Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 1)

Sunday, 15/02/2015 - 10:38:20

Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Hàn lần lượt xếp đầu bảng trong danh sách các quốc gia có giáo viên được tôn trọng nhất. Hoa Kỳ xếp vị trí số 9 trong số 21 nước.

Bài BĂNG HUYỀN

Nghề giáo là một nghề thiêng liêng và cao quý

Các nước Á Đông thời phong kiến theo tư tưởng Khổng Mạnh xưa kia, những ông đồ dạy học hay những người học hành đỗ đạt như những ông Nghè, ông Cống được xã hội rất mực coi trọng. Họ là những người học chữ "thánh hiền" nên họ luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội luôn gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách, tài năng, luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới.
Đối với cộng đồng người lao động của người Việt thời phong kiến, hình ảnh người thầy là hình ảnh của những người đi đầu trong làng xã, những người luôn được cộng đồng tìm đến như những vị quân sư cho họ trong cuộc sống hàng ngày, người thầy luôn hiện lên trong tâm thức cộng đồng như những hình mẫu về đạo đức, lối sống, tri thức và uy tín cá nhân. Do vậy, người thầy không chỉ là hình mẫu để mọi người vươn tới mà còn là cứu cánh, là nơi họ gửi gắm niềm tin về lẽ phải và sự công bằng trong xã hội. Người thầy luôn được kính trọng, thậm chí vị trí người thầy còn được xác định cao hơn cả người cha trong gia đình, thể hiện ở câu "Quân, sư, phụ" có nghĩa về thứ bậc trong xã hội: Trước hết là vua, đến thầy rồi mới đến cha. Coi trọng đạo làm người, cha ông ta luôn biết ơn, trân trọng và tôn vinh những người truyền dạy đạo làm người, "Công cha, áo mẹ, chữ thầy" là 3 nghĩa lớn thể hiện sự tôn vinh công lao to lớn đó của người thầy.

(Getty Images)



Quan niệm về nghề giáo trên thế giới và tại Hoa Kỳ

Đó là với quan niệm xưa kia, vậy trong thời đại ngày nay thì sao? Vị trí của nghề giáo viên so với các nghề khác trong suy nghĩ người dân ra sao? Thu nhập của giáo viên có được đánh giá là công bằng hay không, và người dân có khuyến khích con cháu mình theo nghề này hay không?
Từ một tài liệu được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu dựa theo nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Varkey GEMS có trụ sở tại Vương quốc Ả rập thống nhất sau 1,000 cuộc phỏng vấn ở 21 quốc gia. Kết quả nghiên cứu rút ra một số kết luận sau:
Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Hàn lần lượt xếp đầu bảng trong danh sách các quốc gia có giáo viên được tôn trọng nhất. Hoa Kỳ xếp vị trí số 9 trong số 21 nước.
Giáo viên có vị trí xã hội thấp nhất là ở Israel, Brazil, Cộng hòa Séc và Ý.
50% số người được khảo sát ở Trung Quốc cho rằng họ “hoàn toàn” khuyến khích con cái theo nghề giáo. Ở Mỹ, con số đó chỉ là hơn 30% và chỉ có 8% ở Israel.
Ở Trung Quốc, người dân có xu hướng coi trọng nghề bác sĩ và giáo viên hơn các ngành nghề khác.
Tại Mỹ, Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, nghề giáo viên thường được so sánh với nghề thư viện. Ở Hy Lạp, Ai Cập, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác, giáo viên thường được coi như nhân viên xã hội.
Khoảng 60% số người được hỏi cho rằng giáo viên nên được trả lương dựa trên thành tích học tập của học sinh. Ở Mỹ, 80% người dân ủng hộ ý kiến này.
Khảo sát cũng tìm hiểu mức lợi tức của nghề giáo viên ở các nước, trong đó cao nhất là Singapore với $45,755 Mỹ kim/ năm và thấp nhất là Ai Cập với $10,604/ năm. Mức lương trung bình của giáo viên Mỹ là $44,917/ năm.
Ông Sunny Varkey – người sáng lập tổ chức Varkey GEMS nhận xét: “Ở nhiều quốc gia, giáo viên không còn được tôn trọng như xưa nữa. Theo thời gian, sự tôn trọng giảm xuống sẽ làm suy yếu việc giảng dạy, học tập cũng như cơ hội học tập của hàng triệu người, và cuối cùng sẽ làm tổn hại tới xã hội nói chung.”
Ngoài ra “Trong một nghiên cứu trên tạp chí Education Next (số Fall 2013/ vol.13, No.4. của Đại Học Harvard) tác giả bài báo viết rằng ở Hoa Kỳ mấy thập niên qua hiếm thấy người nào có trình độ cao lại lựa chọn nghề dạy học. Ông kể rằng trong một lần đón các giáo viên giỏi về trường đại học nhận khen thưởng, ông hỏi nhiều thầy cô giáo là trước đây họ có lựa chọn nghề dạy không thì mọi người đều cười gượng gạo. Một cô giáo nói với tác giả rằng họ chưa bao giờ từng nghĩ là mình sẽ chọn nghề dạy học vì biết chắc là lương thấp (ở Hoa Kỳ, lương giáo viên chỉ bằng hai phần ba các ngành nghề khác cho dù cùng được đào tạo như nhau), điều kiện làm việc không tốt, giáo viên ít được tôn trọng và không có cơ hội thăng tiến.”

Nghề giáo không phải là nghề hấp dẫn tại Hoa Kỳ?

Có thể nói ở Hoa Kỳ, dạy học không phải là nghề hấp dẫn. Được biết giáo viên tại Hoa Kỳ hiện có mức lương trung bình là $46,752/năm - đây là con số lớn với giáo viên ở những nước nghèo, nhưng với giáo viên ở Hoa Kỳ thì lương đã dậm chân tại chỗ nhiều năm nay bởi hầu như không tăng do mức lạm phát cao. Từ năm 2000, lương giáo viên đã tăng hàng năm từ 2.1 đến 3.8% mỗi năm nhưng cũng chỉ là đuổi theo lạm phát.
Lương thường được xem là một lý do quan trọng khiến các trường phải vật lộn để thuê và giữ chân giáo viên, đặc biệt ở những nơi thường thiếu giáo viên. Hơn 20 năm qua, lương GV đã tăng trung bình $24,150 nhưng nếu trừ đi tỉ lệ lạm phát thì số lương thực tăng lên chỉ là $2,677 hay 11.3%. Trong hơn một thập niên qua, lương thực tế của giáo viên ở 15 tiểu bang đã tụt đi vì tỉ lệ lạm phát cao hơn tỉ lệ tăng lương. Sự chênh lệch lớn lương giáo viên giữa các bang tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ giáo viên.
Trả lương giáo viên cao nhất là tiểu bang Connecticut, giáo viên trường công được trả lương trung bình $57,337/năm. Vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đứng tiếp theo với $57,009. South Dakota trả lương trung bình thấp nhất với $33,236, trong khi Oklahoma đứng ngay trên với $35,061. Giáo viên đa phần được trả lương theo bằng cấp và thâm niên, hiện nhiều quận và tiểu bang đang thảo luận, có nơi đã thí điểm, trả lương theo năng lực giảng dạy.
Mà thu nhập là động lực quan trọng giúp giáo viên tích cực trau dồi kỹ năng, kỹ xảo, nâng cao nghiệp vụ, ảnh hưởng không nhỏ tới phẩm chất giảng dạy. Mức lương trung bình của giáo viên cấp 3 chỉ bằng 72% mức lương bình quân của lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học, trong khi ở các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) con số đó là 90%.
Cụ thể, tính trên toàn bộ ngành nghề, lương bình quân của người đã tốt nghiệp đại học là $100,000 thì lương trung bình của giáo viên $72,000.
Trong khi thu nhập thực tế không tăng lên nhiều năm qua thì nghề giáo viên tại Mỹ đang bị coi là nghề vất vả và “nguy hiểm”. Nạn hành hung giáo viên trở nên nhức nhối. Phụ huynh hành hung giáo viên, học sinh nổ súng trong trường học giết giáo viên và bạn học…
Có thể nói tại Hoa Kỳ sự tôn trọng cơ quan giáo dục đã thay đổi một cách rõ rệt. Giáo viên nói chung đã không còn được tôn trọng như trước. Các chuyên gia giáo dục cho rằng các vụ tấn công và chửi rủa giáo viên, một phần, là bởi sự suy giảm phép lịch sự nói chung và sự cạnh tranh căng thẳng ngày nay nhằm kiếm được một chỗ trong những trường đại học tốt. Các Giáo viên nói chung đang chịu áp lực rất lớn sự đe dọa từ phía phụ huynh, học sinh.
Theo Bussines Insider, “Hiện Hoa Kỳ có 3.3 triệu giáo viên ở các trường công lập. Song, sang thập niên tới, sẽ có tới 40% người tới độ tuổi nghỉ hưu và khoảng 40,000 giáo viên khác bỏ nghề với nhiều lý do khác,” Susan Lund, giám đốc nghiên cứu của viện McKinsey, cho biết. Bà cho rằng, ngành sư phạm ở Hoa Kỳ đang trải qua cơn bĩ cực chuyển đổi cả về số lượng và phẩm chất, số lượng giáo viên “ra đi” khá nhiều. Đương nhiên, nó sẽ giúp Hoa Kỳ tìm kiếm thêm những tài năng mới. Nhưng cái khó là ngành sư phạm không còn sức hút khi mức lương trả cho giáo viên khá thấp.”
Cũng theo tài liệu của viện McKinsey cho rằng “trong một cuộc kiểm tra 1,300 sinh viên, những người nhận được sự giảng dạy chuyên nghiệp và tận tình ghi điểm cao hơn 21% so với những sinh viên dưới sự hướng dẫn của giáo viên không yêu nghề. Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy, trong 1,600 sinh viên đại học chỉ có 9% muốn theo con đường sư phạm.”
Với những ưu đãi khá ít, vị thế nhà giáo không được coi trọng dẫn tới tính trạng số lượng đông giáo viên muốn rũ bỏ sự nghiệp, hoặc sinh viên không muốn chọn nghề giáo là điều dễ hiểu?
(còn tiếp)
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT