Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 16)

Sunday, 31/05/2015 - 10:27:02

“Lực lượng tiến sĩ và sau tiến sĩ thúc đẩy nghiên cứu cho trường ĐH, nhưng đó không hẳn là một điều tốt. Những cái đầu thông minh và được đào tạo tốt như vậy có thể bị lãng phí.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Đại học (tiếp theo)

Trong các cuộc thi Nho học của Việt Nam vào thời phong kiến, học vị Tiến Sĩ được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là Tiến Sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần những người đỗ Tiến Sĩ được gọi là Thái Học Sinh. Thời Hậu Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn, Tiến Sĩ được dùng để phong cho những người thi đậu trong các kỳ thi Đình và thi Hội tùy theo từng thời. Những người đỗ học vị Tiến Sĩ thời đó thường được nhà vua trao giữ những vị trí trọng trách quan trọng trong xã hội phong kiến.



Học vị tiến sĩ ở Mỹ

Còn với thế giới Tây phương, Tiến Sĩ là một học vị do một trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành khóa học sau đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Chữ viết tắt của tiến sĩ là Ph.D có gốc latin là Philosophiae Doctor. Học vị tiến sĩ Doctor of Philosophy, viết tắt là Ph.D là bậc học cao nhất trong các bậc học xuất hiện đầu tiên ở Đức, sau đó được Mỹ và nhiều nước phương Tây khác sử dụng. Chữ doctor nghĩa là “thầy” (teacher), và “chuyên gia,” “chức trách” (authority). Chữ philosophy (triết học) có nguồn gốc từ thời trung cổ (medieval) ở Châu Âu, khi mà các trường đại học có bốn chuyên khoa (faculty) chính: thần học (theology), luật học (law), y học (medicine), và triết học (philosophy). Philosophy ở đây dùng để chỉ các ngành học không dẫn đến một nghề nghiệp thực tế nhất định của thời đó như người của nhà thờ, luật sư, và bác sĩ.
Thực tế hiện nay, không phải học vị Tiến Sĩ nào cũng liên quan đến triết học; nhưng từ Doctor vẫn còn mang đầy đủ ý nghĩa cũ. Ở phương Tây, trong các thủ tục nghi thức giao tiếp, người ta giới thiệu một người có bằng và học vị Ph.D là “Doctor.” Đa số các trường đại học đều đòi hỏi các giảng viên và các giáo sư phải có bằng và học vị Ph.D. Hầu hết các nhà nghiên cứu ở các viện và phòng nghiên cứu chuyên nghiệp đều có bằng và học vị Ph.D. Tuy nhiên, có một điều là không phải tất cả những người có bằng và học vị Ph.D đều có thể làm giảng sư, giáo sư, hay nhà nghiên cứu. Được biết, bằng Tiến Sĩ đầu tiên được Mỹ sử dụng là vào năm 1861 tại Đại học Yale.
Ở Phương Tây nói chung, nước Mỹ nói riêng, để hoàn tất bằng Tiến Sĩ, người sinh viên phải đạt được hai mục tiêu chính: (a) hoàn toàn tinh thông một ngành (hoặc phân ngành) nào đó, và (b) góp phần mở rộng khối kiến thức của nhân loại về ngành đó.
Mục tiêu góp phần mở rộng khối kiến thức của nhân loại về ngành đó được xem là cái lõi để phân biệt bậc tiến sĩ với các bậc học khác. Tiến sĩ không phải là cái bằng: đọc nhiều, thi lấy điểm cao là xong. Một Tiến Sĩ đúng nghĩa phải có một vài công trình và ý tưởng nghiên cứu của riêng mình. Vì vậy, sau khi lấy được bằng Tiến Sĩ, vị tân Tiến Sĩ đó không phải là sự “kết thúc,” mà là sự “khởi đầu” của một hành trình nghiên cứu khoa học. Viết một luận án là mục tiêu của hàng ngàn nghiên cứu sinh mỗi năm để đạt được học vị Tiến Sĩ. Luận án Tiến Sĩ là một yêu cầu cơ bản cho nghề nghiệp có liên quan đến nghiên cứu. Đó là một tác phẩm trí tuệ giới thiệu với thế giới của một nghiên cứu sinh phối hợp với một người giám sát.
Theo một tài liệu phổ biến trên mạng lưới toàn cầu trích từ The Economis, cho biết: “Tại Mỹ vào những năm cuối của thế kỷ 20 các đại học đã cải tổ giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội Mỹ trong thế kỷ 21 thể hiện qua sự ra đời của Ủy ban Carnegie về giáo dục đại học. Các chương trình đào tạo Tiến Sĩ từ đó phát triển rất nhanh. Cho đến nay có trên hai triệu sinh viên học các chương trình trên đại học và trên 300 nghìn nhà khoa học theo đuổi các chương trình hậu Tiến Sĩ. Tuy nhiên tỷ lệ nghiên cứu sinh hoàn tất chương trình Tiến Sĩ tại Mỹ không cao. Thời gian hoàn tất chương trình Tiến Sĩ trung bình trong vòng 10 năm chỉ chiếm khoảng 57%, khoảng gần 30% sinh viên bỏ cuộc và số còn lại tiếp tục học nhưng phải mất trên 10 năm mới hoàn tất văn bằng Tiến Sĩ. Hiện nay có khoảng trên 40 đại học hàng đầu của Mỹ có chương trình đào tạo sinh viên tốt nghiệp trở thành vừa là các chuyên gia trong lĩnh vực y học đồng thời là các nhà khoa học với văn bằng Tiến sĩ kép MD-PhD (Medical Doctor - Ph.D.).
Năm 1970, nước Mỹ đào tạo ra một phần ba sinh viên số sinh viên của toàn thế giới và một nửa số tiến sĩ về khoa học và công nghệ. Từ đó, số lượng tiến sĩ được đào tạo tăng gấp đôi, lên đến 64,000 tiến sĩ. Một loạt các nước OECD cũng đuổi theo về số lượng tiến sĩ: Mexico, Tây Ban Nha, Ý và Slovakia. Kể cả Nhật cũng tăng về số lượng đào tạo. Điều đó cho thấy sự mở rộng của giáo dục đại học ngoài nước Mỹ.
Tuy nhiên cũng theo tài liệu này thì trên thực tế, việc đào tạo Tiến sĩ đã vượt quá nhu cầu về giảng viên của trường đại học. Nước Mỹ đã đào tạo ra 100,000 tiến sĩ trong giai đoạn 2005 - 2009. Sử dụng tiến sĩ để giảng dạy đại học đã làm giảm số lượng tuyển dụng giảng viên hợp đồng dài hạn. Chẳng hạn như Canada, nơi có Tiến sĩ tốt nghiệp vào mức khiêm tốn, đã đào tạo ra 4,800 tiến sĩ năm 2007 nhưng chỉ cần khoảng 2,616 giảng viên đại học hợp đồng dài hạn. Chỉ có những nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Braxin mới thiếu tiến sĩ.
“Lực lượng tiến sĩ và sau tiến sĩ thúc đẩy nghiên cứu cho trường ĐH, nhưng đó không hẳn là một điều tốt. Những cái đầu thông minh và được đào tạo tốt như vậy có thể bị lãng phí.
Ở Mỹ, 57% nghiên cứu sinh lấy được bằng tiến sĩ sau 10 năm. Cũng bằng đó năm, nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn (thường phải tự trả tiền để học TS), mới lấy được bằng. Một nghiên cứu ở một trường ĐH ở Mỹ đã chỉ ra rằng, những người không lấy được bằng không phải là bởi họ kém thông minh mà bởi họ có ít tiền, tương lai công việc không tốt hay người hướng dẫn tồi.
Một báo cáo của OECD cho thấy sau khi có bằng Tiến Sĩ, hơn 60% Tiến Sĩ ở Slovakia và hơn 45% ở Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức và Tây Ban Nha vẫn chỉ có hợp đồng tạm thời. Khoảng 1/3 tiến sĩ ở Áo có công việc không liên quan đến bằng Tiến Sĩ của mình. Ở Hòa Lan, tỉ lệ này là 21%. Tại Anh, nam cử nhân kiếm nhiều hơn những người không đi học ĐH (dù đã đỗ) 14%. Tiến sĩ toán học, điện toán, khoa học xã hội và các ngôn ngữ không kiếm được nhiều hơn những người có học vị thạc sĩ. Phí bảo hiểm cho một tiến sĩ ít hơn so với bằng thạc sĩ về kỹ thuật và công nghệ, kiến trúc và giáo dục. Chỉ trong y học, khoa học, và kinh doanh và nghiên cứu tài chính thì nó đủ cao để bằng Tiến Sĩ có giá.”

Thời gian hoàn tất Tiến Sĩ

Được biết ở Mỹ, thời gian trung bình để hoàn thành một chương trình Tiến sĩ là khoảng 6 - 7 năm, hạn chót là 10 năm phải xong. Nghiên cứu sinh phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn đầu phải học một số môn học tại lớp kéo dài từ một đến ba năm; ở giai đoạn hai nghiên cứu sinh phải dự một kỳ thi gồm các môn đã học qua trong giai đoạn đầu để trắc nghiệm vốn liếng kiến thức đã nắm được (gọi là “qualifying exam”); và giai đoạn cuối kéo dài từ hai đến bốn năm để tổng kết công trình nghiên cứu thể hiện sự đóng góp mang tính khám phá mới lạ của nghiên cứu sinh bằng một bản luận án Tiến sĩ. Sau cùng nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án Tiến sĩ của mình trước một Hội đồng hướng dẫn thuộc ngành nghiên cứu của nghiên cứu sinh chọn. Giai đoạn học các chuyên đề hết sức vất vả vì yêu cầu rất cao và phải làm việc hết sức độc lập, đôi khi người nghiên cứu sinh khá cô đơn. Vì khác với học đại học hay cao học mà học nhóm là phổ biến, học Tiến sĩ chủ yếu tự mình nghiên cứu lĩnh vực mà mình quan tâm.
Giai đoạn này là khoảng thời gian hết sức quan trọng, cung cấp rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Tạo cơ hội cho nghiên cứu sinh tiếp cận với rất nhiều thông tin kiến thức, trường phái khác nhau trong chuyên ngành, từ đó xác định và lựa chọn chuyên ngành mình thích và muốn nghiên cứu. Trong mỗi chuyên đề, mỗi nghiên cứu sinh phải đọc, nhận xét, phản biện hàng trăm bài báo chuyên môn, tranh luận trên lớp, thực hiện các nghiên cứu độc lập và viết các bài báo (academic papers), mà yêu cầu phẩm chất phải có để được chấp nhận ở các hội thảo hay tạp chí khoa học, vì đây cũng chính là phương pháp đánh giá một nhà nghiên cứu của Mỹ và thế giới.
Vì học Tiến Sĩ rất vất vả, nên nếu ai không thật sự yêu thích nghiên cứu và giảng dạy, họ sẽ không học và cũng không đủ nghị lực để hoàn thành chương trình. Có ý kiến cho rằng một người học xong Tiến sĩ mà lại chuyển ngay sang làm công việc khác sẽ không được đánh giá cao. Bởi lẽ, người đó quá kém để tìm được một vị trí tại một trường Đại Học. Người đó đã lãng phí thời gian vì học mà không sử dụng đúng chuyên môn. Vì sau khi một nghiên cứu sinh học và bảo vệ thành công luận án, thì người đó mới chỉ bắt đầu như một người tập sự của công việc nghiên cứu. Họ phải nghiên cứu và giảng dạy để trở thành một giáo sư và một nhà nghiên cứu thực thụ. Nếu sau khi ra trường, vị Tiến Sĩ đó không làm công việc nghiên cứu trong vòng một thời gian, thì bằng tiến sĩ của vị đó sẽ bị mất giá trị.
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT