Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại Quận Cam (kỳ 5)

Sunday, 15/03/2015 - 10:25:37

May thay, ngoài giấy phép dạy học chính thức (Teaching Credential) do Bộ Giáo Dục Tiểu Bang cấp, cô còn lấy thêm bằng Bilingual Teaching Credential, nên cô đã được nhận về dạy Việt ngữ tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach) từ niên học 2004 đến nay.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Việt ngữ tại trường trung học (tiếp theo)

Đến Mỹ định cư khi mới 13 tuổi, nhưng vì yêu thích tiếng Việt, văn hóa Việt nên cô giáo trẻ Thảo Ly đã luôn luôn giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình và có hơn 10 năm dạy tiếng Việt cho trường Việt ngữ thuộc nhà thờ Tam Biên. Đến khi quyết định chọn nghề nghiệp, cô chọn học để trở thành giáo viên dạy tiểu học, nhưng ngay thời điểm cô ra trường, tiểu bang California cắt giảm ngân sách giáo dục, nên không có nhu cầu tuyển thêm các giáo viên dạy tiểu học. May thay, ngoài giấy phép dạy học chính thức (Teaching Credential) do Bộ Giáo Dục Tiểu Bang cấp, cô còn lấy thêm bằng Bilingual Teaching Credential, nên cô đã được nhận về dạy Việt ngữ tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach) từ niên học 2004 đến nay.

Cô giáo Quỳnh Trang chụp lưu niệm cùng các học sinh cô giáo. (Hình Quỳnh Trang cung cấp)



Giống như cô giáo Thảo Ly, cô giáo Quỳnh Trang khi đến Hoa Kỳ định cư lúc đang học lớp 7, nhờ đi sinh hoạt tại nhà thờ, có cơ hội làm thiện nguyện viên giúp các em trẻ từ lớp mẫu giáo đến tiểu học tại đây đem lại nhiều thích thú cho Quỳnh Trang trong những sinh hoạt với các em, “nên khi chọn ngành để vô đại học, Quỳnh Trang đã chọn trở thành giáo viên dạy tiểu học, vì đó là công việc Quỳnh Trang ham thích từ nhỏ rồi. Với lại trong gia đình cũng có ông nội và người cô cũng là giáo viên ở Việt Nam, có thể nhờ có gen di truyền làm nghề giáo. Ba mẹ có ủng hộ Quỳnh Trang theo nghề giáo, nhưng cũng có lời khuyên là phải thật yêu nghề thì mới gắn bó dài lâu được với nghề.”
Cũng như cô giáo Thảo Ly, ngay thời điểm cô Quỳnh Trang ra trường, nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiểu học không có, nhưng nhờ có thêm bằng Bilingual Teaching Credential, nên cô giáo Quỳnh Trang được nhận vào làm giáo viên dạy Việt ngữ tại trường Bolsa Grande từ niên học 2004. Ban đầu lớp Việt ngữ chưa nhiều, nên cô còn được phân công dạy thêm hai lớp toán trình độ 1 và 2 tại trường. Sau đó vài năm, số học sinh ghi danh càng ngày càng đông, nên cô dạy toàn thời gian các lớp Việt ngữ tại Bolsa Grande.
Được biết, ở Mỹ, theo thống kê cho biết có tới 1/3 số giáo viên trẻ bỏ nghề sau một năm, khoảng 46% bỏ nghề sau năm năm, và chưa tới một nửa số giáo viên còn gắn bó với nghề sau bảy năm. Hoặc nếu tính theo năm, tỷ lệ bỏ nghề giáo 15.7%, cao hơn khoảng 4% của các nghề khác. Nó trở thành vấn đề báo động trong thời gian gần đây, thúc ép chính phủ hoặc các bang cải cách. Lý do có nhiều, ngoài chuyện cơ hội việc làm và phát triển, mức lương dẫu là đủ sống (nhưng không giàu) vẫn không tương xứng với những áp lực công việc mà giáo viên phải chịu đựng không chỉ từ các học sinh, từ Ban Giám hiệu, học khu, tiểu bang, mà còn với cả phụ huynh, đặc biệt hơn nữa là dư luận xã hội.
Theo cô giáo Thảo Ly và Quỳnh Trang thì để có thể trụ vững với nghề giáo, người giáo viên đó phải thật sự yêu nghề, đam mê và có lý tưởng, chứ không, sẽ rất dễ rời bỏ công việc để tìm một công việc khác nhàn hạ hơn, ít bị stress hơn. Hơn nữa cả hai cô giáo trẻ này còn có gia đình riêng để lo toan, cô giáo Thảo Ly có một con gái nhỏ, còn cô Quỳnh Trang thì có bốn con, bé lớn nhất 8 tuổi, nhỏ nhất 19 tháng. Ngoài ra, cả hai cô giáo này đều là giáo viên cố vấn của câu lạc bộ học sinh Việt Nam tại trường, không chỉ bận rộn với việc soạn bài dạy, bài kiểm tra, bài về nhà, tìm tài liệu, chấm thi, mà các cô còn bận rộn với những sinh hoạt ngoại khóa với các em của câu lạc bộ. Cả hai cô giáo đều cho rằng để vừa làm tốt vai trò người phụ nữ tận tụy của gia đình và người giáo viên tận tâm ở trường học, chính là sự cân bằng tốt cả hai bên, sắp xếp thời gian thật khoa học và lên kế hoạch cho mọi việc trong sự cố gắng hết sức của mình.

Để trở thành giáo viên dạy giỏi

Riêng với việc dạy ở trường, cô giáo Quỳnh Trang chia sẻ bí quyết: “Quỳnh Trang luôn đặt kỳ vọng nơi học sinh. Vì đâu có em nào đi học muốn bị điểm F bao giờ. Vì vậy, nếu là giáo viên, mà mình thờ ơ với việc học của học sinh, không đặt ra mục tiêu nơi chúng thì chúng cũng sẽ buông xuôi việc học. Quỳnh Trang luôn tỏ thái độ tin các em có thể đạt được những mục tiêu Quỳnh Trang đã đặt ra và truyền cho chúng niềm tin đó. Sự kỳ vọng của Quỳnh Trang chính là nhân tố quan trọng kích thích học sinh học tốt và đạt được kết quả cao.
“Còn về quan hệ giữa thầy và trò, Quỳnh Trang nhận thấy, muốn dạy học trò tốt, mình phải hiểu các em. Học sinh ngày hôm nay khác học sinh hồi Quỳnh Trang mới ra trường thế nào? Để mình trở nên gần gũi với các em hơn. Sứ mạng của nhà trường, của giáo viên là phải thông qua giáo dục mà đánh thức các tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển nội lực của các em. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. Và với giáo viên dạy Việt ngữ, thì việc truyền dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt cho học sinh, nhất là với những em gốc Việt còn là một trọng trách giúp gìn giữ, phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt nơi xứ người, bởi ngôn ngữ chính là phương tiện để đưa các em gắn kết với văn hóa, giúp các em gần gũi hơn với cha mẹ, ông bà.”
Theo cô giáo Quỳnh Trang bản thân cô luôn cố gắng truyền tình yêu với ngôn ngữ và văn hóa Việt qua những bài dạy của mình cho học sinh. Cô luôn lấy niềm vui, sự tiến bộ, thành đạt của học sinh làm lý tưởng nghề nghiệp. Làm sao để các em cảm nhận những ngày đi học luôn đầy ắp những điều mới lạ, luôn sáng tạo, đam mê, phấn khởi là điều mà cô không ngừng thực hiện suốt bao năm qua. Vì vậy, khi gặp lại một số học trò cũ từ hồi cô mới vào dạy, nay cũng trở thành giáo viên dạy những bộ môn khác ở chung học khu hoặc chung trường, các em cho biết chính nhìn vào tấm gương của cô Quỳnh Trang, mà họ đã quyết định chọn nghề giáo để theo đuổi, khiến cô rất cảm động.
Cô giáo Thảo Ly thì chia sẻ: “Cũng như những bộ môn khác, để trở thành một giáo viên giỏi thì người giáo viên dạy Việt ngữ cũng không ngoại lệ, kiến thức chuyên môn vững là vô cùng cần thiết, kiến thức xã hội sâu sắc, có cả bề rộng và bề sâu, có phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ học sinh; muốn vậy, người giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức, không ngừng học tập để nâng cao kiến thức. Ngoài những buổi đi training ở học khu, Thảo Ly còn tham gia những buổi tu nghiệp sư phạm do Ban Đại diện các trung tâm Việt ngữ am California tổ chức… Và ngày càng hoàn thiện kiến thức và phương pháp dạy học cho bản thân mình hơn.
“Trong giáo dục tại Hoa Kỳ, luôn coi học trò là trung tâm của quá trình giáo dục, đào tạo. Người giáo viên phải là người biết khơi gợi được trong các em sự say mê học tập, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, biến việc truyền thụ kiến thức của giáo viên từ một phía thành việc quan hệ qua lại hai chiều giữa người dạy và người học, động viên, khích lệ các em trong học tập, tạo hứng thú, ham thích học tập.
“Thảo Ly nghĩ, dù là người có kiến thức giỏi đến đâu nhưng không có phương pháp giảng dạy khoa học, không tạo được sự chủ động, sáng tạo của học sinh thì khó đạt được kết quả cao, nhất là cách truyền đạt ra sao tới học sinh, làm sao để học sinh dễ hiểu trong một khoảng thời gian ngắn nhất, hứng thú với giờ học mới là điều quan trọng. Nếu giáo viên chỉ say sưa với kiến thức mình, nhưng học sinh không hiểu, kiến thức không trở thành của học trò… thì đó là sự thất bại của giáo viên.”
Vì vậy để nâng cao khả năng học tiếng Việt của các em, cô Thảo Ly còn thực hiện chương trình đi “field trip” du ngoạn ngoài trời, theo từng lớp học trong một ngày học bằng xe bus. Lớp Việt 2 các em có bài học ở nhà hàng và ở chợ, các em được đi Phước Lộc Thọ để mua đồ ăn, hỏi giá tiền, đặt món ăn… thường chương trình này diễn ra vào dịp Tết, nên các em còn được đi chợ hoa tại Phước Lộc Thọ và được học thêm về ngày Tết của người Việt Nam. Hoặc trong bài học có nói về món chè, vậy mà có nhiều em vẫn không biết chè là gì. Cô giáo Thảo Ly đã hẹn một ngày sau giờ học, mời các em đến tiệm chè Hiển Khánh, để các em chọn mua chè, rồi cô trò ra công viên ngồi ăn để cùng thảo luận với nhau.
Lớp Việt 4, trong bài học có bài về tôn giáo, vì vậy chương trình “field trip” cho các em đi chùa Đài Loan, được ăn chay tại đây. Vì chùa này có người hướng dẫn nói tiếng Việt, nên giúp các em học cách nghe và hỏi lại các hướng dẫn viên những điều thắc mắc bằng tiếng Việt.
Cô giải thích về việc tạo ra những chương trình học tiếng Việt gắn kết với cộng đồng vì: “Chúng ta may mắn sống ngay tại cộng đồng Việt rất đông, không lẽ dạy các em học tiếng Việt mà chỉ bó buộc các em trong lớp học thôi. Mà cần phải cho các em biết đến văn hóa Việt ngay trong cộng đồng từ bài học thực tế. Nhờ những chương trình này, đã có nhiều em học lớp tiếng Việt càng yêu tiếng Việt hơn, đã tham gia câu lạc bộ tiếng Việt trong nhà trường. Khi lên đại học hoặc college lại tiếp tục học tiếp tiếng Việt…”
Cô Thảo Ly cũng chia sẻ những trăn trở của mình: “Cái khó nhất vẫn là làm sao khuyến khích học sinh có động lực để học, các em có trách nhiệm làm bài tập, tự học… Bây giờ các em có quá nhiều thú vui khiến các em bị phân tâm trong việc học, nào là cell phone, ipad, youtube, mạng xã hội. Thầy cô giáo nào cũng thấy đó là cái khó khăn lôi cuốn các em, để các em có động lực trong việc học. những em đã giỏi rồi rồi thì các em chịu khó học lắm, thầy cô giáo không cần phải khuyến khích nhiều. Các em đó có mục tiêu vào những trường như UC, USC… thì tự biết sẽ chọn những lớp cao ra sao mới vào được những trường đó. Chỉ có những em có vấn đề thì mới cần giúp nhiều. Thảo Ly vẫn có một số học sinh phải gặp Thảo Ly mỗi buổi trưa (giờ trưa 30 phút), hoặc sau giờ học để Thảo Ly kèm thêm giúp các em. Mỗi lớp có khoảng 5 em điểm D, 5 lớp thì nhân lên cũng khá nhiều. Nhiều em vào lớp học thì chịu khó, nhưng không hiểu sao lại không chịu làm bài tập về nhà. Khi Thảo Ly hỏi, thì em nói em quên. Khi nói chuyện với phụ huynh, thì phụ huynh than phiền là em chỉ thích chơi game khi đi học về.Các em bây giờ chơi game và vào mãng lưới internet nhiều quá, thầy cô giáo nào hiện nay cũng gặp phải vấn đề này với các học trò của mình.”
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT