng, lúng túng, Cung Tiến vẫn cho kết ở chủ âm.

Sang đến 1957, Cung Tiến cho ra mắt “Lệ Đá Xanh” viết tại Sydney, Úc Đại Lợi. Vì phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, (thể loại thơ tự do ), tác giả vì phải tôn trọng nhà thơ nên bỏ hẳn luật cân phương để khỏi phân đoạn lại, hoặc sửa lời thơ. Hơn nữa nhiều khi tác giả đang dùng nhịp 4/4 bỗng đổi sang ¾ đột ngột rồi 4/4 . Có lẽ chính vì thế gây sự khó khăn cho người hát và người đệm đàn không đoán trước được sự phân câu và chuyển đoạn. Không biết Phạm Đình Chương viết “Nữa Hồn Thương Đau” vào quãng thời gian nào? Điều ngẫu nhiên trường canh thứ 22 của bản nhạc này (Đôi khi em muốn tin...) giống y hệt trường canh thứ 19 của “Lệ Đá Xanh” (Đôi khi em muốn tin...). Có điều chắc chắn Cung Tiến và Phạm Đình Chương cùng lấy ý thơ Thanh Tâm Tuyền, và tất nhiên hai ca khúc đều có nét đặc thù riêng. “Lệ Đá Xanh” được viết theo cung Đô Trưởng, nhưng Cung Tiến dùng dấu hóa bất thường (Alteration Irregulaire) khá nhiều và lại kết ở cung Mi Trưởng, nên người hát phải có trình độ nhạc pháp khá cao mới trình bày được hoàn hảo. Với 54 trường canh quả thật Cung Tiến đã đưa người hát lẫn người nghe đi một cuộc hành trình kỳ thú, luôn có những cảnh sắc mới lạ. Điều này xảy ra tương tự với “Mắt Biếc.” Càng ngày Cung Tiến càng đi xa người thưởng ngoạn có kiến thức âm nhạc trung bình. Người chuộng tân nhạc Việt nghe nhạc Cung Tiến sau này cũng như thính giả nhạc cổ điển Tây phương nghe nhạc Schoenberg hay Mahler. Tuy cùng là rượu vang quí nhưng vừa uống vừa phải vận dụng sự tinh anh của vị giác, khứu giác mới cảm nhận được mùi thơm của phẩm (Flavor) đến vị ngon của rượu (flagrance) cho đến cái tận cùng tinh túy của chất nho (bouquet). So với “Lệ Đá Xanh,” tuy nhiên “Mắt Biếc” còn bàng bạc chủ âm từ đầu đến cuối khiến người thưởng ngoạn không đến nỗi để lạc lối, từ trường canh 45 (Đâu ngờ phút giây huy hoàng...) tác giả chuyển cung từ Rê thứ rồi Fa thăng trưởng...

“ Hoàng Hạc Lâu” một danh thi của Thôi Hiệu ít nhất đã được bốn dịch giả Việt Nam chuyển thành Việt ngữ: Tản Đà, Bùi Khánh Đản, Vũ Hoàng Chương, Đào Mộng Nam. Trong vòng non một phần tư thế kỷ Cung Tiến hai lần bỏ quê hương. Nếu 1953, Cung Tiến nuối tiếc kỷ niệm thời hoa niên với mùa thu Hà Nội vàng úa, thì 1975 Cung Tiến nhớ cả quê hương hai miền qua “Hoàng Hạc Lâu.” Tựa trên bản dịch của Vũ Hoàng Chương, Cung Tiến dịch chuyển khuynh hướng âm nhạc của mình 180 độ khi dùng âm giai ngũ cung phổ nhạc bài thơ về lầu Hoàng Hạc. Cung Tiến sử dụng sự chuyển hệ của âm giai ngũ cung tài tình không kém sự chuyển cung trong những bản nhạc ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương. Cung Tiến tìm cho mình thấy cả một khung trời tự do trong cả hai hệ thống âm giai Đông Tây. Đó là dấu hiệu của sự sai khiến được kỹ thuật dưới ngòi bút mình để phục tòng sự biểu lộ xúc cảm, ưu tư.

Ngoài khả năng viết ca khúc, Cung Tiến là nhạc sĩ đầu tiên cho xuất bản ca khúc của mình có phụ soạn tây ban cầm và dương cầm. Muốn sử dụng được phần phụ soạn này người đệm đàn cũng phải có trình độ nhạc thủ khá cao. Chẳng hạn trong “Hoàng Hạc Lâu,” Cung Tiến dùng kỹ thuật reo dây viết phần phụ họa tây ban cầm, muốn sử dụng kỹ thuật này thành thạo phải tốn ít nhất 6 năm tập luyện.

Cũng vì Cung Tiến sử dụng kỹ thuật viết ca khúc và nhạc đệm quá cao so với người thưởng ngoạn nên nhạc Cung Tiến không được phổ biến đúng mức. Có lẽ kỹ thuật này nên áp dụng cho hình thức đại nhạc thì hơn (Sonate, Concerto, Symphony, Opera...). Tuy nhiên người thưởng ngoạn nhạc Cung Tiến ít ai phủ nhận, dù với một số lượng nhạc phẩm khiêm nhượng, Cung Tiến đã có những bản nhạc bất hủ trong nền âm nhạc Việt.

(San Jose 1986 )

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT