Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại Quận Cam (kỳ 13)

Sunday, 10/05/2015 - 11:58:21

Nói về việc giảng dạy của mình tại đại học UCLA và Cal State University Long Beach, thầy Quyên Di cho biết thầy dạy 3 buổi ở đại học UCLA, gồm các ngày thứ Ba, thứ Năm, Thứ Sáu; còn dạy ở Cal State University Long Beach vào thứ Hai, thứ Tư.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Đại học (tiếp theo)
Tâm tình của thầy Quyên Di

Thầy Quyên Di là một trong những người đã có công góp phần gìn giữ nền văn hoá và ngôn ngữ Việt không những trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà thầy còn hướng dẫn và đưa nền văn hoá cũng như ngôn ngữ Việt giới thiệu đến các chủng tộc khác trên thế giới. Thầy đã từng dạy học tại Cal State University Fullerton, Cal State University Long Beach, Cal State University Los Angeles, University of California Los Angeles (UCLA). Hiện nay thầy Quyên Di đang giảng dạy tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer) và giám sát viên đại học (university supervisor).

Thầy Quyên Di hiện nay còn phụ trách một vài chương trình về văn hóa trên truyền hình. Một trong những chương trình này là “Lời Vàng Ý Ngọc” (lời của tiền nhân của người Việt chúng ta) phát trên đài Sài Gòn TV 57.5 (11 giờ trưa thứ Bảy hằng tuần), chương trình này còn phát trên internet vì Sài Gòn TV có cộng tác với các đài địa phương ở Texas, ở miền Đông, miền Bắc… Hoa Kỳ.




Kể về cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Quyên Di cho biết, “Tôi vào ngành giáo dục rất sớm, lúc mới 19 tuổi. Tôi vừa tốt nghiệp trung học thì cha tôi qua đời, một mình mẹ tôi phải xoay xở nuôi đàn con 4, 5 đứa. Một linh mục thương tình, nhận cho tôi vào dạy lớp đệ thất (lớp sáu) trong trường đạo, vốn là trường tôi đã theo học. Tôi vừa dạy học vừa theo học đại học Văn Khoa Sàigòn. Cũng may tôi dạy học được, dần dà, hiệu trưởng các trường tư khác cũng mời tôi dạy học. Sau này, cũng nhờ duyên may, tôi được mời làm việc cho viện Đại học Đà Lạt với chức vụ phụ tá giám đốc ban Tu Thư, chuyên lo về sách giáo khoa và giáo trình.”
Nói về việc giảng dạy của mình tại đại học UCLA và Cal State University Long Beach, thầy Quyên Di cho biết thầy dạy 3 buổi ở đại học UCLA, gồm các ngày thứ Ba, thứ Năm, Thứ Sáu; còn dạy ở Cal State University Long Beach vào thứ Hai, thứ Tư.
“Yêu cầu của UCLA là các giảng sư phải tham dự các buổi hội thảo tổ chức khắp nơi tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, hoặc mình đến tham dự để nghe hoặc là mình trình bày bài tham luận trong các cuộc hội nghị đó. Nhà trường chỉ định cho mình đi các hội nghị, thì các chi phí đều được nhà trường trả. Khi mình bỏ thời gian ra trình bày những bài tham luận thì sẽ được hỗ trợ thêm tiền bạc cho thời gian mình bỏ ra viết những bài tham luận.
“Còn dạy ở Cal State University Long Beach, tôi là người đại diện cho phân khoa Ngôn Ngữ đi giảng dạy khắp nơi trên thế giới về vấn đề sư phạm Việt ngữ, ngôn ngữ văn hóa tiếng Việt, tôi cũng được đại diện cho phân khoa cấp chứng chỉ và chứng chỉ đó có chữ ký kèm theo của trưởng phân khoa. Mỗi tháng học khu Garden Grove luôn có buổi dạy huấn luyện cho giáo viên dạy Việt ngữ trong trường trung học, nhưng do tôi bận quá, không tham gia dạy thường xuyên, lâu lâu mới tham gia một buổi. Hiện nay tôi là cố vấn cho chương trình sư phạm Việt ngữ của trường Cal State University Fullerton, cứ một năm họ tổ chức 3 khóa hội thảo, tôi có đến trình bày về huấn luyện. Đây là chương trình trường Cal State University Fullerton nỗ lực nhằm phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam ở Hoa Kỳ để mỗi ngày một mạnh hơn.”
Trả lời cho câu hỏi về số người Việt tham gia trong nghề giáo tại các đại học ở Hoa Kỳ nói chung, và tại Nam California nói riêng, những giảng viên người Việt có giữ vị trí quan trọng trong các phân khoa của trường hay không? Thầy Quyên Di cho biết: “Tôi không có con số thống kê chính xác, nhưng tôi biết không có nhiều người gốc Việt bước vào ngành giáo dục. Điều đáng mừng là hiện nay rất nhiều đại học lớn của Mỹ có giáo sư, giảng sư dạy ngành Việt học (ngôn ngữ, văn chương, văn hoá, lịch sử, xã hội,...). Miền Nam California, chương trình tiếng Việt có ở UCLA, UC Irvine, UC San Diego, Cal State University Long Beach, Cal State University Fullerton, Santa Ana College, Orange Coast College, Coastline Communtity College, Long Beach City College… Ở những nơi khác, tôi biết các đại học sau có chương trình tiếng Việt: UW (University of Washington), Cornell, Arizona, UF (University of Florida), Harvard, Yale, UC Berkeley, Texas và một số tiểu bang khác cũng có đại học dạy tiếng Việt. Có những giáo sư gốc Việt dạy các ngôn ngữ khác, như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp, v.v… Ngoài ra, có nhiều giáo sư, giảng sư dạy gốc Việt dạy những môn Toán, Khoa học, Kinh tế, Điện, Điện toán, mặc dù con số này không đông.
“Người Việt sở trường về chuyên môn chứ không sở trường về quản trị, cũng có thể không thích việc quản trị nên trong các đại học, người Việt thường giữ vai trò nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, cách đây không lâu, giám đốc phòng tuyển sinh của đại học UCLA là một tiến sĩ người Mỹ gốc Việt. Tại phân khoa của tôi tại đại học UCLA có nữ giáo sư Nguyễn Võ Thu Hương giữ chức vụ Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Người Mỹ gốc Á Châu.”

Những ưu tư của thầy Quyên Di với ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt tại đại học

Thầy Quyên Di chia sẻ thêm về những ưu tư của thầy: “Trăn trở lớn nhất của tôi là không có nhiều bạn trẻ người Mỹ gốc Việt vào ngành giáo dục, thứ nhất là chính bản thân những bạn đó không chọn nghề giáo, lý do thực tế là việc dạy học ở Mỹ, không đến nỗi quá nghèo như Việt Nam ngày xưa, nhưng so với những ngành khác, cùng với công học hành như thế, nhưng lương hướng cao hơn là đi dạy học. Do đó chính bản thân các bạn trẻ không muốn thi vào ngành giáo dục, chỉ trừ trường hợp là ai vào thì phải có lý tưởng cao lắm. Thứ hai nữa là ngay chính cha mẹ cũng không muốn con đi vào ngành này vì vẫn mang ấn tượng là ngành dạy là ngành không kiếm được nhiều lợi tức. Khi tôi dạy những lớp sư phạm cho sinh viên, tôi thường hay hỏi tại sao sinh viên đó ghi danh vào ngành này, có được ai yểm trợ không? Nhiều bạn sinh viên nói rằng em tự ý ghi danh vào ngành Sư Phạm vì thích đi dạy học, nhưng cha mẹ thì không muốn, em vào ngành này em không dám nói với cha mẹ.
“Trong khi đó một số sắc dân khác như người Hmong, cộng đồng của họ nhỏ hơn cộng đồng của mình nhiều, nhưng họ đầu tư vào ngành giáo dục khá đông so với tỉ lệ. Thí dụ như ở thành phố Fresno ở Bắc California, cộng đồng người HMong tại đây hồi đầu chỉ có 1 người theo giáo dục dạy Đại Học, vậy mà đến nay đã có mấy chục người theo nghề giáo trong một cộng đồng rất nhỏ, họ dạy đủ các ngành trong học đường, chứ không chỉ dạy tiếng HMong.
“Thêm một điều trăn trở nữa, đó là trở ngại về tài chánh trong việc gìn giữ và phát huy ngôn ngữ và văn hoá Việt ở Đại Học, mà cụ thể là tại hai nơi tôi đang dạy hiện nay. Như tại UCLA, vì ngân khoản eo hẹp nên các lớp ngôn ngữ Đông Nam Á không phát triển đúng mức được [Các giáo sư ngôn ngữ Đông Nam Á đại học UCLA làm việc chung trong một ban tên là Southeast Asian Languages and Cultures, trong đó có các giáo sư dạy tiếng Hindu, Tagalog (Philipino), Indonesian, Thái và Việt Nam]. Lấy các lớp cao cấp làm thí dụ: ngân khoản tài trợ cho các lớp này phải xoay vòng theo các ngôn ngữ, năm nay thì tài trợ để có lớp dạy tiếng Việt, năm tới ngân khoản ấy có thể phải chuyển sang giúp tiếng Thái, năm tới nữa thì chuyển sang giúp tiếng Tagalog... Chính vì thế mà các sinh viên Việt Nam đã gây quỹ bảo vệ các lớp tiếng Việt năm thứ ba, để mùa nào cũng có lớp tiếng Việt cao cấp. Những ngôn ngữ Á châu khác như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn có hẳn một ban riêng cho từng ngôn ngữ và chương trình của họ rất vững vàng, ổn định. Họ được cộng đồng của họ bảo trợ tài chánh dồi dào nên làm được việc này.
“Hoặc như tại phân khoa nghiên cứu về người Mỹ gốc Á Châu tại Cal State University Long Beach nhận được rất nhiều khoản tài trợ của những sắc dân tại nước Mỹ như người Đài Loan, Nhật, Đại Hàn, phân khoa nhận được nhiều khoản tài trợ không chỉ từ chính phủ của họ mà còn từ các thương gia, các nhà làm kinh tế của sắc dân đó. Phân khoa luôn có buổi họp mặt và vinh danh những nhà bảo trợ này đã đóng góp cho phân khoa. Mà khi người ta đóng góp, người ta có quyền đòi hỏi ngành học, văn hóa, ngôn ngữ cho sắc dân đó.
“Như vừa rồi, trên đại học UCLA, một công ty lớn của Nhật Bản đã gửi cho phân khoa ngôn ngữ và văn hóa Á Châu vài chục triệu mỹ kim, với mục đích duy nhất là chỉ để phát triển ngành Nhật bản học, với mục đích văn hóa của họ được mở rộng, mở thêm những lớp tiếng Nhật... Trong khi đó, những lớp về tiếng Việt, Văn hóa Việt, lịch sử Việt tại UCLA tồn tại là vì đông sinh viên, thế thôi, chứ chưa bao giờ có công ty của người Việt nào tài trợ hết. Vì vậy, nếu khi cần phải cắt bỏ lớp học, thì những ngành học nào không có tài trợ, trường sẽ sẵn sàng cắt giảm, dù có nhiều sinh viên ghi danh. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tổ chức một cơ quan yểm trợ ngân khoản cho các đại học có chương trình tiếng Việt. Thời gian qua, sinh viên Việt Nam các trường UCSD, UCLA, v.v... đã tự nguyện gây quỹ bảo vệ các lớp tiếng Việt. Việc làm của các em rất đáng quý, nhưng tôi nghĩ các thế hệ cha anh nên giúp đỡ các em gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho chính các em và cho các thế hệ tương lai.”
Thầy Quyên Di bày tỏ thêm ưu tư của thầy về việc thiếu những giảng viên kế thừa dạy tiếng Việt, văn hóa Việt trên đại học, vì theo thầy, hiện nay hầu hết các thầy cô giáo dạy tại tiếng Việt, văn hóa Việt tại các đại học đều thuộc lớp người trung niên và cao niên rồi, sẽ chẳng còn dạy bao lâu nữa. Sẽ cần có người thay thế. Mà muốn dạy đại học, dù là văn hóa Việt, tiếng Việt thì cũng phải có đủ bằng cấp về ngành đó, nếu không có bằng về ngành Việt Học thì ít ra cũng có bằng về ngành Á châu học, nhưng mà số người theo những ngành đó rất hiếm, nhất là muốn theo ngành đó thì phải giỏi tiếng Việt và văn hóa Việt thì không bao nhiêu.
“Trong tương lai, khi những người đang giảng dạy quá tuổi giảng dạy, hoặc không đủ sức khỏe để dạy nữa, thì lớp trẻ thay thế vào cần phải có, mà hiện tại thì rất hiếm, đó là với bậc đại học, còn giáo viên dạy tiếng Việt ở bậc trung học thì dễ dàng hơn. “Nếu có sinh viên muốn học ngành tiếng Việt, văn hóa Việt, mà không có giáo viên dạy thì chương trình sẽ không thành hình. Vì nếu có chương trình thì phải có người học và người dạy, còn nếu có chương trình mà không có người học cũng không được, hoặc có người dạy cũng không.”
Thầy Quyên Di tâm sự: “Cái khó của tôi là không thể phát âm như người Mỹ, nhưng nói để sinh viên hiểu thì không có gì khó khăn. Những ai học để trở thành giáo viên dạy trung học, tiểu học ở Mỹ thì đòi hỏi phải nói tiếng Anh lưu loát, thông thạo tiếng Anh như người Mỹ, còn giáo viên dạy đại học thì lại khác, đại học là sinh viên theo học. Ở đại học, có những giáo sư gốc Ấn Độ, Pakistan, người Nga… phát âm tiếng Anh đều có accent hết, bản thân tôi cũng thế. Nhưng đại học không đòi hỏi giáo viên phải nói tiếng Anh như người Mỹ, ai muốn lên học đại học rồi, thì phải ráng học, ráng nghe. Ở UCLA trước đây, tôi phải kiêm nghiệm dạy cả 3 trình độ tiếng Việt, nhập môn, trung cấp, cao cấp. Mà những bạn học nhập môn, thì có những bạn sinh viên không phải gốc Việt. Nhưng bây giờ chương trình tiếng Việt ở đại học UCLA có đến 3 giáo viên dạy, nên tôi được ngưng dạy lớp nhập môn, chỉ dạy lớp trung cấp và cao cấp. Còn trước đây khi phải dạy hết 3 cấp lớp, thì tôi hơi vất vả trong truyền đạt Anh ngữ cho các sinh viên. Chương trình tiếng Việt ở Cal State Long Beach mở ra cho các sinh viên gốc Việt học, nghĩa là các sinh viên đó đã biết nói tiếng Việt rồi, đã mang sẵn bản sắc, kho tàng văn hóa văn chương, văn học của người Việt rồi, mới ghi danh học, chứ không phải mở ra cho sinh viên không phải là người gốc Việt, trên thực tế có những bạn không rành tiếng Việt lắm, nhưng tôi không gặp trở ngại trong việc dạy.”
Nói về niềm vui trong nghề, thầy Quyên Di bày tỏ: “Khi mình đi về thiên hướng nào mà mình được thể hiện thiên hướng của mình trong đời thì đó là niềm vui rồi. Thiên hướng của tôi là văn chương Việt Nam. Sống ở Hoa Kỳ mà tôi vẫn được giảng dạy văn chương Việt Nam trong đại học, được giảng về Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Truyện Kiều… là điều vô cùng hạnh phúc. Niềm vui nữa là góp phần tạo được lớp sinh viên sống theo văn hóa Việt Nam, thầy trò chúng tôi cư xử, sinh hoạt với nhau theo đúng tình nghĩa thầy trò Việt Nam. Tôi vui và hãnh diện vì lớp cao cấp của các ngôn ngữ Đông Nam Á khác như Tiếng Thái và Indo, sinh viên chỉ có 4, 5 người, hoặc có khi chỉ có 2 người. Còn sinh viên ghi danh học tiếng Việt cao cấp có đến 40 người. Sắc dân Á châu ở UCLA chỉ có mỗi sắc dân Việt Nam là Tết đến ăn tết tưng bừng, sinh viên Việt ăn tết với nhau. Đó chỉ là sinh hoạt của lớp Việt ngữ thôi, còn hội sinh viên Việt Nam của trường làm được rất nhiều việc. Tôi cũng góp phần ý kiến cho các em tổ chức những đêm văn hóa, đọc bài diễn văn khai mạc đêm văn hóa hằng năm, ngày tưởng niệm 30 tháng 4 có những bài nói chuyện để các bạn hiểu tại sao người Việt phải bỏ nước ra đi, những buổi lễ ra trường chung với trường, và còn làm riêng một buổi lễ ra trường của các sinh viên gốc Việt, tôi tham dự với bài diễn văn khích lệ các bạn sẽ có những đóng góp cho xã hội ra sao...
“Tôi rất vui vì sự đóng góp về giáo dục của mình không chỉ là chuyên môn, mà còn là văn hóa, gốc gác bản sắc của mình, đó là niềm vui rất nhiều khi tôi dạy ở đại học. Trong số các sinh viên của tôi học lớp tiếng Việt cao cấp, nhiều em sinh ra tại Mỹ, nhưng nói tiếng Việt rất rành, cho biết học tiếng Việt để có sự thông cảm với ba má, những bài tập trong lớp, khi về, được ba má giúp. Nhờ có lớp tiếng Việt này mà mối liên hệ trong gia đình của sinh viên càng chặt chẽ hơn.”
Nhưng bên cạnh niềm vui, thầy Quyên Di cũng có nỗi buồn riêng, thầy tâm sự: “Vừa rồi cách đây hơn nửa năm, không hiểu lý do gì mà một số vị trong cộng đồng đã hiểu sai việc làm của tôi. Tôi phải đi thuyết trình khắp nơi về sự phát triển của tiếng Việt ở đại học mà tôi cộng tác, cũng như trình bày về hệ thống giáo dục tại Mỹ cho các nhà giáo dục ở nước khác biết, trong chuyện đó, không ngoại trừ tôi về Việt Nam trình bày. Nhưng khi về Việt Nam thì bên này có sự nhạy cảm, nhiều vị suy diễn ra là về Việt Nam thì tôi phải theo những chương trình tại Việt Nam, nhiều vị còn suy diễn đến việc tôi đem những chương trình bên Việt Nam qua đây giảng dạy, và suy diễn là trong các tài liệu đó có dạy về Bác Hồ. Nhiều vị nghe suy diễn như vậy hoảng hốt lên và cho rằng môn Tiếng Việt trên đại học là đem tài liệu bên kia qua đây dạy. Đó chỉ là suy diễn không có trong thực tế, vì không bao giờ có chuyện đó. Tôi chỉ có lòng muốn bảo vệ bản sắc của người Việt tị nạn tại đây. Tôi nghĩ vị nào nghi ngờ điều này, thì nên đến trường quan sát, vào lớp mà xem. Nhiều vị đã hiểu nhầm tôi, khiến tôi rất buồn. Nhưng tôi hiểu, chung qui là vì cộng đồng chúng ta luôn luôn muốn bảo vệ bản sắc người Việt tị nạn, không chủ nghĩa cộng sản. Theo tôi nghĩ chuyện hiểu lầm đó có lẽ đã được minh bạch rồi. Dù sau việc trên, không ai lên tiếng họ đã không đúng khi nghĩ sai về tôi, nhưng họ đã không còn tiếp tục lên tiếng về điều sai đó nữa, nên tôi nghĩ có lẽ họ đã hiểu ra.”
Thầy Quyên Di tâm sự thêm: Tôi luôn ước nguyện các thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt giữ lấy ngôn ngữ, văn hóa gốc, không những chỉ vì sự ràng buộc tinh thần (Vì là người Việt thì phải biết tiếng Việt và văn hóa Việt), nhưng còn vì ngôn ngữ và nhất là văn hóa Việt có nhiều điều tốt đẹp đáng cho mình học hỏi, trau giồi. Vả lại, biết tiếng Việt, đời sống của các em sẽ phong phú hơn, cả về tinh thần, tình cảm lẫn vật chất. Phong phú về tinh thần, vì biết hai ngôn ngữ, hai văn hóa, đương nhiên đời sống tinh thần của mình phong phú hơn người chỉ biết có một. Phong phú về tình cảm, vì mối liên hệ của mình với người thân sẽ bền chặt, ấy là chưa nói tới mối liên hệ với cả một dân tộc. Phong phú về vật chất, vì một sinh viên ra trường biết tiếng Việt, tìm việc làm sẽ dễ hơn là những sinh viên Việt mà không biết tiếng Việt. Đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam biết rành tiếng Việt, sau khi ra trường thì trở về sinh hoạt và sinh sống với cộng đồng Việt Nam.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT