Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 20)

Sunday, 28/06/2015 - 09:42:03

“Theo Natalie nghĩ, những gì chúng ta làm hôm nay có thể sẽ để lại một di sản cho thế hệ tiếp theo và những con cháu của chúng ta sau này. Sự thành công của các chương trình này không thể không có sự hỗ trợ của cộng đồng. Natalie hy vọng rằng chúng ta có thể đến với nhau trong sự đoàn kết để hỗ trợ sự phát triển của các chương trình này.”

Bài BĂNG HUYỀN

Tiến sĩ Natalie Trần

Mở đầu câu chuyện nguyên do đến với nghề giáo, tiến sĩ Natalie Trần (hiện là Associate Professor - tạm dịch Phó Giáo Sư - của đại học Cal State Fullerton, phụ trách trong lãnh vực đào tạo lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…) của các trường tiểu học và trung học, đồng thời là đồng Chủ Tịch của Hội Đồng Cố Vấn Giáo Dục Việt - Mỹ và là giám đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Ngôn Ngữ Gốc Á tại đại học Cal State Fullerton], tâm sự, “Trong thời gian học cử nhân tại đại học UCLA, hai năm đầu, Natalie cũng chưa xác định là sẽ học để trở thành cô giáo, mà chỉ chọn học ngành khoa học, vì rất thích khoa học.
Tuy nhiên trong ngành học này vào năm thứ hai, trường có cho sinh viên học ngoại khóa tại hai nơi, là đi thăm bệnh viện và đến trường trung học, để sinh viên xem môi trường hai nơi đó ra sao. Tình cờ dịp ấy Natalie có cơ hội nói chuyện với một người làm ở trường đại học, người đó có nói một câu mà Natalie vẫn còn nhớ đến ngày hôm nay: Thật ra có một số người thích giúp đỡ những người đang bệnh hoạn, còn một số người khác có chí hướng thích giúp những người còn khỏe mạnh, và giúp một cách khác.
Câu nói đó đã tác động đến Natalie, Natalie nghĩ, nếu mình có thể giúp được các em học sinh thì mình sẽ có niềm vui nhiều hơn. Vì giữa môi trường trong bệnh viện và trong trường học là hai môi trường khác nhau, hai năng lượng rất khác nhau. Hai năm tiếp theo để hoàn tất bằng cử nhân, Natalie vẫn giữ môn Khoa Học, nhưng quyết định sẽ theo nghề giáo để dạy môn khoa học (dạy các lớp sinh học và hóa học ở trường trung học).”

Tiến sĩ Natalie Trần



Những áp lực trong quá trình làm cô giáo dạy trung học

Tiến sĩ Natalie Trần cho biết sau khi cô học xong cử nhân, để nâng thêm kiến thức cho mình trong việc dạy học sinh trung học, cô tiếp tục học master tại đại học UCLA để lấy bằng cao học môn giáo dục. Trong thời gian vừa học cao học, cô vừa đi dạy tại một trường trung học có khoảng 2,500 học sinh ở học khu tại Los Angeles. Đây là trường trong khu lao động nghèo, học sinh chủ yếu là người Mỹ đen, Mễ Tây Cơ. Chính kinh nghiệm dạy học ở trường trung học này đã để lại ấn tượng rất sâu đậm với Natalie Trần để cô quyết định học thêm lên tiến sĩ.
Tiến sĩ Natalie Trần kể, “Áp lực khi Natalie có trong thời gian dạy ở trường này không phải từ học sinh. Đối với Natalie thì học sinh nào cũng như học sinh đó, các em dù là chủng tộc nào thì cũng giống nhau, cũng có tuổi thơ thú vị. Nhưng áp lực mà Natalie thấy là hệ thống giáo dục. Khi mình làm, mình thấy tại sao muốn thay đổi khó quá. Ví dụ, mình dạy về khoa học, mà không có sách, không có hóa chất để cho các em làm thí nghiệm, thì làm sao dạy được. Ngoài ra, điều quan trọng hơn hết còn ở môi trường các em sống sau giờ học.
“Bao quanh ngôi trường là 4 khu housing dành cho người nghèo với hàng rào kẽm gai như trại tị nạn, chứ không phải là ngay tại nước Mỹ. Dù ngôi trường nơi các em học không có gì hết, nhưng vẫn là nơi các em thấy được bảo vệ, vì khi đến trường, các em an toàn nhất. Những em học sinh của Natalie, có em sống ở môi trường rất xấu, có những em khi đi từ chổ ở tới trường, trên áo có vết máu, vì đã đi ngang qua đám người đánh nhau, có những em không được ăn uống đầy đủ. Mình cũng không thể đổ lỗi cho gia đình, vì có em không có bố mẹ, phải sống với ông bà nội hay ông bà ngoại.
“Đó là vấn đề ngoài phạm vi của lớp học, của nhà trường, đó là vấn đề của một cộng đồng. Với một em học sinh lứa tuổi 14, 15, 16, phải sống trong một môi trường như vậy, khi đến lớp, liệu các em có tinh thần để học hay không? Nếu các em không có tinh thần, ý chí để học, thì đó không phải lỗi các em, mà là vấn đề xã hội. Với một người giáo viên, dù mình có cung cấp cho các em một bài giảng hay thật là hay, hoặc luôn tận tụy với các em, nỗ lực hết mình, nhưng khi phải đối với áp lực từ bên ngoài trường học, băng đảng bắn giết nhau.
“Nhiều em cho biết phải mặc quần áo này, nếu mặc quần áo khác, có thể bị nhận nhầm là thành viên của băng đảng, có thể bị đánh, bị bắn… Khi mình muốn thay đổi sự học vấn cho các em, mình không thể cho rằng thầy cô giáo phải tốt, ngôi trường phải tốt, mà phải nghĩ đến những điều khác bao quanh các em ở môi trường lớn là môi trường bạn bè các em, bố mẹ các em sau khi các em rời trường. Khi các em về nhà, các em có bàn ghế để ngồi học đàng hoàng hay không, nếu các em không có những phương tiện đó, thì tại sao mình trách các em không chịu học.”
Theo tiến sĩ Natalie Trần, chính vì mỗi ngày cứ phải đối diện như vậy, nên có nhiều thầy cô giáo không thể trụ được lâu tại trường đó. Dù trường có rất nhiều thầy cô giáo trẻ, là những người còn giàu năng lượng, có khát vọng thay đổi, nhưng đa số dạy tại đây chừng 3 năm là rời trường, để tìm nơi khác. Bản thân Natalie Trần dạy phụ giáo ở trường này 1 năm và dạy chính thức 2 năm, sau đó cô quyết định học thêm.
“Bấy giờ Natalie thấy kiến thức mình vẫn còn hẹp quá, vì muốn góp phần thay đổi hệ thống giáo dục, mong học tiếp để có điều kiện xin về làm phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng trong trường trung học, vì vậy Natalie đã học chương tiến sĩ với chuyên môn về khoa Lãnh Đạo Giáo Dục và Phân Tích Chính Sách (Educational Leadership and Policy Analysis) tại trường Đại học University of Wisconsin–Madison, đây là một trường đại học được xếp hạng đầu trên thế giới về bộ môn này.
“Natalie học tiến sĩ và hoàn tất luận án trong vòng 3 năm, Natalie học nhanh vì muốn nhanh chóng trở lại trường học để tiếp tục thay đổi. Nhưng chính thời gian học tiến sĩ, học được sâu hơn những phương pháp nghiên cứu nên cuối cùng Natalie quyết định đổi hướng đi, xin dạy tại đại học để có nhiều thời gian nghiên cứu hơn.”

Quá trình xin việc trong thời gian hoàn tất luận án tiến sĩ

Kể lại quá trình đi xin việc tại trường đại học, tiến sĩ Natalie Trần nói: “Năm Natalie viết luận án, Natalie đã bắt đầu nộp đơn tại các trường đại học để xin việc rồi. Vì khi mình đã có đề tài viết luận án, thì mình đã có quyền nộp đơn xin việc tại các trường đại học. Về đề tài viết luận án, thường đầu năm thứ hai hoặc cuối năm thứ hai thì ý tưởng đề tài mới đứng vững, vì Natalie biết mình sẽ hoàn tất bằng tiến sĩ sau 3 năm, nên dù chưa hoàn tất luận án của mình, Natalie đã nộp đơn cho 60 trường đại học khắp nước Mỹ và được 20 trường đồng ý phỏng vấn mình qua điện thoại. Khi mình nộp đơn khắp các trường đại học, không phải trường nào cũng đồng ý phỏng vấn mình, nhưng khi họ phỏng vấn sơ khởi trên điện thoại thấy thích mình, thì họ mới quyết định mời mình đến trường để họ trực tiếp phỏng vấn lần nữa rồi mới quyết định có nhận mình hay không. Khi đó Natalie được 10 trường đồng ý mời đến trường để phỏng vấn trực tiếp.”
Tiến sĩ Natalie Trần cho biết thường những buổi phỏng vấn trực tiếp như vậy, trường đại học sẽ mời 3 hoặc 4 ứng viên để sau phỏng vấn họ sẽ quyết định chọn một. Vì vậy thời gian mà trường đại học mời các ứng viên đến phỏng vấn do trường ấn định khoảng trong 1 tuần lễ đến 10 ngày, để luân phiên phỏng vấn các ứng viên, thành ra khi họ đề nghị ngày cho ứng viên, nếu người đó không đi được thời gian mà trường đề nghị, thì bị mất cơ hội, vì phải theo lịch trình của trường sắp xếp.
“Khi trường đại học mời mình đến, họ bao vé máy bay, nơi ở, tiền ăn, mình không phải trả chi phí gì hết. Vì vậy rõ ràng chi phí họ bỏ ra mời 3, 4 người để họ gặp trực tiếp phỏng vấn, nên khi họ quyết định chọn người nào đó, họ phải chọn rất cẩn thận. Có trường phỏng vấn mình một ngày. Có trường vừa phỏng vấn, vừa muốn xem mình dạy thử ra sao, tiếp xúc với các sinh viên ra sao, cách dạy thế nào kéo dài 2, 3 ngày. Họ quan sát kỹ lắm.Vì thời gian họ trải qua với mình thì mới giúp họ tìm hiểu về mình có thích hợp để họ nhận hay không.
“Trong 10 trường đồng ý phỏng vấn, có 5 trường đồng ý nhận Natalie. Có trường ở tiểu bang Ohio, New York, Michigan. Khi được mời 1, 2 phỏng vấn đầu, Natalie rất hồi hộp, nhưng sau đó thì Natalie quen thuộc không còn hồi hộp nữa. Có khoảng thời gian 2, 3 tháng Natalie cứ bay đi qua lại các tiểu bang để đến phỏng vấn tại các trường đại học, Natalie đã bị bệnh, vì các buổi phỏng vấn cứ nối tiếp nhau, bản thân không còn năng lực nữa. Lần đó có trường ở tiểu bang Indiana gọi mời Natalie phỏng vấn, hứa hẹn nhiều cơ hội tốt, nhưng lúc bấy giờ Natalie bị bệnh, đuối quá, đành phải từ chối.
“Vì vậy khi trường California State University, Bakersfield (Cal State Bakersfield) phỏng vấn Natalie trên điện thoại ngày thứ Năm, rồi họ hỏi thứ Hai có thể đến trường để phỏng vấn không, Natalie đồng ý. Thứ Hai phỏng vấn xong, thứ Sáu trường cho biết đồng ý nhận Natalie, Natalie đồng ý luôn. Dù đây không phải là lựa chọn tốt nhất mà Natalie mong muốn, nhưng vì Natalie muốn có cơ hội làm việc tại Nam California, để ở gần với gia đình. Natalie dạy tại đó 2 năm. Sau đó có cơ hội được trường đại học Cal State Fullerton nhận vào dạy từ tháng 8 năm 2010 đến nay.”
Tiến sĩ Natalie Trần chia sẻ, “Khi đó Natalie vẫn chưa xong luận án, chỉ mới có ý tưởng và đang viết thôi. nhưng đây là điều mà Natalie muốn chia sẻ cho những ai trong thời gian tìm việc khi thực hiện luận án tiến sĩ. Đó là quan trọng nhất mình phải có đề tài hay và ý kiến của mình. Vì qua đề tài, trường đại học sẽ thấy được sự suy nghĩ của mình. Phẩm chất của đề tài là quan trọng, cách mình suy nghĩ khi thực hiện đề tài đó. Có thể luận án mình chưa xong, nhưng mà họ thấy được suy nghĩ của mình thú vị ra sao, để họ quyết định nhận mình.”

Hoài bão giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ tương lai

Rời Việt Nam cùng mẹ vượt biên lúc 8 tuổi, nhưng Natalie vẫn có thể nói, viết và đọc tiếng Việt rất thông thạo, vì vậy bên cạnh công việc đào tạo lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…) của các trường tiểu học và trung học, cô giữ vai trò là giám đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Ngôn Ngữ Gốc Á tại đại học Cal State Fullerton. Natalie Trần nói đây vừa là công việc chuyên môn, vừa là một hoài bão cá nhân, mong giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt cho các thế hệ tương lai.
Natalie tâm sự, “Con của Natalie chính là nguồn cảm hứng cho Natalie dấn thân vào công việc này, vì nghĩ đến tương lai khi con đến tuổi đi học, muốn con có cơ hội học tiếng Việt, tự hào là người Việt Nam, có cơ hội để chọn mua một cuốn sách tiếng Việt bên này. Hy vọng công việc này cũng chia sẻ được với các phụ huynh khác cũng có hoài bão tương tự như Natalie. Liên Bang cấp cho một khoảng ngân quỹ để lập ra Trung tâm Hỗ Trợ Ngôn Ngữ Gốc Á. Nhưng Trung tâm chú trọng nhiều vào tiếng Việt hơn tiếng Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, vì so với 3 ngôn ngữ trên, tiếng Việt vẫn chưa có nhiều tài liệu. Bây giờ đã bắt đầu thế hệ thứ ba người Việt sống tại đây rồi, có những phụ huynh thế hệ thứ hai muốn mua sách tiếng Việt dạy cho con học, nhưng không thể dùng tài liệu cũ như thế hệ thứ nhất là mẹ Natalie dạy Natalie được. Ngày nay phải là tài liệu mới, vì kinh nghiệm sống nay đã thay đổi rồi.”
Theo tiến sĩ Natalie Trần, Trung tâm rất cần có nhiều người chung tay giúp sức “vì cộng đồng mình có nhiều tài năng và tài liệu, nếu có tài liệu thì hãy cho Natalie biết, để giúp Natalie bớt được thời gian đi kiếm lại.” Hiện trung tâm đang làm việc với học khu tại Seathel, tại đây có chương trình song ngữ Việt Anh, họ muốn trung tâm giúp họ tìm tài liệu, nếu tìm không được, thì sẽ thành lập một nhóm soạn ra tài liệu đó.
Hiện nay đã có một nhóm đang giúp trung tâm. Sách phải thật sống động, khi các em đọc, các em phải thật thích thú. Hiện tại có cộng tác với 4 học khu, 3 học khu tại Nam California là học khu Westminster, Anaheim, Garden Grove, và tại Seattle (tiểu bang Washington), trung tâm sẽ hỗ trợ các thầy cô dạy tiếng Việt tài liệu. Trung tâm sẽ có website, những tài liệu bỏ lên website sẽ miễn phí, mọi người đều có thể lấy xuống. Sẽ có các khóa học mùa hè….
Tiến sĩ Natalie Trần nói, “Cộng đồng của mình hơi đặc biệt hơn Nhật, Trung Quốc, Đại Hàn, vì mình không có hỗ trợ từ trong nước như những quốc gia kia, mà quan trọng hơn là cộng đồng chúng ta ở đây chắc chắn không bao giờ muốn được sự hỗ trợ tài liệu tiếng Việt từ trong nước. Khi đảm nhận vai trò giám đốc Trung tâm, Natalie xem đây là một vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của mình để tiếp tục xây dựng trên công việc mà những người đi trước chúng ta đã thiết lập.
“Theo Natalie nghĩ, những gì chúng ta làm hôm nay có thể sẽ để lại một di sản cho thế hệ tiếp theo và những con cháu của chúng ta sau này. Sự thành công của các chương trình này không thể không có sự hỗ trợ của cộng đồng. Natalie hy vọng rằng chúng ta có thể đến với nhau trong sự đoàn kết để hỗ trợ sự phát triển của các chương trình này.”
Tiến sĩ Natalie Trần cho biết thêm: “Dự án này bắt đầu từ tháng 10 năm 2014 kéo dài đến năm 2018. Nếu sau 4 năm, chương trình thành công, sẽ có cơ hội xin thêm ngân quỹ để phát triển tiếp chương trình. Natalie uớc mong chương trình này sẽ không gặp trở ngại, Natalie thấy con đường của chương trình này dài hơn, không phải chỉ gói gọn trong 4 năm. Có thể Natalie chỉ làm chương trình này trong một thời gian, rồi sẽ có người khác tiếp nối. Hy vọng những gì mình làm hôm nay, người đi sau có thể dùng được, có thể tiếp tục đi vững hơn.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT