Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 14)

Sunday, 17/05/2015 - 10:09:03

Các tác phẩm của chị đã được các trường đại học trưng bày như: Đại học Fullerton, Đại học Cal Poly, Pomona, UC Riverside Sweeney Gallery. Nhiều gallery tư nhân mua tranh chị và trưng bày như ở Los Angeles, Quận Cam, San Jose, Oakland, San Francisco, Houston, Vancouver, Queen Gallery ở Bangkok, Thái Lan, Nhật Bản.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Đại học (tiếp theo)

Tâm tình của họa sĩ Ann Phong

Đối với họa sĩ Ann Phong, mỹ thuật là một thế giới đầy sự phong phú, đầy những ký ức, đầy tình yêu thương và đầy đủ cả dư âm của những trải nghiệm trong cuộc đời. Những năm tháng khốn cùng ở quê nhà sau tháng 4 năm 1975, rồi những ngày khủng khiếp giữa biển cả mênh mông, hung bạo trong chuyến vượt biển để đến bến bờ tự do, và những tháng năm hòa nhập vào cuộc sống hoàn toàn xa lạ nơi xứ người. Từng câu chuyện đã đi vào những tác phẩm hội họa của chị, chúng như những thước phim quay chậm ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc hành trình với những dấu ấn không dễ gì mờ phai.
Ngay từ năm 1992 đến nay, họa sĩ Ann Phong đã tham dự hơn 80 triển lãm cá nhân và nhóm trong nhiều phòng tranh và viện bảo tàng như Laguna Museum, Kytakishu Museum ở Nhật, Queen Art Gallery ở Bangkok Thái Lan, Gang Dong Art Center ở Seoul Nam Hàn.
Các tác phẩm của chị đã được các trường đại học trưng bày như: Đại học Fullerton, Đại học Cal Poly, Pomona, UC Riverside Sweeney Gallery. Nhiều gallery tư nhân mua tranh chị và trưng bày như ở Los Angeles, Quận Cam, San Jose, Oakland, San Francisco, Houston, Vancouver, Queen Gallery ở Bangkok, Thái Lan, Nhật Bản.

Họa sĩ Ann Phong đang nhận bằng khen do học sinh ngành hội họa bầu chọn giáo sư xuất sắc trong năm. (Ann Phong cung cấp)



Dạy mỹ thuật trong trường đại học

Đó là với vai trò họa sĩ, còn với vai trò giáo viên dạy hình họa cho các sinh viên tại đại học Cal Poly Pomona, cô giáo Ann Phong cho rằng với chị, khi trở thành nhà giáo không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Họa sĩ Ann Phong đã tốt nghiệp ngành hội họa Đại học California State Polytechnic University, Pomona vào năm 1992, sau đó chị vừa sáng tác vừa theo học tiếp cao học Mỹ thuật tại Đại học Fullerton Cal State University và tốt nghiệp Master of Fine Art tại Đại Học Cal State Fullerton, chuyên về acrylic painting vào năm 1995.
Trong thời gian đang học cao học năm thứ hai, chị được trường Fullerton Cal State University nhận làm cô giáo dạy bán thời gian (dạy 2 lớp một ngày) môn hình họa cho các sinh viên năm thứ nhất, thứ hai. Sau khi hoàn tất bằng thạc sĩ, chị tiếp tục dạy bán thời gian ở 2 trường, là trường Fullerton Cal State University (chị chỉ dạy tại đây khoảng 5 năm) và dạy bán thời gian ở California State Polytechnic University, Pomona (chị đã dạy ở đây được hơn 19 năm nay).
Từ năm 2007 đến nay, họa sĩ Ann Phong là cô giáo gốc Việt duy nhất được ban chấm thi của Hội Đồng Giáo Dục Đại Học Mỹ (College Board of Education) mời cộng tác trong cương vị giám khảo cho các ứng cử viên thi lấy bằng giảng dạy (Teaching Credential Program) và chương trình thi AP Studio Art cho các em trung học.
Nhưng chặng đường để họa sĩ Ann Phong trở thành cô giáo rất gian nan và tưởng chừng bị đứt đoạn, nhưng chị bảo bởi nó đã là “nghiệp” rồi, nên khó mà dứt được. Họa sĩ Ann Phong kể: “Tôi yêu thích vẽ từ nhỏ, lúc nhỏ thì tự học, đến 15 tuổi đã biết để dành tiền và tìm thầy để học vẽ thêm, có duyên gặp được thầy Văn Đen (thầy sống ở khu Chợ Lớn) là họa sĩ chuyên về tranh phong cảnh, vẽ sơn dầu, thầy có thời gian qua Pháp học mỹ thuật. Tôi để dành tiền và đến học với thầy, vì là học sinh không có nhiều tiền, nên thầy chỉ lấy tiền tượng trưng thôi. Sau năm 1975 thì tôi mới học xong trung học, năm 1977, tôi thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật nhưng không đậu, năm sau tiếp tục thi tiếp, nhưng vẫn không đậu, khi đó tôi nghĩ có lẽ vì lý lịch tôi không có thân nhân có công với cách mạng, mà bà con thì đều có người đi lính VNCH. Sau đó tôi quyết định thi vào trường cao đẳng bồi dưỡng sư phạm, học để dạy môn nghệ thuật.
“Những năm đó mấy thầy cô đi vượt biên nhiều quá, nhiều người còn bị bắt đi “cải tạo”, nên đâu còn đủ thầy giáo dạy trong trường. Nên có những chỗ trống, thành ra họ mở trường dạy nhanh để có người đi dạy.Tôi thi đậu và học chỉ có 1 năm thôi. Năm 1979 tôi được phân công dạy hội họa cho các em lớp 6, 7, 8, 9 ở trường Phạm Văn Hai ở khu Chợ Lớn. Trường này trước 1975 là trường tư, do những người gốc Hoa hùn tiền xây lên, nhưng sau 1975, bị chính quyền lấy lại làm trường công. Khi đi dạy, tôi được học sinh thương, vì tôi cũng là người lai gốc Hoa, lại còn trẻ và không phải là người của cộng sản.”
Họa sĩ Ann Phong bồi hồi nói: “Chính học sinh là người về năn nỉ ba má cho cô giáo đi vượt biên chung với gia đình. Có thể nói cái nợ của tôi gắn với học sinh từ đó đến giờ. Năm tôi đi vượt biên là năm 1981, nhưng trước đó cũng có một học sinh nam khác dẫn tôi đi vượt biên chung với gia đình, khi đi xuống miền sông Lý ở Phan Rang, nhưng chuyến đi không lọt, may là không bị bắt, nên tôi quay về lại tiếp tục đi dạy bình thường.
“Tôi đi tiếp lần 2 là vào năm 1981 cùng với gia đình một em học sinh nữ, vì thấy sống trong nước không còn tương lai, mà lại có cơ hội đi, tôi không từ chối. Lần đó tôi đi lọt, nhưng chẳng may em học sinh đó lại đi không lọt, bị bắt 3 năm tù. Sau này em đó nhờ anh trai bảo lãnh qua, sống ở bên New York. Tôi dọn nhà mấy lần, nên đã mất liên lạc với em luôn, em cũng chuyển đi nơi ở mới, mỗi năm tôi vẫn gửi card đến cho em ở địa chủ cũ mà tôi có, hy vọng người ở đây biết sẽ chuyển giùm đến em, nhưng đến nay vẫn không liên lạc được. Không biết làm sao gặp lại em, nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày sẽ gặp lại.”
Họa sĩ Ann Phong cho biết khi vượt biên đến trại tị nạn tại Malaysia và Philippines, chị lại tiếp tục làm cô giáo “tôi tình nguyện làm cô giáo dạy tiếng Anh cho các em nhỏ, nhờ đó mình tự học thêm được. Lúc đó có những thầy cô giáo thiện nguyện trong hội Lưỡi Liềm Đỏ là những thầy cô giáo từ Mỹ, Anh, Canada sang, họ dạy những lớp cao hơn và dạy thêm cho mình có kinh nghiệm để dạy các em nhỏ. Đến năm 1982 tôi sang định cư tại Mỹ.
“Lúc đầu tôi sống ở Connecticut do người chị bảo lãnh. Nhưng ở đây lạnh quá, chịu không nổi, ba tháng sau tôi dọn về sống ở Nam California, vì ở đây có người bạn trai tôi quen khi còn ở Việt Nam (anh qua Mỹ trước), anh nói tôi hãy qua bên này ở, anh sẽ lo cho tôi đi học. Khi qua California, tôi không nghĩ là tôi sẽ học để trở thành họa sĩ. Tôi nghĩ đó là điều mà mỗi người Việt Nam khi đặt chân đến Mỹ khi đó đều phải bỏ giấc mộng của mình để nghĩ đến những người khác, hy sinh mình để lo cho những người thân còn lại ở quê nhà. Khi đó chị gái của bạn trai (sau này là chồng của họa sĩ Ann Phong) khuyên tôi đi học nghề phụ tá nha sĩ, chỉ cần học 6 tháng là đi ra làm ngay.”
Chị kể, khi còn học, chưa ra trường, chị đã được bạn học giới thiệu chỗ đi làm cho một nha sĩ chỉnh răng người Mỹ, làm được 1 tháng, thì tháng sau chị thi lấy bằng. Nhờ khéo tay nên nhìn răng ai méo, chị chỉnh lại được hết, mà lại “mát tay” bệnh nhân không đau. Thành ra cuối năm, chị nhận được quà giáng sinh bệnh nhân tặng còn nhiều hơn bác sĩ. Ông bác sĩ khuyên chị đi học nha sĩ chỉnh răng, học ra, ông sẽ cho mượn chổ để làm.
Lúc đó chị học ở Cal State Long Beach. Chị học full time và làm cũng full time luôn. Ngày chỉ ngủ có vài tiếng thôi. Đi làm cả ngày Thứ 6, 7, Chủ Nhật. Đi học thứ 2, 3, 4, 5. Thế rồi một chuyện xảy ra như một bước ngoặc mới cho chị. Vào dịp hè năm 1987, khi đó chị vẫn chưa học xong, tình cờ vào ngày đi làm, chị bị đụng xe, một người Latino lái xe vượt đèn đỏ, mà xe chị là xe đầu tiên của đèn xanh, bị đụng ngay ghế tài xế. May là chị không bị gãy xương gì hết, nhưng cũng phải nằm nhà thương 2 ngày vì bị shock.
“Chính khoảng thời gian nằm trong nhà thương tôi đã tự hỏi tôi qua Mỹ để làm gì? Tại sao tôi lại bán tuổi thanh xuân để có tiền gửi về cho cha mẹ, nhưng tôi lại không có gì cho tôi hết. Ngày nào tôi cũng phải uống cafe để thức học bài, mà món uống này tôi không hề thích. Tôi nghĩ lại, nếu chẳng may lúc bị đụng xe, mình chết đi, thì mình vẫn chưa có một ngày hạnh phúc, kể từ khi qua Mỹ đến năm 1987, tôi chưa có một ngày nào sống cho mình, làm ngày làm đêm, học ngày học đêm, mà vẫn chưa được làm công việc mà mình yêu thích.
“Sau hai ngày nằm nhà thương ra, tôi bỏ luôn chương trình đang học. Rồi ghi danh vào ngành học yêu thích của mình, ngành hội họa tại Đại học California State Polytechnic University, Pomona. Bắt đầu từ ngày đó tôi cảm thấy yêu đời vô cùng. Năm đó tôi cũng quyết định kết hôn, và báo cho chồng biết đã bỏ học nha sĩ, anh rất giận, nhưng vì thương tôi nên đành chìu theo ý tôi. Khi đó tôi vẫn vừa học, vừa làm ở văn phòng nha sĩ. Khi học nghề tôi thích, tôi biết mình muốn gì, nên ngày nào đi học, tôi ở lại trường đến 2 giờ sáng luôn. Vì về nhà không có chổ vẽ.
“Ở trường không phải chỉ có một mình tôi, mà có vài sinh viên khác cũng ở trường vẽ giống mình. Lúc đó tôi thấy vui sống vô cùng. Cực mấy tôi cũng vượt qua được. May mắn là khi tôi học cao học năm thứ hai tôi được trường nhận làm giáo viên, được làm nghề mình thích, có tiền lương, nên tôi bỏ nghề làm phụ tá nha sĩ. Chuyên tâm vừa đi dạy vừa đi học và sáng tác, khi đó (vào năm 1993) tôi cũng bắt đầu tìm về cộng đồng Việt Nam qua cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyên Khai và Ngô Bảo tại đại học Cypress, tôi đến xem, và biết đến VAALA (Hội văn học nghệ thuật Việt Mỹ), tôi đã gắn bó luôn với hội từ đó.” [Hiện nay họa sĩ Ann Phong là chủ tịch của VAALA].
Chị nói trong khoảng thời gian vừa đi học, vừa đi làm, chị có con, khi con được 1 tuổi có ba mẹ qua giúp trông bé giùm. “Điều mà mình muốn mạnh đến độ cái gì mình cũng sẵn sàng để uyển chuyển thời gian theo điều mà mình muốn. Con tôi khi đó ngoan lắm. 5 giờ sáng tôi thức bé dậy để chở qua nhà bố mẹ chồng. Thành ra tôi nghĩ học sinh nào mà ba mẹ bắt con đi học ngành mà con không yêu thích, con sẽ không đi xa được đâu. Phải để con tự tìm ngành mà con yêu thích nhất, thì dù khó khăn cấp mấy con cũng vượt qua được.”
Họa sĩ Ann Phong chia sẻ: “Lời mà tôi khuyên phụ huynh và các em trẻ, mình chỉ sống trên đời có 1 lần, sống sao cho đáng sống, sống sao cho mình hãnh diện, làm được cái gì cho mình và cho những người khác. Mình sống như vậy, có ý nghĩa lắm. Khi mình bắt con theo ngành học con không thích, đến hồi nó lớn tuổi, nó cũng bỏ thôi. Vì nó sẽ thấy nó không sống cho nó, mà sống cho ai khác. Nó sẽ tìm cách sống cho nó, lúc đó thì trễ rồi.
“Đối với ngành nghệ thuật, khi các em còn trẻ, phụ huynh nhìn thấy tài của các em, thì nên khuyến khích, và phải chắc các em có tài, thì hãy khuyến khích. Còn các em yêu thích mà không có tài, thì không nên đeo đuổi, vì các em sẽ không trụ nổi trong nghệ thuật. Còn khi các em có tài thì hãy khuyến khích cho các em đi đến cùng, chứ đừng bỏ dở. Phải lấy học thức, bằng cấp để giúp mình đi tiếp tục.
“Vì bằng cấp giúp mình suy nghĩ, chứ không phải bằng cấp là vô dụng đâu. Trường đại học dạy mình cách suy nghĩ, cách thưởng thức, họ dạy mình cách sáng tác, tại sao mình sáng tác. Điều này ngay những họa sĩ Việt Nam tại Việt Nam ngày hôm nay không biết chữ đó, tại sao mình sáng tác, cứ thích thì vẽ thôi. Khi mình biết tại sao, thì nó sẽ dẫn mình đi rất xa. Mình chỉ học ở nhà, theo thầy học thêm, mình sẽ không biết điều đó. Hãy vào trường để học, người thầy trong trường ngày nào cũng viết chữ đó lưu trong đầu mình, thì mình sẽ biết tại sao mình sáng tác. Lúc đó mình sẽ chọn được lối riêng cho mình sáng tác. Nếu ai nghĩ học mỹ thuật ở trường không có ích, tôi chống lại. Trường rất có ích, nhưng mình phải biết cách học, thì nó sẽ có ích cho mình. Còn một khi mà mình không thích, mình không thể đi xa. Mình phải biết mình thích, mình có tài, mình muốn hy sinh cho chính điều mình thích thì sẽ đi xa.”

Cách dạy mỹ thuật trên đại học

Họa sĩ Ann Phong giải thích thêm: “Bốn năm đầu trong đại học thì thường sinh viên được dạy nhiều về thực hành, vẽ càng nhiều càng tốt. Năm đầu tiên tôi dạy các em về kỹ thuật, phải đi theo luật, trong nghệ thuật có luật. Năm thứ tư, tức là năm các em bắt đầu ra khỏi trường đại học, tôi dạy các em phá luật để tìm mình. Chứ mình vô luật, mình bị buột chặt. Nhưng khi phá luật, điều mà tôi nhấn mạnh các em phải biết mình là ai, phải vững luật, thì mới phá luật được. Thành ra các em học những năm đầu phải theo luật, vì sao ánh sáng chổ này, bóng tối chổ kia, tại sao bố cục phải vậy, cách diễn tả tranh như thế nào...
“Nhưng đến năm thứ tư phải phá đi, cứ đi theo khuôn, thì không bao giờ thành họa sĩ, sẽ đi trong bóng tối của người khác, hướng dẫn sinh viên sự tự do để lựa chọn một cá tính của mình trong tranh. Khi sinh viên học xong BA hay PFA, lúc lên cao học thì phần viết trở thành quan trọng. Lúc đó thầy cô không còn dạy sinh viên vẽ nữa nhưng mà dạy cách phân tích. Vào thư viện, internet tìm tài liệu, những thứ đó trở thành quan trọng cho người học cao học.
“Thời gian học cao học là được thầy cô dạy cách làm sao đem tranh ra ngoài để triển lãm, cách xin tiền chính phủ như thế nào, xin tiền gallery như thế nào. Sau khi tốt nghiệp cao học thì người sinh viên đó đủ khả năng đi ra một gallery và nộp cho họ một propose, trong đó sẽ có những hình ảnh mà mình đã làm trong ba năm qua… Trong thời gian học, sinh viên đó phải đi xem tranh ở các gallery, đi vô bảo tàng viện rất là nhiều, hoặc là phải thực tập với họ, thực tập trong gallery và viện bảo tang, để tiếp xúc với những người đang có triển lãm để làm quen với người họa sĩ, với gallery, thì lúc mình ra trường mình mới dễ tiếp tục bước tới.”
Họa sĩ Ann Phong bày tỏ: “Nếu nhìn vào cách dạy của các giáo sư ngày xưa dễ lắm, vì mỗi trường phái tranh đã có lý thuyết rõ ràng, cứ đi theo lý thuyết đó. Vẽ người phải vẽ ra sao, ánh sáng, bóng tối… Nhưng ngày nay dạy vẽ rất khó. Vì có nhiều phần khác nhau. Có nhiều người đã phá lý thuyết. hoặc có nhiều bỏ thêm kỹ thuật vào trong nghệ thuật. Có thể dùng điện toán, ánh sáng, âm thanh… vào trong tranh vẽ, đó là những kỹ thuật rất lạ mà ngày xưa họa sĩ không bao giờ dùng.
“Những cái này mình phải đi xem, tìm hiểu thì mình mới dạy được cho học sinh. Ngoài những gì dạy cho họ, mình còn yêu cầu học sinh bỏ thêm nhiều kiến thức riêng vào trong tranh nữa. Thành ra tranh ngày hôm nay không thuần túy chỉ là tranh vẽ, mà còn đi theo nhiều cách khác nhau. Đó là điều xảy ra hằng ngày ở những nước văn mình, mình phải tìm hiểu thì mới đủ trình độ dạy cho sinh viên đại học. Ngay trong lớp tôi thường cho sinh viên xem you tube, mở internet ra cho các em xem, để các em thấy ngày hôm nay người ta đang làm gì, để các em biết. Tôi phải tự cập nhật kiến thức cho mình để mình biết mình sẽ dạy gì.”
Họa sĩ Ann Phong tâm sự: “Tôi luôn khuyến khích các em sáng tạo khi vẽ, bằng cách cho các em xem các tác phẩm của các họa sĩ, tôi hay đem những tác phẩm của các họa sĩ Á Châu, không chỉ là họa sĩ Việt Nam, có cả Đại Hàn, Hongkong, Thái Lan, Campodia, Malaixia… bên cạnh các tác phẩm của họa sĩ Mỹ, Pháp, Anh… Vì tôi yêu thích công việc dạy mỹ thuật, nên tôi bỏ ra rất nhiều thời gian tìm tài liệu, đi xem tranh từ Los Angeles đến Sanfanxico, hay Santa Monica… để về trình bày cho các em. Có lúc tôi được mời đi triển lãm ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bổn… Những dịp đi như vậy, tôi còn đi xem tranh ở các bảo tàng ở những nước này, tôi chụp hình các tranh ở những nơi này đem về cho sinh viên xem, giúp cho sinh viên không chỉ nhìn ở Mỹ thôi, mà còn nhìn xa hơn ở những nước khác.”
Họa sĩ Ann Phong cho biết: “Lớp dạy mỹ thuật ở trường California State Polytechnic University, Pomona đã mở ra hơn 50 năm rồi. Đến hôm nay thì sinh viên ghi danh học ở trường chuyên về vẽ trên computer nhiều hơn, nhưng truyền thống về nghệ thuật vẽ hình họa là căn bản, sinh viên cần phải học. Tôi dạy các em về hình họa trên giấy, lớp tôi phụ trách là yêu cầu căn bản của sinh viên học mỹ thuật để khi các em học vẽ trên computer, các em biết cái giống và khác nhau ra sao giữa vẽ trên giấy và vẽ trên máy, cách nhìn màu sắc…”
Họa sĩ Ann Phong nói: “Không phải đường nào cũng là đường cụt đâu. Mình phải mở cửa ra thì mình thấy ánh sáng. Ngay với ngành nghệ thuật, có nhiều cha mẹ người Việt không muốn con theo ngành này, vì sợ con không có đời sống sung túc. Cứ nghĩ rằng họa sĩ chết thì tranh mới bán có tiền. Không bao giờ muốn con đi theo nghệ thuật, nhất là trở thành họa sĩ. Từ hồi đi dạy cho đến nay tôi vẫn thấy rất ít người Việt Nam vào ngành này. Người Việt Nam thường khi nhìn về ngành mỹ thuật thì có cách nhìn hạn hẹp, cho rằng học mỹ thuật phải là họa sĩ, hay là điêu khắc, nhưng mà ở Mỹ thì rộng lắm, có thể đi vô nhiều ngành, như ngành jewelry design để làm về nữ trang, rồi fashion design (thiết kế thời trang), illustration rồi vô làm cho các hãng in sách… nếu học sinh nghĩ tới học vẽ như một nghề kiếm sống thì có lẽ nên đi vào electric, hay là computer art, hay là game art, tức là có nhiều ngành khác để đi.”
“Theo tôi, nghệ thuật là phải tìm hiểu thì nó mới lớn mạnh trong con người mình. Mỗi khi mình cảm thấy cô đơn hay buồn thì phần đó giúp mình sống. Ngày nào đó mình nhìn trời thấy đẹp, mình hiểu được tại sao trời đẹp vì màu xanh trong đó có cả trăm màu xanh, chứ không chỉ một màu. Khi nhìn cỏ đẹp, mình hiểu được cỏ màu xanh đậm có màu úa trong đó, ngày hôm nay có màu xanh lợt hay vàng tươi trong đó. Nó đẹp và khi mình hiểu nó, tự nhiên thấy nó đẹp hơn. Nghệ thuật giúp mình phần nhân bản đó.
“Mà muốn có thì phải đi tìm hiểu. Nhiều khi đi xem tranh đâu có tốn tiền, chỉ có tốn thời gian thôi, những dịp đó gặp họa sĩ trò chuyện với họa sĩ, sẽ hiểu được rất nhiều điều. Cuộc sống con người không phải lúc nào cũng vui, nhiều lúc mình buồn, thì nghệ thuật giúp mình tươi hơn, sống lại. Trong con người chúng ta, mỗi người luôn có phần nghệ thuật, nhưng nhiều người đã bỏ nó qua 1 bên, tôi mong mỗi người hãy vực phần nghệ thuật trong mình sống lại, để cuộc sống tinh thần có thêm ý nghĩa, chứ không nên chỉ chú trọng vào vật chất.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT