Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại Quận Cam (kỳ 4)

Monday, 09/03/2015 - 12:11:26

Một giáo viên kinh nghiệm luôn luôn biết cách tự kiềm chế cảm xúc của mình và miệng luôn luôn phải cười. Có thể nói người giáo viên luôn xem đây là một phần của nghề nghiệp mình và chúng là thật trong một ngày tiêu biểu trong trường học, lớp học.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Việt ngữ tại trường trung học

Dạy học là một công việc đòi hỏi chuyên môn và có tính cách cá nhân của giáo viên. Không chỉ hoạch định và khả năng truyền đạt giỏi, người giáo viên còn phải có phong cách, thái độ và óc khôi hài và quan trọng bậc nhất là một sức khỏe tinh thần tốt. Vì trong một ngày làm công việc dạy dỗ (vừa “dạy” và phải vừa “dỗ” để thuyết phục học sinh tập trung học tập), người giáo viên có thể trải qua một chu kỳ tâm lý đi từ thái cực này qua thái cực khác. Từ bực dọc, thất vọng, thỏa mãn, giận dữ, vui mừng, chán chường, sợ hãi, mệt mỏi, cảm giác mình bất toàn, mất kiên nhẫn đến sự biết ơn và đền trả của học sinh.
Thường thì dù giận dữ buồn bực đến đâu, giáo viên cũng không trút cơn bực dọc của mình vào đâu ngoại trừ ghé qua phòng sinh hoạt của giáo viên và tâm sự ít nhiều với đồng nghiệp về những buồn bực của mình. Một giáo viên kinh nghiệm luôn luôn biết cách tự kiềm chế cảm xúc của mình và miệng luôn luôn phải cười. Có thể nói người giáo viên luôn xem đây là một phần của nghề nghiệp mình và chúng là thật trong một ngày tiêu biểu trong trường học, lớp học.

Thầy Dzũng Bạch



Để trở thành một giáo viên hữu hiệu, gắn bó với sự nghiệp giáo dục dài lâu không phải là điều đơn giản, nhất là với những giáo viên bước vào nghề giáo khi tuổi đời đã ngoài 40 và lại là một di dân mới qua Mỹ đầu thập niên 1990 như trường hợp của cô Lan Nguyễn (Nguyễn Mộng Lan) dạy Việt ngữ tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach) và thầy Dzũng Bạch dạy Việt ngữ tại trường trung học La Quinta (học khu Garden Grove) kiêm trưởng phân khoa ngoại ngữ tại trường trung học này.

Tâm tình của thầy Dzũng Bạch

Thầy Dzũng Bạch vốn là một cựu Thiếu Úy, chỉ huy Trung Đội 3, Tiểu Đoàn 2, Sư Đoàn 1 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 khi tuổi đời mới ngoài 20, sau đó là 5 năm bị hành hạ trong trại tù cải tạo ở Bình Điền sau biến cố 1975. Khi ra tù, ông có 10 lần vượt biển và trải qua những lúc ở giữa lằn ranh sống chết, nhưng các chuyến vượt biển đều bất thành, và ông từng bị tù hai lần vì tội vượt biển. Cuối năm 1987, sau khi ra tù, ông và hiền thê của mình có thời gian tìm hiểu nhau, vì trong chuyến đi vượt biển bị đắm tàu lần cuối, cả hai đi cùng chuyến, bà có 20 lần vượt biển nhưng cũng đều thất bại, cả hai đã đi đến hôn nhân và đành chấp nhận đầu hàng số phận, không liều lĩnh vượt biển nữa, vì thấy nó đã nằm ngoài tầm tay của mình.
Vợ chồng ông, cùng hai con gái và người mẹ già (bố ông vừa mất trước đó) đã đến Mỹ vào tháng 9 năm 1994, theo chương trình H.O 22. Khi đó ông đã bước vào tuổi 44, nhưng vẫn chưa quá trễ cho ông và gia đình làm lại cuộc đời.
Năm đầu mới đến Mỹ, trong vai trò phụ huynh thiện nguyện, một lần ông đến giúp cô giáo trong nhà trẻ Head Start (dành cho gia đình có lợi tức thấp) nơi con gái ông đang theo học. Bà hiệu trưởng của trường thấy ông có khả năng, đã mời ông vào trường làm phụ giảng.
Đây là công việc đầu tiên đã giúp ông kiếm sống, với mức lương $7.50 Mỹ kim một giờ. Sau đó, để nâng cao nghề nghiệp, vừa học vừa làm, ông đã ghi danh theo học và có được bằng dạy nhà trẻ và bằng làm hiệu trưởng nhà trẻ.
Thầy Dzũng Bạch tâm sự, “Tôi thấy mình đi đúng hướng giáo dục, nhưng lại chọn sai văn bằng đã học, nên quyết định chọn trường Cal State Fullerton để học và lấy bằng giáo viên dạy tiểu học. Học xong, tôi ra trường vào năm 2000, nhưng phải đi dạy thực tập một năm rưỡi. Lớp tôi học có khoảng 50 người. Chỉ có 3 người Á Châu, mà tôi là người già nhất và là người thứ 7 may mắn tìm được việc khi ra trường. Vì vào thời điểm đó, học khu Garden Grove vừa chấp thuận mở lớp dạy tiếng Việt tại trường La Quinta và trường Bolsa Grande.
“Tôi đã được nhận vào La Quinta từ năm 2003. Ngoài tiếng Việt, tiếng Anh, tôi còn thông thạo tiếng Pháp nhờ đã từng học chương trình Pháp lúc học trung học. Thời gian đầu dạy tại trường, vì chưa có đủ 5 lớp tiếng Việt trong ngày. Tôi phải đảm nhận dạy thêm 1 lớp là môn Life Science (khoa học tự nhiên) dành cho các học sinh thiểu số học và một lớp môn tiếng Pháp.”
Không tự bằng lòng với mình, năm 2008, ông đã ghi danh theo học bằng cao học về giáo án và phương pháp giảng dạy tại trường Concordia University.
Thầy Dzũng Bạch bảo rằng, ban đầu đến với nghề giáo, ông chưa hề yêu thích, chỉ mong có được công việc để lo đời sống cho gia đình. Nhưng dần dần, ông nhận thấy mình rất yêu thích công việc này, và luôn luôn tìm cách nâng cao nghiệp vụ, tìm tòi những cách tốt nhất, hay nhất để “truyền tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt cho các học trò.”
Đất nước Mỹ là đất nước của cơ hội cho những ai có quyết tâm và ý chí. Điều này rất đúng với trường hợp thầy Dzũng Bạch. Với ông, nước Mỹ đã dạy cho ông bao điều hay, nếu còn kẹt ở Việt Nam, chắc chắn ông không bao giờ biết được. Mà sự hận thù sẽ luôn gặm nhấm và là độc dược giết chết con người ông.
Thầy Dzũng Bạch chia sẻ, “Người Việt mới sang Mỹ, khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ, như tôi ngoài 40 mà phải vào học những lớp nói tiếng Anh chứ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, đó là khó khăn chung của những di dân mới sang, chứ không riêng gì tôi. Nhưng tôi may mắn có khiếu ngôn ngữ, ngoài tiếng Việt, tôi còn thông thạo tiếng Pháp do học chương trình song ngữ Pháp Việt ở Sài Gòn trước đây, ngôn ngữ thứ ba của tôi là tiếng Anh. Chính vì biết nhiều ngôn ngữ nên khi nộp đơn xin việc tại truồng, tôi dễ được nhận vào trường hơn.
“Ngoài ra cái may của riêng tôi là dù qua đây đã ngoài 40, nhưng tôi thích ứng nhanh với cuộc sống bên này. Tôi học nghề giáo và đem về áp dụng vào cách dạy con mình, vì các con tôi qua đây tuổi còn nhỏ, chúng hội nhập vào văn hóa Mỹ rất nhanh. Hồi đầu tôi bị shock, nhưng dần dà tôi không trách được con mình mà chấp nhận để thích nghi với cuộc sống mới, gắng hòa nhịp được vào văn hóa Mỹ, tuy nhiên tôi không bỏ qua cái hay của văn hóa Việt.
“Nếu so với giáo viên của giáo dục miền Nam trước 1975 và giáo viên tại Mỹ thì rất khác biệt, giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước 1975 ít nhiều đặt nặng vai trò của người Thầy, khác với bên này.”
Theo Thầy Dzũng Bạch, điều không may là ngày nay học sinh không còn tự động kính trọng giáo viên nói riêng và ngành giáo nói chung, dù đó là các em gốc Việt, nhưng các em sinh đẻ bên này, trưởng thành bên này, nên đã hấp thụ nền giáo dục bên này từ bé. Giáo viên phải tạo điều kiện và đòi hỏi sự kính trọng nơi học sinh của mình. Để đạt được điều này, giáo viên phải thành thạo về môn học mình dạy, phải biết truyền đạt bài giảng, đối xử học sinh công bằng, luôn luôn thuần nhất trong những phán đoán và phân xử công bình, và sẵn sàng nhận lỗi nếu mình làm lỗi. Tất nhiên những đức tính này của giáo viên sẽ không được học sinh biết đến nếu giáo viên đó không hành xử những năng lực cùa mình một cách rành mạch cho các em thấy.
Thầy Dzũng Bạch bày tỏ thêm, “Đối với tôi việc cận bằng được hai nền văn hóa Việt- Mỹ là điều khó nhất, tìm nét hay, tinh hoa của văn hóa Việt để gìn giữ và đóng góp điều đó cho học trò người Mỹ gốc Việt luôn là ưu tư của tôi. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng hết khả năng của mình để truyền dạy cho các em vẻ đẹp ngôn ngữ và văn hóa Việt.”

Nghề giáo với cô Lan Nguyễn là một ơn gọi

Còn với cô Lan Nguyễn (Nguyễn Mộng Lan) thì kể rằng cô đến với nghề giáo thật sự là một ơn gọi. Trước năm 1975, khi còn ở Việt Nam cô vừa đi học đại học văn khoa (học chiều tối) vừa đi làm công chức cho phủ Thủ Tướng ở Tổng nha công vụ, khi đó cô thi đậu vào đây làm thư ký, lúc mới 18 tuổi, do muốn có thêm thu nhập trong thời gian học đại học.
Công việc của cô bấy giờ là chuyên về hành chánh xem xét hồ sơ công chức toàn quốc của VNCH.
Sau khi cô hoàn tất đại học Văn Khoa, đang học năm thứ hai cao học, và vẫn làm nhân viên ở Tổng Nha công vụ thì mất nước, lúc đó cô mới 25 tuổi. Bố cô bị đi tù cải tạo 11 năm, người em trai được gia đình cho đi vượt biển và thành công, ở nhà chỉ còn mình cô chăm sóc mẹ và đi thăm nuôi bố, nên cô cũng không có ý định lập gia đình và ở vậy từ đó đến nay. Để hai mẹ con không bị bắt đi kinh tế mới, cô phải học đan rổ để làm, dù tiền kiếm được chẳng là bao.
Sau đó họ cho cô đi dạy toán, lý, hóa, môn nữ công cho các em lớp 9 học thêm ở nhà thiếu nhi Thành Phố, nhờ vậy cô có tiền thăm nuôi ba và chăm sóc mẹ. Khi đi Mỹ diện H.O của ba vào cuối năm 1994, lúc mới qua, vì chưa là cư dân California một năm, cô chưa thể đi học vì sẽ tốn nhiều tiền, nên cô xin làm công việc dán nhãn những chai thuốc sơn móng tay. Khi thời gian ở California đúng một năm, cô ghi danh đi học ngay ESL, lúc đó cô đã 45 tuổi, rồi quyết tâm sẽ theo đuổi việc học để trở thành giáo viên tiểu học.
Cô tốt nghiệp năm 2002, may sao năm đó đại học Cal State Long Beach mở ra một phân khoa về đào tạo các thầy cô giáo tương lai dành cho các thầy cô giáo dân tộc thiểu số trở thành giáo viên để giúp các học sinh thuộc sắc tộc thiểu số học trong các trường được thành công. Vì các thầy cô này có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ với học sinh, giúp liên lạc với phụ huynh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh đó, khuyến khích các thầy cô giáo học.
Chương trình này được chính phủ Liên Bang cho tiền học, trả tiền đi thi, tiền mua sách, và sau khi học xong họ phải làm giáo viên được phân công về các trường ở học khu có học sinh thiểu số học kém, học khu thiếu giáo viên… làm ít nhất phải 3 năm. Cô được tuyển làm Program Coordinator của chương trình này dưới sự giúp đỡ của giáo sư Nguyễn Lân Kim Oanh.
Song song công việc này, cô còn học thêm lấy bằng Thạc sĩ về quản thủ thư viện trong các trường học ở San Jose State University, vì thủ thư tại trường học phải là các giáo viên. Cô chọn học chương trình này vì sợ tuổi tác cao, sẽ không có trường nào mướn cô làm giáo viên, vì giáo viên trẻ tốt nghiệp nhiều quá, nên cô quyết định học thêm một nghề nữa, để phòng thân.
Trong thời gian vào trường trung học Westminster thực tập 3 tháng, thì biết ở trường này cần thêm một giáo viên part time dạy tiếng Việt, ngoài giáo viên chính là cô giáo Thảo Ly, nên cô nộp đơn và làm tại trường từ năm 2007. Vì trước đó, cô biết về chương trình Việt ngữ là một ngôn ngữ mới được cộng đồng Việt Nam vận động đưa vào giảng dạy thành công từ năm 1999 tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach High School District - HBUHSD), nên cô cũng đã lấy được Bilingual Teaching Credential. Nhưng khi cô ra trường thì trường đã có giáo viên dạy Việt ngữ rồi.
Cô Lan Nguyễn tâm sự, “Về sức khỏe, thì tôi thấy mình không có sức chịu đựng tốt, dẻo dai như những thầy cô giáo trẻ, những hoạt động ngoại khóa của lớp Việt ngữ hay của câu lạc bộ VACC (Vietnamese America Culture Club) thì chỉ có cô giáo Thảo Ly và thầy Khang Bảo phụ trách, chứ tôi không đủ sức khỏe tham gia.
“Sinh hoạt nào đòi hỏi sức khỏe, sự năng động của tuổi trẻ là tôi chịu thua, nhưng tôi vẫn dễ dàng bắt nhịp với những thay đổi mới của hệ thống giáo dục, thích ứng được với trào lưu tiến hóa.
“Theo tôi, những người trẻ gốc Việt đến Mỹ từ nhỏ hoặc sanh đẻ tại đây có lợi điểm hơn tôi là họ quen thuộc với nền văn hóa Mỹ này, nhưng một cách nào đó thì tôi thấy tuổi của tôi gần 50 mới bắt đầu đi dạy thì kiên nhẫn hơn, với thâm niên của tuổi tác giúp tôi hiểu vấn đề một cách sâu hơn.”
Cô Lan Nguyễn nói thêm, “Tôi từng học Đại học Văn Khoa tại Sài Gòn trước 1975, được các thầy cô hướng dẫn rất tận tình, với những kiến thức về Hán Nôm, văn phạm Việt ngữ, ngữ học, chính tả Việt ngữ… rất rộng và chuyên sâu, nên khi trở thành giáo viên dạy Việt ngữ cho các em bên này là quá dễ dàng với tôi, nhiều em trẻ làm giáo viên Việt ngữ có thể chưa hiểu rõ nghĩa chữ Hán Việt, còn tôi thì rất vững vàng, đó là điểm thuận lợi khi tôi dạy các em học sinh.
“Chính những kiến thức vững vàng này giúp tôi được học sinh tin tưởng hơn. Thử hình dung một cô giáo dạy tiếng Việt mà viết sai tiếng Việt, trả bài về nhà phụ huynh xem xong thấy cô giáo sửa bài sai, hoặc không phát hiện ra lỗi sai của học sinh thì đó là vấn đề. Tôi luôn tự tin mình nói đúng tiếng Việt, viết đúng chính tả, văn phạm tiếng Việt, chính điểm tự tin của mình làm học trò cũng tin tưởng tôi.”
Tuy nhiên do lớp cô phụ trách gồm 4 lớp Việt 1 căn bản và 2 lớp 3, nên với những em lớp Việt 1, cô vẫn dùng tiếng Anh dạy nhiều hơn dùng tiếng Việt, nhưng những em lớp cao (lớp 3) thì mới mê bài giảng, khi các em hiểu tiếng Việt nhiều, được cô giải thích cặn kẽ thì các em mới thích, “nhiều em nói học lớp của tôi không chỉ học tiếng Việt mà còn dạy cho các em kinh nghiệm sống.”
Cô Lan Nguyễn bộc bạch, “Tôi luôn nghĩ tôi thích được là giáo viên dạy Việt ngữ hơn là giáo viên dạy tiểu học, điều mà tôi vui là tôi vẫn được nói tiếng Việt, vẫn còn được dùng tiếng Việt, được dạy tiếng Việt làm tôi vui nhiều hơn là chỉ là dạy học không thôi. Nói đúng ra, sâu thẳm bên trong tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn truyền bá những vẻ đẹp của ngôn ngữ, văn chương, văn hóa Việt mà tôi từng được học cho các em. Vì trước đây khi học đại học Văn khoa, tôi được các thầy dạy rất nhiều điều hay, nếu tôi không được dạy tiếng Việt, thì các em không có cơ hội được tôi truyền lại những gì đã học được từ các thầy.”
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT