Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 11)

Monday, 27/04/2015 - 08:47:30

Cũng nhờ nói tiếng Việt thông thạo, Ashley có thể giúp những phụ huynh Việt Nam không rành Anh ngữ dễ dàng hơn.”

Bài BĂNG HUYỀN

Tâm tình của giáo viên cố vấn tại trường trung học

Cô giáo trẻ Ashley La là giáo viên cố vấn (counselor) tại trường trung học Westminster được 3 năm nay, dù sinh ra tại Mỹ, nhưng cô giáo Ashley La vẫn giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ, có thể giao tiếp bằng tiếng Việt thông thạo không kém gì những người sinh ra và trưởng thành tại Việt Nam. Ashley La cho biết: “Nhờ Ashley làm việc nhiều trong cộng đồng Việt Nam, nên có cơ hội thực tập tiếng Việt, mỗi ngày nói khá hơn một chút, hơn nữa giữ được tiếng Việt cũng vì từ nhỏ Ashley sống với bà ngoại, mà bà thì không biết tiếng Anh. Cũng nhờ nói tiếng Việt thông thạo, Ashley có thể giúp những phụ huynh Việt Nam không rành Anh ngữ dễ dàng hơn.”

Giáo viên cố vấn Ashley và học sinh trong buổi lễ tốt nghiệp. (Hình do cô Ashley cung cấp)



Kể về nguyên do trở thành giáo viên cố vấn, cô giáo Ashley La tâm sự: “Ashley được sinh ra khi má Ashley còn rất trẻ, Ashley không có ba, nên khi mẹ Ashley có chồng mới, Ashley phải sống với bà ngoại, Ashley thấy trong trường học cũng có rất nhiều bố mẹ trẻ, nên Ashley hiểu hoàn cảnh một học sinh được sinh ra trong gia đình bố mẹ ly dị hoặc không có ba, hoặc không có người hướng dẫn giúp trong việc học và trong đời sống. Ashley hiểu hoàn cảnh đó ra sao, Ashley có thể hiểu được tâm sự của các em, nên muốn giúp đỡ các em vượt qua những khó khăn mà hồi nhỏ Ashley đã vượt qua được cũng nhờ tình yêu thương của bà ngoại và giáo viên cố vấn trong trường đã giúp Ashley.
“Khi học trung học, Ashley rất thân với giáo viên cố vấn của mình, hiện tại Ashley cũng hay đi ăn trưa với bà, vì bà đã nghỉ hưu rồi. Ashley rất mong các học sinh hãy có sự liên hệ tốt với giáo viên cố vấn và giáo viên các môn học trong nhà trường. Khi mình có liên hệ tốt với giáo viên cố vấn, cô giáo, thầy giáo trong trường, thì mình muốn đi học nhiều hơn, vì mình thấy sự ấm cúng của nhà trường. Trong thời gian Ashley học tại đại học UCI để lấy bằng cử nhân Tâm Lý (Psychology and Social Behavior), Ashley có đi làm trong chương trình Early Academic Outreach Program (EAOP) giúp các học sinh trung học trong gia đình có lợi tức thấp không có điều kiện đi học đại học, tìm học bổng, viết bài luận văn cá nhân để nộp đơn xin học.
“Lúc bấy giờ, Ashley thấy có nhiều em học sinh không có người hướng dẫn ở gia đình, bố mẹ đi làm 2, 3 công việc, không có thời gian giúp các em chọn lớp học, không có điều kiện để giúp các em làm đơn lên đại học, xin tài trợ học bổng… Chính từ công việc này mà Ashley quyết định sẽ trở thành giáo viên cố vấn, sau khi hoàn tất cử nhân 4 năm về tâm lý, Ashley học tiếp Thạc sĩ về Educational Counseling tại Đại học Azusa Pacific University.”
Giáo viên cố vấn Ashley tâm sự thêm: “Ashley muốn chia sẻ với các phụ huynh, có nhiều phụ huynh Việt Nam cứ cho rằng mình không có ăn học cao, không biết tiếng Anh, nên không thể hướng dẫn con của mình. Điều đó là sai hoàn toàn. Hồi đó bà ngoại của Ashley không biết nói tiếng Anh và bây giờ cũng vậy, nhưng bà luôn khích lệ Ashley học. Không có bằng cấp không có nghĩa là không có năng lực giúp đỡ con mình. Mình chỉ cần khuyến khích con mỗi ngày hãy học bài, làm bài tập, nếu mình không hiểu tiếng Anh, không biết để dạy kèm cho con, thì cho con đi học kèm sau giờ học, hoặc trước giờ học.
“Vì trong nhà trường có rất nhiều chương trình giúp các em thành công trong học vấn, những chương trình học này là miễn phí. Phụ huynh hãy ủng hộ con của mình hết sức, mỗi ngày phải quan tâm đến việc học của con, nhắc nhở con học bài chứ không nên để con mãi chơi game, xem truyền hình… Mình có thể nâng đỡ cho con bằng tình yêu thương, con đi học về, cho con ăn những bữa ăn tối thật ngon… Không dạy kèm con học được thì tìm nơi gửi con đến học kèm.
“Phụ huynh không nên e ngại tìm đến trường để nhờ giáo viên trong trường giúp đỡ con mình, vì trong trường luôn có người thông dịch giúp đỡ phụ huynh, vì may mắn cho chúng ta là sống ở quận Cam, cộng đồng người Việt mạnh, nên việc thông dịch không phải là khó khăn. Nhất là những buổi họp do trường tổ chức giúp phụ huynh cách hiểu con, dạy con hoặc tìm hiểu về các chương trình học để các em học lên đại học… phụ huynh nên tham dự. ”

Công việc của giáo viên cố vấn (counselor)

Theo lời giới thiệu của giáo viên Ashley La, tại Hoa Kỳ, trong môi trường học đường luôn có những giáo viên cố vấn (được gọi là counselor) sử dụng những kiến thức tâm lý học và các kỹ năng tư vấn nhằm giúp trường học giải quyết những vấn đề như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ liên nhân cách và những rối loạn cảm xúc và nhân cách. Các counselor có nhiệm vụ cố vấn giúp học sinh trong quá trình tìm hiểu cũng như nộp hồ sơ vào các trường đại học.
Các giáo viên cố vấn cũng sẽ tổ chức cho học sinh đi tham quan các trường, hướng dẫn chi tiết cho học sinh từ khâu chuẩn bị các bài thi chuẩn hóa (SAT, TOEFL, ACT…), đưa ra những lời khuyên làm thế nào để viết bài luận văn cá nhân để nộp đơn xin vào đại học, đến cách thức để tìm kiếm thông tin của các trường đại học...Thường trung bình một tuần, học sinh sẽ có một tiết học với thầy cô counselor. Trong tiết học này, giáo viên cố vấn sẽ đề cập từng bước cụ thể cho học sinh như cách lên mạng tìm kiếm thông tin, nguồn ở đâu thì chính xác, hoặc cần phải làm những gì, tránh những điều gì trong chuyến đi tham quan trường…
Thường các trường trung học phổ thông (High School) tại Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, mời những vị khách có kinh nghiệm, nổi tiếng đến nói chuyện với học sinh ở từng lĩnh vực khác nhau. Học sinh có thể ghi danh tham gia nhiều buổi tọa đàm như vậy. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng thường xuyên liên hệ với các nguồn khác (từ trường Đại Học, các công ty, tổ chức...) để thông báo và tạo cơ hội cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó.
Công việc của các giáo viên cố vấn rất bận rộn. Không chỉ giúp cố vấn các học sinh, họ còn có những liên lạc từ nơi khác, cung cấp thông tin cho học sinh hoặc các buổi college fair. Họ còn thông báo về các cơ hội học hè (về tự nhiên, xã hội, sinh học, hóa,...) đến với học sinh. Qua những sự kiện này sẽ giúp học sinh có khái niệm về dự định sẽ làm trong tương lai gần và xa, học sinh sẽ được tiếp cận và tiếp thu những kiễn thức mới mẻ, nhằm củng cố về khái niệm học sinh đó sẽ thích làm gì trong tương lai.
Giáo viên cố vấn còn hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực, phát hiện những khó khăn của con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục. Giúp hỗ trợ giáo viên và những thành viên khác trong nhà trường trong việc giao tiếp và tiếp cận với học sinh, kịp thời phát hiện những nhu cầu và những vấn đề cần sự can thiệp của nhà tham vấn. Giúp hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, cách thức tổ chức các hoạt động nhằm phát triển và ngăn ngừa các hành vi nguy cơ trong trường học của học sinh.
Phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ và can thiệp trong trường hợp học sinh có những vấn đề liên quan đến những hoạt động bên ngoài như các vấn đề pháp luật, các vấn đề về bệnh tâm lý… Lưu giữ hồ sơ những học sinh có những vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong những trường hợp cần thiết sau này.
Giáo viên cố vấn Ashley kể: “Năm nay Ashley 30 tuổi, hồi xưa Ashley vừa ra trường, công việc đầu tiên của Ashley làm giáo viên cố vấn tại học khu Gadern Grove. Khi đó học khu gửi Ashley đến 3 trường khác nhau để làm cố vấn. Trong tuần năm ngày, 2 ngày làm ở trường trung học cơ sở (Các em lớp 7, lớp 8) và 3 ngày kia thì làm ở trường trung học phổ thông (các em từ lớp 9 đến lớp 12).
“Khi đó Ashley chỉ mới 24 tuổi, mà hướng dẫn cho các học sinh 18, 19 tuổi, khi đó cũng là 1 khó khăn lớn, vì phải biết cách tâm sự với học sinh, nhưng đồng thời cũng phải cho họ biết mình không phải là bạn của họ mà là giúp đỡ họ, chứ không họ thấy mình còn trẻ, họ không nể mình, thì mình cũng không làm việc được. Ba năm nay khi về làm giáo viên cố vấn chỉ ở 1 ngôi trường [trường trung học Westminster thuộc học khu Hungtington Beach], thì Ashley cảm thấy ấm cúng hơn, học sinh muốn gặp Ashley lúc nào cũng được, phụ huynh cũng có thể sắp xếp một buổi họp với Ashley, Ashley rất yêu ngôi trường này. Với đối tượng là học sinh Việt Nam, Ashley thấy về học vấn thường các em rất cố gắng học, phụ huynh cũng rất quan tâm khuyến khích con học. Tuy nhiên Ashley thấy các học sinh Việt Nam gặp khó khăn là không biết cách tâm sự với phụ huynh, và bản thân các phụ huynh cũng có khó khăn trong việc tâm sự với con mình.
“Vì phần lớn phụ huynh lớn lên ở Việt Nam, được bố mẹ dạy là không cãi lời cha mẹ, cha mẹ nói sao là phải nghe vậy. Nhưng còn tại Hoa Kỳ, phụ huynh phải biết cách hiểu con cái, lắng nghe con, và phải giải thích cho con hiểu tại sao không nên làm điều này, tại sao nên làm điều kia, chứ không thể ép buột con theo ý mình. Những vấn đề các học sinh gốc Việt nhờ Ashley nhiều nhất là sắp xếp lớp học cho các em để đủ điều kiện xin vào trường đại học hoặc là xin tài trợ học phí financial aid. Có rất nhiều học sinh gặp Ashley, nhờ Ashley làm làm cầu nối với phụ huynh để phụ huynh hiểu hơn con của mình qua những nguyện vọng học tập lên đại học của các em.”
Cô giáo Ashley nói: “Chẳng hạn nhiều khi các em học rất giỏi và được nhận vào những đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, nhưng bố mẹ không cho đi, vì lý do em là con gái không yên tâm cho đi học xa hoặc là con trai phải học gần nhà vì sợ con hư... Nếu các em học thành công, phụ huynh nên ủng hộ, vì nhiều phụ huynh nghĩ là không có tài trợ. Có em được nhận vào UCLA, chỉ cách quận Cam 45 phút, nhưng phụ huynh không cho con đi học ở đây, vì không muốn con ở nội trú. Hoặc nhiều phụ huynh muốn con theo nghề y, luật sư…, nhưng nhiều em không thích học những ngành mà phụ huynh muốn, các em không vui khi bị ép học. Theo Ashley làm nghề gì mà mình thật sự yêu thích, thì mới hạnh phúc. Việc chọn sai ngành nghề không chỉ khiến bản thân học sinh chịu thiệt thòi mà còn gây nên những mất mát lớn cho xã hội.”
“Có điều nữa là nhiều phụ huynh không ủng hộ con tham gia những sinh hoạt trong nhà trường. Chỉ muốn các em tập trung học thôi. Nhưng muốn vào những trường đại học tốt, thì ngoài kết quả học tốt, các em còn phải tham gia những sinh hoạt trong nhà trường, trong cộng đồng, tham gia vào nhiều sinh hoạt khác nhau. Đa số phụ huynh Việt Nam cứ sợ con em ham chơi, nên không cho con sinh hoạt ngoại khóa ở trường. Điều này chỉ gặp với một số phụ huynh không có thời gian học tập bên này, còn những phụ huynh đến Mỹ từ nhỏ, hoặc có học trung học, đại học bên đây thì có trãi qua những sinh hoạt trong trường, thì không gặp vấn đề này.”
Cô giáo Ashley cho biết: “Công việc của giáo viên cố vấn tại trường là làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tùy theo mỗi tháng học, lịch trình học mỗi khác nhau, sẽ sắp xếp những buổi họp với các em học yếu. Thường khi khai giảng vào đầu năm học, giáo viên cố vấn sẽ giúp những em học lớp 12 nếu không có điều kiện để tốt nghiệp vào cuối năm học, thì sắp xếp cho họ học những chương trình gì để giúp họ hoàn tất được chương trình học. Sau đó sắp xếp cho những em lớp 11, lớp 10, lớp 9. Mỗi tháng sẽ có những lịch trình khác nhau. Phụ huynh muốn gặp Ashley tìm hiểu về điều kiện để xin vào trường đại học 4 năm, hoặc xin tài trợ học phí cho con của họ, thì Ashley cũng phải sắp xếp cho những buổi họp đó.
“Ashley phải theo dõi lịch trình học, điểm số của các em để xem các em có đủ điều kiện tốt nghiệp trung học không, khi thấy các em không đậu lớp này, thì khuyên các em học lại lớp đó, nhiều khi các em không muốn học lại, như vậy các em sẽ không đủ điều kiện xin vào trường đại học 4 năm hoặc không đủ điều kiện tốt nghiệp trung học, đây luôn là áp lực của người giáo viên cố vấn. Nhiều khi liên lạc với phụ huynh nhưng họ không đến gặp giáo viên cố vấn, rất khó để giáo viên cố vấn giúp con em họ, vì chính phụ huynh cũng không hợp tác.”

Điều kiện để trở thành giáo viên cố vấn

Muốn trở thành giáo viên cố vấn, mỗi tiểu bang sẽ có quy định khác nhau, tuy nhiên trên 90% các bang đều yêu cầu các giáo viên cố vấn phải có bằng thạc sỹ. Số ít trường nhỏ còn lại yêu cầu có bằng cử nhân và chứng chỉ của Hiệp hội Tư vấn viên trường học của Mỹ (ASCA). Nhiều tiểu bang bang còn yêu cầu các giáo viên cố vấn phải tốt nghiệp các chuyên ngành gần với công việc đảm nhận, chẳng hạn như trong các ngành tâm lý giáo dục, sư phạm, nhân học, xã hội học, phát triển nghề nghiệp và lối sống. Vì yêu cầu về trình độ khắt khe nên mức lương mà các giáo viên cố vấn nhận được cũng khá. Theo số liệu của Cục Thống kê (thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ) trong năm 2011, một giáo viên cố vấn học đường sẽ nhận được mức lương trung bình khoảng 45.000 mỹ kim /năm, với những quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, ngày phép, nghỉ bệnh…
Giáo viên cố vấn Ashle cho rằng, không phải có đủ bằng cấp là có thể trở thành một giáo viên cố vấn tốt cho các em, mà theo cô giáo “trong lòng mình phải có quyết tâm giúp đỡ các em, thì mới là một giáo viên cố vấn tốt”. Ngoài ra những phẩm chất cần có của một giáo viên cố vấn tốt là phải có tính cách phù hợp với hầu hết các đặc điểm của nhà tâm lý. Phải thật tâm và có tình thương rộng mở, tôn trọng học sinh vô điều kiện, phải có sự thấu cảm học sinh, thể hiện được trong giao tiếp với các em, phải luôn khoan dung và tĩnh táo, luôn kiên nhẫn, thực hành đúng quy định ngành nghề và phải luôn không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, thường tìm đọc thêm những kiến thức chuyên ngành…
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT