Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 12)

Monday, 04/05/2015 - 08:14:01

Nếu giáo viên dạy tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Hoa Kỳ chỉ cần có bằng cử nhân (Bachelor), Teaching Credentials và thi đậu các bài test của tiểu bang, thì giảng viên dạy ở trường đại học đòi hỏi phải có bằng cấp cao hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Đại học

Nếu giáo viên dạy tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Hoa Kỳ chỉ cần có bằng cử nhân (Bachelor), Teaching Credentials và thi đậu các bài test của tiểu bang, thì giảng viên dạy ở trường đại học đòi hỏi phải có bằng cấp cao hơn.


Thầy Quyên Di bên các sinh viên trong buổi lễ ra trường tại đại học UCLA.



Theo thầy Quyên Di, hiện đang giảng dạy môn tiếng Việt tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer) và giám sát viên đại học (university supervisor) cho biết, “Tất cả các ngành học khi dạy đại học đều phải có bằng tiến sĩ (Ph.D, chữ tắt của Doctor of Philosophy) hoặc ít nhất là phải có bằng thạc sĩ (Master). Trước đây tôi có gặp trường hợp là với ngành học khó kiếm người dạy quá, trường đại học vẫn nhận giảng viên chỉ có bằng cử nhân, có một giáo sư ngành ngôn ngữ văn hóa Trung Hoa chỉ có bằng cử nhân, nhưng vị ấy là một học giả nổi tiếng có nhiều nghiên cứu sâu xa, nên được mời dạy đại học. Nhưng điều này rất hiếm xảy ra. Nói chung là phải có bằng tiến sĩ, hoặc thạc sĩ.”

Bằng Thạc Sĩ và Tiến Sĩ tại Hoa Kỳ

Thầy Quyên Di giải thích thêm về cách thức để có bằng Thạc Sĩ và Tiến Sĩ:
“Sinh viên học để lấy bằng Master (Cao Học/Thạc Sĩ) và sinh viên học để lấy bằng Doctor (Tiến Sĩ) được gọi là Graduate Student, tức là sinh viên đã tốt nghiệp bậc Cử Nhân, nay muốn học tiếp lên những trình độ cao hơn. Thông thường, chúng ta hiểu rằng, để lấy bằng Cao Học, sinh viên phải mất 2 năm và để lấy bằng Tiến Sĩ, sinh viên phải mất 4 năm.
Thực ra, đó là khoảng thời gian trung bình để đạt được những bằng cấp này. Học trình và thời gian học phức tạp hơn chúng ta nghĩ.
Trong hệ thống giáo dục, Tiến Sĩ là bằng cấp cao nhất sau bằng tốt nghiệp bậc trung học. Hầu hết các bằng Tiến Sĩ được gọi là Ph.D. (Doctor of Philosophy). Tuy nhiên, cũng có những Tiến Sĩ không phải là Ph.D., như Tiến Sĩ Giáo Dục (Ed.D.), Tiến Sĩ Luật Khoa (J.D. = Juris Doctor). Bác Sĩ Y Khoa cũng là Tiến Sĩ Y Khoa (M.D. = Medical/ Medicinae Doctor). Trừ các vị Tiến Sĩ theo đuổi một ngành nghề nhất định, như Y khoa, Luật khoa,… các sinh viên, sau khi tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ thường trở thành các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà giáo dục.”
“Học trình Tiến Sĩ không hạn định rõ rệt là bao nhiêu năm, nhưng bình thường thì tối đa là 8 năm. Hết 8 năm mà không viết xong luận án (dissertation) thì được ký tên với học vị đi kèm "ABD" (All But Dissertation).
“Cũng có một số chương trình Tiến Sĩ, người tốt nghiệp không cần viết luận án. Trong trường hợp ấy, vị Tiến Sĩ khi nêu tên, không kèm theo học vị “Ph.D.,” mà ghi là “Doctor.”
Sinh viên học bậc Tiến Sĩ, ở Việt Nam bây giờ gọi là “nghiên cứu sinh,” ở Mỹ gọi là “Ph.D. candidate,” dịch sang tiếng Việt là “ứng viên hay ứng sinh Tiến Sĩ.”
“Để theo đuổi việc học bậc Tiến Sĩ, sinh viên chọn ngành học hợp với sở thích và với quá trình học tập của mình ở bậc dưới; qua các cuộc phỏng vấn, khảo sát để được nhận vào chương trình; chọn vị giáo sư hướng dẫn và sau đó làm việc dưới sự chỉ đạo của giáo sư đó. Trong quá trình học tập, ngoài việc nghiên cứu về đề tài của mình, sinh viên có thể học thêm một vài lớp để bổ túc hay phát triển kiến thức ngành mình theo đuổi. Sinh viên cũng có thể được nhà trường dạy một vài lớp liên quan đến ngành mình đang nghiên cứu. Ở UCLA, tôi đang có một sinh viên người Mỹ gốc Hoa theo học lớp Tiếng Việt Cao Cấp. Cô này lấy Tiến Sĩ ngành Mỹ Thuật Đông Nam Á, được nhà trường mời dạy một số lớp về Mỹ Thuật.
“Trong suốt quá trình học tập, ứng viên cần lấy ý liến của giáo sư hướng dẫn. Phải viết một đề cương (outline) luận án của mình. Giáo sư sẽ cho ý kiến, giúp sửa chữa, hướng dẫn về các nguồn tài liệu, chỉ dẫn cách nghiên cứu. Những giai đoạn sau cũng vậy, cần ứng viên cần trình giáo sư hướng dẫn công trình nghiên cứu của mình, các văn bản sơ thảo của luận án… để được tiếp tục hướng dẫn.
“Trình luận án là giai đoạn cuối cùng của sinh viên để được công nhận tốt nghiệp bậc Tiến Sĩ. “The dissertation defense” là thuật ngữ người Mỹ dùng để nói về việc trình luận án. Việt Nam dịch thuật ngữ này là “bảo vệ luận án Tiến Sĩ.” Cố linh mục học giả Vũ Đình Trác dùng thuật ngữ “biện trình luận án Tiến Sĩ,” nghe hay hơn. Thuật ngữ này có nghĩa là “trình bày và biện giải luận án Tiến Sĩ” của mình. Luận án được “biện trình” trước một hội đồng, trong đó có mặt vị giáo sư hướng dẫn của ứng viên. Các thành viên của hội đồng, sau khi nghe ứng viên tình bày luận án, có thể đặt một số câu hỏi và ứng viên phải biện luận để trả lời những câu hỏi đó.
“Học trình Cao Học thì đơn giản hơn. Thường thường học trình này kéo dài 2 năm.
“Trước hết, sinh viên phải ghi danh theo học bậc “graduate student” của một đại học nào đó. Đương nhiên, để được ghi danh, sinh viên phải qua việc nộp đơn, phỏng vấn. Sau đó là giai đoạn “lượng định văn bằng và tín chỉ.” Thường thì sinh viên tốt nghiệp bậc cử nhân ở một trường và theo học bậc Cao Học ở một trường khác. Trường này sẽ xét xem bằng cấp và tín chỉ ở trường cũ của sinh viên có hội đủ điều kiện để theo học bậc Cao Học tại trường này không. Nếu không đủ thì sinh viên phải lấy một số lớp bổ túc.
“Sinh viên còn phải qua thủ tục chứng tỏ khả năng tiếng Anh ngữ của mình. Nếu vốn là sinh viên cũ, nay lấy bằng Cao Học tại trường của mình thì bằng Cử Nhân mình có đã là cách chứng tỏ khả năng Anh ngữ. Nếu không, sinh viên sẽ phải qua một cuộc khảo sát, gọi là “Writing Skills Test” hoặc là lấy một lớp bổ tục khả năng Anh ngữ.
“Sinh viên sẽ phải gặp một vị cố vấn (advisor) hay khải đạo (counsellor), trình bày dự tính học tập của mình để được hướng dẫn.
Khi đã được nhận vào chương trình, sinh viên phải lấy tất cả những lớp mà chương trình đòi hỏi.
Giai đoạn cuối cùng là hoàn tất tiểu luận (thesis) và nộp tiểu luận cho nhà trường. Cũng có những đại học hay những chương trình không đòi hỏi sinh viên Cao Học phải viết tiểu luận, bù vào đó, sinh viên phải thanh thoả những đòi hỏi khác do nhà trường hay chương trình yêu cầu.”

Giảng sư và giáo sư

Thầy Quyên Di giải thích thêm, “Người người làm công việc giảng dạy bậc đại học thường được chia làm 2 ngành: ngành giáo sư (professor) và ngành giảng sư (lecturer). Các giáo sư cũng dạy một số lớp nhưng công việc chính của họ là nghiên cứu (research). Các giảng sư cũng phần nào phải nghiên cứu nhưng công việc chính của họ là giảng dạy (lecture). Xét về ngạch trật thì professor có chỗ đứng vững chắc hơn lecturer. Đồng nghiệp gọi nhau và sinh viên gọi người giảng dạy họ bằng một danh xưng chung là professor.
Giám sát viên đại học (university supervisor) giám sát các sinh viên sư phạm khi họ đi thực tập tại các trường học. Giám sát viên đại học cùng với giáo viên phụ trách lớp mà sinh viên đến thực tập (master teacher) hướng dẫn sinh viên thực tập (student teacher) về phương pháp giảng dạy, sao cho có hiệu quả nhất. Giám sát viên đại học cho điểm và quyết định sinh viên thực tập có hoàn tất tốt đẹp (pass) việc thực tập giảng dạy không. Dựa vào kết quả này, trường cấp phát chứng chỉ dạy học cho sinh viên (teaching credential).”

Học Hàm trong trường đại học tại Hoa Kỳ

Cũng theo lời của thầy Quyên Di thì trong các trường đại học ở Hoa Kỳ, người ta phân biệt ba cấp nhân viên giảng dạy theo chức năng và trình độ là: tập sự, trung cấp, và cao cấp. Ở bậc tập sự gồm các chức vụ như Teaching Assistant, Tutor. Proctor, v.v... Những nhân viên này có trách nhiệm làm phụ giảng, chấm bài thi, giám thị trong phòng thí nghiệm, v.v...
Còn ở bậc trung cấp gồm những nhân viên khoa bảng mang học hàm như Assistant Professor (phụ tá cho các giáo sư có nhiều thâm niên). Những nhân viên này là những người đang ở bước đầu trong nấc thang sự nghiệp khoa bảng, có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy sinh viên và làm nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc dưới sự chỉ đạo của các giáo sư thâm niên.
Trên trung cấp một bậc là những nhân viên khoa bảng mang học hàm Associate Professor. Những người này là những nhà khoa bảng đang ở trong thời kỳ "quá độ" để chuẩn bị được đề bạt lên một chức vụ khoa bảng cao nhất trong hệ thống học hàm đại học. Trong đại đa số, họ cũng là những nhà nghiên cứu độc lập và có ít nhiều uy tín trong chuyên môn.
Sau cùng là các nhân viên khoa bảng cao cấp, tức những người mang học hàm Professor. Họ là những nhà khoa bảng kinh nghiệm lâu năm và quá trình nghiên cứu có uy tín quốc tế.
Tiêu chuẩn để được đề bạt vào các chức vụ này thường dựa vào ba cống hiến chính: nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ cộng đồng. Về nghiên cứu, mức độ cống hiến cho kiến thức nhân loại được "đo lường" bằng số lượng và chất lượng các bằng sáng chế (patents) hay các bài báo khoa học (papers) được công bố trong các tạp chí khoa học chuyên môn. Tùy theo trường đại học, một Assistant Professor phải có ít nhất là 5 bài báo khoa học; một Associate Professor thường phải có tối thiểu là 30 bài báo khoa học; và một Professor phải có tối thiểu là 50 (thường là 100) bài báo khoa học.
Ngoài ra có nhiều trường đại học còn phong chức "Emeritus Professor" (cựu giáo sư) cho các giáo sư đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn gắn bó với trường đại học. Danh hiệu này thường được trao tặng cho các giáo sư có đóng góp lớn cho khoa học, cho trường và đã làm việc tại trường trong một thời gian dài.
Được biết một sinh viên sau khi đã hoàn tất các bằng cấp cần thiết để trở thành giảng viên tại trường đại học, công việc của người đó bắt đầu với tư cách là giảng viên tập sự. Điều đó có nghĩa là trường đại học sẽ quyết định hoặc bổ nhiệm người đó làm giảng viên chính thức – nghĩa là sẽ bảo đảm việc làm cho anh suốt đời, hoặc yêu cầu người đó rời khỏi trường tìm việc nơi khác. Sau thời gian tập sự, giảng viên đó có thể được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức sau 5 năm giảng dạy tại trường. Để được điều này phải chứng tỏ được khả năng nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng.
Kỹ năng giảng dạy được lượng hoá thông qua sự đánh giá của sinh viên và nhận xét của các giáo sư. Yêu cầu nghiên cứu khoa học được lượng hoá bằng việc công bố 3 công trình khoa học hoặc viết một cuốn sách hoặc dịch một tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Anh. Khi được là giảng viên chính thức nghĩa là được nhận học hàm Assistant Professor. Thêm vào đó là sự tăng lương 10% và một lần thưởng mỗi năm nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại Hoa Kỳ, giáo sư hay những giảng sư ở cấp đại học là nghề nghiệp có mức lương khá và được tôn trọng hàng đầu trong giới hàn lâm, tri thức. Thu nhập của giảng viên đại học dao động ở mức $110,000/năm, tùy theo từng chuyên ngành, tương đương với thu nhập của các nhân viên làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Những Giáo sư cao cấp, làm việc tại Viện Hàn lâm hay các trường đại học danh tiếng như Đại học Havard, Đại học Yale, Đại học Cambrige, Đại học Chicago thì có thu nhập cao, ở mức trên $300,000/năm. Thường thì các giảng viên ngôn ngữ có lương thấp hơn so với các giảng viên thuộc các lĩnh vực công nghệ.
Ngày nay, các giảng viên dạy một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ả Rập Saudi có lương cao hơn nhiều so với các giảng viên dạy tiếng Tây Ban Nha. Các trường đại học và cao đẳng cộng đồng ở các vùng khác nhau cũng sẽ trả lương khác nhau. Một số tiểu bang có các hiệp hội mạnh nhằm đàm phán để tăng lương cho giảng viên. Ngoài tiền lương, các giảng sư đại học, giáo sư đại học còn được hưởng như bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xã hội (để nhận trợ cấp khi về hưu). Các bảo hiểm này ở các trường khác nhau thì phẩm chất cũng khác nhau.
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT