Kinh Doanh

Người Trung Hoa đến xem nhưng không ký hợp đồng mua đậu nành của Mỹ

Saturday, 08/09/2018 - 08:29:44

Phái đoàn này bao gồm nhiều công ty chế biến đậu nành hàng đầu của Trung Quốc trong số đó có COFCO và Yihai Kerry, cũng như các đại diện Trung Quốc của hai công ty Mỹ Cargill Inc. và Bunge Ltd.. Họ đã gặp gỡ các nông gia Mỹ, các đại diện ngành và những người buôn bán.


Ông Michael Kuster đổ đậu nành vào kho chứa tại nông trại Ruff Bros. ở thị xã Blackstone, tiểu bang Illinois trong tháng Sáu 2018. Giá đậu nành Mỹ trên thị trường đã bị giảm vì không bán được cho Trung Quốc. (Scott Olson/Getty Images)


KANSAS CITY - Hội nghị hàng năm của các hãng xuất cảng đậu nành Mỹ đã kết thúc trong tuần qua, trong những ngày cuối cùng của tháng Tám, mà không có bất cứ một công ty Trung Hoa nào một ký hợp đồng nào với người Mỹ. Đây là điều trái ngược với những năm trước đây, khi khối lượng đậu nành được người Trung Hoa mua trị giá hàng tỷ Mỹ kim được ký kết trong những buổi lễ trang trọng. Đậu này là nông phẩm xuất cảng hàng đầu của Mỹ.

Cuộc tranh chấp mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ngăn chặn thương mại song phương trong lãnh vực đậu nành. Giới nông dân Mỹ lo ngại rằng nhu cầu xuất cảng đậu nành sẽ không đạt mục tiêu, trong mùa vận chuyển chính của họ vào mùa thu này, khi họ dự kiến thu hoạch được một mùa lớn ở mức kỷ lục.
Các phái đoàn từ những nước khác, trong số đó có Mễ Tây Cơ, đã ký những thỏa thuận mua đậu nành Mỹ, nhưng các khối lượng đó đều nhỏ so với những thỏa thuận trước đây được ký với Trung Quốc.

Mặc dù có cuộc chiến thương mại, một phái đoàn gồm các nhà nhập cảng đậu nành Trung Hoa cũng dã đến dự hội nghị Giao Dịch Thương Mại Toàn Cầu hàng năm, do Hội Đồng Xuất Cảng Đậu Nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức tại thành phố Kansas City. Hôm thứ Ba họ đi thăm một nông trại ở tiểu bang Missouri, leo lên một chiếc máy John Deere hái đậu nành, trước khi lên một chiếc xe bus để ngắm những cánh đồng với cây đậu nành sắp chín.

Phái đoàn này bao gồm nhiều công ty chế biến đậu nành hàng đầu của Trung Quốc trong số đó có COFCO và Yihai Kerry, cũng như các đại diện Trung Quốc của hai công ty Mỹ Cargill Inc. và Bunge Ltd.. Họ đã gặp gỡ các nông gia Mỹ, các đại diện ngành và những người buôn bán.

Vào năm ngoái, hãng nhập cảng hàng đầu của Trung Quốc đã mua khối lượng đậu nành trị giá hơn $12 tỷ Mỹ kim, tức khoảng 60 phần trăm lượng xuất cảng đậu nành của Mỹ. Tuy nhiên phần lớn đậu nành Mỹ đã ra khỏi thị trường Trung Quốc, từ khi Bắc Kinh áp đặt mức thuế 25 phần trăm, cho tất cả các lô hàng của Mỹ vào ngày 6 tháng Bảy, để trả đũa việc Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc.

Tính cho đến nay, đậu nành là nạn nhân nông nghiệp lớn nhất trong cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Mu Yan Kui, giám đốc điều hành của Yihai Kerry, cho biết lượng nhập cảng đậu tương mùa 2018/19 của Trung Quốc, từ tất cả các nguồn xuất xứ, có thể giảm xuống còn 86 triệu tấn, từ mức 96 triệu trong mùa hiện giờ, nếu chiến tranh thương mại vẫn kéo dài. Những người cung cấp thức ăn cho heo và gia cầm có thể cắt giảm nhu cầu của họ đối với đậu nành Mỹ, bằng cách khai thác các cổ phiếu của chính phủ, giảm mức sử dụng đậu nành trong các phần ăn, và dùng những thức ăn thay thế, như hạt hoa hướng dương hoặc hạt cải dầu.

Ông nói với những người tham dự hội nghị hôm thứ tư, “Nếu xung đột thương mại không thể được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả, nó chắc chắn sẽ định hình lại thị trường toàn cầu.”
Tuy nhiên, các nhà xuất cảng Mỹ cho biết họ không muốn bỏ cuộc trên một thị trường mà họ đã dành nhiều nỗ lực để tạo dựng, sau khi đầu tư khoảng từ $120 triệu cho tới $130 triệu, vào việc phát triển thị trường Trung Quốc trong 36 năm qua.

Trong một cuộc phỏng vấn tại nông trại Missouri hôm thứ Ba, ông Jim Sutter, giám đốc điều hành của USSEC, nói, “Chúng tôi đã quyết định một cách ý thức là không ngưng các chương trình của chúng tôi ở Trung Quốc, vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình quảng cáo và giáo dục ở đó. Một phần trong đó là việc đưa một phái đoàn sang đây.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT